Tuesday, February 22, 2022

QUAN HỆ NGA - UKRAINE : TỪ CUỘC LY DỊ VĂN MINH ĐẾN CHIẾN TRANH THẾ GIỚI (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)

 



 

Quan hệ Nga – Ukraine: Từ cuộc ly dị văn minh đến chiến tranh thế giới

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG  -  LUẬT KHOA

21/02/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/02/quan-he-nga-ukraine-tu-cuoc-ly-di-van-minh-den-chien-tranh-the-gioi/

 

Ukraine có phải luôn thuộc về Nga, vai trò của phương Tây ra sao và Nga có đang hóa rồ?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/russia-ukraine-1024x768.jpg

Bản đồ Ukraine - Nga. Ảnh: Washington Post

 

Những ngày qua, khả năng xảy ra một cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine đã trở nên cận kề hơn bao giờ hết. Trong tình hình đó, người viết xin mời các độc giả Luật Khoa cân nhắc và xem xét lại một số luận điểm, thông tin đang được sử dụng khá nhiều tại Việt Nam để định hướng quan điểm của công chúng về cuộc chiến.

 

Người viết thừa nhận rằng những thông tin mình đưa ra cũng có tính định hướng nhất định. Không ai mà không có quan điểm riêng. Tuy nhiên, bài viết có lồng ghép một số chi tiết về pháp luật quốc tế, với hy vọng đồng thời tạo ra một cái nhìn khách quan hơn về lịch sử giữa hai quốc gia và tình hình căng thẳng hiện nay.

 

1. “Ukraine luôn là một phần đương nhiên của Nga”: Lenin nghĩ khác bạn

 

Đây là luận điểm phổ biến nhất của các nhóm dân tộc chủ nghĩa Nga: Ukraine luôn thuộc về Nga trong lịch sử, là lãnh thổ máu thịt của Nga; một nước Nga hùng cường là một nước Nga có Ukraine.

 

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, trong một thời gian dài, Ukraine luôn là một đồng minh nhưng chưa bao giờ là “nước Nga” của họ.

 

Trước tiên, gốc gác của cả Nga và Ukraine hiện đại là vương quốc Kievan Rus (thành lập vào cuối thế kỷ thứ 9). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phần lớn Kievan Rus nằm trên lãnh thổ Ukraine hiện đại. Thủ đô của vương quốc cũng là Kiev (thủ đô của Ukraine ngày nay). [1] Sau ba thế kỷ, sự hưng thịnh và quyền lực chính trị đối với châu Âu trung đại của Kiev kết thúc gần như hoàn toàn sau cuộc xâm lược và sức tàn phá kinh khủng của quân Mông Cổ vào thế kỷ thứ 13.

 

Từ thời điểm đó, lịch sử phát triển của tàn tích Kievan Rus tách biệt gần như hoàn toàn khỏi lịch sử phát triển của lãnh thổ Nga đương đại ngày nay.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/Kyivan-Rus.jpg

Lãnh thổ vương quốc Kyivan Rus vào thế kỷ 11. Ảnh: Britannica.

 

Lãnh thổ của Ukraine lần lượt bị các vương quốc phong kiến – nay là Ba Lan và Lithuania – thôn tính. Phải đến tận thế kỷ 18, giới Sa Hoàng Nga mới đặt quyền thống trị của mình trở lại vùng lãnh thổ Ukraine ngày nay. Và đây là mối quan hệ giữa dân tộc thống trị với dân tộc bị trị chứ cũng không cơm lành canh ngọt gì cho cam.

 

Như vậy, có thể thấy, sự phát triển giữa Nga và Ukraine không gắn bó keo sơn như nhiều người tưởng tượng. Thật ra điều này cũng được phản ánh trong chính quan niệm và cách nhìn của giới lãnh đạo cấp cao Liên Xô và sau đó là Nga. 

 

Hãy nói đến nhà cách mạng lập quốc của Liên Xô, Vladimir I. Lenin. 

