28/01/2022
https://www.voatiengviet.com/a/thien-su-va-noi-so/6414943.html
https://gdb.voanews.com/6BBB67F4-FAB5-47DE-8471-3166881616FF_w1023_r1_s.png
Phật giáo thường đề
cao tinh thần vô úy, không sợ. Vậy có thể nào luyện tập để vượt qua, chế ngự sự
sợ hãi không? Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng chúng ta có thể.
“Sợ” có lẽ là một trong những cảm xúc mạnh và
chi phối nhất đối với con người.
Sợ đau, sợ khổ hay sợ chết là những điều làm
cho con người trở nên phi thường, tầm thường hay bình thường. Ngay cả những người
phi thường nhất, không hề sợ chết đi nữa, cái đau cái khổ khi kéo dài quá lâu
có thể bẻ gẫy, hủy hoại tâm trí của người đó.
Tuy sợ là một
cảm xúc, nhưng vấn đề chung quanh sợ hãi của con người thường rất phức tạp, do
các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Vì thế nên hành vi con người liên quan đến
nỗi sợ hãi là đề tài được nghiên cứu sâu rộng mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa
đáng. Người ta có thể làm những điều dại dột nhất, độc ác nhất, khủng khiếp nhất
khi sợ, mặc dầu cái sợ đó chỉ là chủ quan, không thật hay nếu có đi nữa cũng
không phải ở mức độ họ nghĩ.
Phật giáo thường đề cao tinh thần vô úy, không
sợ. Vậy có thể nào luyện tập để vượt qua, chế ngự sự sợ hãi không?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng chúng ta có
thể.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh quan niệm rằng không
ai có thể ban tặng cho chúng ta tinh thần vô úy, ngay cả Đức Phật. Chúng ta phải
tập luyện và hiện thực lấy điều này từ chính mình. Không sợ, hay vô úy, không
chỉ là điều có thể, mà còn là niềm vui tận cùng. Khi đạt được vô úy, thì khi ấy
chúng ta thật sự có tự do.
Trong tác phẩm “Sợ” (Fear), phiên bản tiếng
Anh, xuất bản năm 2012, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trình bày chi tiết, bằng
phương thức chánh niệm, người đọc có thể chế ngự sợ hãi và từng bước không còn
cảm giác này nữa. Bằng cách sống trong hiện tại, chánh niệm có thể cho chúng ta
lòng can đảm để đối diện với nỗi sợ và không thể nó đưa đẩy hay lôi kéo mình nữa.
Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, khi gặp hoàn cảnh
nguy hiểm hay những mối đe dọa, chúng ta cần phải bình tĩnh, cần biết thở ra
hít vào bằng sự tỉnh thức, để hành động hay thái độ đến từ nỗi sợ của mình
không làm cho người khác sợ và không làm cho nó leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Thiền sư nói rằng, đừng nghĩ nỗi sợ chỉ đến từ bên ngoài, mà thật ra nó cũng đến
từ bên trong. Nếu không nhận thức và nhìn sâu vào nỗi sợ của mình, chúng ta có
thể kéo theo hiểm nguy và tai nạn đến với mình. Tất cả chúng ta đều có nỗi sợ
hãi và trải nghiệm nó, nhưng chúng ta có thể giải thoát từ sự kiềm chế của nó
và sẽ tìm được niềm hân hoan. Mời nỗi sợ đến trong nhận thức của chúng ta mà
khoan đánh giá. Chỉ cần ghi nhận nhẹ nhàng là nó ở đó.
Hiểu được nguồn gốc của sự lo lắng và nỗi sợ sẽ
giúp chúng ta vượt qua được. Chẳng hạn, nỗi sợ đang có đến từ những gì đang xảy
ra, hay đó chỉ là nỗi sợ rất cũ khi chúng ta còn bé mà chúng ta đã giữ trong
lòng?
Cách nhìn của thiền sư Thích Nhất Hạnh về sợ,
về nguồn gốc sợ hãi, tuy khác thường nhưng dựa trên những kiến thức khoa học.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng khi chúng ta
vừa mới lọt lòng mẹ, ra khỏi nơi ấm cúng bảo bọc trong 9 tháng, chúng ta được đến
một môi trường hoàn toàn khác, làm cho chúng ta cảm thấy đói và lạnh lần đầu
tiên trong đời. Mọi thứ đều khác, đều ngỡ ngàng, làm cho chúng ta đau đớn, lo sợ.
