Friday, August 27, 2021

HỒ CHÍ MINH ƠI! ÔNG CHẾT RỒI, SAO CÒN LÀM KHỔ DÂN TÔI? (Nguyễn Văn Đài)

 


Hồ Chí Minh ơi! Ông chết rồi! Sao còn làm khổ dân tôi?

Nguyễn Văn Đài  

Thứ Sáu, 08/27/2021 - 01:50 — nguyenvandai

https://www.rfavietnam.com/node/6926

 

Ngày 2 tháng 9 tới đây, là tròn 52 năm ngày mất của ông Hồ Chí Minh. Tôi sẽ cùng bạn đọc điểm lại một vài di sản mà ông Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước và Nhân dân Việt Nam.

                                                            ***

 

Trên thế giới, hầu hết các vị lãnh tụ của các quốc gia, sau khi họ qua đời đều để lại những di sản vô cùng quí báu cho đất nước và dân tộc của họ. Những di sản đó là một đất nước tự do, dân chủ cho muôn đời các thế hệ con cháu của họ. Và đất nước tự do, dân chủ là nền tảng vững chắc để các thể hệ con cháu của họ xây dựng một quốc gia giàu mạnh, hùng cường và văn minh.

 

Ví dụ điển hình là cố Tổng thống Gorge Washington, lãnh tụ, người đã để lại một nền tảng là nước Mỹ dân chủ, các thế hệ người Mỹ đã xây dựng đát nước của họ trở thành siêu cường của Thế giới.

 

Các vị lãnh tụ của các nước trên thế giới tốt đẹp bao nhiêu, thì ở Việt Nam, một người mà đảng CSVN suy tôn là lãnh tụ đã để lại biết bao đau khổ cho đất nước và Nhân dân.

 

Người đó là Hồ Chí Minh.

 

Người xưa có câu: “Chết là hết!”

 

Nhưng với Hồ Chí Minh thì không!

 

Hồ Chí Minh đã chết 52 năm, nhưng thân xác của ông ta vẫn chưa được các đồng chí của ông ta đem thiêu theo di chúc mà ông ta để lại.

 

Để bảo quản cho các xác của Hồ Chí Minh, trong 52 năm qua, Nhân dân Việt Nam đã phải đổ môi, nước mắt, kể cả xương máu để đóng thuế cho công việc đó.

 

Biết bao trẻ em thiếu trường học, cầu, đường, bệnh viện, sách vở,… chỉ vì những đồng tiền để xây dựng những công trình đó bị sử dụng vào việc bảo quản xác Hồ Chí Minh và xây tượng đài cho ông ta.

 

Vậy để bảo vệ cái xác của Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã phải chi phí mất bao nhiêu tiền hàng năm? Dưới đây là số liệu của năm 2016, còn tới năm 2021 thì chắc chắn nó đã gấp 1,5 lần.

 

Những gì công chúng biết hiện nay là có một cơ quan hỗn hợp vận hành quần thể lăng Hồ Chí Minh. Đó là Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (BQL Lăng), một cơ quan thuộc chính phủ (nghĩa là tương đương cấp bộ), phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng của Bộ Quốc phòng và Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ K10 của Bộ Công an.

 

Hai đơn vị vũ trang của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an này được gọi là “cơ quan chuyên trách phối thuộc”, nằm trong cơ cấu BQL Lăng. Nghĩa là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cho BQL Lăng mượn hai đơn vị này. Không rõ cách thức tổ chức bộ máy này dựa trên cơ sở nào và cơ chế làm việc của họ ra sao. Nghị định 18/2018/NĐ-CP là văn bản quy định về BQL Lăng nhưng cũng rất vắn tắt, không cung cấp chi tiết nào để lý giải được chuyện này.

 

Theo số liệu dự toán ngân sách nhà nước do chính phủ công bố, ngân sách cho BQL Lăng đã tăng từ 157,300 tỷ đồng năm 2010 lên tới 318,730 tỷ đồng cho năm 2016.

 

Đây cũng là hai năm công khai thống kê về BQL Lăng trong dự toán chi Ngân sách Trung ương, trong chuỗi 13 năm thực hiện công khai dự toán chi Ngân sách trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

 

Như vậy, khoản tiền hơn 318 nghìn tỷ đồng này cao hơn ngân sách cùng năm 2016 của Uỷ ban Dân tộc (209,920 tỷ), Thanh tra Chính phủ (214,795 tỷ), Đài Truyền hình Việt Nam (299,970) và Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,435 tỷ).

 

Qua các số liệu trên, chúng ta đã thấy bảo quản một xác chết của Hồ Chí Minh tốn kém hơn cả nuôi một cơ quan cấp Bộ.

