Friday, May 1, 2020

30/4 NHỚ NHỮNG LỜI CA (Bùi Văn Phú)




Bùi Văn Phú
30/04/2020

Vào bậc tiểu học tôi học lớp Năm tại trường công lập Nghĩa Hoà với thày Nguyễn Văn Cường, khi đó có thày Nguyễn Ngọc Tích làm hiệu trưởng. Học sinh đi học mặc quần soọc xanh, áo sơ mi trắng, đội mũ ca nô xanh.

Mỗi buổi chào cờ, thày Cường hô: “Học sinh chú ý đứng. Nghiêm. Chào cờ. Chào.” Các em cất tiếng hát, hướng mắt nhìn lên lá cờ vàng được một bạn kéo lên chầm chậm, khi tới đỉnh thì bài quốc ca cũng vừa dứt:

“Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai quốc dân cùng xông pha khói tên
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…”

Mới đi học những buổi đầu tiên, tôi và các bạn cùng lớp chỉ biết đứng nghiêm nghe các bạn lớn hơn hát. Thày cô không dậy đám học trò nhỏ nhất trường ở tuổi lên sáu, lên bẩy những lời ca đó. Nghe nhiều lần cũng thấm vào lòng chúng tôi rồi cùng cất tiếng hát.

Lớp Ba của thày giáo Thành chúng tôi được học hát, vừa hát vừa vỗ tay theo nhịp:

“Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông, cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà.”

Tết Trung Thu chúng tôi hát về chú Cuội, chị Hằng để tối cùng trẻ con trong xóm rước đèn đi chơi:

“Tết Trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca dười ánh trăng rằm…”

“Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”
“Chú Cuội yêu chị Hằng Nga
Nói dối ông bà lên viếng mặt trăng
Ôi tang tình tang ôi tang tình tình…”

Trẻ con đi rước với đèn xếp, lồng đèn các loại: con cá, con thỏ, ông sao, tàu bay, tàu thủy bằng giấy bóng kiếng.

Tôi có ông chú mỗi năm đều làm đèn trung thu bán. Chú rất thương tôi nên có năm đã làm riêng cho tôi một chiếc lồng đèn con cá chép to rất đẹp, nhiều mầu sắc mà khi đi rước đèn nổi hẳn lên trong ánh nến làm tôi nhớ mãi.

Những năm sau có đèn con bướm bằng sắt, có đèn bằng lon côca côla với que đẩy chạy trên mặt đất kêu lách tách.

Chúng tôi cũng biết bài “Kìa con bướm vàng” nhưng thường hát cho học trò con gái múa:

“Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng
Xoè đôi cánh, xoè đôi cánh…”

Lời ca quen thuộc có khi đổi thành: “Giờ chơi đến rồi, giờ chơi đến rồi…” hay “Giờ cơm đến rồi, giờ cơm đến rồi, mời anh xơi mời anh xơi…”

Năm lớp Nhất, trong dịp học sinh được đưa lên Tân Phú đón Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đến khánh thành một xã dân sinh mới thành lập, chúng tôi được dạy lời ca biến cải để cùng hát với cả nghìn học sinh từ các trường khác tụ họp ở nơi tổ chức lễ:

“Xã Tân Phú này, xã Tân Phú này
Đẹp xinh ghê, đẹp xinh ghê
Dân chúng nay sống yên bình
Dân chúng nay sống yên bình
Tang tình tang, tang tình tang…”

Và rồi có cả những ca từ không đẹp gì mấy.

Lên trung học đệ nhất cấp, tôi học trường Thánh Tâm ở Ngã ba Ông Tạ. Mỗi tuần có giờ sinh hoạt hiệu đoàn với thày Nguyễn Văn Khải. Thày nói giọng nam, trông mặt thày khó tính, ít khi cười và hay nhéo tai khi học sinh phạm kỷ luật.

