Friday, July 24, 2020

MỘT NGƯỜI BANGLADESH ĐƯỢC TỊ NẠN Ở MỸ ĐÃ 15 NĂM, NAY CÓ THỂ BỊ TRẢ VỀ NƯỚC LÃNH ÁN TỬ HÌNH (Người Việt)




Người Việt
July 24, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Hồi giữa tháng qua, Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ William Barr lặng lẽ mở lại hồ sơ một vụ xin tị nạn ở Mỹ, bắt nguồn từ sự việc xảy ra gần bốn thập niên qua, liên quan đến một cựu sĩ quan Bangladesh, và các luật sư của ông này nói rằng thân chủ của họ sẽ bị tử hình vì chính phủ Tổng Thống Donald Trump muốn “lấy điểm” với chế độ cai trị Bangladesh hiện nay.

Theo bản tin của Politico hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Bảy, trong gần 15 năm, hồ sơ xin tị nạn của ông này đã được đóng.  Nhưng nay, vì ông Barr, hồ sơ lại bị đưa ra duyệt xét lại.

Các luật sư di trú nói rằng hành động này là một thông điệp đầy đe dọa cho những người được cho tị nạn ở Mỹ. Vì ngay cả sau nhiều năm sau khi thành công trong việc thuyết phục tòa án di trú để được tị nạn, bất cứ sự bảo vệ nào cho họ cũng có thể bất ngờ bị thu hồi.

Ông Marc Van Der Hout, luật sư cho ông Rashed Chowdhury, người đang bị xem lại hồ sơ tị nạn, nói rằng “Đây thuần túy chỉ là hành động lấy điểm của chính phủ Tổng Thống Trump đối với Bangladesh. Câu hỏi của tôi là: ‘Tại sao họ làm điều đó?’”

Câu chuyện của ông Chowdhury khởi sự vào năm 1975, khi ông là một sĩ quan cấp thấp trong quân đội Bangladesh. Năm đó, có cuộc đảo chánh chống chính quyền của Tổng Thống Sheikh Mujibur Rahman, và ông Chowdhury được giao nhiệm vụ chỉ huy một toán quân đến chiếm một đài phát thanh.

Trong lúc ông Chowdhury thi hành công tác này thì một đơn vị đảo chánh khác tấn công vào dinh tổng thống, hạ sát ông Sheikh Mujibur Rahman và nhiều người trong gia đình ông này. Chỉ có hai người con gái của ông này thoát chết vì lúc đó đi du lịch ở Đức.

Chánh án tòa di trú Phan Quang Tuệ, người xử vụ ông Chowdhury xin tị nạn, ra phán quyết rằng lời khai của ông Chowdhury trung thực và công nhận những chứng cớ mà ông này nêu ra, đi đến kết luận rằng “ông Chowdhury bị kéo vào cuộc ở giờ chót, và chỉ có vai trò tương đối nhỏ trong vụ đảo chánh.”

Ông Chowdhury khẳng định, và các chánh án tòa di trú đều đồng ý, là ông ta không can dự việc giết Tổng Thống Sheikh Mujibur Rahman và gia đình của ông này.

Trong hai thập niên sau đó, đất nước Bangladesh luôn trong tình trạng bất ổn chính trị, với các cuộc đảo chánh nối tiếp nhau, với nhiều cuộc biểu tình xuống đường, giết chóc đẫm máu. Hai người con gái của ông Sheikh Mujibur Rahman sau đó trở về nước, và vào năm 1996, cử tri Bangladesh bầu một trong hai người này, bà Sheikh Hasina lên làm thủ tướng Bangladesh.

Ngay sau đó, bà Sheikh Hasina mở chiến dịch báo thù cho cha. Lúc này, ông Chowdhury là người đứng đầu tòa đại sứ Bangladesh ở Brazil, và bị gọi về nước. Lo sợ bị giết, ông Chowdhury cùng vợ và đứa con trai chạy sang Mỹ xin tị nạn.

Hơn 10 năm sau khi đến Mỹ, ông Chowhudry được tòa di trú cho tị nạn. Tuy nhiên, hồ sơ của ông vẫn chưa hoàn tất vì còn có sự phản đối từ phía Bộ Nội An là do ông có tham gia vào cuộc đảo chánh nên không thể được cho tị nạn.

Hội đồng tòa kháng án di trú vào năm 2006 ra phán quyết rằng quyết định cho ông Chowhudry tị nạn là hợp lý.  Và luật sư của ông Chowdhury nghĩ rằng vấn đề đã giải quyết xong.

Chính quyền của bà Sheikh Hasina trong khi đó vẫn tiếp tục đòi bắt ông Chowhudry đem về nước để chịu bản án tử hình do một tòa án xử khiếm diện nhiều năm trước.

Vào hôm 17 Tháng Sáu, Bộ Trưởng Barr yêu cầu Tòa Kháng Án Di Trú gửi lại cho ông hồ sơ về Chowhudry để xét lại, cho thấy rõ rằng ông Barr sẽ mở lại một vấn đề đã được quyết định hơn một thập niên trước đây.

Luật sư Jeremy McKinney, đệ nhất phó chủ tịch Hiệp Hôi Luật Sư Di Trú Mỹ, nói rằng hành động này của ông Barr tạo sự lo sợ cho người di dân đang sống ở Mỹ, vì không có điều gì có thể được coi là đã có phán quyết sau cùng. (V.Giang)








No comments:

Post a Comment