Tính toán sai lầm và tàn bạo của
Putin
Hiếu
Chân/Người Việt
February 25, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tinh-toan-sai-lam-va-tan-bao-cua-putin/
Trái với dự đoán, ông Vladimir Putin, tổng thống
đầy hoang tưởng của Nga, đã chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược
Ukraine, một quốc gia láng giềng ở phía Tây nước Nga.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/02/A1-Putin-tan-bao-1068x713.jpg
Một tòa nhà ở Kiev
bị hỏa tiễn Nga phá hủy vào sáng sớm 25 Tháng Hai. (Hình: Chris McGrath/Getty
Images)
Sáng sớm Thứ Năm, 24 Tháng Hai, quân đội Nga –
được tập trung tới 190,000 người từ vài tháng trước ở biên giới – đã đồng loạt
mở cuộc tấn công ào ạt vào Ukraine từ nhiều hướng, bắn phá các thành phố, thị
trấn làng mạc và tiến về thủ đô Kiev. Hàng đoàn người Ukraine đã tháo chạy khỏi
Kiev và các thành phố lớn khác. Ukraine cho biết Nga đã không kích vào các sân
bay, trong đó có phi trường lớn nhất của Kiev. Đến 25 Tháng Hai đã có nhiều
ngàn người Ukraine tản cư sang nước Ba Lan láng giềng.
Sang ngày thứ hai của chiến tranh, vào Thứ
Sáu, 25 Tháng Hai, thủ đô Kiev của Ukraine hứng chịu những trận ném bom dữ dội,
hỏa tiễn và rốc két phóng vào các khu dân cư trong lúc quân tấn công của Nga tiến
về phía các cơ quan chính phủ Ukraine. Các lực lượng phòng ngự của Ukraine tổ
chức ngăn chặn quân Nga ở vùng ngoại ô thủ đô – thành phố có 2.8 triệu dân. Có
tin quân Nga đã chiếm được phi trường Hostomel ở phía Bắc Kiev, chỉ cách thủ đô
7 km song quân đội Ukraine nói họ vẫn kiểm soát phi trường quan trọng này.
Từ London, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace
nói với đài BBC rằng sự đánh giá được xác nhận của các cơ quan tình báo Anh cho
thấy các lực lượng Nga “cho đến nay đã không đạt được mục tiêu” đặt ra cho ngày
đầu tiên xâm lược Ukraine. Ông Wallace cũng nhận định Tổng Thống Putin cho đến
nay đã thất bại trong nỗ lực đánh chiếm một phi trường chủ yếu ở phía Bắc thủ
đô Kiev. Quân xâm lược Nga cũng đã tổn thất khoảng 450 binh sĩ, một số lượng lớn
xe tăng và cho đến nay vẫn chưa chọc thủng được tuyến phòng ngự của Ukraine ở
vùng Donbass, nơi có các khu vực ly khai mà ông Putin vừa công nhận là các “quốc
gia độc lập” thân Nga là Donetsk và Luhansk.
Trong khi đó, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov
nói Nga bác bỏ đề nghị đàm phán của Ukraine. Tại một cuộc họp báo ở Moscow, ông
Lavrov nói ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, “đang dối trá” khi nói
ông ta sẵn sàng thảo luận một quy chế trung lập cho Ukraine. Cũng chính ông
Lavrov cách đây vài tuần đã khẳng định Nga sẽ không bao giờ tấn công Ukraine
trước.
Nhưng ông Lavrov đã bị ông Putin làm cho bẽ mặt
khi ngay sau đó, ông Putin – thông qua ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện
Kremlin – khẳng định Nga sẵn sàng gửi phái đoàn tới thủ đô Minsk của Belarus để
đàm phán với Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn nhấn mạnh điều kiện đàm phán là
Ukraine phải “phi quân sự hóa và giải trừ chế độ phát xít” – nghĩa là Ukraine
phải “đầu hàng,” một điều kiện mà Kiev chắc chắn không bao giờ chấp nhận.
Các quan chức cao cấp trong chính quyền Joe
Biden bày tỏ lo ngại thủ đô Kiev sẽ sớm thất thủ trước sức tấn công mãnh liệt của
các lực lượng Nga. Trước đây, các nhà bình luận quốc tế đã dự đoán Ukraine có
thể thất thủ trong 72 giờ đồng hồ do chênh lệch quá lớn về cán cân quân sự giữa
hai nước Ukraine và Nga.
