Sunday, January 30, 2022

BIA GÂY MÙI NHỚ . . . (Nguyễn Thị Hậu)

 



Bia gây mùi nhớ...   

Bài: Nguyễn Thị Hậu - Ảnh: TDTT

11:23 | Thứ bảy, 29/01/2022

https://nguoidothi.net.vn/bia-gay-mui-nho-33427.html

 

Sài Gòn xưa có những “biểu tượng” phổ biến trong dân chúng và bền chặt qua thời gian, như chợ Bến Thành, bia Con Cọp, xà bông Cô Ba... phản ánh đặc trưng kinh tế và sinh hoạt của thành phố. Riêng về bia, Sài Gòn chuộng bia chai uống với đá lạnh, sau này phổ biến “ướp lạnh” chai và lon trong thùng nước đá.

 

Trước năm 1975, khắp Sài Gòn và miền Nam có hàng chục ngàn đại lý, cửa hàng bán bia, nước ngọt kèm nước đá cây. Tại đó bất cứ lúc nào cũng có thể mua mấy chai bia được ướp lạnh uống ngay cho đã khát, hoặc kêu mang đến nhà cả két bia kèm bịch đá miễn phí. Những chai “la de” (Larue) logo hình Con Cọp hay số 33 màu vàng quen thuộc với mọi người, phổ biến từ bữa ăn gia đình đến quán ăn bình dân và các nhà hàng.

 

Thời ấy người Sài Gòn đều biết đến “bộ ba” thức uống phổ biến: rượu Bình Tây, nước ngọt/xá xị Chương Dương và bia Con Cọp/bia 33. Nhà máy Rượu Bình Tây và Nhà máy Nước ngọt Chương Dương nằm phía quận 4, còn Hãng Bia Con Cọp thì nằm trong Chợ Lớn, trên một con đường có hai hàng sao cao vút ghi dấu tuổi đời cổ xưa.

 

Tài liệu lịch sử cho biết Công ty Bia và Nước đá Đông Dương (Brasseries et Glacières de l’Indochine) được ông Victor Larue thành lập từ cuối thế kỷ XIX ở khoảng đầu đường Hai Bà Trưng (quận 1) ngày nay.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/2bb848c3-ebe2-4c70-842c-0b397676ce5b.jpg

Quảng cáo thương hiệu Con Cọp trên báo Sài Gòn trước 4.1975. Ảnh: TL

 

Lúc đầu là xưởng làm nước đá đáp ứng nhu cầu của những người Pháp được uống nước mát lạnh trong thời tiết nóng nực quanh năm của một thành phố nhiệt đới. Sau đó xưởng sản xuất thêm nước ngọt có ga, tạo một thói quen ẩm thực mới của thị dân Sài Gòn. Khoảng năm 1875 một phân xưởng nhỏ của Hãng Bia BGI được xây dựng thành nhà máy tại vị trí đắc địa ở khu vực Chợ Lớn. Trải qua hơn một trăm năm, đến nay nhà máy vẫn ở vị trí cũ nhưng dần được mở rộng và hiện đại hóa quy trình sản xuất. Ngày nay, Nhà máy Bia Sài Gòn trên đường Nguyễn Chí Thanh là một dấu tích hiếm hoi của nền công nghiệp nước giải khát phát đạt của đô thành Sài Gòn thế kỷ XX.

 

Bây giờ đi qua khu vực này người ta vẫn nhận ra những cấu trúc đặc trưng của Nhà máy Bia BGI qua bức tường, cánh cổng, những “lam” che nắng và đón gió ở các tầng lầu, khu vực sản xuất bia và nhiều máy móc vẫn còn ở vị trí cũ... Đặc biệt logo Con Cọp nằm trong vòng tròn còn hiện diện ở nhiều nơi trong nhà máy như một dấu ấn lịch sử, một hoài niệm của người Sài Gòn với bia Con Cọp. Có dịp vào tham quan nhà máy, tôi chứng kiến sự tôn trọng và yêu quý lịch sử nhà máy của nhiều thế hệ người làm việc tại đây.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/89450a44-b161-4a09-8feb-535036a01f84.jpg

Hiện vật xưa tại Phòng trưng bày của Nhà máy Bia Sài Gòn.

