Putin
tấn công Ukraine là đã đi nước cờ sai?
25/02/2022
https://gdb.voanews.com/01b10000-0aff-0242-387d-08d9f8a0b420_w650_r1_s.jpg
Một căn nhà bị
trúng rocket tại Kyiv, Ukraine.
Putin quả thật đã chơi nước cờ hết sức liều lĩnh kể
từ cuối năm 2021. Một mặt, Putin đưa hơn 100,000 quân đến biên giới, tăng cường
đến hơn 150,000 vào giữa tháng 2 năm 2022. Mặt khác...
Thật không ngạc nhiên chút nào khi Putin đã
sau cùng chọn con đường chiến tranh. Putin ra
lệnh cho tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở phía đông Ukraine, mặc
dầu bao nhiêu mạng sống của người dân thường tại đây sẽ phải hy sinh cho hành động
điên rồ của một trong những độc tài hàng đầu của thế kỷ 21.
Những gì đang xảy ra tại Ukraine đã không nằm
ngoài dự đoán của Mỹ và Âu châu. Tình
báo của Mỹ và Tây phương đã biết được quyết định của Putin, chỉ không
biết chính xác ngày giờ của cuộc xâm chiếm thôi. Liền sau khi Putin nói chuyện
trên đài truyền hình Nga, Tổng thống Joe Biden xác
định rằng Putin đã hạ lệnh cho quân đội Nga triển khai vào hai khu vực
thuộc Ukraine, nhưng Putin muốn thiết lập lý do để chiếm nhiều lãnh thổ hơn nữa
bằng vũ lực. Nói một cách đơn giản, Biden cho rằng Putin đang cắt bớt đi một phần
lớn lãnh thổ Ukraine, và đang thiết lập một cơ sở lý luận để tiến xa hơn nữa.
Nhìn lại, phải chăng các hoạt động ngoại giao
liên tục trong những tuần qua chỉ là mất thời gian, vì Putin đã có ý đồ sẵn rồi,
và sẵn sàng dùng vũ lực để đạt được? Thêm vào đó, Putin đưa quân lính và vũ khí
đến đó trước để làm áp lực trước khi đàm phán đâu khác gì thái độ của một kẻ khủng
bố đang dí súng vào con tin của mình và yêu cầu bên kia cứ thương lượng. Nhiều
chuyên gia về Nga, viết trên Foreign Affairs, đều nhận định rằng đối với Putin,
nhượng bộ là một chính sách hoàn toàn phải tránh; điều quan trọng nhất mà không
thể coi nhẹ là phải tiếp tục chính
sách ngăn chặn (containment policy) đối với nước Nga của Putin.
Putin quả thật đã chơi nước cờ hết sức liều
lĩnh kể từ cuối năm 2021. Một mặt, Putin đưa hơn 100,000 quân đến biên giới,
tăng cường đến hơn 150,000 vào giữa tháng 2 năm 2022. Mặt khác, Putin cho công
bố một danh sách gồm 8
điểm yêu cầu Mỹ và Tây phương bảo đảm an ninh cho Nga (*), và biện luận
rằng nếu đồng ý thì sẽ giảm được căng thẳng tại Âu châu và khủng hoảng tại
Ukraine. Khi đưa ra các yêu sách này, Putin thừa hiểu sẽ không có cơ hội nào để
Mỹ và châu Âu thỏa thuận hay nhượng bộ, một phần hay toàn phần. Có lẽ vì vậy
nên Putin đã coi thường các nỗ lực của Tây phương trong việc tham gia đối thoại
nhằm giảm leo thang cuộc khủng hoảng trong nhiều tuần qua. Ngược lại, Putin cho
thấy đã tính toán nước cờ liều, rằng nếu không có thỏa thuận hay nhượng bộ nào
đáng kể, Putin chuẩn bị các bước tiếp theo để biện minh cho việc sử dụng quân sự.