Đây là nỗi sợ nguyên thủy (original fear). Đi cùng với nỗi sợ nguyên thủy này,
chúng ta muốn được sống, được tồn tại, và đây là lòng ham muốn nguyên thủy
(original desire). Với đa số chúng ta, nỗi sợ nguyên thủy này, cùng với ham muốn
nguyên thủy, được tiếp tục qua nhiều hình thức khác nhau, định hình nên nhiều
tính cách, hành xử của chúng ta. Sợ cô đơn, đơn độc trong quan hệ với người
khác. Sợ người ta suy nghĩ tiêu cực về mình. Trong cuộc sống, chúng ta cũng trải
nghiệm sự đối xử tồi tệ bởi người chung quanh, sự sách nhiễu, ngược đãi, bất công
v.v… Chúng tiếp tục củng cố nỗi sợ trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không
trải nghiệm những khắc nghiệt trong cuộc đời, những gì xảy ra cho mình, như một
cuốn phim, đưa chúng ta về quá khứ. Đối với một người mà tuổi thơ bị ngược đãi,
và người đó đã đau khổ rất nhiều, thì có khả năng người đó rất dễ bị tổn
thương, và nỗi lo sợ bao trùm lên mình mọi lúc. Mỗi khi nghĩ về quá khứ mà
không tỉnh thức, sẽ làm cho người đó lại đau khổ. Cảm giác rằng chúng ta mỏng
manh, dễ bị tổn thương, không thể tự bảo vệ mình, mà luôn cần người khác, lúc
nào cũng ở đó, như khi chúng ta mới lọt lòng mẹ. Mặc dầu chúng ta đau khổ thật
nhiều, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy an tâm hơn khi trở về lại nơi đó, như ngôi
nhà của mình. Ngôi nhà đó nằm sâu trong tiềm thức của chúng ta, trong đó những
cuốn phim quá khứ lúc nào cũng sẵn sàng chiếu lại cho chúng ta xem.
Nhưng chúng ta có thể ở trong hiện tại, ngay
đây ngay lúc này. Mỗi hơi thở, chúng ta tự nhắc nhở và khấn nguyện rằng, ngôi
nhà của chúng ta là hiện tại và bây giờ; quá khứ không phải là ngôi nhà của
chúng ta. Nếu chúng ta vững chắc ở trong thời hiện tại, ngay khoảnh khắc đang sống,
thì chúng ta có thể nhìn về quá khứ hoặc tương lai một cách vững chãi mà không
bị lôi cuốn bởi nó hay bị nhận chìm bởi nó.
Chánh niệm, tức nhận thức ra được cảm xúc của
mình khi nó xảy ra, nhắc nhở rằng chúng ta không cần phải sống lại những gì đã
xảy ra quá lâu rồi. Ký ức có khả năng làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ tận
cùng, trên mặt cảm xúc lẫn thể xác, mặc dầu những điều đó đã không còn xảy ra
cho mình trong hiện tại.
Để vượt qua sợ hãi, điều quan trọng là cần hòa
giải với quá khứ. Cha ông của chúng ta, chúng ta, và con cháu chúng ta sau này,
đều có bao nhiêu điều phải lo lắng về cuộc sống. Như an toàn, công việc, gia
đình v.v… Chúng ta cũng có bao nhiêu mối đe dọa bên ngoài. Hồi còn bé, chúng ta
đều mỏng manh, dễ bị tổn thương. Cái nhìn nghiêm khắc của bố mẹ cũng đủ làm cho
chúng ta bị tổn thương trong lòng. Một lời nói, một cái lớn tiếng, từ một người
lớn, nhất là từ cha mẹ, có thể làm cho chúng ta đau khổ, tổn thương. Thiếu tình
thương từ cha hay mẹ, hay cả hai, chúng ta lại càng mỏng manh hơn. Ngay cả khi
vì lý do nào đó chúng ta muốn tách rời khỏi cha mẹ, không nói chuyện với cha mẹ
mình nữa, chúng ta cũng không thể tách rời hẳn được. Chúng ta là một phần của
cha mẹ mình, do cha mẹ mình tạo ra. Chúng ta là cha, và cũng là mẹ. Ngay cả khi
chúng ta ghét cha mẹ mình, chúng ta cũng là một phần của cha mẹ mình. Nóng giận
với cha mẹ không thể thay đổi tính chất này, mà thật ra chúng ta chỉ nóng giận
với chính mình. Do đó chúng ta cần hòa giải với cha mẹ từ bên trong lòng chúng
ta, để có thể cùng nhau hiện hữu một cách bình an. Khi nhận thức được như thế,
tiến trình hòa giải trở nên dễ hơn. Chúng ta có khả năng thay đổi sâu sắc, vừa
bên trong nội tâm, vừa khả năng để ảnh hưởng lên thế giới bên ngoài. Nhưng khi
sợ hãi chúng ta không biết làm gì, và không thể nghĩ được gì. Khi hiểu được rằng
chánh niệm có thể tạo ra năng lượng tích cực, tạo ra lòng trắc ẩn, hiểu biết,
thì sẽ giúp giải thoát nỗi sợ, sự căm giận, hận thù v.v… Tình thương chỉ có thể
được sinh thành dựa trên nền tảng của hiểu biết.