Các bạn lớp 12-A1 Nguyễn Bá Tòng Gia Định trong một buổi đi chơi ở Búng, Lái Thiêu năm 1973. Tác giả ở bìa phải. Lê Minh Châu, bìa trái, là chuẩn úy đã mất tích trong chiến tranh (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thích sinh hoạt, hát hò nên tôi thuộc nhiều bài ca cộng đồng và thường xướng lên cho các bạn cùng hát. Tôi thuộc típ người “hát hay không bằng hay hát”.

Giờ sinh hoạt, thày chia đội, ra một đề tài cho học sinh thảo luận. Tuần sau, mỗi toán cử một đại diện lên thuyết trình, một đại diện lên hát. Đề tài xoay quanh đức dục như lễ phép, vâng lời, trách nhiệm, tự trọng, tự tin, trung thành hay nhân nghĩa lễ trí tín.

Tôi thường được các bạn cử làm đại diện đội ra trước lớp thuyết trình. Hát thì có Trần Bá Nam, Lê Quang Phúc với những ca khúc như “Cánh hoa thời loạn”, “Những đóm mắt hoả châu”, “Lòng mẹ”. Bạn Nghĩa cận thị, giọng người Nam, hát một bài có lời ca rất ý nghĩa được thày khen. Đến nay tôi còn nhớ, nhưng không rõ tác giả hay tên bài hát:

“Tôi yêu mến cõi bờ Việt Nam
Một giang sơn từ nam chí bắc
Bốn ngàn năm dẫy đầy liệt oanh sử xanh
Tây giáp nước Ai Lao và biên thuỳ Cao Miên
Bắc giáp đất người Tầu tức là nước Trung Hoa
Đông thì liền với biển tên gọi Thái Bình Dương…”

Một đội khác có bạn Nguyễn Đức Bảo, hát hay mà còn biết đàn ghi-ta nữa. Nghe bạn vừa đàn vừa hát “Diễm xưa” tôi rất cảm phục.

Năm học giảng văn với thày Nguyên Xuân Sinh và thày đã dành ít thời giờ mỗi tuần để dạy học sinh chút kiến thức âm nhạc không chính thức có trong chương trình. Chúng tôi được học sơ về nhạc lý với các nốt đồ rê mi fa son la, về cách cầm que đánh nhịp. Thày dạy nhiều bài, nhưng hai bài tôi còn nhớ mãi vì bị khảo bài là “Vầng trăng mờ” và “Không phải là lúc”.

“Vầng trăng mờ một trời thơ
Xa xa tiếng ca êm đềm đưa
Chân mây thưa ánh sao úa
Sương buông mờ đường về làng xưa…”

Bài hát không được biết đến nhiều ngoài công chúng, nhưng tôi phải đứng trước lớp hát một cách êm ả, chậm rãi, xuống giọng ở chữ “mờ” rồi vút lên sau đó ở chữ “xưa”. Hát xong thày phê bình tôi xuống giọng chưa đủ thấp ở chỗ phải xuống nên chỉ được 7 điểm. Đó là điểm thấp làm tôi nhớ mãi vì là học sinh giỏi, thường đạt điểm 9 hay 10 trong các bài tập cũng như bài thi.

Bài thứ hai, quen hơn. Thày dạy phải ngắt đúng ngay sau những chữ vần “úc” hay “ua”. Vì thích hát cộng đồng trong sinh hoạt nên khi trả bài tôi hát to, hát mạnh, ngắt đúng nơi nên được điểm tối đa.

“Không phải là lúc cứ ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
Phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau, nghi ngờ nhau
Khích bác nhau cho cay cho sâu cho thật đau
Không phải là lúc cứ ngồi mà cãi suông…”

Lớn lên tôi biết mình chỉ hát được nhạc cộng đồng, còn đơn ca hay song ca thì không có giọng.

Khi thày Trần Văn Thuận dạy văn, học sinh rất thích vì thày rất văn nghệ, thích nhạc Trịnh Công Sơn và đã đem đàn vào lớp hát cho học trò nghe.

