https://www.facebook.com/duynhienlambinh/posts/10226604102665830
Tại Việt Nam, chắc chắn cụm từ “chính trị” là
nhạy cảm nhất đối với nhiều người. Thật vậy, rất dễ để nghe những lời buột miệng
kiểu như: “thôi, không quan tâm đến chính trị đâu” hay “gì cũng được miễn đừng
bàn đến chính trị”!
Cứ như thể “chính trị” tự bản thân nó đã là hiện
thân của những gì xấu xa nhất, tồi tệ nhất mà con người trong xã hội Việt Nam cần
xa lánh, nếu không muốn bị phiền toái…
Mà đâu chỉ riêng tại Việt Nam! Chúng ta chắc
cũng từng nghe bạn bè, người thân tại Mỹ, tại châu Âu hay châu Úc từng thốt lên
những lời xa lánh cái khái niệm chính trị ấy. Dẫu họ đã từng là thuyền nhân tị
nạn cộng sản, từng trải qua những thời khắc đau thương và hiểm nguy để chạy
thoát khỏi cái chế độ độc tài toàn trị tại quê nhà.
Tất cả họ đều có một mẫu số chung, đó là họ
“ngại” không muốn bàn hay bình luận gì đến tình hình chính trị tại Việt Nam. Họ
chán nản, bất mãn vì biết không thể nào làm biến chuyển được tình trạng chính
trị trong nước? Chắc chắn có một phần nào đó. Nhưng cái rào cản lớn nhất khiến
họ thờ ơ, vô cảm đối với đời sống chính trị trong nước chính là sự sợ hãi. Họ sợ
sẽ bị đàn áp, khủng bố và tệ hại nhất là bị tù đày. Họ không muốn đối mặt với
những bất công, những thảm trạng vẫn xảy ra hàng ngày trong xã hội vì họ tin rằng
bộ máy an ninh sẽ không để cho họ “yên thân”. Họ sợ bị mất tất cả những gì họ
đang sở hữu: tiền bạc, nhà cửa, công ăn việc làm. Ngay cả chính quyền cũng chỉ
có một chủ đích duy nhất đó là khuyến khích, định hướng người dân vào một cuộc
sống hưởng thụ và tiêu thụ. Cứ lo làm giàu và tiêu xài. Những khía cạnh khác của
xã hội như quyền bình đẳng, tự do ngôn luận, tôn giáo hay báo chí và nhất là
chính trị đã có chính phủ và đảng “gánh vác”.
Dường như có một nỗi mất mát khác, lớn lao
hơn, căn bản hơn, nhưng họ không muốn bận tâm, đó là Tự do. Rồi ai sẽ lên tiếng
cho họ về hai chữ Tự do thiêng liêng của con người?
Người viết từng trò chuyện với người quen
trong nước và vẫn thường bị cho là “dại dột” khi dính líu đến những vấn đề
chính trị Việt Nam. Có người thậm chí còn trách rằng “dân chúng hơn 90 triệu
còn không than vãn huống hồ gì một vài cá nhân mà đòi thay đổi này nọ”.
Ai đã mặc định như đinh đóng cột rằng hơn 90
triệu người không than vãn nếu như không phải sự sợ hãi đã khiến người ta cố
tình bỏ mặt hiện trạng xã hội?
Không ít người bên ngoài vẫn hay rào cản mỗi
khi nói chuyện rằng họ không quan tâm đến chính trị. Nhưng khi cuộc thảo luận
được hướng về những sinh hoạt chính trị tại nước sở tại, họ lại rất linh động
và bình luận hăng say. Từ chuyện ông Obama đến ông Trump và cuộc bầu cử Tổng thống
Mỹ. Từ chuyện ông Macron đến bà Merkel hay ông Johnson, họ am tường mọi chuyện
và không ngần ngại phê phán hay chỉ trích đường lối của các đảng cầm quyền. Họ
cũng sẵn sàng viết lách hay kêu gọi ủng hộ hay tẩy chay một ứng viên nào đó.
Tóm lại, họ không hề thờ ơ về chính trị như họ từng tuyên bố.
Chính trị tại những quốc gia tiến bộ nơi họ
đang sinh sống và lập nghiệp khác hẳn với cái bộ mặt chính trị tại Việt Nam. Họ
không hề sợ hãi khi lên tiếng sử dụng quyền công dân của mình để phê bình hay
chất vấn những chính sách chính trị của các chính trị gia. Ngược lại, dẫu đã rời
xa quê hương, nhưng họ vẫn lo ngại sẽ bị phiền luỵ hay quấy nhiễu nếu “dám” nói
đến chính trị Việt Nam!