Khi chúng ta nói rằng thân tâm nối liền nhau,
nó không có nghĩa là chỉ thân và tâm của cá nhân mình, mà trong chính mỗi chúng
ta đều có sự hiện hữu máu mủ và tinh thần của tổ tiên. Cha mẹ mình, ông bà
mình, đều có trong chúng ta, qua di sản di truyền trong mỗi tế bào máu, mà khoa
học đã chứng minh. Các con cháu của chúng ta về sau này cũng thế. Chúng ta cũng
hiện hữu trong các tế bào máu của chúng. Tổ tiên tinh thần hiện hữu trong chúng
ta qua bản chất/gene của chúng ta và qua cách nuôi dưỡng, và nó không thể tách
biệt. Dù chúng ta có oán giận họ, họ vẫn hiện hữu trong chúng ta. Cho nên chúng
ta cần biết chấp nhận một cách vô điều kiện. Để chấp nhận người khác, chúng ta
cần phải chấp nhận chính mình trước. Nếu chúng ta không thể chấp nhận chính
mình thì không thể nào có thể chấp nhận người khác.
Một người trưởng thành trong chiến tranh, hoặc
trong một gia đình hay cộng đồng gặp nhiều đau khổ, người đó hiển nhiên có nhiều
tuyệt vọng và sợ hãi. Các bậc cha mẹ nào đã chịu nhiều khổ đau và sợ hãi trong
thế giới họ đang sống, hay lo sợ những người khác, thì sẽ truyền đi những hạt mầm
sợ hãi và giận dữ lên con cái mình. Trong khi đó, nếu trẻ con được trưởng thành
trong sự an toàn và tình thương, các hạt mầm tốt trong chúng sẽ được nuôi dưỡng
và phát triển mạnh mẽ.
Nhìn vấn đề như thế, nhìn vào ông bà và tổ
tiên của mình, và biết rằng họ đều là con người đã cam chịu khổ đau và đã cố gắng
hết sức, hiểu được như thế sẽ giúp chúng ta xóa đi được mọi phủ nhận và căm giận.
Chấp nhận tổ tiên mình với cả điểm mạnh lẫn điểm yếu sẽ giúp cho chúng ta cảm
thấy bình an và bớt sợ hãi đi.
Làm hòa với tổ tiên của chúng ta cần tập luyện
thật nhiều, nhưng đó là điều cần thiết nếu chúng ta muốn giải tỏa nỗi sợ hãi
trong lòng mình.
Trên đây là một số đoạn văn trích từ tác phẩm
Sợ/Fear của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi đọc cuốn này đã lâu, nay mở lại lướt
qua một số đoạn nêu trên. Nhiều điều thật hay, ý nghĩa và thâm sâu trong tác phẩm
này. Có thể giúp chuyển hóa con người. Tôi không biết có cùng tác phẩm này bằng
tiếng Việt không. Lên trang Làng Mai, tôi chỉ thấy tác phẩm “Không
diệt không sinh đừng sợ hãi”. Nhìn lướt qua thấy không giống hoàn
toàn nhưng có vài chương có cùng tâm điểm. Hay. Mời mọi người cùng đọc, nếu
chưa.
Cách nhìn về sợ, về chánh niệm, hay các vấn đề
khác của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nói riêng, hay của Phật giáo, nói chung, có
nhiều điểm tương đồng với các lĩnh vực khoa học khác như sinh học, tâm lý và
khoa học thần kinh/neuroscience. Tôn giáo và khoa học gặp nhau ở đây. Có người
bảo tận cùng của khoa học là tôn giáo? Tôi không biết. Nhưng càng đọc thì thấy
thú vị, và càng thấy kiến thức thật là bao la. Học mãi mà vẫn như chưa học.
-----------------------------------
XEM THÊM
No comments:
Post a Comment