Đó cũng là năm học sau Tổng Công kích Tết Mậu Thân. Chiến tranh đã vào thành phố với súng nổ, bom rơi, trực thăng bắn rốc-kết. Tiếng súng ngưng, anh hàng xóm lấy xe Honda chở tôi chạy lên hướng Bảy Hiền, Bà Quẹo thấy hai bên đường còn xác dân, xác Việt Cộng nằm la liệt.

Khi cuộc tấn công đợt hai xảy ra, trường Thánh Tâm đã được dùng làm trạm tiếp cư cho người tị nạn tạm trú.

Sau Mậu Thân, Việt Cộng pháo kích vào thành phố. Nhiều đêm nghe tiếng hoả tiễn 122 ly rít trong không gian rồi nổ đâu đó trong khu dân cư, thân người chết văng tung toé.

Một chiều nghe tiếng nổ lớn, chạy ra đường Nguyễn Văn Thoại, nơi có nhiều quán bar xem chuyện gì, thấy xác lính Mỹ xác dân cháy đen, cụt chân tay trên mặt đường. Nghe nói do chất nổ TNT gài trong xe đạp.

Năm đó tôi biết đến nhạc Trịnh nhiều hơn, không chỉ là tình ca mà còn những ca khúc về quê hương đã được nghe thày Thuận và bạn Bảo đàn hát trong lớp.

“Ghế đá công viên rời ra đường phố
Người già co ro em bé loã lồ
Từng hạt cơm khô trong miếng hững hờ
Đạn về đêm đêm đốt cháy quê hương…”

Năm lớp 9, tôi và vài bạn được chọn làm đại diện trường lên thành phố tham gia Chương trình Sinh hoạt Học đường (CPS), ở chỗ gần Nhà thờ Đức Bà.

Đến đó chúng tôi được học hát, nhảy múa, sinh hoạt chung với các bạn từ nhiều trường khác, dưới sự hướng dẫn của các anh chị lớn:

“Anh em ta cùng mẹ cha
Như chuyện cũ trong tích xưa
Khi thế gian còn mù mờ…”

“Từ Nam Quan Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau cho non nước ta xây cầu…”

“Chiêng trống cồng mừng anh trên rẫy
Xuống đồi xuống nương đi cày
Ôi rừng ơi núi ơi sông ơi
Ôi thác suối ơi, rừng ơi núi ơi
Tang tính tình đàn tre dây nứa…”

Thời gian đó, nhiều nhà đã có ra-đi-ô nên trong xóm vang vang nhiều bài hát qua sóng phát thanh. Tôi nhớ nhất “Thương về miền Trung” qua giọng hát Phương Dung và “Anh đi chiến dịch” với Hoàng Oanh.

Tuy chẳng có liên hệ gì đến quê hương miền Trung, nhưng tôi cứ nhớ mãi câu ca:

“Mời anh dừng lại nơi đây nghỉ chân
Nhà em tuy nhỏ đơn sơ nghèo nàn
Nhà em có cơm rau với cà
Và có em thơ mẹ già
Mẹ thương em lắm anh ơi…”

Có lẽ vì tả tình cảnh nghèo, như nhà tôi lúc đó thường cũng chỉ cơm canh với cà mỗi bữa nên nghe cũng tủi lòng.

Rồi nhìn những anh lớn trong xóm lên đường tòng quân, khi nghe một điệp khúc hùng tráng tôi hay gõ nhịp bằng tay trên phản gỗ:

“Không quên lời xưa đã ước thề
Dâng cả đời trai với sa trường
Nam nhi cổ lai chinh chiến hề
Nào ai ngại gì vì gió sương…”

Thẻ đoàn viên Lực lượng Sinh viên Học sinh Phòng vệ Hậu phương (Ảnh: Bùi Văn Phú

Năm lớp 10 tôi vào trường Nguyễn Bá Tòng trên đường Bùi Thị Xuân. Năm đó không phải thi cử gì, thỉnh thoảng tôi trốn học đi ăn đậu đỏ bánh lọc trên đường Kỳ Đồng, vào toà soạn Tuổi Hoa bên cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đọc báo. Tôi cũng bắt đầu sưu tầm tem thư nên hay đạp xe ngang bưu điện xem có biểu ngữ thông báo phát hành tem thư để còn dành dụm tiền mua phong bì phát hành ngày đầu tiên.

Không chăm học mà tôi lại thích đàn ghi ta nên tự học để nghêu ngao những ca khúc nhạc Trịnh mình thích hay những bản tình ca mơ mộng.

Mua cây đàn ghi-ta cũ, mua sách tự học, lần mò gảy nốt, đệm gam nghêu ngao “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, “Tình sầu”, “Những ngày xưa thân ái”, “Lòng mẹ”, “Nỗi buồn hoa phượng”, “Một chuyến bay đêm” hay hát to những bài đồng ca “Nối vòng tay lớn”, “Gia tài của mẹ”, “Tôi sẽ đi thăm”, “Huế Sài Gòn Hà Nội”, “Việt Nam Việt Nam”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”.

Ở trung học đệ nhất cấp tôi được bảng danh dự mỗi tháng và cuối năm thường đứng nhất nhì trong lớp. Lên lớp 10 ham chơi nên xuống tầm giữa lớp trong số 60 học sinh.

Hai năm cuối bậc trung học, tôi chuyển qua trường Nguyễn Bá Tòng, số 4 Hoàng Hoa Thám, Gia Định.

Ở đó có hát hò sinh hoạt với các bạn. Tôi và bạn Phước đen, vì mầu da con lai, thường hay xướng lên nhạc cộng đồng hay những bài dân ca “Chiêng trống cồng”, “Trống cơm”, “Qua cầu gió bay”.

“Đoàn người tưng bừng về trong sương gió
Hồn như đám mây trắng lững lờ
Giang hồ không bờ không bến
Đẹp như chí trai anh hùng…”

“Hy vọng đã vươn lên, trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên, trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên, trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy như làn tên, đang rực lên trong màn đêm
Hy vọng đã vươn lên trong trong lòng tôi, trong lòng anh, trong lòng em…”

Bạn cùng lớp 12 là Duy Nam, học trò của Duy Khánh nên có giọng hát giống như sự phụ. Nam hát nhạc của Duy Khánh, Trúc Phương, Trịnh Lâm Ngân rất mùi.

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên hiên…”

Năm cuối bậc trung học có văn nghệ mừng xuân lần đầu tiên tại trường. Năm đó tôi còn làm bích báo cho lớp 12-A1, dưới sự hướng dẫn của thày Trần Bằng Phong dạy văn, hay đấm cho học sinh nam một quả vào bắp tay nếu không thuộc bài.

Ở ngưỡng cửa của tuổi động viên, chiến tranh còn kéo dài, chúng tôi lo lắng vì thi trượt là phải lên đường. Các kỳ thi Tú tài 1 và Tú tài 2 rất khó và quan trọng đối với nam sinh, vì kết quả định đoạt tương lai còn được ở lại trường hay phải vào quân trường.

Năm 1972 với tổng tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa và chính phủ có lệnh đôn quân. Nam sinh lớp 11 thi rớt thì vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang, thi đậu nếu quá tuổi hoãn dịch vẫn phải nhập ngũ, đi sĩ quan trừ bị Thủ Đức.