Cuộc chiến phản
tác dụng
Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà Tổng Thống
Joe Biden gọi là “phi lý và vô nghĩa” sau hai ngày đụng độ vẫn làm cho các nhà
phân tích cảm thấy khó hiểu. Những người có đầu óc bình thường hầu như đều cho
rằng, trong thời đại ngày nay, chiến tranh không phải là giải pháp cho các vấn
đề chính trị và quốc tế. Cuộc xâm lăng Ukraine, một quốc gia độc lập và có chủ
quyền, là một hành động không thể biện minh được. Ông Putin có thể sẽ chiếm được
toàn bộ lãnh thổ Ukraine trong vài ngày tới nhưng cuộc xâm lược và chiếm đóng
Ukraine sẽ đẩy nước Nga vào thảm họa cả về kinh tế – chính trị lẫn uy tín quốc
tế. Đã có thể hình dung Ukraine tương lai là một ác mộng Afghanistan của Liên
Xô trong quá khứ – sau 10 năm chiếm đóng, tổn thất hàng vạn binh sĩ, cuối cùng
Liên Xô cũng phải rút ra khỏi Afghanistan trong ô nhục. Cân nhắc lợi ích và cái
giá phải trả, rõ ràng ông Putin đã chọn một giải pháp sai lầm.
Ông Putin nói ông không có ý định chiếm đóng
Ukraine nhưng đến nay không có nhiều người tin vào những tuyên bố bất nhất, mâu
thuẫn và đầy dối trá của nhà lãnh đạo Nga. Nhưng cho dù chiếm được Ukraine, đất
nước có 44 triệu dân và diện tích gấp đôi nước Việt Nam, dựng lên ở đó một
chính quyền “chư hầu” của Moscow thì Nga sẽ giải quyết được vấn đề gì? Biên giới
phía Đông của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sẽ không bao gồm Ukraine
– như tình trạng hiện nay và như yêu sách hàng đầu của ông Putin – nhưng điều
đó có bảo đảm an ninh của Nga sẽ không bị đe dọa nếu nổ ra xung đột giữa Nga và
phương Tây?
Cuộc xâm lược của Nga chẳng những không làm
phương Tây sợ hãi mà còn là yếu tố chính thúc đẩy NATO gia tăng lực lượng phòng
thủ ở sườn phía Đông. Trong vài tuần qua, Hoa Kỳ đã liên tục chuyển các lực lượng
tinh nhuệ tới Ba Lan và Đức, phối hợp với các đơn vị của NATO ở Đông Âu sẵn
sàng ứng phó nếu chiến tranh lan rộng. Các hệ thống đánh chặn hỏa tiễn của Hoa
Kỳ ở Romania và Ba Lan đang được khởi động – đặc biệt căn cứ phòng thủ hỏa tiễn
tại Ba Lan, chỉ cách biên giới Nga 100 km và có thể phóng hỏa tiễn Tomahawk tới
tận thủ đô Moscow mà Nga khó trở tay kịp. Đây mới chính là mối đe dọa an ninh
mà Nga phải lo sợ, cho dù Ukraine có gia nhập NATO hay không.
Ông Putin trong bài phát biểu phát động chiến
tranh đã nói Nga sẽ có phản ứng tức thì và khủng khiếp nếu phương Tây can thiệp
ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, hàm ý đe dọa sử dụng vũ khí nguyên
tử. Đáp lại, lãnh đạo NATO và Pháp nhấn mạnh, ông Putin nên biết NATO có vũ khí
nguyên tử, số lượng và độ tinh vi không hề thua kém Nga, nếu không nói là vượt
trội hơn. Xét nhiều yếu tố, Nga khó có thể ra tay trước bằng vũ khí nguyên tử nếu
ông Putin không muốn đưa dân tộc ông trở lại thời kỳ đồ đá.
Trong cuộc hội đàm qua điện thoại với ông Tập
Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, hôm 25 Tháng Hai, ông Putin than phiền Hoa Kỳ và
NATO đã không đoái hoài tới “những mối quan tâm chính đáng” của Nga, và có thể
mặc cảm bị coi thường đã thúc đẩy ông Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine. Nếu
chỉ để thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo phương Tây tới các yêu sách của
mình mà gây ra bom rơi đạn nổ thì ông Putin quả là một chính khách máu lạnh, một
“thằng điên” như nhận xét của ông Petro Poroshenko, cựu tổng thống Ukraine,
trên đài CNN sáng 25 Tháng Hai.
Cuộc xâm lược Ukraine đang làm thay đổi cấu
trúc an ninh của Châu Âu, nhưng theo hướng ngược lại với ý đồ của ông Putin.
Kinh tế Nga: Sụp đổ
hay lệ thuộc Trung Quốc?
Hành động chiến tranh của ông Putin đã gặp phải
sự phản đối mạnh mẽ trên thế giới và cả trong nước Nga. Và cùng với những lời
phản đối ngoại giao là những biện pháp cấm vận kinh tế mạnh mẽ chưa từng thấy.
Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật, Canada, Úc, Nam Hàn đều đã lên tiếng công bố những chính
sách cấm vận các ngân hàng, công ty năng lượng, công nghệ và vũ khí Nga. Bản
thân ông Putin và các cận thần của ông ta cũng đã bị phong tỏa các tài sản mà họ
sở hữu ở phương Tây.
Đường ống Nord Stream II trị giá $11 tỷ dẫn
khí đốt của Nga sang thị trường tiêu thụ ở Tây Âu đã bị chính phủ Đức ra lệnh
ngừng phê chuẩn ngay sau khi tiếng súng xâm lược nổ ra ở Ukraine. Trong kế hoạch
cực đoan nhất, phương Tây có thể loại các ngân hàng và tổ chức tài chính Nga ra
khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT (Society for Worldwide
Interbank and Financial Telecommunication – Hiệp Hội Viễn Thông Liên Ngân Hàng
Và Tài Chính Quốc Tế) – một biện pháp chắc chắn đẩy kinh tế Nga tới chỗ phá sản.
Nga vốn đã quen với những cuộc cấm vận kinh tế của phương Tây từ khi Moscow xâm
lấn và sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Từ đó, Nga đã nỗ lực tích trữ ngoại tệ
và xây dựng nền kinh tế tự túc tự cấp, sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập cảng.
Tuy vậy các công ty công nghệ và vũ khí của Nga phụ thuộc gần như hoàn toàn vào
linh kiện điện tử của phương Tây; các ngân hàng phụ thuộc vào hệ thống thanh
toán quốc tế; còn các nhà xuất cảng lúa mì và nhiên liệu sống nhờ vào thị trường
tiêu thụ rộng lớn ở nước ngoài.
Nhưng lần này, các biện pháp cấm vận sẽ gay gắt
hơn rất nhiều. Một ví dụ, chính phủ Anh đã chính thức cấm hãng hàng không quốc
gia Aeroflot của Nga bay tới các phi trường Anh; giáng một đòn nặng vào giới
doanh nhân và tài phiệt Nga, là những kẻ đầu cơ rất nhiều bất động sản cao cấp
và trương mục ngân hàng ở London.
Lần này, Nga có thể dựa vào Trung Quốc để hóa
giải các biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây. Bộ Kinh Tế Nga nói họ sẽ
tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với Châu Á để chống lại mối đe dọa từ
phương Tây. Với thị trường khổng lồ, Trung Quốc có thể giúp Nga hạn chế nhiều
thiệt hại từ các biện pháp cấm vận của phương Tây. Nhưng điều đó có nghĩa là
Nga sẽ phải nhảy múa theo tiếng nhạc của Bắc Kinh, càng ngày càng phụ thuộc vào
Trung Quốc và phải nhượng bộ những tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh ở vùng
Viễn Đông, Bắc Cực và Trung Á – các vùng đang nằm trong ảnh hưởng của Nga. Một
sự đánh đổi nhiều cay đắng khi “Gấu Nga” gây sự với phương Tây để rồi bị con rồng
phương Đông khuất phục, phải chịu thân phận đàn em.
Từ Ukraine đến Đài
Loan và phản ứng của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ sẽ không can dự quân sự để bảo vệ
Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga, đơn giản vì Hoa Kỳ không có nghĩa vụ
phải làm như vậy với một quốc gia không thuộc NATO mà cũng không có hiệp ước
tương trợ an ninh với Hoa Kỳ. Những gì làm được cho Ukraine như viện trợ quân sự
và vũ khí, huấn luyện binh sĩ, chia sẻ thông tin tình báo thì Washington đã làm
rồi và những việc đó không ngăn được hành động điên cuồng của ông Putin. Hiện
các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ có 16% dân Mỹ tán thành việc đưa quân đội
tham chiến ở Ukraine, ngăn chặn Nga nên Tổng Thống Joe Biden chắc chắn sẽ không
tính tới giải pháp can dự bằng vũ lực.
Chính sách đó của Hoa Kỳ ở Ukraine làm nhiều
người lo ngại Trung Quốc lợi dụng tình thế để lấn tới ở phương Đông, tấn công
xâm lược Đài Loan, tấn công các hòn đảo của Việt Nam, Philippines ở Biển Đông.
