Saturday, July 24, 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ MƯỜI SÁU : LẠC QUAN ĐỂ TỒN TẠI??? (Đỗ Duy Ngọc)

 


Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười sáu: Lạc quan để tồn tại???

Đỗ Duy Ngọc

24/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/24/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-muoi-sau-lac-quan-de-ton-tai/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15

 

Thành phố lại tiếp tục bị phong toả, nghiêm ngặt hơn nhưng những con số vẫn theo đường đi lên, không biết bao giờ mới xuống thành biểu đồ parabol. Đọc trên mạng, xem clip, đọc tin nhắn của bạn bè và ngay cả khi xem báo chí chính thống. Toàn những chuyện không vui, toàn những thứ làm cho người ta bi quan.

 

Mới tức thì đọc trên face của một cô MC lúc nào cũng nhí nhảnh, lúc nào cũng tươi cười khoe dáng, trình diễn áo quần thời trang một status thế này: “Chú tôi sốt 4 ngày liên tục không một ai hỏi han. Không một viên hạ sốt. Ngày chú tôi về nhà chỉ là nắm tro nằm trong hủ. Còn bao nhiêu người chết ở khu cách ly nữa, các người mới dừng việc vô nghĩa này lại?!“.

 

Cũng không muốn nhắc chuyện buồn nữa, tìm những chuyện vui để lạc quan thêm một tý, để có thêm chút nụ cười giữa những ngổn ngang. Nhưng khó quá. Thấy trên báo cũ có tin nói người hút thuốc lá khó bị virus tấn công hơn. Không tin nhưng cũng đọc và đưa thành một cái status để cho vui, để tìm chút thắng lợi tinh thần vì tôi cũng là dân nghiện thuốc lá nặng.

 

Tìm xem những clip giúp người nghèo trong cơn hoạn nạn của những ngày phong toả để thấy đời vẫn còn đẹp với những tấm lòng. Nhưng rồi lại quá xót xa cho những thân phận. Vẫn còn có những hình ảnh khoe giàu, khoe ăn chơi, khoe thân thế con ông cháu cha, khoe những ưu tiên mà mình có được nhờ những quan hệ. Nhưng cũng vẫn còn đó hình ảnh của anh thanh niên thất nghiệp thiếu ăn, không còn tiền để sống.

 

Vẫn còn đó ông lão bò ra đường xin ăn, mấy mẹ con chở nhau bằng xe đạp về quê xa tít cả ngàn cây số. Vẫn còn đó những gia đình công nhân mất việc làm đành ngồi chờ hộp cơm cứu trợ, hộp cháo cho con nhỏ của những người thiện nguyện. Vẫn còn đó cảnh nheo nhóc, thiếu mọi tiện nghi của những người bị vào khu cách ly. Vẫn còn đó những con ngõ bị bao vây bởi những vòng thép gai như công sự thời chiến.

 

Vẫn còn đó hình ảnh người bác sĩ kiệt sức nằm dài trên sàn nhà sau thời gian quá dài chiến đấu cứu chữa cho người dịch bệnh. Vẫn còn đó một thành phố đìu hiu dưới ánh đèn hiu hắt trong cơn mưa tối qua khi tôi nhìn xuống đường, còn đâu một Sài Gòn nhộn nhịp đầy sức sống của những ngày cũ. Tất cả hiện ra trước mắt nên dù có muốn lạc quan một chút, thắp lên một niềm tin cũng khó với hiện thực.

 

Cho đến nay, Sài Gòn đã có 3.057 điểm phong tỏa, trong đó TP Thủ Đức có gần 500 điểm phong tỏa, quận 8 có 313 điểm, huyện Hóc Môn 262 điểm, quận 12 có 232 điểm… Trong số các địa phương, TP Thủ Đức có số điểm phong tỏa nhiều nhất, với gần 500 điểm. Nơi đây cũng có nhiều phường phải phong tỏa hoàn toàn để chống dịch, với tổng cộng 12 phường tính đến 16h ngày 21.7. Trong đó, phường mới nhất bị phong tỏa là phường Tam Phú, rộng khoảng 311ha, với dân số khoảng 30.400 người, phong tỏa từ 12h ngày 20.7.

 

Trong khi đó, UBND quận Bình Thạnh cũng vừa có thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ phường 19 từ 0h ngày 22. 7 đến khi có thông báo mới. Phường 19 có hơn 19.000 dân. Nơi đây có các cụm khu vực đông dân như chung cư Phạm Viết Chánh, chung cư Nguyễn Ngọc Phương, chợ Thị Nghè… Nếu nhìn trên bản đồ phong toả của thành phố, ta có cảm tưởng Sài Gòn đã bị vây hãm, không đường cựa quậy. Có lạc quan được chăng?

 

Theo thông tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, virus Vũ Hán đang dẫn đến những thay đổi lớn với ước tính thiệt hại về kinh tế toàn cầu lên tới 28.000 tỷ USD tính tới năm 2025.

Với những hậu quả nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu như vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho toàn bộ việc này? Ai có lợi trong cơn đại dịch làm xáo trộn cả thế giới? Cho đến giờ, chẳng có ai trả lời được câu hỏi này. Nghĩ đến tương lai hậu cơn đại dịch cũng khó mà lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới.

 

Một cô học trò cũ, giờ là một bác sĩ, hôm qua điện cho tôi nói rằng, nguy hiểm nhất là việc xét nghiệm tầm soát. Việc này có cái lợi là phát hiện được F0 trong cộng đồng, tuy nhiên trong quá trình xét nghiệm có một chi tiết rất nguy cần lưu ý là chiếc găng tay của lực lượng xét nghiệm. Chi tiết này tôi cũng đã nhìn thấy, có suy nghĩ mà chưa tiện nói.

 

Về nguyên tắc, không nên sử dụng một chiếc găng tay y tế đấy suốt quá trình xét nghiệm. Bởi khi chọc que vào họng hay vào mũi của người được xét, nhân viên y tế thường se đầu que, tay để sát mũi người được xét, hơi thở của họ chắn chắn thở vào găng tay. Găng tay tiếp xúc trực tiếp vào hơi thở, mũi và họng của người được xét nghiệm. Chỉ cần trong số đó có một người đang là F0, nói như một lãnh đạo thành phố, trong lúc này ai cũng có thể là F0. Thế là virus sẽ dính vào găng tay của nhân viên xét nghiệm và suốt buổi hôm đó, ai qua tay người này đều có thể dính virus.

 

Có cách nào để thay đổi quá trình này không? Nếu cứ sau khi xét một người lại thay găng tay thì quá tốn kém và mất thời gian. Hay là ta chồng thêm một bao tay nhựa thông dụng rẻ tiền thường dùng cho các bà nội trợ, bán hàng ăn dùng một lần rồi bỏ. Vừa giải quyết được việc lan truyền virus mà giá cũng chẳng tốn bao nhiêu. Được như thế, người được xét nghiệm bớt lo âu mà tình trạng lan truyền virus cũng bị hạn chế phần nào.

 

Con virus biến thể Delta này lây nhiễm rất nhanh, chỉ cần mấy giây tiếp xúc đã có thể dính bệnh. Nếu cứ tiếp tục xét nghiệm theo lối cũ với chiếc găng tay không được thay, nguy cơ truyền nhiễm rất cao.

 

Ngày đầu tiên giãn cách nghiêm, mà dân mạng đặt tên là 16 plus hay 16+, theo lãnh đạo thành phố sẽ tăng cường, siết chặt hơn nữa tình trạng giãn cách. Thế nhưng, vẫn còn nhiều người dân xem thường những chỉ thị của nhà nước. Vẫn có người đạp xe thể dục với lý do ở nhà cuồng cẳng, có người bảo đến một địa chỉ khác để chăm sóc cho mấy con chó, người thì buồn quá đi long nhong chơi nghĩ là chẳng hại đến ai, người thì đi chục cây số để mua mấy trứng vịt…

 

Xem một clip quay sáng nay ở một chốt tại quận Phú Nhuận mà ngao ngán với mấy người này. Bộ phận thi hành rất ôn tồn, nhỏ nhẹ giải thích với những người vi phạm và dưới comment, ai cũng đồng tình với cách giải quyết của trạm này. Rất nhiều người lên án những người ra đường không lý do hay những lý do vớ vẩn. Ai cũng muốn dịch sẽ được chấm dứt nhưng vẫn còn những người không tuân thủ lệnh giãn cách như thế này thì ngày yên bình sẽ còn xa lắm.

 

Sau những đụng chạm không ai muốn giữa lực lượng thi hành và những người vi phạm bị cộng đồng phê phán. Lực lượng có trách nhiệm có vẻ đã mềm mỏng hơn, tế nhị hơn và lịch sự hơn đối với những trường hợp vi phạm. Không biết trên các chốt chặn khác ở thành phố có được vậy không? Đó cũng là một bước tiến đáng ghi nhận.

 

Và những người dân chúng ta, nếu không có những nhu cầu thật sự để đi ra đường thì cũng nên cố gắng ở nhà, giữ cho mình cũng là giữ cho cộng đồng để sớm chấm dứt dịch bệnh. Trong cơn khủng hoảng dịch bệnh trước đây ở các nước Âu châu và Hoa Kỳ, người dân cũng phải chấp nhận tuân thủ lockdown thôi. Vẫn biết tình trạng xã hội ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với các nước và chính phủ chưa lo hết được cho dân trong những ngày phong toả. Nhưng tuân thủ theo những yêu cầu cũng là một cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để chống dịch.