 

Ngay từ năm 1917, Lenin khẳng định rằng một liên hiệp “tự do” giữa Nga và Ukraine sẽ không thể thành hình nếu bất kỳ người Nga nào còn từ chối quyền ly khai đương nhiên của người dân Ukraine. Ông khẳng định, sự thống trị của người Nga đối với người dân Ukraine thật ra là hệ quả lịch sử của chế độ phong kiến bóc lột Sa Hoàng. Chỉ khi nào người Nga thừa nhận điều đó, cũng như thừa nhận quyền dân tộc tự quyết không thể bị khước từ của “dân tộc Ukraine”, khi đó sự hợp tác hòa thuận giữa hai dân tộc mới có thể thành hình. [2]

Góc nhìn rất rõ ràng về sự tách bạch giữa hai dân tộc Nga và Ukraine được hầu hết các đời lãnh đạo Liên Xô, cũng như các nhà lãnh đạo của các nền cộng hòa biệt lập bên trong Liên Xô kế thừa.

 

Năm 1991, khi Leonid Kravchuk (lãnh đạo của Ukraine) đề xuất gặp mặt với lãnh đạo Nga Boris Yeltsin và lãnh đạo Belarus Stanislav Shushkevich để cùng bàn thảo về tương lai và định hướng của ba quốc gia (kết thúc với bản hiệp ước xác nhận cái chết của Liên bang Xô viết), [3] cả ba người đều hiểu ba dân tộc Nga, Ukraine và Belarus là những hộ gia đình chung con hẻm, nhưng chưa bao giờ thật sự chung nhà.

 

Điều này được minh chứng bằng một cuộc ly hôn văn minh giữa ba quốc gia tại thời điểm mà đại đa số người dân của cả ba nước đều cảm thấy sự gắn kết keo sơn giữa họ là không cần thiết.

 

Hiển nhiên người Nga có thể gọi tên hàng chục người Ukraine đã từng có những đóng góp quan trọng cho đời sống văn hóa và chính trị Nga như  Gogol, Trotsky, Bulgakov hay Brezhnev. Song điều này không làm thay đổi sự thật là lãnh thổ Ukraine cũng như người Ukraine chưa từng xem họ là “người Nga”. Đó là sự thật mà đến cả Lenin cũng đã phải ghi nhận.

 

2. Phương Tây ép Nga vào thế đường cùng hay Nga đang hóa rồ?

 

Không chỉ có người dân bình thường mới cảm thấy rối loạn về việc nên tiếp cận cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine ra sao. Những học giả, những nhà quan sát lừng danh cũng có cách nhìn choảng nhau chan chát.

 

John Mearsheimer, giáo sư trường Đại học Chicago, nhà lý thuyết chính trị có ảnh hưởng bậc nhất trong thời đại của ông, khẳng định “khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây”. [4]

 

Ngược lại, Andrew Wilson, giáo sư trường University College London, một sử gia hàng đầu châu Âu chuyên về Đông Âu, nói ngắn gọn rằng “Nga đang hóa rồ” (the Russians went ape). [5]

 

Vậy điều gì thật sự đang xảy ra?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/478327894787234.jpg

Một cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine do Pháp và Đức chủ trì tại Điện Elysee (Paris) vào tháng 12/2019. Ảnh:

 

Việc diễn giải hai cách tiếp cận phụ thuộc rất lớn vào tư duy pháp lý và nhân sinh quan triết học của mỗi người. Đối với khủng hoảng Ukraine, có hai tư duy thống trị là “realism” (chủ nghĩa hiện thực) và “international liberalism” (chủ nghĩa cấp tiến quốc tế).