 

Trong khuôn viên rộng lớn và phảng phất nét cổ xưa hiện diện ở những bức phù điêu bằng gốm, khung cửa, tay vịn lan can bằng đồng… rất tinh xảo và mang nhiều nét gần gũi với trang trí của các công trình kiến trúc Đông Dương. Một phòng trưng bày hình ảnh và “cổ vật” của nhà máy được sưu tầm, lưu giữ mỗi khi nhà máy sửa chữa hay xây dựng thêm. Đó là các loại máy móc làm bia từ Pháp mang qua, các loại thùng kín đựng bia để vận chuyển, các loại két đựng bia chai từ bằng gỗ đến bằng nhựa, mẫu mã hàng chục loại bia chai, bia lon qua các thời kỳ... Đặc biệt còn có chiếc máy bơm từ giếng khoan đầu tiên được nhà máy đào từ cuối thế kỷ XIX, bơm nước vào hệ thống một bể chứa và lọc rất lớn. Dân ghiền bia Con Cọp thường truyền tụng đây là “giếng nước thần kỳ”, vì nhờ nó mà bia Con Cọp có vị riêng đặc biệt, hấp dẫn khó quên!

 

Không chỉ vậy, phòng trưng bày còn có những viên gạch xây, gạch chịu lửa mang từ Pháp qua, nhiều viên có in chữ chìm B.G.I cho biết được sản xuất riêng để xây dựng nhà máy này. Bên cạnh đó là gạch trang trí, bông gió màu men xanh đồng, men vàng khá đặc trưng của gốm Biên Hòa hồi đầu thế kỷ XX, gạch bông lát nhà kiểu Pháp nhiều kích cỡ, nhiều hoa văn... 

 

Ngay cạnh phòng trưng bày là hệ thống “bể” lên men bia từ giai đoạn sản xuất đầu tiên nay được bảo tồn nguyên vẹn. Một lối đi rộng khoảng 1m bằng gỗ lát trên những khung sắt giữa hai dãy khoảng 20 chiếc bể - là những thùng bằng đồng hình trụ dung tích đến mấy ngàn lít, đặt nằm ngang, một đầu có khóa xả và một cửa nhỏ hình tròn để có thể vào làm vệ sinh bể. 

 

Bên khu vực sản xuất còn những chiếc “nồi nấu bia” bằng đồng xưa, một chiếc nồi giữ nguyên kích thước để “bảo tồn” tại vị trí, còn lại những chiếc khác đã được thay bằng chất liệu hiện đại và lớn hơn. Nơi này cũng còn những chiếc cột có gắn gạch trang trí là gốm Biên Hòa, chi tiết hoa văn và màu men xanh đẹp vô cùng.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/737f729f-0565-49e5-869e-6e214b3ff88e.jpg

 

Đằng sau tường rào và cánh cửa còn in dấu thời gian, trên mảnh đất cũ những chứng tích của một thương hiệu nổi tiếng của Sài Gòn vẫn còn đó. Hiện nay dù có thêm nhiều nhà máy bia Sài Gòn ở các địa phương khác, nhưng sản phẩm bia Sài Gòn được sản xuất tại nhà máy đầu tiên vẫn là một nhãn hiệu uy tín và thân thuộc nhất với người tiêu dùng. 