Trong mắt Putin, nếu không đạt được mục tiêu
nào mà rút quân về thì sẽ làm cho Putin lúng
túng và mất mặt. Putin không phải là người muốn thế giới nghi ngờ về sự
cương quyết của mình, hay muốn bị mất mặt với người dân Nga của mình. Dứt khoát
là không, bằng mọi giá. Nếu đã đưa quân đi thì ít nhất là phải mang về thành quả
nào trong tay. Kể cả dạy cho Ukraine một bài học, thái độ giống như Đặng Tiểu
Bình đối với chiến tranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc năm 1979. Nhưng Putin
thực tế hơn, ra lệnh cho quân đội Nga chiếm lấy hai khu vực thuộc Ukraine. Nếu
quân đội Ukraine tấn công, Putin lấy cớ để triển khai hoạt động quân sự mở rộng.
Nếu không thì Putin vẫn có được thành quả cụ thể trong tay.
Putin làm những điều trên một phần vì ông ta
là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Nhưng phần khác là cho mục tiêu chính trị nội
địa. Sự nghiệp chính trị Putin là do xuất thân từ cơ quan tình báo Liên Xô cũ
KGB, nên Putin coi sự cạnh tranh giữa các siêu cường là điều tất yếu. Nhưng
trong mắt Putin, Nga phải luôn chiếm vị thế siêu cường sánh ngang hàng với Mỹ.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2000, ông đã gọi sự
sụp đổ của Liên bang Xô viết là một sự “bi kịch thật sự” và “thảm họa địa chính
trị lớn nhất ” của thế kỷ 20. Mục tiêu của Putin bấy lâu nay là để khôi phục lại
ngôi vị này của Nga mà đã từng có trước đây. Dù có thật sự tin tưởng rằng mình
làm được điều này hay không thì không rõ, nhưng Putin muốn chứng minh ít nhất với
người dân của mình rằng ông ta muốn khôi phục địa vị của Nga trên thế giới, và
chỉ có ông hiện nay mới có khả năng và quyết tâm để tiến hành điều này.
Trước khi Putin hạ lệnh xâm chiếm Ukraine,
Dmitri Trenin, một chuyên gia về Nga viết trên Foreign Affairs vào cuối năm
2021, nhận
định rằng mục tiêu của Putin không phải là xâm chiếm và sát nhập
Ukraine vào Nga, nhưng muốn Mỹ và châu Âu trở lại sự xếp đặt biên giới phía
Đông vào thời điểm hậu Chiến tranh Lạnh mà lúc đó Nga, sau khi Liên Sô sụp đổ,
không có tiếng nói đáng kể nào với NATO. Điều đó có nghĩa rằng Putin không muốn
Ukraine, Georgia, and Moldova trở thành thành viên của NATO, để Nga không phải
lo lắng an ninh về biên giới phía Tây của mình. Putin cũng cảm thấy an tâm hơn
nếu đẩy được các tên lửa tầm trung của Mỹ ra khỏi châu Âu. Cho nên qua vụ
Ukraine, Putin sửa soạn và điều khiển những nước cờ như thế để chuẩn bị cho bầu
cử của Nga vào năm 2024.
Giờ đây biện pháp quân sự đã được Putin cho tiến
hành. Nước Ukraine, và thế giới nên đối phó với một nước Nga của Putin hung hãn
và xấc xược như thế nào?
Các biện pháp trừng
phạt mạnh mẽ chưa từng có lên nước Nga đã được Tổng thống Biden,
Âu châu, Úc v.v… đã công bố.
Về phần Ukraine, rõ ràng Ukraine không thể, và
không nên, lấy trứng chọi đá khi quân Nga đang có khả năng quân sự khủng khiếp
hơn mình. Chiến tranh du kích/nổi loạn, nếu kéo dài, có thể làm cho Nga sau
cùng phải rút quân về. Biện pháp này khó thành hơn vì Nga sát bên cạnh Ukraine,
nên không cần phải điều quân đi xa, tốn kém như Liên Sô từng xâm chiếm nhưng
sau cùng sa lầy tại Afghanistan. Tuy nhiên, dù kết quả ra sao thì người dân
Ukraine bày tỏ sự quyết tâm chiến đấu đến cùng.
