Friday, June 26, 2020

TỪ BỆNH NHÂN NGƯỜI ANH NHÌN VỀ NHỮNG BỆNH NHÂN TRONG NƯỚC (Diễm Thi, RFA)




Diễm Thi, RFA
2020-06-24

Tình hình sức khỏe cùng phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 số 91 ở Việt Nam được báo chí liên tục đưa tin.

Báo trong nước dẫn lời GS.TS Nguyễn Gia Bình, tổ trưởng tổ hội chẩn chuyên môn bệnh nhân nặng, chia sẻ trong phiên hội chẩn hôm 22 tháng 6 tại Bệnh Viện Chợ Rẫy rằng: “Nhiều lần cả đội chúng ta tưởng như đã hết hi vọng nhưng với tinh thần phục vụ hết sức, cứu một bệnh nhân nhưng cũng là tính nhân văn của người Việt, bệnh nhân đã bình phục, giờ có thể đứng được và đang tập đi. Thành công này là thể hiện sức mạnh tập thể".

Đây là buổi hội chẩn quốc gia lần thứ 5 về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91 được kết nối với các bệnh viện, gồm Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP.HCM, Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Đà Nẵng.

Cuộc hội chẩn diễn ra với sự chủ trì của PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị cùng các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực của Việt Nam như GS.TS Nguyễn Gia Bình; GS. TS Ngô Quý Châu; PGS. TS Cao Minh Châu; PGS. TS Trần Văn Thanh.

Qua đó người ta thấy một sự khác biệt lớn trong cách chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân này mà người dân Việt Nam không thể có cho dù họ đang sống trong đất nước mà họ làm chủ.

Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long lý giải việc bệnh nhân 91 được chăm sóc đặc biệt, theo nhận định của ông:

“Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện chính sách đối ngoại của mình mà Việt Nam tuyên bố, là muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới. Hơn nữa, đây là một bệnh nhân từ nước Anh chứ không phải từ những nước nghèo.
Việt Nam cũng hiểu rằng những bệnh nhân như vậy đều có bảo hiểm y tế nên chắc nhà nước Việt Nam cũng không thiệt thòi. Như vậy về mặt kinh tế thì không thiệt thòi nhưng đây là cơ hội vàng để khuếch đại hình ảnh đất nước.
Về góc độ y học thì đây là một ca thành công ở Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ đây là một trong những ca hiếm trên thế giới. Nếu Tổ chức Y tế thế giới có điều kiện thì lấy hồ sơ bệnh án bệnh nhân này nghiên cứu và thông báo cho thế giới biết để học tập Việt Nam.”

Tuy vậy, vị bác sĩ này cho rằng những gì báo chí đưa không thuyết phục ông hoàn toàn về mặt chuyên môn. Dù không phải là bác sĩ chuyên khoa về bệnh này nhưng ông khẳng định về mặt y học, một khi phổi đã xơ hóa thì không bao giờ phục hồi được.

Bệnh nhân này từng được các bác sĩ lên kế hoạch ghép phổi do phổi đã xơ hóa nhưng cuối cùng hồi phục đến 90% vào hôm 18 tháng 6.

Ông Võ Minh Đức, cựu sĩ quan thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định, nói về tuyên truyền hay bưng bít thông tin thì Việt Nam là ‘bậc thầy’ của thế giới. Ông từng được huấn luyện về việc này.

Nói về sự quá khác biệt trong cách chăm sóc giữa bệnh nhân người Anh với các bệnh nhân người Việt trong các bệnh viện ở TP.HCM, ông Đức nhận xét:

“Tôi cho rằng việc tập trung cứu chữa cho ông bệnh nhân người Anh này về mọi phương diện như chuyên môn, thái độ hay cung cách phục vụ của nhân viên y tế đều có sự chỉ đạo từ trên cao nhất. Mục đích là ngoại giao và chính trị.
So sánh với những người dân trong nước, không chỉ trong mùa dịch bệnh, thì cái truyền thống là ai có tiền, ai có sự quen biết với nhân viên y tế thì được chăm sóc tốt hơn. Chứ được chăm sóc như ông phi công người Anh thì rất xa vời.
Hiện nay trường hợp nằm ghép 2, 3 người một giường. Người nhà chăm sóc phải lê la ngoài hành lang thì phổ biến và tôi không biết đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt.”