 

Nhóm có góc nhìn hiện thực thường yêu cầu các quốc gia tôn trọng thực trạng chính trị khu vực của Ukraine và Nga (hay “status quo”, tức tình trạng hiện tại). Nói cách khác, nếu Ukraine là vùng ảnh hưởng của Nga trong lịch sử, hãy để Ukraine tiếp tục là vùng ảnh hưởng của Nga. Việc phương Tây nhúng tay vào Ukraine tự thân nó đã là một hành động “sai trái” không cần phải hỏi han gì thêm, khi nó gây xáo trộn trật tự sẵn có của khu vực.

Những người theo tư duy này cho rằng ngay cả khi bản thân người dân Ukraine mong muốn tham gia Liên minh Châu Âu hay tổ chức quân sự NATO, Ukraine cũng sai, vì như vậy là xâm phạm quyền lợi của Nga.

 

Họ từ đó khẳng định Nga hành động hợp tình hợp lý nếu họ xâm lược Ukraine.

 

Trong khi đó, theo quan điểm của chủ nghĩa cấp tiến quốc tế, vốn sử dụng pháp luật quốc tế làm nền tảng cho các lập luận của mình, sẽ rất khó hiểu vì sao quyền dân tộc tự quyết của một quốc gia lại phải nằm dưới sự ảnh hưởng của “status quo” trong khu vực.

 

Tương tự như vậy, nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ (territorial integrity) – nguyên tắc quan trọng nhất trong pháp luật quốc tế – cũng không cho phép chúng ta chấp nhận việc một quốc gia có thể tấn công hay xâm lược một quốc gia khác chỉ bởi vì trật tự chính trị sẵn có bị “đe dọa”. Hành động này không khác gì đưa thế giới quay lại thời kỳ cận đại của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, khi các nước lớn nắm trong tay toàn quyền sinh sát.

 

3. Mỹ có tiêu chuẩn kép khi nói về Ukraine?

 

Một trong những luận điểm phổ biến khác để phê phán phương Tây là việc Hoa Kỳ đã từng phản ứng mạnh mẽ khi Nikita Khrushchev, lãnh đạo của Liên Xô trong thập niên 1950 – 1960, bí mật chuẩn bị xây dựng căn cứ tên lửa hạt nhân tầm trung trên đất Cuba. Đó là kế hoạch quốc phòng vào năm 1962 của Liên Xô, và nếu được xây dựng thành công, hệ thống tên lửa này có thể bao phủ toàn bộ bờ Tây và kể cả nhiều khu vực bờ Đông của Hoa Kỳ. [6]

Hệ thống tình báo Hoa Kỳ phát hiện ra sự vụ nhanh hơn Moscow tưởng tượng, và Washington quyết định thành lập cái gọi là “vùng cách ly” (quarantine zone) để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực vận chuyển thêm khí tài quân sự nào từ Liên Xô đến Cuba.

 

Căng thẳng leo thang, và thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/23a1_xorc-1024x783.jpg

Hội nghị thượng đỉnh giữa Khrushchev (trái) và Kennedy vào tháng 6/1961. Ảnh: Reuters.

 

Sau nhiều cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Khrushchev, cả hai quốc gia quyết định nhượng bộ nhau. Liên Xô rút hệ thống tên lửa hạt nhân về nước, còn Hoa Kỳ hứa sẽ không can thiệp quân sự vào Cuba và cũng bí mật rút lại hệ thống tên lửa mình đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ vài năm trước đó.

 

Luận điểm này được chính các đại diện ngoại giao Nga nhắc đến trước tiên. [7]

 

Người viết đồng ý với cách so sánh này, và nghiêm túc mà nói thì rất nhiều chuyên gia pháp luật quốc tế lẫn quan hệ quốc tế nhiều lần dùng đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba để tìm kiếm hướng giải quyết cho khủng hoảng Ukraine. [8]

 

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thỏa thuận giữa Kennedy và Khrushchev đạt được là nhờ vào sự nhượng bộ của cả hai bên: Hoa Kỳ rút các tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời bảo đảm an ninh cho Cuba; còn Liên Xô có trách nhiệm rút hệ thống tên lửa ở Cuba về nước.