 

Đọc trên face của anh Nguyễn Ngọc Trân, một nhà báo kỳ cựu có nhắc đến cuốn sách “Chère mamie au pays du confinement” của Virginie Grimaldi. Cuốn sách ghi lại những bức thư của tác giả gởi cho bà của mình trong thời gian 55 ngày phong toả để ngăn chận virus Vũ Hán năm trước khi nước Pháp bị đe doạ bởi dịch bệnh và số người chết tăng nhanh.

 

Những bức thư ghi lại những sinh hoạt hàng ngày của tác giả và gia đình ở thành phố Bordeaux với giọng văn vui vẻ, hài hước và cảm động. Đó là sự lạc quan cần có trong những ngày điều kiện sống bị bó hẹp và sinh mạng bị đe doạ. Những câu chuyện khiến người đọc quên đi sợ hãi, bởi nhiều khi con virus sợ hãi đánh gục ta trước khi virus Vũ Hán đến tìm. Cũng đang cố lạc quan như tác giả Virginie Grimaldi. Nhưng đôi lúc sự cố gắng hình như bất khả.

 

Cũng ngày hôm qua râm ran trên mạng tin một tập đoàn lớn ở thành phố mượn 5.000 liều vaccine Moderna để về chích cho nhân viên tập đoàn. Đây cũng là một doanh nghiệp đóng góp khá nhiều vào quỹ mua vaccine của chính phủ và cũng là tập đoàn có nhiều đóng góp âm thầm cho việc ngăn ngừa và dập tắt dịch virus Vũ Hán. Người dân tri ân và không quên tấm lòng của họ.

 

Thế nhưng cũng theo quan niệm của dân, việc nào ra việc đó. Trong khi nhân dân thành phố, nhất là những người trong diện ưu tiên vẫn chưa được chích mũi nào, giờ thành phố lại ưu tiên cho một doanh nghiệp mượn về chích cho nhân viên của họ. Tuy có thể chưa đến bất bình nhưng cũng cảm thấy tủi thân. Người trên tuyến đầu, những người già trên 65 tuổi cảm thấy mình đã bị tước mất cơ hội. Buồn nhiều hơn tức.

 

Sài Gòn cũng đang vào chiến dịch phun thuốc toàn thành phố. Nếu tôi nhớ không lầm, WHO và rất nhiều nhà khoa học khác đều cho rằng việc phun thuốc sát trùng không có ảnh hưởng, tác dụng gì tới con virus Vũ Hán. Virus nằm trong họng, trong miệng, trong nước bọt người bệnh chứ có nằm trên đường, trên phố đâu mà xịt. Hơn nữa, ở Việt Nam, nhiều hẻm, nhiều kiệt, nhiều ngõ chi chít đan xen nhau với số lượng người rất đông ở trong đó. Xe có vào được đấy đâu. Xịt ngoài đường phố thì cũng như phơn phớt ngoài da còn vết thương bên trong vẫn rỉ máu. Đã không diệt được virus mà thuốc sát trùng ấy còn làm ảnh hưởng sức khoẻ, tốn kém tiền bạc một cách vô bổ. Dư luận đã nói nhiều sao chẳng có ai nghe.

 

Sau một thời gian khá dài bị cách ly, giãn cách, phong toả người Sài Gòn có vẻ nhẫn hơn, chấp nhận chịu đựng hơn. Thế nhưng những cảnh nhếch nhác trong khu cách ly, số người tử vong càng lúc càng nhiều, những tiếng kêu tuyệt vọng của nhiều người mắc bệnh không được xe cứu thương giúp chở đi, những thiếu thốn thiết bị y tế và những khó khăn trong đời sống hàng ngày vẫn là nỗi ám ảnh trong lòng người Sài Gòn.

 

Vẫn tin Sài Gòn không thể quỵ ngã, vẫn tin Sài Gòn vẫn đứng vững trước nguy nan. Tin thì vẫn còn tin nhưng xót xa quá những diều đang xảy ra và những đau thương đang đến. Đã có 16 plus, xin đừng có thêm 16 Max với 16 Max Pro.

 

Lúc này thì không còn biết phải trách ai, giận dữ với ai nữa. Nhưng xin tất cả hãy làm tròn trách nhiệm của mình, trách nhiệm và bổn phận của những người cầm đầu một thành phố, một quốc gia trước cơn nguy khốn và khốn khó của nhân dân. Công bằng, minh bạch, sáng suốt, không giấu giếm và vì lợi ích phe nhóm để cho dân tin.

 

Người dân cũng nên tuân thủ những yêu cầu của nhà nước, chấp nhận những điều không muốn để cơn đại dịch sớm qua đi. Đây không phải là lúc để đổ tội cho nhau mà cần có sự đồng lòng.

______

 

Một số hình ảnh:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/1-64.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/2-32.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/3-25.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/4-18-696x928.jpg

 

 

 


No comments:

Post a Comment