Friday, August 27, 2021

CHẾT VÌ COVID, CHẾT VÌ MIẾNG ĂN? (VietTuSaiGon)

 


Chết vì Covid, chết vì miếng ăn?

VietTuSaiGon

Thứ Sáu, 08/27/2021 - 07:02 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/6927

 

Dịch bệnh, dù muốn hay không, miếng ăn (là miếng tồi tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu – Ca dao) vẫn là thứ quan trọng nhất để duy trì sự sống. Có biết bao nhiêu chuyện đau lòng do thiếu thức ăn gây ra ở Sài Gòn và những vùng tâm dịch khác. Chính phủ phải nâng cấp độ báo động, đưa quân đội vào cuộc để chống dịch và quản lý, điều tiết lương thực. Tình hình có vẻ tạm ổn, thế nhưng một số nơi tại Sài Gòn, Bình Dương, chuyện miếng ăn vẫn gây đau lòng. Do đâu?

 

Các tổ dân phố, chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…

 

Chuyện này, tức các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, hình như là người ta nói đi nói lại cả ngàn lần, mà lần nói nào, lần nhắc nào về họ cũng liên quan tới miếng ăn. Từ miếng ăn lúc thiên tai lũ lụt của bà con vùng thiên tai bị ém nhẹm, ăn chặn, biển thủ… nhỏ thì gói mì tôm, gói cháo ăn liền, ký gạo, lớn thì tiền bạc, vật dụng, vật liệu xây nhà chống thiên tai… không có thứ gì là không có vấn đề. Rồi đến lúc dịch giã diễn ra, con người đối mặt với khốn khó, chết chóc, những tưởng người ta suy nghĩ lại, nhưng không, cũng ngay chỗ các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố này là đầu mối hỏng hóc, tiếng kêu, ai oán…

 

Nói một cách nghiêm túc, cho đến thời điểm hiện nay, khi mà quân đội có mặt để vãn hồi trật tự và đi chợ giúp dân vùng dịch, nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động này vẫn là các ông bà tổ trưởng dân phố. Hình ảnh mới nhất, gần đây nhất là một bà chủ tịch phường ở Sài Gòn đứng nói chuyện với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, sau một hồi nói chuyện, bà nói mình là F0 và khoe cả bà và người mẹ cũng là F0 nữa đang tự điều trị tại nhà. Câu chuyện nghe như hài nhưng nó khiến người ta phải giật mình, kinh sợ. Bởi trong lúc nhà nước, chính phủ hết sức căng thẳng với dịch bệnh, người ta đang bằng mọi giá truy tìm F0 để cách ly và giãn cách khu vực có F0, vậy mà một bà chủ tịch phường, đồng thời là F0 lại nghênh ngang tiếp xúc lãnh đạo, đi lại tự do và không chừng bà cũng mang lương thực đến cho dân, đi động viên nhân dân… Thử hỏi, có bao nhiêu người dân phải tiếp xúc với F0 chủ tịch phường này? Và đội ngũ cán bộ đã tiếp xúc với F0 này trong ủy ban phường là bao nhiêu người, họ lan tỏa ra bao nhiêu chỗ? Hóa ra, cơ quan phường lại là cái ổ dịch lớn nhất trong công cuộc chống dịch, nó được hợp thức hóa để lây lan hay sao?

 

Nhắc tới F0 này để nói tới vấn đề quyền tự tung tự tác, quyền tự trị địa phương theo kiểu “nhất trung ương nhì địa phương là có thật”. Một mặt các cán bộ xã, phường này o ép người dân đủ các kiểu, làm những điều mà bản thân họ chẳng bao giờ xem đó là nghiêm túc, là tuân thủ bắt buộc. Bên cạnh đó, việc tự cho mình cái quyền ngồi trên đầu nhân dân để hưởng lạc là có thật, nhất là sau đợt bầu cử chức vụi trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không giống ai năm vừa qua với một ứng cử viên duy nhất cho một chức vụ duy nhất. Cái kiểu bầu bán trò hề này càng giúp cho các trưởng thôn, trưởng ấp, tổ trưởng dân phố thấy mình là duy nhất, độc tôn ở địa phương. Và hệ quả của nó là nhà nước ngày càng xa rời nhân dân thông qua các thành phần này.

 

Nói quân đội vào cuộc bởi vì các trưởng ấp, tổ trưởng dân phố hay Chủ tịch phường, xã làm ăn không ra gì là có cơ sở của nó. Bởi ngay từ đầu, các cơ quan chính quyền địa phương làm việc nghiêm túc, chống dịch hiệu quả và phân chia thức ăn, giúp đỡ cho người dân tốt đẹp thì chắc chắn Sài Gòn không vỡ trận, không xảy ra tình trạng như ngày hôm nay. Và ngay cả bây giờ, khi quân đội vào cuộc, đi chợ giùm, thì cái phần phát chẩn nhà nước với nhân dân dành cho những cán bộ phường cũng chưa hết vấn đề. Nơi nào cơ quan chính quyền địa phương làm ăn tốt, đàng hoàng thì nơi đó lương thực đầy đủ, tạm ổn. Ngược lại, có nhiều nơi nhân dân vẫn kêu xiết vì chưa thấy gì, đói rã họng và đau khổ. Đó là thực chứng của không ít nhân dân, là sự thật của hiện tại. Vì đâu?

 

Vì đội ngũ cán bộ địa phương vốn dĩ yếu kém và tham lam đã bằng cách này hay cách khác duy trì quyền quản lý, kéo dài quyền quản lý quá lâu, và họ càng kéo dài quyền quản lý thì nhà nước, chính phủ trong con mắt nhân dân, thông qua hệ thống chính quyền địa phương càng trở nên tệ hại, xấu xa, không đáng tin cậy. Khi họ làm cho mọi chuyện trở nên xấu xa, hết thuốc chữa thì quân đội vào cuộc, lúc này hình ảnh quân đội như một kẻ thay thế cho chính quyền địa phương vãn hồi trật tự. Rõ ràng, trong nếp nghĩ của người dân, quân đội là bước kế tiếp của chính quyền địa phương, một chính quyền tệ mạt, tham nhũng và ăn của dân không từ thứ gì.

 

Cuối cùng, cái chết vì dịch diễn ra khắp mọi nơi nhưng lại không đáng sợ bằng cái chết bởi miếng ăn. Vô hình trung, miếng ăn trở thành vật cản rất lớn trong mối quan hệ nhân dân với nhà nước, miếng ăn trở thành trò chơi tệ hại mà nhà nước đã ném về phía nhân dân. Cái chết của niềm tin, cái chết của danh dự cán bộ còn sót lại, cái chết của những oan khiên do miếng ăn gây ra.

 

Không phải tự dưng mà người dân tranh nhau từng miếng ăn, từng trái bầu trái bí trong mùa dịch. Không phải tự dưng mà người dân rên xiết, quì lạy vì miếng ăn. Không phải tự dưng mà người dân trở nên căng thẳng vì miếng ăn. Tất cả thực trạng này đều do một quá trình tương tác lâu dài giữa nhà nước với nhân dân, thông qua kênh chính quyền địa phương, dường như thói quen, căn bệnh chụp giật đã trở nên phổ biến, bởi không chụp giật thì sẽ mất miếng ăn.

 

Và, không biết tự bao giờ, miếng ăn, miếng tồi tàn đã thành một thứ gì đó rất khó nói, nó đã giết chết danh dự, lòng tự trọng và phẩm hạnh của dân tộc này một cách tàn khốc, không thương tiếc. Liệu Việt Nam có thể thoát được cơn bĩ cực này hay không, khi mà chưa chết vì dịch, người ta đã chết danh dự, chết vì miếng ăn trong một bầu khí quyển đau đớn, tuyệt vọng!

 

 

 VietTuSaiGon's blog




No comments:

Post a Comment