Monday, January 31, 2022

HAI LẦN ĂN TẾT (Hồ Văn Tiến)

 



Hai lần ăn Tết    

Hồ Văn Tiến 

31/01/2022

https://www.diendan.org/sang-tac/hai-lan-an-tet

 

Tặng mẹ, chị và các em nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022.

 

Tôi rời Việt Nam đi học ngày 6.12.1971, cuối năm 17 tuổi, trong khung cảnh của chiến tranh, chết chóc. Tôi đã chứng kiến chiến tranh vào thành phố năm 1968 và cũng đã hiểu rất rõ là mỗi năm không lên lớp là sẽ đến tuổi đi quân dịch và đã đi lính sẽ không biết được mình tồn tại được bao lâu ?

 

Có một câu ca dao thời đó mà tôi không thể quên :

 

Rớt Tú Tài anh đi trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.
Mai này xong việc nước non,
Anh về anh có Mỹ con anh bồng.

 

Tôi có một người bạn cùng học xong trung học, không vào được đại học năm 1972, đi lính, mang lon chuẩn uý. Năm 1973, được tin bạn mất : cố thiếu uý. Đó là người bạn mất sớm nhất, khi bạn mất, ở tuổi đôi mươi.

 

Vì thế việc đi học nước ngoài đối với cha mẹ tôi còn là để họ thoát được mấy năm phập phồng nỗi lo “ mất con ”. Nhưng đó là nỗi lo của các bậc cha mẹ. Tôi chỉ có một nỗi lo là sống ra sao nơi đất lạ, quê người khi mà sinh ngữ của mình chưa đủ, làm sao đi học tiếp ? Chuyện lo thứ hai là tài chánh. Liệu cha mẹ nuôi được mình bao lâu ? Mỗi tháng tôi được cha mẹ cho 150 USD. Đây là số tiền nhà nước cho phép đổi với một hối suất thấp chuyển đổi từ tiền Việt Nam sang USD cho du học sinh tự túc. Nếu muốn hơn  phải đổi với giá thị trường.

 

Vì không biết giá trị gì khác nên mỗi khi xem giá cả khi đến Đức tôi đều tự chuyển đổi thành tiền Việt Nam để so sánh. Nếu tôi nhớ không sai, lúc bấy giờ hối suất USD - Đức mã (DM)  là 1-3. Nghĩa là mỗi tháng tôi có 450 DM. Tuy nhiên việc học sinh ngữ ba tháng đã trả tiền trước, 1500 DM, và đây là điều kiện để học sinh Việt Nam vào học ở nước Đức.

 

Khi tôi sang vào ngày 7.12 được biết khoá học đã bắt đầu từ ngày 1.12. Tôi vội vàng đi học. Nơi học là một làng nhỏ, vài ngàn dân. Tôi được ở một phòng trọ nhà một gia đình nông dân, cách nơi học 20 phút đi bộ. Phòng của tôi vốn trước đây là kho để công cụ và chứa cỏ, có cầu thang đi lên. Tầng dưới vốn trước đây để nuôi gia súc. Phòng có một cửa sổ, một bàn, một giường và một tủ đựng quần áo. Hình như trong phòng có một bồn rửa mặt, nước lạnh. Nhà vệ sinh nằm bên ngoài, dùng chung cho những người thuê phòng nhưng thời gian tôi ở đây không có ai khác thuê. Không có nhà tắm. Tôi phải tắm ở trường. Việc không có nhà tắm là thường thấy ở nước Đức vào những năm 70 vì nước Đức vừa ra khỏi chiến tranh, các nhà cũ cho thuê thường không có nhà tắm. Do thời tiết lạnh nên quanh năm phải dùng nước nóng, và sưởi vào cuối thu cho đến đầu xuân nên chủ nhà tiết kiệm và sợ người thuê dùng quá nhiều không thể tính đủ vào tiền thuê được, nhất là các học sinh các nước nhiệt đới như tôi vốn không quen với lạnh. Sưởi chỉ mở từ 8:00 sáng đến 21:00 giờ. Ban ngày khi tôi đi học, rời phòng họ tắt lò sưởi. Do đó chiều về, phòng bao giờ cũng lạnh buốt.