 

Với số tiền cộng lại chỉ trong 10 năm thì đủ xóa bỏ toàn bộ các trường học tre, nứa, các bệnh xá tạm và đủ xây cầu cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

 

Đó là về bảo quản xác chết, còn về kinh phí xây dựng các tượng đài thì Nhân dân Việt Nam còn phải đổ mồ hôi, nước mắt, xương máu nhiều hơn. Vì độc tài cộng sản lợi dụng vào đó để tham nhũng khủng khiếp.

 

Theo thống kê, trên thế giới có 35 tượng đài Hồ Chí Minh ở 22 quốc gia.

 

Theo đề án quy hoạch, Việt Nam xây thêm 14 tượng đài Hồ Chí Minh nữa trong giai đoạn 2015-2030 (không tính 31 tượng đài đã được xây trước khi có đề án), trong đó có những tượng đài đã hoàn thành ở Quảng Bình, Bình Định trong vài năm gần đây… Con số trên chỉ bao gồm tượng đài nhóm A, tức tượng đài lớn ở các đô thị trung tâm hành chính, chưa tính một số lượng lớn tượng đài trong khuôn viên cơ quan, tổ chức, trường học.

 

Đa phần các công trình đều ngự trị ở trung tâm thành phố, đập vào mắt người dân mỗi ngày như nhắc họ không được quên các lãnh tụ cũng như hệ tư tưởng mà các lãnh tụ đó sáng lập, vun bồi. Theo giới phân tích, việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh là nhằm "áp đặt tư tưởng" phục vụ cho mục đích "củng cố chế độ".

 

"Việc xây dựng tượng đài giúp củng cố chế độ, gieo vào đầu người dân khuôn khổ suy nghĩ trong giới hạn môi trường do chính đảng Cộng sản tạo ra. Đây là sự áp đặt tư tưởng qua biểu tượng. Kể cả âm nhạc, nghệ thuật cũng là một phần của hệ thống cai trị này", ông Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nói như vậy.

 

Trong hơn một năm qua, đại dịch Covid 19 đã làm cho người dân và các doanh nghiệp kiệt quệ.

 

Theo thống kê của Bộ Lao động, Xã hội thì hiện nay có 8,7 triệu người cần cứu đói khẩn cấp.

 

Trong 7 tháng đầu năm 2021, có 78 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới rất ít.

 

Đời sống người dân vô cùng khó khăn, doanh nghiệp khốn đốn.

 

Vậy mà rất nhiều tỉnh vẫn khánh thành các tượng đài, quảng trường Hồ Chí Minh như Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng.

 

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt dự án tượng đài Hồ Chí Minh và quảng trường với trị giá trên 100 tỷ. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, công trình này đã tạm đình chỉ thi công.

 

Mới đây nhất, ngày 5 tháng 8, tại tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Khu Du lịch văn hóa thuộc “Khu Di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. 

 

Dự án sẽ được triển khai tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn trên diện tích 435.677m2, bao gồm khu đất bến bãi đỗ xe, cây xanh, dịch vụ và cây xanh cảnh quan; đất khu thương mại dịch vụ; đất khu trung tâm văn hóa; đất khu dịch vụ du lịch; đất khu thực nghiệm, bảo tồn nông nghiệp, giao thông chung... Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là gần 1.625 tỷ đồng.

 

Đây là số tiền khổng lồ so với một tỉnh nghèo như Nghệ An.

 

Thu ngân sách năm 2020 của Nghệ An đạt hơn hơn 17 ngàn tỷ đồng, như vậy dự án trên đã chiếm 10% ngân sách địa phương. Còn đâu ngân sách dành cho giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi hàng năm, Nghệ An vẫn phải được nhận thêm từ ngân sách trung ương.

 

Hầu hết những người am hiểu về nền chính trị độc tài CSVN thì biết rõ việc xây dựng các công trình tượng đài, quảng trường, khu di tích là mang đậm lợi ích nhóm trong đó. Tham nhũng trong các loại dự án này chiếm từ 30% tới trên 50% tổng mức đầu tư.

 

Bởi vậy, quan chức cộng sản nào mà trong nhiệm kỳ của họ xin được dự án xây dựng tượng đài, quảng trường, khu di tích,… thì đó là một nhiệm kỳ thành công mỹ mãn của những quan chức đó.

 

Như vậy, rất rõ ràng, ông Hồ Chí Minh đã qua đời gần 52 năm, nhưng những di sản mà Hồ Chí Minh để lại là những thảm họa đối với Nhân dân và đất nước Việt Nam mỗi ngày.

 

Các quan chức độc tài CSVN thì vinh thân, phì gia nhờ di sản của Hồ Chí Minh, còn người dân thì khánh kiệt, khốn khổ vì những di sản đó.

 

Ông Hồ Chí Minh ơi! Ông chết rồi! Sao còn làm khổ dân tôi?!

 

nguyenvandai's blog




 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment