Thursday, October 1, 2020

NHỮNG NGƯỜI BẢO THỦ MỸ ĐỪNG CHỜ ĐỢI QUÁ NHIỀU Ở TỐI CAO PHÁP VIỆN (Lê Mạnh Hùng)

 


Những người bảo thủ Mỹ đừng chờ đợi quá nhiều ở Tối Cao Pháp Viện

Lê Mạnh Hùng

Sep 30, 2020

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nhung-nguoi-bao-thu-my-dung-cho-doi-qua-nhieu-o-toi-cao-phap-vien/

 

Việc bổ nhiệm một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện mới tại Mỹ chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến văn hóa tại Mỹ. Nhưng đó là một điều quá bi quan.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/A1-Dung-cho-Toi-Cao-Phap-Vien-1536x1024.jpg

Trụ sở Tối Cao Pháp Viện Mỹ ở Washington, DC, hôm 29 Tháng Chín, 2020, khi Chánh Án Liên Bang Amy Coney Barrett, người được Tổng Thống Donald Trump đề cử vào Tối Cao Pháp Viện, tới và được Phó Tổng Thống Mike Pence đón. (Hình: Tasos Katopodis/Getty Images)

 

Bất cứ một ai thay thế cố Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg sẽ phải lấy quyết định vào nhiều vấn đề hơn là chỉ ba vấn đề gọi là 3G (God, Gun và Gay). Bà Amy Coney Barrett (do Tổng Thống Donald Trump chỉ định) cũng sẽ phải lấy quyết định về quyền hạn của Washington trong việc quản chế các doanh nghiệp cũng như cung cấp các dịch vụ công cộng.

 

“God, guns and gays” không bao giờ là toàn bộ chính trị của Mỹ, các vấn đề kinh tế và quyền lực chính trị vốn là những quan tâm của các chính thể dân chủ khác cũng là những quan tâm chính của chính trị Mỹ.

 

Thành ra phân ly sắp tới không phải chỉ có văn hóa đạo đức mà cả kinh tế nữa. Hậu quả nó vượt qua các vấn đề xã hội cởi mở hay bảo thủ, mà còn dính líu đến cả số phận của nhà nước phúc lợi mà các chính quyền Mỹ xây dựng từ lâu nay.

 

Việc cánh hữu kiểm soát lâu dài Tối Cao Pháp Viện quả là có thể xói mòn hoặc hủy hoại những thành quả tốt đẹp nhất của cánh tả. Nhưng nó cũng có thể làm hại đến Tối Cao Pháp Viện và hệ thống tư pháp nói chung.

 

Đạt được một đa số 6-3 tại Tối Cao Pháp Viện là đỉnh cao đạt được của gần nửa thế kỷ cố gắng của những người bảo thủ. Những người này thấy rõ những cải cách gì của cánh tả mà các vị thẩm phán của họ cần phải sửa đổi hay hủy bỏ. Nhưng họ còn không tính đến một chuyện khác. Muốn thành công họ cần phải tính đến chuyện các sửa đổi hoặc hủy bỏ này có được quần chúng ủng hộ hay không.

 

Roe vs Wade, phán quyết năm 1973 khẳng định quyền được phá thai là thí dụ điển hình. Theo khảo sát của Pew Research Center, 70% dân Mỹ nói không muốn nó bị hủy; 61% tin rằng phá thai phải được hợp pháp “trong hầu hết mọi trường hợp.” Cố nhiên rằng có nhiều tế nhị trong việc ủng hộ này. Rất nhiều người Mỹ muốn có những giới hạn trong việc phá thai tuy rằng chống lại việc cấm hẳn. Nhưng có nhiều người khác muốn rằng việc phá thai phải được dễ dàng hơn.

 

Obamacare, một mục tiêu khác của những người bảo thủ cũng khó khăn không kém. Chương trình chăm sóc sức khỏe này sau những năm đầu tranh cãi gay gắt nay đã được ổn định. Đa số người Mỹ nay muốn nó được mở rộng thêm thay vì hủy bỏ. Chiến dịch của những người Cộng Hòa chống lại Obamacare là nguyên nhân chính làm cho họ mất quyền kiểm soát Hạ Viện năm 2018. Và ta không biết rằng cử tri Mỹ có hài lòng nếu nó bị hủy từ một quyết định của tòa án hay không.