Chính cái sự vô cảm và sợ hãi ấy đã khiến xã hội
không còn tiếng nói phản biện nữa. Đối lập chính trị chính là mấu chốt của sự
tiến bộ trong một quốc gia, tiếc thay, không hề tồn tại trong một quốc gia độc
đảng. Đa nguyên, đa đảng mang lại những sự tích cực trong cạnh tranh chính trị
nhằm xây dựng một xã hội nhân bản lại chỉ là một giấc mơ trong bối cảnh thờ ơ,
lãnh đạm của đại đa số quần chúng.
Chính trị chính là hơi thở, là sức sống của một
quốc gia. Chính trị là những điều bình dị nhất trong cuộc sống hàng ngày. Vật
giá, đường xá, giao thông, trường học, y tế và cả những giá trị, chuẩn mực đạo
đức,… tất cả đều mang hình bóng của chính trị. Một xã hội vận hành trơn tru
chính là một xã hội luôn tự biết chất vấn và tự đổi thay. Tất cả đều do chính
trị quyết định những biến đổi trong cộng đồng.
Nói không với chính trị, tức là mở cửa cho mọi
vấn nạn, thái quá và bất công trong mọi phạm trù của xã hội. Sử dụng quyền công
dân được Hiến pháp ghi nhận để tham gia vào những sinh hoạt chính trị là góp phần
xây dựng một xã hội tiến bộ hơn và dân chủ hơn.
Xã hội phẫn nộ trước cái chết của một bé gái bị
bạo hành bởi mẹ kế và cha ruột, suy cho cùng cũng chính sự vô cảm về chính trị
đã khiến cho những tội ác như thế vẫn còn xảy ra trong cộng đồng.
Người viết chợt nhớ đến những cuộc tranh luận
sôi nổi về xã hội, về chính trị của các học trò lớp 12 tại Thuỵ Sĩ. Các em chừng
18 tuổi nhưng chẳng hề bỏ sót một sự kiện chính trị nào trong xã hội. Thuế má,
thẻ thông hành vắc xin, Covid, antivax, bầu cử, bỏ phiếu, đảng phái chính trị từ
tả đến hữu hay cực hữu, các em đều quan tâm và bày tỏ chính kiến. Cái dáng bề
ngoài của tuổi trẻ cũng IPhone, AirPods, laptop, áo quần thời trang,… nhưng các
em không hề quên rằng chính mọi quyết định chính trị trong xã hội sẽ ảnh hưởng
đến tương lai của thế hệ các em. Các em, đơn giản, không chấp nhận cho bất cứ
ai có thể thay thế, quyết định cuộc sống của mình.
Có cô học trò, người Pháp, rất nôn nóng chờ đến
ngày đi bỏ phiếu Tổng thống Pháp. Vì em muốn, bằng lá phiếu của mình, nói không
với ứng viên cực hữu Éric Zemmour. Quan tâm đến chính trị và không ngần ngại
bày tỏ chính kiến của mình: đó mới chính là thái độ của một công dân mà nền
giáo dục tại các quốc gia tiến bộ đang đào tạo nên.
Chừng nào xã hội Việt Nam với 69,3% dân số
trong độ tuổi từ 15 đến 64 vẫn còn lãnh đạm và sợ sệt khi phải đối mặt với những
khái niệm chính trị, thì khi đó Việt Nam vẫn còn là một xã hội bệnh hoạn và bất
công. Sự suy đồi và tha hoá về những giá trị đạo đức sẽ vẫn tiếp diễn. Dẫu xã hội
có trở nên hào nhoáng nhưng đó vẫn chỉ là một xã hội của sự tiêu thụ và mang
trong lòng bao vấn nạn, hệ quả của một thể chế chính trị độc tài toàn trị.
Chính trị chính là tương lai của chúng ta, của
con cái chúng ta và của các thế hệ mai sau. Đừng khóc hay phẫn nộ cho những gì
đang xảy ra mà hãy bắt đầu tự ý thức rằng chỉ có chính trị mới làm dần thay đổi
xã hội và vận mệnh của cả dân tộc.
Thà muộn còn hơn không bao giờ…
Lâm Bình Duy Nhiên
.
No comments:
Post a Comment