 

                                                             *

Trong khối di sản văn hóa đô thị đồ sộ của Sài Gòn, người ta thường quan tâm đến những công trình kiến trúc - nghệ thuật “thời Tây”, đó là công sở như Dinh Xã Tây, Tòa án; công trình công cộng như trường học, bảo tàng; công trình tôn giáo như các nhà thờ và tu viện... Nhưng bên cạnh đó còn nhiều công trình có chức năng quan trọng đối với đời sống đô thị và tạo thành một đặc điểm của nền kinh tế Sài Gòn. Từ ngành “công nghiệp nặng” như Công xưởng Ba Son và các cảng lớn trên sông Sài Gòn, hệ thống bến cảng - bến chợ ven sông Bến Nghé dài vào đến Chợ Lớn... đến ngành công nghiệp “dịch vụ” không thể thiếu của đô thị: nhà đèn Chợ Quán, nhà máy nước, hệ thống thủy đài khắp thành phố... và hệ thống nhà máy sản xuất, chế biến lương thực - thực phẩm như nhà máy lúa gạo dọc bến Bình Đông, nhà máy rượu, bia nước ngọt... Ngoài ra còn Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, Sài Gòn (quận 5), Nhà máy Xà bông Cô Ba...

 

Các công trình kiến trúc và cảnh quan công nghiệp ngày nay được gọi là di sản công nghiệp đô thị. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển - có thời Sài Gòn cực thịnh nhất Đông Nam Á, TP.HCM hiện còn rất ít công trình loại này. Đặc biệt từ đầu thế kỷ XXI những di tích này biến mất nhanh chóng, bởi vị trí “đất vàng” của chúng. Chỉ có Nhà máy Bia BGI trên đường Nguyễn Chí Thanh còn tồn tại. Dù qua mấy lần thay đổi “chủ” nhưng việc bảo toàn nhà máy tại vị trí cũ, việc xây dựng một phòng trưng bày - truyền thống trong nhà máy, sự trân trọng quá khứ của những người có trách nhiệm ở đây thật đáng quý!

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/24803efe-3ef9-4dc6-8caf-104786e55b00.jpg

 

Hồi đầu thế kỷ XX quá trình đô thị hóa đã làm nhiều làng nghề của Sài Gòn xưa di chuyển ra các tỉnh lân cận, như nhiều lò gốm của xóm Lò Gốm di chuyển lên Lái Thiêu, các làng nghề khác cũng mất dần dấu tích. Ngày nay việc các nhà máy di dời khỏi nội thành hoặc ra khỏi thành phố để bảo vệ môi trường, đến khu vực khác phù hợp với quy mô sản xuất mới và hiện đại là tất yếu. Tuy nhiên, nhiều thành phố trên thế giới đã có ứng xử khôn ngoan với loại hình di tích này.

 

Đối với những nhà máy, xưởng thủ công sản xuất hàng tiêu dùng mà nhãn hiệu đã trở thành thương hiệu của thành phố thì thường được giữ lại một phần và duy trì sản xuất, đưa chúng trở thành di sản văn hóa và sản phẩm du lịch. Phổ biến hơn là lựa chọn bảo tồn một số công trình công nghiệp tiêu biểu, mang ý nghĩa dấu mốc của lịch sử thành phố. Bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đồng thời thay đổi công năng, trùng tu tôn tạo mang lại cho công trình sức sống mới, vừa tôn trọng lịch sử vừa mang lại lợi ích mới cho thành phố. Như vậy “kinh tế di sản” không chỉ có trong lĩnh vực di tích lịch sử - văn hóa mà còn có thể ứng dụng tại các di sản công nghiệp.

 

Trường hợp Nhà máy Bia Sài Gòn - Bia Con Cọp BGI - rất cần được ứng xử như vậy! Và cả chợ Bến Thành cũng cần được lưu tâm bảo tồn từ bây giờ. Bởi vì sắp tới hệ thống thương mại dịch vụ hiện đại nằm dưới tầng ngầm của ga metro trung tâm sẽ hoạt động, thu hút một lượng lớn khách du lịch cũng như người dân thành phố. Sức hoạt động và vai trò của chợ Bến Thành chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Lẽ nào chúng ta để cho công trình và biểu tượng lịch sử một thời của Sài Gòn xưa mất dần ngay trước mắt?

 

Bài: Nguyễn Thị Hậu - Ảnh: TDTT

 

* Mời đọc Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2022





No comments:

Post a Comment