Tương lai bản thân, tương lai đất nước, bao giờ chiến tranh chấm dứt là những suy tư nóng bỏng của tuổi trẻ. Cuối tuần gặp nhau đàn hát, có khi là những ca vang vang tính đấu tranh, có khi nặng trĩu nỗi buồn:

“Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm
Lần lượt đi trên giàn lửa thiêu…
Sao chúng tôi không có quyền lên tiếng nói
Tìm về nguồn nguồn yêu thương bao nghìn năm anh dũng…”

“Thà như giọt mưa
Rớt trên tượng đá
Thà như giọt mưa
Khô trên tượng đá…

Ta hỏng tú tài
Ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi
Ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc…”

Buồn và nhớ nhất là khi cất tiếng ca cho những đứa bạn đã vĩnh viễn ra đi từ chiến trường: Duy Nam, Lê Minh Châu, Nguyễn Đức Tuyển, Trần Văn Doanh, Phạm Văn Thông.

Càng lớn lên, nghe nhạc Trịnh càng thấy thấm vào lòng người. Thanh niên trong xóm ngõ, người thân của gia đình trở về trong quan tài phủ lá quốc kỳ: chú Viêm, chú Thuận, chú An, anh Trịnh Xuân Tác. Không tìm được xác như chú Nguyễn Văn Tuynh, anh Đinh Văn Vũ, bạn thời tiểu học Nguyễn Văn Nam, bạn thời trung học Lê Minh Châu.

“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời này…”

“Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mầu tang trắng…”

Giọng Khánh Ly hát tình ca đầy mê hoặc, nhưng hát tình ca cho quê hương của Trịnh Công Sơn nghe như những lời thở than. Chậm. Buồn cho thân phận con người, cho quê hương chiến tranh, chia cắt, cho mơ ước hoà bình:

“Đêm mẹ ngồi cầu kinh
Tường trắng im lìm
Đêm con nằm không ngủ
Bom rung từng liếp cửa…”

“Quê hương ta còn đau nặng
Anh em ta nhận vũ khí…”
“Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội
Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn
Nhưng trong lòng tôi vẫn chưa mất niềm tin
Vì quê hương sẽ có ngày hoà bình
Cố nuôi vững bền những tình thương lớn…”

Chúng tôi hát cho nhau nghe cũng là cách để nói lên những ước mơ của mình.
Tôi tham gia sinh hoạt chính trị, đi vận động cho ứng cử viên hội đồng tỉnh Gia Định là giáo sư Nguyễn Duy Bảo, dấu hiệu ba bông lúa. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương, cao học xã hội, được sự ủng hộ của Phong trào Quốc gia Cấp tiến và trong ban vận động có mấy anh học Quốc gia Hành chánh. Chúng tôi đi đến nhiều nhà dân ở vùng Bà Quẹo, Bà Điểm gõ cửa xin phiếu. Giáo sư Bảo thắng cử và sau đó làm Chủ tịch Hội đồng Tỉnh.

Trong xóm tôi có anh Tiến, anh Quang dấn thân ra ứng cử trưởng ấp, ứng cử hội đồng xã. Năm 18 tuổi, tôi có thẻ cử tri và đã tham gia bầu cử hội đồng xã Tân Sơn Hoà.

Khi các bên ký kết Hiệp định Ba Lê ngày 27/1/1973 trong lòng tôi vui, vì nghĩ hoà bình đã đến trên quê hương.

Sáng hôm đó, một bạn thân chở chạy vòng quanh những khu phố của Sài Gòn xem có gì lạ, nhưng chẳng thấy có chút không khí mừng vui. Chúng tôi ghé qua nhà sách Khai Trí tìm xem có sách truyện gì mới, rồi qua trước cửa bưu điện nhâm nhi bò bía trong một ngày trời hơi se lạnh.