 

Do đó tôi thường hay chui vào chăn học bài, ít khi thức khuya và quen ở trong nhà vẫn phải mang vớ dày, áo len. Sáng dậy, lạnh giá và phải làm quen với việc đánh răng, rửa mặt bằng nước lạnh. Dậy lúc 6:00 sáng, đi bộ đến trường. Họ cho ăn sáng lúc 7:00 và nhập học lúc 8:00. Ăn sáng mỗi ngày chẳng có gì khác : bánh mì, bơ thực vật, mứt, sữa, trà, cà phê. Muốn ăn bao nhiêu cũng được. Trời mùa đông, tuyết rất nhiều nên tôi phải tính 30 phút đi bộ. Vì thấy thứ gì cũng đắt nên tôi không dám mua giầy mùa đông. Mọi thứ đều là cha mẹ đã cho khi đi. May mà cha mẹ có mua cho một áo khoác cũ mua ở khu dân sinh, ngày nay hình như gọi là chợ dân sinh, vì nếu không, không biết phải làm sao vì một áo mới mua mấy trăm đồng. Buổi trưa và buổi tối trường phát thẻ ăn và có một số quán ăn nhận thẻ này. Số tiền đủ để ăn và uống một ly nước. Họ có dặn là ở nước Đức có thể uống nước ở vòi trong nhà vì nước đã lọc. Vì thế nếu còn khát, có thể xin quán ăn cho thêm một hai ly nước lã. Các thẻ ăn không đổi lại được tiền, không thối lại khi không dùng hết. Nhưng thứ bảy và chủ nhật, học sinh phải tự túc bằng tiền của mình. Sách học, giấy ghi chép và một bút bi cho một tháng được trường phát. Nhìn chung họ đã tổ chức rất đầy đủ để một sinh viên dù không nói được sinh ngữ Đức cũng có thể sống được khi mới đến.

 

Chiều thứ sáu hay sáng thứ bảy tôi ra siêu thị mua bánh mì, một ít đồ nguội và một hộp sữa tươi để ăn cuối tuần. Trái cây chỉ có táo hay lê. Có cam vàng nhưng lúc bấy giờ còn hiếm, nhập từ các xứ nhiệt đới chung quanh. Mỗi trái được gói trong giấy bóng kiếng. Chưa có bán chuối hay hồng như ngày nay. Cam còn là quà tặng nhau trong dịp Giáng Sinh hay đầu năm mới. Dĩ nhiên là giá cũng đắt hơn táo và lê. Táo và lê bán theo ký còn cam bán theo trái.

 

Cuộc sống của một học sinh nước ngoài như tôi rất đơn giản. Đắt nhất mà tôi có là một cassette cầm tay mua từ VN và những cuộn băng nhạc thâu sẵn ở Việt Nam : ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn dù lúc bấy giờ cấm phổ biến, nhạc Phạm Duy, nhạc tiền chiến, ... Không nhớ có nhạc Mỹ, Pháp không ? Ngày dậy sớm đến trường, cẩn thận khi đi, cho dù không tránh khỏi bị trơn té đôi lần. Trưa đi ăn và trở lại trường học. Học cho đến chiều, về phòng trọ, nghỉ một chút, đi ăn tối. Về phòng, học cho đến khi đi ngủ. Cuối tuần lo giặt quần áo, tự phơi, dọn dẹp, viết thư cho gia đình. À, vì là mùa đông nên thức ăn cuối tuần còn dư để ngoài bệ cửa sổ, lạnh còn hơn tủ lạnh.

 

Những bạn cùng lớp con nhà giàu sẽ đi vũ trường ở làng kế hay đi chơi những tỉnh lớn. Sau này tôi mới biết làng này cũng khá lớn, ngoài nông nghiệp, có những công nghiệp như nấu rượu trái cây, nước trái cây. Mùa hè có những du khách đến chơi.

 

Trở lại ngày Tết. Tôi phải vào Google hiện nay để hỏi Tết năm 1972 vào ngày nào, thứ mấy để nghĩ lại xem Tết năm ấy mình làm gì ? Mùng một vào ngày thứ hai 15.02.1972, tức là rơi vào dịp sắp hết khoá học sinh ngữ. Hai tuần trước khi mãn khoá và phải thi để có chứng chỉ. Nếu không thi, chỉ có giấy chứng nhận đã theo học. Dĩ nhiên thi phải trả phí tổn. Dù sao vẫn phải làm bài kiểm tra cuối khoá để trên cơ sở đó xếp các lớp học sắp tới.

 

Ngày thứ hai tuy mùng một Tết, vẫn phải đi học. Bàn thờ ông bà không có. Bà nội và ngoại chưa mất, cha mẹ còn đủ. Những năm còn ở Việt Nam có bao giờ tôi phải lo cúng giỗ đâu ! Nhang không thể mua vì không có bán. Tôi cũng không nhớ mình đã làm gì để cúng giao thừa.

 

Nếu có làm gì, chắc tôi đã bấm bụng mua hai quả cam, một chai coca để 6 giờ chiều ngày chủ nhật 14.2 bày lên bàn học cùng với bánh mì, thịt nguội và thầm cúng giao thừa.