Người bệnh và người nhà nằm dưới đất, ngoài hành lang bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 2018.  Photo: vtc.vn

Ngày 14 tháng 1 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, tặng quà cho bệnh nhân ung thư nghèo tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, bà chứng kiến bệnh nhi chui từ gầm giường ra chào. Hình ảnh này được truyền thông trong nước đăng tải gây sốc với mọi người. Bà Tiến nói sẽ cương quyết để chấm dứt tình trạng quá tải này, nhưng đến hôm nay thì tình trạng vẫn thế. Vẫn nằm gầm giường, ăn uống ở hành lang…

Cô Trần Thị Nga đang nuôi mẹ tại bệnh viện này nói với RFA tối 24 tháng 6:
“Tùy bệnh viện và tùy bảo hiểm nhưng nói chung là phải có tiền đi trước. Người ta nói ‘lương y như từ mẫu’ nhưng nếu không có tiền thì không phải vậy. Rất nhiều người và người nhà đang ngoài hành lang vì không đủ giường nằm. Dịch vụ cũng không đủ chỗ nằm, mà dịch vụ thì mắc quá người dân nghèo đâu có tiền trả. Bảo hiểm đâu có trả.”

Một bác sĩ tên Đông ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từng nói với RFA rằng, từ trước tới giờ bệnh viện luôn quá tải do nguồn bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên thêm tới 60-70%. Bệnh viện có 1.300 giường nhưng chỉ có 700 giường nội trú mà số bệnh nhân nội trú luôn khoảng 1.800 người. Vì thế tình trạng một giường phải chứa 2-3 người. Không thể gọi là nằm mà phải gọi là ngồi mới đúng.

Mấy hôm nay mạng xã hội lan truyền bài viết của bệnh nhân Chu Thị Hồng Hạnh viết về câu chuyện bà đi mổ nội soi sỏi thận ở Bệnh viện Bình Dân. Trong đó có đoạn một cô y tá bảo bà đưa tay ra ‘lấy ven’. Bà chỉ hỏi ‘có đau không’, lập tức cô y tá sừng sộ, tháo ngay garo ra rồi hất tay bà, bảo rằng không làm cho bà nữa, tí vào phòng mổ làm!

Câu chuyện của bà Hạnh đã đến tai Ban Giám Đốc bệnh viện Bình Dân qua sự kết nối của Bác sĩ Đinh Đức Long. Bệnh viện cho biết đã có các cuộc họp đánh giá, chấn chỉnh về dịch vụ để phục vụ người bệnh tốt hơn. Họ cho biết tháng 7 bà Hạnh tái khám sẽ trực tiếp trải nghiệm.

Với những người lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội thì như thế, còn với những người khác thì sao?

Ông Võ Minh Đức nói với RFA:

“Tôi đã chứng kiến nhiều rồi. Mổ cấp cứu mà nó bắt phải nộp tiền xong mới chuẩn bị thủ tục hành chính cho việc mổ. Chưa đem biên lai nộp tiền về thì cứ nằm đó. Có những người phải chết vì không có tiền.”

Trong một lần trả lời với truyền thông trong nước, bệnh nhân 91 nói rằng, ông thường nghe tiếng các bác sĩ gọi bên tai và không thể nào quên được hình ảnh của họ chăm sóc ông hằng ngày. Họ rất tận tụy và lo cho ông từng tí một, như thể ông là trẻ con vậy.

Bác Sĩ Đinh Đức Long nhận định sự khác biệt giữa bệnh nhân người Anh và bệnh nhân trong nước:

“Chắc chắn bệnh nhân trong nước không thể có những thuốc quý, thuốc hiếm phải đặt từ nước ngoài như bệnh nhân người Anh này. Tức là nếu bệnh nhân Việt Nam trong nước mà tình trạng bệnh nặng như ông này thì có lẽ chết rồi.

Người dân không thể có thuốc men, máy thở và ê kíp chăm sóc 24/24 như thế được. Bệnh nhân nhiều mà nguồn lực y tế có hạn, không tập trung được như thế là điều chắc chắn.”

Với người bệnh nghèo thì khi điều trị không có đủ giường để nằm, khi chết còn xót xa hơn với hình ảnh một người bệnh chết ở Sơn La được chở về nhà mai táng bằng xe gắn máy hồi tháng 9 năm 2016.

Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đang tính toán, đề xuất đưa bệnh nhân 91 về nước bằng vé máy bay hạng thương gia kèm theo nhân viên y tế hộ tống.

------------------------------

Tin, bài liên quan







No comments:

Post a Comment