Thời sinh viên tôi biết thêm những bài hát mới, với lời ca làm nhức nhối con tim:

“Năm chục đồng ai mua tôi bán
Năm chục đồng một thằng thanh niên
Đôi chân còn lành, đôi tay còn mạnh
Ai mua tôi bán, ai mua tôi bán
Thêm một triệu đồng bán cả lương tâm
Thêm một triệu đồng bán cả dân tôi…”

Những bài ca được truyền cho nhau hát mà không biết tác giả là ai, có những ca khúc được thu vào băng cát-sét:

“Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu
Vú mẹ gầy cơm chẳng nuôi thân
Chút tình này ôi máu mẹ nuôi con
Tôi trót sinh ra vào nước chia cắt…”

“Kính thưa thày đây bài chính tả của con
Bài chính tả viết về nước Mỹ
Con viết hai lần sai chữ America
Con viết hai lần sai chữ Communist
Con viết hai lần sai chữ Liberty
Làm sao thuộc bài con học
Bởi anh con vừa chết…
Con không đậu tú tài để đi sĩ quan Đà Lạt
Con không đậu tú tài để thành bác sĩ, kỹ sư…”

Lời ca xoáy xoay vào tim chúng tôi, những người trẻ sống trong một đất nước nhiễu nhương. Hiệp định Ba Lê đã ký mà súng vẫn nổ, bom còn rơi, những người lính vẫn phải hy sinh ngoài chiến trường. Quê hương rồi sẽ ra sao, đất nước sẽ đi về đâu?

Lên đại học tôi học luật, tham gia phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh. Dự định ứng cử vào ban đại diện sinh viên. Tôi cũng tìm hiểu sinh hoạt đảng phái và đang xin gia nhập Đảng Quốc tiến của cựu Nghị sĩ Trương Vĩnh Lễ.

Một số cựu học sinh Thánh Tâm, trong đó có Phạm Văn Sơn, là anh của Phạm Đăng Lâm học cùng lớp 9 với tôi. Anh Sơn là sinh viên lớp lớn hơn và năng động. Với Lâm, kỷ niệm tôi còn nhớ mãi là trong Việt văn với thày Trương Quang Gia, khi làm luận văn Lâm viết về “thuyết trung dung” của Khổng Tử, thày bảo nếu bạn giải thích được thuyết này ra sao thì cho điểm cao. Lâm không có lời giải nên nhận zêrô cho bài luận.

Anh Sơn đứng ra tổ chức gặp gỡ những cựu học sinh Thánh Tâm nay đã tốt nghiệp trung học, có bạn là sinh viên, có bạn đã nhập ngũ, có bạn làm công chức. Chúng tôi bàn thảo tìm đường hướng tham gia vào các sinh hoạt, các phong trào lúc bấy giờ.

Chúng tôi hăng say bàn luận, có ý kiến ủng hộ những chính sách của chính phủ. Có ý kiến chống đối, trong đó có tôi, vì chính quyền tham nhũng. Có bạn mạt sát, muốn đuổi người Mỹ ra khỏi quê hương. Dù quan điểm, lập trường khác nhau tuổi trẻ chúng tôi đều muốn làm điều gì đó cho đất nước.

Tôi có niềm mơ ước hoà bình như bao thanh niên Việt, thể hiện qua chiếc cổng sắt trước nhà với mẫu thiết kết tôi vẽ, đưa cho tiệm hàn xì làm, với hai dấu hiệu hoà bình ở giữa mỗi cánh cửa.

Ông trưởng ấp trông thấy, bảo bố tôi gỡ đi, tôi không chịu. Bố nói không muốn thấy cảnh sát đến nhà làm khó dễ. Tôi chỉ đồng ý che hai dấu hiệu hoà bình bằng hai miếng nhôm, che từ phiá ngoài đường để người ngoài không thấy dấu hiệu, còn trong nhà nhìn ra vẫn thấy.

Không lâu sau, một đêm có kẻ cắp tháo cổng, mới gỡ được một bên, nghe động nên bỏ chạy. Hàng xóm đồn rằng vì đó là dấu hiệu phản chiến nên cảnh sát tìm cách dẹp nó đi.

Tình hình thủ đô lúc đó rất căng thẳng với biểu tình liên miên. Trong xóm đạo từ Tân Sa Châu, Tân Chí Linh xuống đến An Lạc, Lộc Hưng thường có biểu tình và đụng độ với cảnh sát dã chiến. Cảnh sát ném đá trước, gây đổ máu cho dân. Chúng tôi nhặt đá ném lại.