 

50 năm đã qua, tôi không nhớ mình đã làm gì nhưng thành thực mà nói sau này có những năm khi chợt nhớ ra thì Tết đã qua nếu không rơi vào cuối tuần.

 

Sau khoá học tôi đã không học thêm vì nghĩ số tiền học quá lớn đối với gia đình. Nếu là bây giờ, tôi nghĩ sẽ xin cha mẹ cho học thêm một khoá ba tháng vì chỉ thời gian ấy tôi mới có thể tập trung cho việc học sinh ngữ. Rời khỏi đó là những nỗi lo khác khiến mình không tập trung trong khi sinh ngữ mình cần cả đời.

 

Nếu có nhớ đến Tết ít nhất cho đến khi về thăm lại gia đình tôi vẫn không quên lời bài hát “ Xuân này con không về ” với giọng ca của Duy Khánh :

 

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa
Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng ngồi chờ sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
Mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
Anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
Ba ngày xuân đi khoe phố phường
Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…

 
Cho dù tôi không phải là đứa con mẹ có thể mong sửa được nhà nhưng tôi có các em mong chờ mỗi khi Tết đến và tôi chưa bao giờ mua được cho các em một tấm áo.

 

Còn một cái Tết không bao giờ quên ?

 

Vào mùa hè, cuối tháng 7 năm 1977, tôi ra trường cao đẳng chuyên nghiệp nay gọi là đại học ứng dụng. Tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam sau 1975 vì gia đình còn ở Việt Nam, nên không thể tìm được việc làm vì luật cư trú và lao động của nước Đức rất khó khăn. Người ngoại quốc muốn được thuê phải có giấy phép cư trú hoặc công ty nộp đơn cho sở lao động chứng minh tại sao họ lại cần người này mà không thể tuyển người khác. Muốn sở cư trú cho phép ở : phải đi học hay đi làm. Hai việc vì thế phụ thuộc lẫn nhau. Tôi mới ra trường nên không công ty nào muốn can thiệp. Vì thế sau 6 tháng tìm không có việc, tôi vào đại học xin đi học sau khi đã có bằng kỹ sư để có giấy cư trú. Đại học nhận, tôi vừa đi làm, vừa đi học.

 

Năm 1979, tôi xin phép nghỉ một lục cá nguyệt để về Việt Nam sau khi dành dụm đủ tiền. Lần đầu về thăm nhà sau 8 năm xa nhà vào khoảng tháng 1 năm 1979, nghĩa là trước Tết. Đây là dịp Tết duy nhất cho đến nay, gia đình tôi đã sum họp đầy đủ dù bà nội và bà ngoại đã mất. Một người em kế đi lính mất chắc chỉ vài tuần trước 30 tháng 4. mà tôi đã có dịp viết trong câu chuyện “ Đưa em về quê hương ”. Hết giờ giao thừa, một người em trai kế tiếp đến được vài tiếng vì em đang trốn nghĩa vụ quân sự. Em đã ra khỏi hộ khẩu. Sau này tôi mới biết mẹ tôi đã khai em bỏ nhà đi để nếu em đi vượt biên, gia đình không bị liên luỵ.

 

Dù vậy vẫn còn đầy đủ cha mẹ, chị và các em trong ngày Tết. Cũng là dịp Tết này, sau đó tôi quyết định tìm mọi cách đi làm để nuôi gia đình khi trở lại Đức. Ba mẹ tôi bị cải tạo tư sản, mất hết tài sản để làm việc nuôi gia đình. Mẹ tôi mở tiệm bán cà phê, ba tôi chế một máy làm đá cục để bán. Em gái lớn nhất vì gia đình nguỵ nên không được đi học đại học. Chị tôi cũng không có nghề gì chỉ ở nhà giúp mẹ.

 

Về lại Đức được mấy tháng, được tin chị, em gái và em rể đã vượt biên và đang ở một đảo ở Nam Dương. May mắn lúc ấy chính phủ Đức nhận người di tản vào Đức nên tôi đã nộp đơn xin. Cuối năm 79, tôi gặp lại chị và hai em khi họ vào Đức. Đầu năm 80 tôi được nhận vào làm ở một công ty với vị trí kỹ sư sau khi làm sinh viên thực tập nhưng thực tế là kỹ sư một năm trời với lương giờ, giá sinh viên. Họ can thiệp với bộ lao động là chỉ nhận một mình tôi và sở cư trú biết tôi có thân nhân là di tản nên mọi thủ tục xong.

 

Một Tết đáng ghi nhớ và nó đổi cả cuộc đời của tôi.

 

Hồ Văn Tiến

Borex, ngày 29.01.2022





No comments:

Post a Comment