‘Có
công’ – một quan điểm và lối hành xử vi phạm pháp luật
27/01/2022
https://www.voatiengviet.com/a/co-cong-quan-diem-hanh-xu-vi-pham-phap-luat/6414941.html
https://gdb.voanews.com/01AF6B18-2ED3-4F6B-9A0D-D95000ED56BB_w650_r1_s.jpg
Pháp đình – nơi thực
thi pháp quyền XHCN – cũng là chốn công khai bày ra sự phân biệt đối xử hết sức
bất công.
Thường dân không chỉ là... “công dân hạng...
ba” trong sinh hoạt chính trị - kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Pháp đình – nơi
thực thi pháp quyền XHCN – cũng là chốn công khai bày ra sự phân biệt đối xử hết
sức bất công đối với hiến pháp giữa “công dân hạng nhất” – những kẻ “có công”,
“công dân hạng hai” - những kẻ đủ tiền để hối mại quyền thế và... “công dân hạng
ba”!
***
Tòa án tỉnh Khánh Hòa vừa đưa vụ án Nguyễn Quốc
Trâm “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “giả
mạo trong công tác” ra xét xử phúc thẩm. Hình phạt mà tòa án cấp dưới
đã tuyên đối với ông Trâm – cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa – được giảm
tiếp 18 tháng do... “có công”. Thay vì phải ngồi tù bảy năm, ông Trâm sẽ
chỉ còn thi hành hình phạt tù trong vòng năm năm sáu tháng (1).
Từ 2015 đến 2016, ông Trâm nhiều lần chỉ đạo
thuộc cấp làm giả tài liệu để tuyển dụng và bổ nhiệm một người phụ nữ làm Phó
Văn phòng Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, đồng thời làm giả nhiều tài liệu khác để
lấy 170 triệu từ công quỹ, trả lương, trả thưởng, phụ cấp cho những cá nhân
không phải là nhân viên Sở Ngoại vụ Khánh Hòa. Ông Trâm chỉ... gặp nạn khi chỉ
đạo làm giả giấy tờ cho một thường dân xin visa đi Mỹ...
Tháng 1 năm ngoái, Tòa án thành phố Nha Trang
(thuộc Tòa án tỉnh Khánh Hòa) phạt ông Trâm năm năm tù vì “lợi dụng chức vụ,
quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và hai năm tù vì “giả mạo trong
công tác”. Vào thời điểm đó, đại diện Viện Kiểm sát thành phố Nha
Trang – nơi thực thi quyền công tố đề nghị phạt ông Trâm từ 10 đến 12 năm tù
cho cả hai tội (2) nhưng hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ phạt bảy năm vì yếu tố...
“có công”.
Ông Trâm kháng cáo... kêu oan và xin giảm hình
phạt. Hội đồng xét xử phúc thẩm vừa vận dụng yếu tố... “có công” để giảm
thêm cho ông Trâm 18 tháng tù nữa đối với tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong khi thi hành công vụ”.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vốn đã là một hành
vi phạm pháp nhưng pháp chế XHCN và việc thực thi pháp quyền XHCN còn... phạm
pháp hơn. Thay vì phạt thật nặng kẻ có chức vụ, quyền hạn mà lạm dụng công quyền,
công vụ để trục lợi thì “chức vụ”, “quyền hạn”, cũng như thời gian làm việc
trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lại trở thành yếu tố được sử dụng
thường xuyên để giảm nhẹ hình phạt cho các viên chức phạm pháp!
Trước giờ, nhà nước pháp quyền XHCN chỉ thẳng
tay với thường dân để chứng tỏ sự... nghiêm minh của... pháp chế XHCN! Cũng
trong tháng này, cũng tại Khánh Hòa, hệ thống tư pháp đã đưa ra xét xử năm người
bị cáo buộc “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” để giúp bảy
người đăng ký hộ khẩu, chứng minh nhân dân ở tỉnh này và chính phạm thu lợi bất
chính 29 triệu bị phạt bốn năm sáu tháng tù (3).
So giữa tính chất táo tợn, mức độ nghiêm trọng
của hành vi giả mạo giấy tờ, cũng như nguồn lợi bất chính mà ông Trâm đã thủ đắc
với những thường dân trong vụ án vừa kể, tự nhiên sẽ thấy nhà nước pháp quyền
XHCN và pháp chế XHCN phạm pháp thế nào!
***
Nhà nước pháp quyền XHCN và pháp chế XHCN phạm
pháp như thế nên hành vi phạm pháp giữa pháp đình xảy ra công khai ở khắp nơi,
từ trên xuống dưới, đối với tất cả các loại tội phạm chứ chẳng phải chỉ có tại
Khánh Hòa!
Tuần trước, Tòa án quận Thủ Đức thuộc Tòa án
TP.HCM tuyên phạt ông Lê Duy Hiển bốn năm tù vì “giao cấu với người từ đủ 13
tuổi đến dưới 16 tuổi”. Cũng tuần trước, tại TP.HCM, ông Nguyễn Công Trường
bị Tòa án TP.HCM phạt 16 năm tù vì “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (4). Cả
hai vụ án có nhiều tình tiết giống nhau, ông Hiển dụ dỗ, hãm hại một bé gái 13
tuổi khiến bé có thai. Ông Trường dụ dỗ, hãm hại một bé gái 10 tuổi nhiều lần.
Hình phạt đối với ông Trường – một thường dân
là thích đáng nhưng cách nhận định về hành vi phạm tội và định lượng hình phạt
đối với ông Hiển rất đáng để bận tâm. Tại sao cũng là dụ dỗ để hãm hại các bé
gái nhưng chỉ xác định ông Trường “hiếp dâm”, còn ông Hiển là... “giao cấu” dù
nạn nhân chỉ 13 tuổi? Tại sao “có thai” và “nhiều lần” đều là
tình tiết được xác định phải gia tăng hình phạt nhưng ông Hiển chỉ bị phạt bốn
năm tù?
Bản án mà Tòa án quận Thủ Đức tuyên hôm 19
tháng 1 vừa qua đối với ông Hiển đã cung cấp câu trả lời. Sở dĩ người đàn ông
74 tuổi ấy được... Hội đồng xét xử mạnh dạn cho hưởng các... tình
tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vì... đã bồi thường thiệt hại và... là
người trên 70 tuổi và... ‘có công với cách mạng’ - từng là sĩ quan cấp tá
trong quân đội nhân dân Việt Nam” (5)!
Có một chi tiết khác cũng rất cần lưu ý, tường
thuật về những vụ án vừa đề cập, hệ thống truyền thông chính thức gọi ông Trường
là... “yêu râu xanh”, riêng ông Hiển thì vẫn được gọi là... “ông”,
thậm chí là... “cụ ông” (6)!
----------------
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/nguyen-giam-doc-so-ngoai-vu-khanh-hoa-duoc-giam-an-4421450.html
(2) https://plo.vn/phap-luat/cuu-giam-doc-so-ngoai-vu-bi-de-nghi-phat-1012-nam-tu-961632.html
(3) https://baokhanhhoa.vn/phap-luat/202201/lam-gia-con-dau-tai-lieu-5-bi-cao-vao-tu-8240022/
(6) https://dantri.com.vn/phap-luat/cu-ong-74-tuoi-khien-be-gai-hang-xom-mang-thai-20220119154548413.htm
No comments:
Post a Comment