Một hôm có nhóm thanh niên theo cộng sản chiếm đóng trường Thánh Tâm. Ban đêm gắn loa lên nóc toà nhà cao giữa sân trường phát thanh tuyên truyền cho cách mạng. Sau nhiều đợt cảnh sát của xã tiến vào giải toả không thành công, vì bị bàn ghế từ trên cao ném xuống, chính chỉ huy trưởng cảnh sát Đô Thành là Chuẩn tướng Trang Sĩ Tấn phải đích thân xuống dẹp, bắt giam mấy thanh niên thiếu nữ.

Biến cố 30/4/1975 xảy ra, tôi rời Việt Nam trên một con tàu không máy mang tên Saigon II, được kéo đi từ Kho 5.

Sau ba tháng qua các trại tị nạn, đến Mỹ được định cư ở thành phố đại học Berkeley.
Thời gian đầu trong cuộc sống mới, dành dụm được ít tiền tôi mua cây ghi-ta thùng để đàn hát cho đỡ nhớ nhà. Vừa đi học ESL vừa học thêm dân ca (folk song) của Mỹ.

Được nhận vào Đại học Berkeley, gặp gỡ sinh viên gốc Việt rồi thành lập hội. Các bạn chọn tôi lo việc báo chí văn nghệ nên lại có cơ hội ôm đàn hát hò cùng sinh viên.

Từ ký túc xá réo rắt những lời tình ca của Phạm Duy như “Nghìn trùng xa cách”, “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn như “Như cánh vạc bay” hay ca từ của Lê Uyên Phương:

“Theo em xuống phố trưa nay
Đang còn ngất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau
Bên ngoài nắng đã lên mau…”

Tôi thích nhất:

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống…

Khuôn viên đại học cây lá xanh rì, với những con giốc leo lên giảng đường sao mà thơ mộng, tình tứ quá. Nơi đây cũng gợi lại nhiều nỗi nhớ về “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.

Nhạc cộng đồng lại vang vang trên miền đất mới trong những buổi pic-nic, họp mặt, trong dịp quây quần bên nhau đón tết hay qua đêm không ngủ: “Nối vòng tay lớn”, “Việt Nam Việt Nam”, “Đến với quê hương tôi”, “Đường Việt Nam”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Huế Sài Gòn Hà Nội”, “Xin chọn nơi này làm quê hương”.

“Rừng núi giang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng…”

“Từ Nam Quan Cà Mau, từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam, quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng…”

Sinh viên Đại học Berkeley hát cho thuyền nhân tháng 2/1982. Tác giả với đàn ghi-ta (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Từ khuôn viên đại học chúng tôi cất tiếng hát những lời ca mới, gọi là “Ngục ca” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Chí Thiện, để nhớ về những người đang bị cầm tù ở quê nhà:

“Một tay em trổ đời xua đuồi
Một tay em trổ hận vô bờ
Thê giới ơi ai có thể ngờ
Đó là một tù nhân tám tuổi…”

“Bao giờ tôi gặp lại em
Sẽ kể nghe chuyện khoai sắn
Chuyện thương tâm
Vì là chuyện cùm chuyện bắn
Chuyện nhục nhằn vì là phản phúc gian manh…”

“Bà kia tuổi sáu mươi rồi
Mà sao không được phép ngồi bán khoai
Cụ kia tuổi bảy mươi hai
Mà sao hội họp mệt nhoài chẳng tha
Tự do tôi quí thiết tha
Mà sao tù ngục hết ra lại vào…”

Du ca San Jose tham gia biểu tình tuần hành ở ĐH Berkeley tháng 7/1981. Anh Ngô Thanh Lập cầm đàn đi đầu (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Đầu thập niên 1980, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ dần được thành hình. Hai miền nam bắc California nở rộ những sinh hoạt xã hội, văn hoá, đấu tranh.