 

Nhưng nảy lửa nhất có lẽ sẽ là một khuynh hướng chống lại các luật bảo vệ môi sinh và thay đổi khí hậu khi mà các thế hệ thiên niên kỷ (millennial) và thế hệ Z bắt đầu trở thành đa số trong giới cử tri.

 

Những người bảo thủ muốn Tối Cao Pháp Viện giới hạn quyền hạn của chính phủ liên bang trong đạo luật Clean Air Act và các đạo luật khác. Thế nhưng bằng một đa số áp đảo, dân chúng Mỹ muốn nhà nước làm nhiều hơn chứ không phải ít đi. Trong một cuộc khảo sát do Gallup thực hiện, đa số dân Mỹ không những muốn bảo vệ môi sinh phải đặt lên trên tăng trưởng kinh tế mà đến 73%, trong đó bao gồm cả 50% những người Cộng Hòa muốn rằng các đạo luật bảo vệ môi sinh phải được thực thi một cách cứng rắn hơn.

 

Những người bảo thủ có thể nhún vai và cười không tin rằng ý kiến quần chúng có thể ảnh hưởng đến tòa án. Vai trò của tòa án là bảo vệ Hiến Pháp chứ không phải theo dõi dư luận. Và mục tiêu của việc bổ nhiệm một vị thẩm phán suốt đời là để tránh cho các thẩm phán bị các phong trào chính trị chi phối trong lúc họ thực hiện trách nhiệm do những người sáng lập ra nước Mỹ giao phó.

 

Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Các vị thẩm phán có thể không lo phải ra vận động tranh cử, thế nhưng họ cũng phải quan tâm đến tính chính đáng (legitimacy) của định chế mà họ đại diện. Nếu tòa án đi ngược dư luận quá mức, nó sẽ mất dần sự chính đáng của nó. Hoàn toàn trông cậy vào sự ủng hộ của quần chúng để bảo vệ cho uy tín của mình. Nó có thể bị sửa đổi tăng hay giảm số thẩm phán như đã nhiều lần trong thế kỷ thứ 19 hoặc là chịu áp lực đủ để các vị thẩm phán phải từ nhiệm. Sau một loạt phán quyết các đạo luật của chương trình New Deal trong thập niên 1930 là vi hiến, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đe dọa sẽ tăng số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện từ 9 lên 15. Dự án này không thành, nhưng chỉ trong vòng bốn năm từ 1937 đến 1941, Tổng Thống Roosevelt đã bổ nhiệm bảy vị thẩm phán mới.

 

Không ai hiểu rõ vấn đề này hơn là chính các vị thẩm phán. Sandra O’ Connor, Anthony Kennedy và David Souter đều là những thẩm phán do tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, nhưng đã làm những người cánh hữu bất mãn với những phán quyết của họ.

 

Ông John Roberts, vị chánh án Tối Cao Pháp Viện hiện nay, vốn là một người bảo thủ chân chính, lại cũng là người bỏ phiếu bảo vệ cho Obamacare. Có thể rằng, như một số người bảo thủ tố cáo, họ là những kẻ giả đạo dức, được bổ nhiệm rồi phản thùng. Nhưng có lẽ đúng hơn thì phải nói họ là những nhà chính khách. Họ biết rằng Tối Cao Pháp Viện chỉ có thể tách ra khỏi đa số quần chúng đến một mức nào đó mà thôi nếu còn muốn có hiệu quả. Đây không phải là phản bội mà là một sự khôn ngoan.

 

Cánh hữu của Mỹ có một điểm mù. Họ rất là kỷ luật và tàn bạo trong chính trị. Những người Dân Chủ không có ai bằng ông Mitch McConnell, trưởng khối đa số Thượng Viện, có thể điều động đa số thượng nghị sĩ Cộng Hòa đằng sau người Tổng Thống Donald Trump đề cử. Vấn đề là chinh trị tại Washington cuối cùng cũng phải phản ảnh văn hóa đa số của xã hội. Và đó chính là nhược diểm chí mạng của cánh hữu, họ không làm được gì ngoài việc tìm cách ngăn chặn một cách vô vọng chiều hướng khai phóng của xã hội.

 

Tối Cao Pháp Viện của ông Trump có thể tạo ra một cuộc cách mạng cánh hữu từ pháp đình, nhưng nó có nguy cơ làm hại cho chính nó và cho đảng giúp nó thành hình. Thành ra đừng có ngạc nhiên nếu ngay cả một đa số 6-3 cũng không làm được bao nhiêu để thay đổi chiều hướng tiến hóa của xã hội Mỹ. [qd]

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment