Friday, February 25, 2022

UKRAINE VÀ VIỆT NAM CÓ CHUNG CUỘC CHIẾN THÁNG HAI (Nguyễn Hùng)

 



Ukraine và Việt Nam có chung cuộc chiến tháng Hai

Nguyễn Hùng

25/02/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-v%C3%A0-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B3-chung-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-th%C3%A1ng-hai/6459328.html

 

https://gdb.voanews.com/c42c0000-0aff-0242-1574-08d9f8830c19_w650_r1_s.jpg

Căn nhà đổ nát ở Koshytsa Street, ngoại ô Kyiv, Ukraine, ngày 25 tháng Hai.

 

Kasparov nói Putin không phải là một tay cờ vì nhà lãnh đạo Nga không nhìn bàn cờ mà nhìn người chơi.

 

Chỉ bảy ngày sau khi Việt Nam ghi nhớ cuộc chiến biên giới mà láng giềng Trung Quốc khởi đầu hôm 17/2/1979, Nga đã đưa quân tràn qua biên giới vào Ukraine, nước đứng thứ hai về diện tích ở châu Âu, chỉ sau Nga.

 

Nhà độc tài Vladimir Putin, người đã thay đổi cả hiến pháp Nga để có thể tại vị tới già, đã gây hấn sau chuyến thăm tới Trung Quốc gặp Tập Cận Bình, người cũng có tham vọng cầm lái tại Trung Quốc cho tới khi đầu bạc, răng long.

 

Chuyến đi của Putin tới Trung Quốc cũng không khác chuyến đi của Đặng Tiểu Bình tới Hoa Kỳ trước khi xua quân tràn qua sáu tỉnh biên giới của Việt Nam.

 

Putin cũng gây chiến chỉ bốn ngày sau khi người Ukraine kỷ niệm Cách mạng Phẩm giá hôm 20/2, ngày mà cả trăm người biểu tình ủng hộ dân chủ và nhân quyền đã bị cảnh sát bắn chết ở thủ đô Kyiv trước khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich bỏ trốn sang quốc gia Putin cai quản trong những ngày cuối tháng 2/2014.

 

Đó cũng là năm Nga tiến chiếm Crimea, tròn 40 năm sau khi Trung Quốc chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa hồi năm 1974 từ tay Việt Nam Cộng hoà và cai quản từ đó tới nay.

 

Xung đột giá trị

 

Một trong các lý do Nga gây hấn với Ukraine hồi năm 2014 và hiện nay là sự khác biệt về giá trị.

 

Chính quyền hiện thời ở Ukraine gần hơn với các giá trị về dân chủ và nhân quyền với phương Tây trong khi Nga là một quốc gia độc đoán.

 

Sau khi Yanukovich bị hạ bệ cách đây tám năm vì toan huỷ bỏ thoả thuận thương mại với EU, Ukraine ngày càng rời xa ảnh hưởng của Nga và có tham vọng gia nhập khối hiệp ước quân sự NATO, điều mà Nga tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận.

 

Phương Tây cũng từ chối cam kết với Putin rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO vì như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc NATO luôn mở cửa với bất cứ quốc gia nào muốn gia nhập và Ukraine phải có quyền tự quyết.

 

Nhưng mặt khác NATO cũng để mặc Ukraine một mình đương đầu với quân đội dưới quyền Putin vì sợ một cuộc chiến lan rộng thành thế chiến mà trong đó vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng.

 

Những người bạn Ukraine

 

Trong chuyến đi tới Kyiv hồi đầu năm 2020, tôi có dịp làm việc với hơn 10 nhân viên người Ukraine của BBC.

 

Kể từ đó tới nay, tôi vẫn dõi theo cuộc sống của họ qua Facebook. Những người bạn Facebook của tôi đều sống ở Kyiv và đương nhiên họ có cảm giác vô cùng bất an trong những ngày này.

 

Tôi không biết làm gì hơn là gắn cờ Ukraine vào hình đại diện trên Facebook để thể hiện sự ủng hộ tinh thần với những người bạn cách nơi tôi sống chỉ ba giờ bay. Tôi cũng ký thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ Anh can thiệp quân sự để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá cho người Ukraine dù biết bằng điều này khó có khả năng xảy ra. Vài ngày trước khi Nga đưa quân vào Ukraine, tỷ phú người Anh Richard Branson cũng kêu gọi Anh và các nước đừng bỏ rơi Ukraine, nước từng nghe lời Nga và các quốc gia khác để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới mà họ có hồi năm 1994 vì tin rằng họ sẽ được đảm bảo an ninh.

 

Trên Facebook tôi cũng có nhiều bạn người Nga và cũng có người gắn cờ Ukraine vào hình đại diện trong khi một số người khác nói họ không ủng hộ cuộc chiến của Putin. Hàng ngàn người Nga cũng xuống đường ở Moscow và St Petersburg để phản đối chiến tranh bất chấp chuyện họ bị bắt ngay sau đó.

 

Putin chẳng phải tay cờ

 

Gần hai tuần trước khi Putin ra tay, Đại kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kasparov, người hiện phải sống lưu vong ở Croatia vì dám thách thức Putin, đã nhận định thế giới sai lầm khi coi khủng hoảng hiện nay là “khủng hoảng Ukraine”.

 

Ông Kasparov nói đó là cuộc “khủng hoảng Putin” mà phương Tây đã không ra tay kịp thời khiến “ung thư” lan rộng. Ông Kasparov nhắc lại nhận định của ông từ lâu nay rằng sớm muộn gì Putin cũng gây hấn ở ngoài Nga sau khi đã phá nát nền dân chủ và xã hội dân sự ở Nga.

 

Kasparov nói Putin không phải là một tay cờ vì nhà lãnh đạo Nga không nhìn bàn cờ mà nhìn người chơi. Putin sẽ chỉ ra tay khi thấy đối thủ khoanh tay đứng nhìn các nước cờ của Putin mà “chẳng làm gì cho tới khi có thể nói ‘chẳng còn làm gì được’”.

 

Nhưng tay cờ lão luyện Kasparov cũng nói việc Nga phải dùng sức mạnh cơ bắp để có vị trí trên thế giới cho thấy nước này đã xuống dốc tới đâu dưới sự cai trị trái khoáy của Putin. Ông nói hiện nay người Nga chẳng tin vào chính quyền, mà một trong những biểu hiện gần đây là không tiêm vắc-xin do Nga sản xuất, trong khi đó chính quyền cũng chẳng quan tâm gì tới mạng sống của người dân.





No comments:

Post a Comment