Saturday, May 2, 2020

CHÍNH QUYỀN TRUMP & PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG - PHẦN 5 (Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả - CPJ)



Dịch giả: Song Phan
03/05/2020

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4

Trump, luật pháp và báo chí

Tháng 5 năm 2018, trong một tweet, Trump đề nghị rằng, các cơ quan báo chí đưa tin tiêu cực về ông sẽ phải mất thẻ báo chí vào tòa Bạch Ốc. “Tin giả đang làm thêm ngoài giờ. Chỉ đưa tin rằng, dù thành công to lớn mà chúng ta đang có với nền kinh tế và tất cả những thứ khác, 91% tin tức về tôi là tiêu cực (Giả). Tại sao chúng tôi lại làm rất cật lực với truyền thông khi nó đồi bại? Tước thẻ không?”

Đó là những gì đã xảy ra vào ngày 7/11/2018, một ngày sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong đó đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện. tòa Bạch Ốc đã thu hồi thẻ báo chí, được biết đến như một “thẻ ra vào (hard pass)”, của Jim Acosta của CNN sau khi ông và Trump tranh luận tại một cuộc họp báo về việc liệu Acosta có thể hỏi một câu hỏi truy tiếp hay không. Trump gọi ông là “một tên thô lỗ, đáng tởm”, trong khi một thực tập sinh tại tòa Bạch Ốc cố giật lại micro từ tay Acosta.

Phóng viên Jim Acosta của CNN đã từng bị Trump tấn công và Trump đã tước thẻ phóng viên, không cho Acosta vào Nhà Trắng họp báo, CNN kiện và đã thắng vụ kiện này. Ảnh: ABC News

Sau khi CNN nộp đơn kiện ở tòa án liên bang vào ngày 13 tháng 11, Thẩm phán Timothy Kelly của Tòa án Khu vực Hoa Kỳ ngày 16 tháng 11 đã ra lệnh cho tòa Bạch Ốc phải trả lại thẻ báo chí của Acosta ngay lập tức. Kelly phán rằng, tòa Bạch Ốc đã vi phạm quyền hiến định của Acosta qua việc không cho phép anh ra vào khuôn viên tòa Bạch Ốc để đưa tin và xuất hiện trên truyền hình từ đó. Một phán quyết của tòa phúc thẩm liên bang năm 1977 đã xác định rằng, theo Tu Chính Án số 1, việc tước thẻ báo chí của tòa Bạch Ốc không thể tùy tiện. Acosta đã được trả lại thẻ.

Đồng thời, tòa Bạch Ốc đưa ra một quy tắc mới là sẽ lấy lại thẻ báo chí từ các nhà báo không đến đó ít nhất 50% thời gian. Nhưng nó đặt ra ngoại lệ cho nhiều “nhà báo thâm niên”, những người từng “liên tục tham gia vào việc đưa tin từ tòa Bạch Ốc” mà không nhất thiết phải có mặt ở đó. Điều này có thể trao cho tòa Bạch Ốc thời Trump quyền kiểm soát những người có thẻ, trong khi chờ những thách thức tiếp theo của tòa án. Tuy nhiên, không có vấn đề nào phát sinh kể từ đó cho đến tháng 3 năm 2020, theo Hiệp hội Phóng viên tòa Bạch Ốc. Với sự biến mất của các cuộc họp báo hàng ngày của tòa Bạch Ốc, nhiều phóng viên đã liên lạc với các nguồn cung cấp tin trong tòa Bạch Ốc bằng điện thoại.

Stephanie Grisham, thư ký báo chí lúc đó của tòa Bạch Ốc lắng nghe khi Tổng thống Trump nói chuyện với các phóng viên ở South Lawn của tòa Bạch Ốc vào ngày 8/11/2019. Grisham không tổ chức một cuộc họp báo trong nào suốt 9 tháng làm thư ký của mình. (AP/ Andrew Harnik)

Trump cũng thường kêu gọi thay đổi luật mạ lỵ của Mỹ, có lẽ để ông có thể kiện thành công các nhà báo và tổ chức báo chí, đăng tải những câu chuyện và cuốn sách không tâng bốc ông.

Ngày 30/3/2017, Trump đã tweet: “Tờ báo thất bại New York Times đã làm nhục thế giới truyền thông. Đã viết sai về tôi trong suốt hai năm. Thay đổi luật mạ lỵ?”

Ngày 10/1/2018, ông ta nói trong một cuộc họp nội các rằng, ông ta muốn có “một cái nhìn mạnh mẽ” về việc thay đổi luật mạ lỵ, “để khi ai đó nói điều gì đó sai và bêu rếu về ai đó, thì người đó sẽ có những lời biện hộ có ý nghĩa tại tòa án của chúng ta”.