 

Đối với trường hợp Ukraine, cả Hoa Kỳ lẫn Nga đều đạt được một thỏa thuận chung về an ninh của quốc gia này với Bản ghi nhớ Budapest 1994 (1994 Budapest Memorandum). [10] Đây có thể xem là thỏa thuận quốc tế với các nghĩa vụ chính đáng được hình thành, bao gồm trách nhiệm tôn trọng tuyệt đối đường biên giới hiện đại của Ukraine. Đáng tiếc là Nga lại phá vỡ bản thỏa thuận ngay từ năm 2014 với các chiến dịch quân sự chiếm đóng khu vực Đông Ukraine.

 

Một sự nhượng bộ từ hai phía đồng nghĩa với việc Nga cần phải trao trả Crimea, rút quân ra khỏi Đông Ukraine trước khi NATO thực hiện bất kỳ động thái nhượng bộ nào khác. Tuy nhiên, kết quả của nhiều vòng đàm phán cho thấy Nga không có ý định trả Crimea lại cho Ukraine sau khi đã sáp nhập lãnh thổ này vào năm 2014. [11]

 

                                                       ***

Việt Nam có một lượng người hâm mộ trung thành và hùng hậu, luôn ủng hộ Liên Xô trước kia và Nga sau này. Họ luôn khẳng định tính “chính nghĩa” của Nga, ngay cả khi Ukraine không mặn mà gì với người anh xấu tính. Khủng hoảng Ukraine cũng như câu chuyện về Nga vì vậy sẽ còn là một đề tài muôn thuở ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, chúng ta cần xác lập với nhau một cách rõ ràng những thông tin phản ánh thực tiễn và pháp luật. Chuyện Ukraine – Nga thì ở xa, nhưng văn hóa tranh biện và tư duy pháp lý tại Việt Nam thì lúc nào cũng ở gần và ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.

 

-------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Chú thích :

 

1.  Kievan Rus | historical state, Europe. (2022). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Kyivan-Rus 

 

2.   Lenin, V. I. (2022). Lenin: The Ukraine. Marxists. https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1917/jun/28.htm 

 

3.  Newman, B. D. (2016, December 24). How three men signed the USSR’s death warrant. BBC News. https://www.bbc.com/news/magazine-38416657 

 

4.  JOHN J. MEARSHEIMER is R. Wendell Harrison Distinguished Service Professor of Political Science at the University of Chicago. September/October 2014 1 Why the Ukraine Crisis Is the West’s Fault The Liberal Delusions That Provoked Putin John J. Mearsheimer  

 

5.  Wilson, A. (2014). Ukraine crisis: What it means for the Westhttps://diasporiana.org.ua/wp-content/uploads/books/12211/file.pdf 

 

6.  Cuban missile crisis | History, Facts, & Significance. (2022). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/event/Cuban-missile-crisis 

 

7.  Reuters. (2021, December 9). Russia says Ukraine could turn into re-run of Cuban missile crisishttps://www.reuters.com/markets/rates-bonds/russia-says-ukraine-could-turn-into-re-run-cuban-missile-crisis-2021-12-09

 

8.  Wittner, L. T. H. S. (2022, February 11). My Take: What the Cuban Missile Crisis can teach us about today’s Ukraine crisis. The Holland Sentinel. https://eu.hollandsentinel.com/story/opinion/columns/2022/02/11/my-take-what-cuban-missile-crisis-can-teach-us-todays-ukraine-crisis/6725445001

 

9.  https://treaties.un.org/Pages/showDetails.aspx?objid=0800000280401fbb 

10.  O’Hanlon, M. O. C. (2022, February 10). The Cuban Missile Crisis provides a lesson to resolve the Ukraine crisis. TheHill. https://thehill.com/opinion/national-security/593536-the-cuban-missile-crisis-provides-a-lesson-to-resolve-the-ukraine 





No comments:

Post a Comment