Monday, January 31, 2022

KHÔNG 'ĂN' TẾT (Nguyễn Thị Thanh Lưu)

 



Không 'ăn' Tết    

Nguyễn Thị Thanh Lưu

Tiến sĩ ngữ văn

Thứ hai, 31/1/2022, 00:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/khong-an-tet-4423009.html

 

Năm nào cũng vậy, kể từ hôm ông Táo lên chầu Trời, lịch của tôi thay đổi thành lịch Tết.

Chắc người Việt Nam nào cũng như tôi, một khi đã bị cuốn vào lịch Tết là lập tức bị đeo đẳng bởi những hối thúc đã trở thành thói quen (đồng thời là gánh nặng) tâm thức: phải làm xong việc nọ, phải trả xong nợ kia, phải lo lễ tết quà cáp cho nội ngoại họ hàng, lo cỗ bàn ngày Tết...

 

Năm nay, nhằm đúng ngày ông Táo chầu Trời, tôi quyết định rằng tôi phải đi chơi để cố gắng thoát ra khỏi guồng cuốn của lịch Tết. Tôi tự nhủ chuyến đi ngắn vài hôm ngay trong những ngày tất bật giáp Tết sẽ giúp tôi ngưng trò đếm ngược theo lịch âm đến tận giao thừa, trong nỗi lo giò chả bánh chưng ngũ quả - những nỗi lo thường tình của một bà nội trợ ngày cận Tết. Nếu ai đó, vì vậy, cho rằng tôi vô tâm, thiếu tôn trọng văn hóa truyền thống thì tôi phải phản bác lại ngay. Tôi từng có những năm phải ăn Tết tha hương nên tôi yêu Tết lắm. Có điều, tôi chọn yêu Tết theo cách riêng. Tôi chọn chơi Tết chứ không chọn ăn Tết nữa, sau hai năm trời bị buộc phải ăn rất nhiều cái "Tết Covid" (các đợt giãn cách xã hội theo cách nói vui của cộng đồng mạng).

 

Tết này tôi sẽ không tích trữ. Hai năm trời tất bật tích trữ lương thực thực phẩm chạy theo những đợt giãn cách xã hội khiến tôi mỏi mệt. Và tôi tin rằng nhiều người quán xuyến việc nội trợ trong gia đình cũng có cảm giác giống như tôi, ngay cả những người yêu bếp nhất. Những cái "Tết Covid" đã vắt kiệt sức của những người nội trợ, khi mà các quy định khắt khe của giãn cách xã hội, nỗi lo lắng lây nhiễm bệnh tật khiến nhà nhà đều phải tự lo việc ăn uống ngày ba bữa. Chỉ riêng suy nghĩ bữa nào ăn cái gì cũng đã khiến tâm trí mệt mỏi. Dù cũng là một người yêu thích việc nấu nướng và ăn uống, sau mấy đợt "Tết Covid", tôi sợ nhất là cái bếp. Cho nên, năm nay, tôi mạnh dạn không ăn Tết. Không bánh chưng, không giò chả, không dưa hành. Những món ngày xưa được coi là món ăn truyền thống ngày Tết thì ngày nay, bất kỳ ngày nào trong năm ta cũng có thể có ngay trên mâm cơm nếu muốn. Thế thì câu nệ mà làm gì?

 

Xét cho cùng, ý nghĩa đẹp nhất của Tết là đoàn viên. Ăn chỉ là việc phụ. Mọi người dành thời gian chơi với nhau, trò chuyện chia sẻ với nhau về một năm đã qua, những gì làm được và chưa được. Tết là lúc để nói lời xin lỗi những người ta đã sơ suất; là lúc cảm ơn người đã hỗ trợ, giúp đỡ; là lúc bày tỏ tình yêu với người thân... Những điều tưởng rất khó nói hàng ngày đều có thể trao cho nhau vào Tết, bởi đây có lẽ là khoảnh khắc con người giàu sự cảm thông và tha thứ nhất; người ta dễ bỏ qua, xí xóa mọi thứ để hướng tới một năm mới, một bắt đầu mới...

 

Chuyện này nói thì có vẻ đơn giản nhưng thực sự không dễ thực hiện, vì với người Việt mình, việc ăn đã thành ra một thứ ám ảnh mang tính truyền thống. Thế nên một khảo sát về mặt ngôn ngữ đã cho thấy "ăn" trở thành một thành tố quan trọng tạo nên nhiều từ ghép chỉ các hoạt động khác nhau trong tiếng Việt: ăn ở, ăn nằm, ăn mặc, ăn nói, ăn mừng, ăn hỏi... Và tất nhiên: ăn Tết!

 

Vì những căn nguyên mang tính văn hóa đó, không ăn Tết không phải là việc dễ nhưng không phải không làm được. Chính những người quán xuyến việc nội trợ trong từng gia đình phải tự ý thức về việc này thì Tết mới không còn là gánh nặng. Tôi cũng phải tự vượt qua nỗi ám ảnh của việc ăn. Năm kia, trong một dịp đoàn tụ với gia đình nhà chồng ở Mỹ, trong khi tôi chỉ chăm chăm lo nấu nướng, mẹ chồng tôi đến bên nói: "Lưu ơi, con đừng nấu nữa. Chúng ta cần con ở bàn trà chơi với mọi người hơn là ở trong bếp. Đừng làm nô lệ cho cái bếp và các cuộc đoàn tụ". Tôi đã vỡ lẽ từ lúc đó.

 

Mấy năm gần đây, cứ đến những ngày giáp Tết, lại thêm một lần xới lên chủ đề tranh luận: nên bỏ Tết hay không? Tôi - một người Việt Nam bình thường lớn lên ở Việt Nam, từng có những năm ăn Tết tha hương, đến nay đã "gần 40 mùa bánh chưng" và vẫn còn thiết tha yêu Tết - tự cảm thấy không nhất nhiết phải đặt vấn đề theo cách cực đoan kiểu đó. Nên chăng đặt vấn đề chọn góc nhìn nào về Tết?

 

Nếu đừng quá câu nệ việc ăn Tết, đừng quá để ý đến các tiểu tiết cỗ bàn vin vào cái cớ giữ gìn truyền thống, đừng biến Tết thành gánh nặng tâm thức vì trăm thứ lễ nghi rườm rà thì sẽ thấy Tết đẹp hương vị đoàn viên.

 

Nguyễn Thị Thanh Lưu

 

.

38 Ý KIẾN  





No comments:

Post a Comment