Tháng 9/2018, Trump tweet liên tục về cuốn sách của Bob Woodward, viết về tòa Bạch Ốc thời Trump, “Sợ hãi”, nói trong một tweet, “Không xấu hổ sao khi ai đó có thể viết một bài báo hoặc cuốn sách, hoàn toàn dựng chuyện và tạo ra một bức tranh của một người hoàn toàn trái ngược với thực tế, và được thoát mà không bị trừng phạt hay phải trả giá. Không biết tại sao các nhà chính trị Washington lại không thay đổi luật mạ lỵ?”

Những chính trị gia và Trump không thể làm gì nhiều để thay đổi luật mạ lỵ của Mỹ, ngoài tác động dài hạn tiềm tàng của các vị trí tư pháp liên bang do tổng thống bổ nhiệm. Hầu hết các trường hợp bôi nhọ được quyết định theo luật tiểu bang, qua quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ kiện New York Times Co. với Sullivan năm 1964. Tòa án tối cao phán quyết, nhất trí 100% rằng các nhân vật công chúng và quan chức phải chứng minh “hành vi có ác ý thật sự” – một tuyên bố được đưa ra với “sự hiểu biết rằng đó là sai hoặc với sự không để ý thiếu thận trọng về việc đó là sai hay không” – để thắng trong một khiếu nại về mạ lỵ. Quốc hội bị giới hạn bởi những gì họ có thể làm dưới sự ngăn cấm của Tu Chính Án số 1 đối với bất kỳ luật nào làm mất “quyền tự do ngôn luận, hoặc của báo chí”.

Tuy nhiên, ban vận động tái tranh cử của Trump đã nộp nhiều đơn kiện mạ lỵ tách biệt trong 10 ngày đầu năm 2020 về các mẫu ý kiến được báo New York Times, Washington Post và CNN đăng trong năm 2019. Ban vận động của Trump đã kiện New York Times vào ngày 26/2 tại Tòa án Tối cao Manhattan về bài trên mục ý kiến ngày 27/3/2019 của biên tập viên Max Frankel suy xét về cuộc vận động tranh cử năm 2016 của Trump và Nga. Họ kiện báo Washington Post vào ngày 3/3/2020 tại tòa án liên bang ở Washington về các mẫu ý kiến đưa ra hồi tháng 6/2019 của các nhà báo chuyên mục Greg Sargent, về cùng một chủ đề, và Paul Waldman, suy xét về cuộc vận động tranh cử của Trump năm 2020 và Nga và Triều Tiên. Và, bô máy vận động của Trump đã kiện CNN vào ngày 6/3 tại tòa án liên bang ở Atlanta, trụ sở của CNN, về bài báo nêu ý kiến ngày 13/6/2019 của Larry Noble viết về vận động tranh cử của Trump năm 2020 và Nga.

Cho rằng các mục đó là “sai và bêu rếu” và rằng New York Times, Washington Post, và CNN đã không công bằng đối với ban vận động của Trump, vụ kiện yêu cầu ba tổ chức báo chí bồi thường “hàng triệu đô la” thiệt hại, nhưng không đưa ra con số cụ thể. Họ đều nói rằng, họ sẽ tự chống trả một cách mạnh mẽ.

Những vụ kiện về tội mạ lỵ “có rất ít giá trị pháp lý”, Phó cố vấn pháp lý David McCraw của báo New York Times nói với tôi, bởi vì họ đang thách thức những ý kiến được pháp luật bảo vệ về chính quyền. “Tôi nghĩ rằng họ hy vọng sẽ tạo ra tin nóng”, thay vì thắng trước tòa, ông nói.

Giáo sư luật truyền thông Jonathan Peters của Đại học Georgia đồng ý rằng, các vụ kiện là “vô căn cứ” theo các tiền lệ pháp lý. Nhưng họ “hoàn toàn nhất quán với những nỗ lực của Trump trong việc làm suy yếu báo chí”, ông nói thêm. “Tôi lo rằng nó có thể làm nhụt chí tiếng nói về các vấn đề công cộng đáng đưa tin”.

Bruce Brown, giám đốc điều hành của Ủy ban Phóng viên về Tự do Báo chí, nói với tôi, “việc nộp hồ sơ các vụ kiện này là một loại phép thử khác của hệ thống, làm rối rắm các thẩm phán liên bang”, trong cuộc chiến của Trump với báo chí. “Tôi tự tin rằng chúng sẽ bị bác bỏ trong sự thể hiện về quyền độc lập tư pháp”.

Jeff Bezos, giám đốc điều hành của Amazon và chủ sở hữu của Washington Post, đã có cuộc họp với Tổng thống Trump mới đắc cử lúc đó tại Trump Tower ở New York vào ngày 14/12/2016. Tổng thống thường xuyên nhắc đến một cách cụm từ “Washington Post của Amazon” một cách nhạo báng (Drew Angerer / Getty Images / AFP)

(Còn tiếp)

---------------------------------------

LIÊN QUAN

01/05/2020





No comments:

Post a Comment