Bắc Kinh là bậc thầy của chủ nghĩa cơ hội; họ không bỏ qua bất cứ mối lợi nào
dù nhỏ để bành trướng thế lực. Lợi dụng lúc thế giới đang chú mục tới cuộc chiến
tranh ở Châu Âu, Trung Quốc có thể bất ngờ ra tay để tạo ra tình huống “sự đã rồi.”
Tuy vậy, giữa Ukraine và Đài Loan, giữa quan hệ
Mỹ-Nga với quan hệ Mỹ-Trung có nhiều chỗ khác biệt về chiến lược an ninh của Mỹ
cũng như về nghĩa vụ của Hoa Kỳ. Đạo luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations
Act) ban hành Tháng Mười, 1979, không bảo đảm Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu
Trung Quốc tấn công xâm lược Đài Loan nhưng cũng không từ bỏ điều đó, trong
chính sách gọi là “sự mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity). Luật quy định tổng
thống có quyền ra quyết định bảo vệ Đài Loan khi có được sự chuẩn thuận của Quốc
Hội Hoa Kỳ. Mà lưỡng viện Quốc Hội hiện đang rất đồng tâm trong việc chống lại
tham vọng bá chủ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bối
cảnh đó, nếu Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Đài Loan như Nga đang
làm với Ukraine thì chắc chắn phản ứng của Hoa Kỳ sẽ khác.
Nên để ý lập trường của Trung Quốc trước hành
động chiến tranh của ông Putin. Bắc Kinh một mặt cương quyết không gọi hành động
quân sự của Nga là cuộc xâm lược (invasion), một mặt kêu gọi tôn trọng chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, một mặt khác liên tục khẳng định Đài
Loan không phải là Ukraine. Thâm ý của ông Tập Cận Bình là gì? Ông Tập không
công khai tán thành hay lên án hành động xâm lược của ông Putin, cho rằng Nga
phải tôn trọng độc lập của Ukraine nhưng đồng thời nhắc lại Đài Loan không phải
là quốc gia độc lập mà chỉ là một bộ phận ly khai của lãnh thổ Trung Quốc. Nếu
như cuộc xâm lược Ukraine là “phi lý và vô nghĩa” thì Trung Quốc nghĩ cuộc tấn
công Đài Loan của họ, nếu xảy ra, là điều có thể biện minh được. Thâm ý đó cho
thấy ông Tập Cận Bình đang tính toán kế hoạch thâu tóm Đài Loan, có thể không
diễn ra ngay trong năm nay nhưng cũng không còn chờ đợi lâu nữa.
Một thế giới lưỡng
cực
Cuộc chiến Nga-Ukraine là một bước phát triển
mới thúc đẩy thế giới chia thành hai cực: một bên là những chế độ chuyên chế,
hiếu chiến và bành trướng với Nga và Trung Quốc liên kết và một bên là các thể
chế dân chủ tự do do Hoa Kỳ dẫn dắt. Sự phân cực này không chỉ về chính trị và
an ninh mà còn ảnh hưởng tới tất cả các phương diện khác như hệ thống tài
chính, nguồn cung ứng hàng hóa, vùng nguyên liệu, thị trường, mạng lưới giao
thông và tiêu chuẩn công nghệ. Sẽ có lúc, hàng hóa, dịch vụ giao thương với các
nước cực này sẽ không tương thích với các nước ở cực bên kia.
Các nước nhỏ, dù muốn hay không, đều bị buộc
phải chọn một phía. Việt Nam từ trước đến nay vẫn chơi trò đu dây giữa các cường
quốc. Khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, Việt Nam cùng một số nước khác vẫn giữ
thái độ im lặng, “hết sức quan tâm về xung đột quân sự ở Ukraine,” không lên án
Nga vì Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Hà Nội. Báo chí Việt Nam còn
tránh đưa những thông tin bất lợi cho Nga và các dư luận viên do nhà nước điều
khiển thậm chí còn lên mạng xã hội cổ xúy cho hành động sát nhân tàn bạo của
ông Putin, tấn công những tiếng nói lên án cuộc chiến tranh phi lý và vô nghĩa.
Nhưng về lâu dài, thái độ bắt cá hai tay,
không đứng về phía nào sẽ không mang lại lợi ích cho Việt Nam, một khi ông Tập
Cận Bình làm theo sách của ông Putin thì lợi ích chính đáng của Việt Nam sẽ bị
thiệt hại nặng. (Hiếu Chân) [qd]
No comments:
Post a Comment