Douglas London, cựu chuyên viên cao cấp của
CIA với 34 năm kinh nghiệm, biện
luận trên Foreign Affairs vào ngày 25 tháng 2 rằng, “Nếu Nga giới hạn
cuộc tấn công ở phía đông và nam Ukraine, một chính phủ Ukraine có chủ quyền sẽ
không ngừng chiến đấu. Họ sẽ được sự hỗ trợ quân sự và kinh tế đáng đúng đắn từ
nước ngoài và sự hậu thuẫn của người dân đoàn kết. Nhưng nếu Nga tiếp tục chiếm
phần lớn đất nước và thiết lập một chế độ bù nhìn do Điện Kremlin chỉ định ở
Kyiv, thì một cuộc xung đột kéo dài và gai góc hơn sẽ bắt đầu. Putin sẽ phải đối
mặt với một cuộc nổi dậy đẫm máu kéo dài có thể lan rộng qua nhiều biên giới,
thậm chí có thể tiến vào Belarus để thách thức Tổng thống Belarussian Alexander
Lukashenko, đồng minh thân thiết của Putin. Tình trạng bất ổn ngày càng gia
tăng có thể gây mất ổn định cho các quốc gia khác trong quỹ đạo của Nga, chẳng
hạn như Kazakhstan, và thậm chí tràn sang chính nước Nga. Khi xung đột bắt đầu,
những kết quả không thể đoán trước và không thể tưởng tượng được có thể trở
thành hiện thực. Putin có thể không chuẩn bị cho cuộc nổi dậy - hoặc các cuộc nổi
dậy - sắp xảy ra.”
Malinda Haring, Phó Giám đốc Trung tâm Á-Âu của
Hội đồng Đại Tây Dương, tin tưởng vào thế tất thắng do quyết tâm, gan dạ của
người dân Ukraine để chiến đấu tới cùng. Viết trên Foreign Affairs ngày 25
tháng 2, Haring kể
câu chuyện như sau: “Cách bờ biển Ukraine 20 dặm, trên Biển Đen, là Đảo
Rắn. Vào ngày xâm lược, một tàu Nga tiến đến hòn đảo và yêu cầu 13 lính biên
phòng đóng ở đó hạ vũ khí. Họ từ chối làm như vậy và tất cả đều bị giết. Đảo Rắn
nhỏ bé, chỉ hơn một tảng đá phủ đầy cỏ giữa đại dương, nhưng những người bảo vệ
nó không chịu khuất phục. Cuối cùng thì tại sao Nga lại thất bại và Ukraine lại
thắng thế? Vì sự can đảm như vậy.”
Michael Kofman và Jeffrey Edmonds, hai chuyên
viên nghiên cứu về Nga, viết trên
Foreign Affairs ngày 22 tháng 2 rằng cuộc nổi dậy (insurgency), đặc biệt là nếu
được tài trợ từ bên ngoài, có thể vẫn làm tiêu hao các lực lượng và tài nguyên
của Nga qua thời gian. Nhưng hai ông cảnh báo rằng nó cũng có thể là khởi đầu của
một loạt cuộc khủng hoảng giữa NATO và Nga, mà đây là lần đầu tiên sau nhiều thập
kỷ, an ninh châu Âu đứng trên bờ vực thẳm.
James Hershberg, Giáo sư về Lịch sử và Vấn đề
Quốc tế tại đại học George Washington, biện
luận trên Foreign Affairs vào ngày 24 tháng 2 rằng “Khát vọng hoài cổ
của Putin là tái tạo lại Liên Xô một cách hiệu quả (mà không có cơ sở lý luận
toàn cầu về ý thức hệ, vì Putin chỉ đại diện cho chế độ chuyên quyền và sức mạnh
của Nga), nếu cần bằng vũ lực, đã dẫn Nga đến chiến tranh.” Là sản phẩm của Chiến
tranh Lạnh, nhưng vì học sai nên Putin lập lại những lỗi lầm của Liên Sô trước
đây.
Phải chăng Putin tính sai nước cờ vì bao bọc
chung quanh ông ta bấy lâu nay đều là những người trung thành nhất, và thường họ
chỉ muốn nói những gì ông ta muốn nghe thôi?
-----------------
Chú thích:
(*) Danh sách này bao gồm NATO không cho Ukraine gia
nhập thành viên; giới hạn triển khai quân đội và vũ khí của NATO đến biên giới
phía Đông, nghĩa là đưa quân đội NATO trở về lại vị thế đóng quân năm 1997 trước
khi mở rộng, mà phần lớn là các quốc gia Đông Âu; chấm dứt hỗ trợ quân sự của
Tây phương cho Ukraine và lệnh cấm tên lửa tầm trung ở châu Âu v.v…
No comments:
Post a Comment