Năm 1980 ở San Jose có Toán Du ca Hạc Trắng, rồi có Đoàn Du ca San Jose.

Toán Du ca Hạc Trắng trong một buổi hát cộng đồng ở San Jose, California tháng 12/1980 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thỉnh thoảng tôi xuống sinh hoạt cùng Du ca San Jose với các anh Trần Mạnh Hoà, Ngô Thanh Lập, Hoàng Đoàn, Trần Anh Kiệt.

Đây là một tập thể văn nghệ mang tính cộng đồng lớn nhất trong vùng Vịnh San Francisco, với hơn 50 đoàn viên. Các bạn mặc đồng phục áo bà ba nâu và thường góp lời ca, tiếng hát trong các sinh hoạt từ biểu tình đến văn nghệ đấu tranh, từ San Jose lên San Francisco, Berkeley.

Một lần có văn nghệ đấu tranh tại San Jose Center for Performing Arts, hơn 100 ca viên của hai đoàn du ca San Jose và Pomona – anh Lưu Văn Lễ làm đoàn trưởng Pomona – hợp lại đã hát vang những ca khúc đấu tranh trước ba nghìn khán giả.

Anh Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của du ca Việt Nam cũng đã nhiều lần đến San Jose hát trong thập niên 1980.

Hải ngoại lúc đó có cặp song ca Việt Dzũng và Nguyệt Ánh với nhạc đấu tranh mới, với những lời ca cho thuyền nhân tị nạn, cho quê hương tù đày.

“Gửi về cho chị dăm ba sấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang…
Con gửi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây…”

“Em vẫn mơ một ngày nào
Quê dấu yêu không còn cộng thù…
Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò
Khoai nướng thơm hương tình ruộng đồng
Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần
Vê en nờ là Việt Nam kiêu hùng…”

Những năm làm việc trong các trại tị nạn, tôi lại được cùng các bạn trẻ cất tiếng hát vang nhiều ca khúc quen thuộc xưa nơi vùng trời Đông Á, bên ngoài nước Việt Nam.

Mùa xuân năm 2012, đi chơi Hội Tết Fairgrounds. Ghé lều du ca, gặp lại một số người quen như anh Trương Xuân Mẫn, Lại Đức Hùng, luật sư Tâm Nguyễn, chị Mây Lan và nhiều khuôn mặt mới đang đồng ca, tôi lại cất tiếng hoà chung với các bạn:

“Tuổi trẻ chúng tôi đã nghe trong tim
Lời gọi âm vang từ nghìn xưa
Tuổi trẻ chúng tôi đã nghe trong tim
Tiếng réo sôi trong đêm giao mùa

Này vùng lên này vùng lên
Tạo nên kiếp sống mới sống mới
Đưa quê hương thoát vòng ngục tù
Thoát xích xiềng gông cùm nhục ô…”

Anh đoàn trưởng Trương Xuân Mẫn và Nguyên Nhu là hai người tôi đã có dịp gặp trước đây, đã nghe họ đàn hát trong chương trình văn nghệ chủ đề “Nhớ về thời sinh viên” do IRCC tổ chức ở Foothill College vào mùa xuân 2008.

Hôm đó trên sân khấu có người anh cả Nguyễn Đức Quang cùng Trương Xuân Mẫn, Đồng Thảo, Nguyên Nhu, Trần Anh Kiệt.

“Nắng nóng cháy da đã về rồi
Trên thân người đẹp tôi
Bão tố buốt xương cũng về rồi
Cho thêm tàn phai
Nàng nằm đớn đau
Tháng năm dài buồn thiu
Nàng cầu cứu tôi
Giữa cơn bệnh đầy vơi…
Giờ còn có nhau
Giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau
Sớt chia chẳng được đâu.”

“Người đẹp tôi” đây, theo anh Nguyễn Đức Quang là quê hương và tinh thần của giới trẻ Việt Nam đã biểu hiện trong những câu ca một thời vang vang trên quê hương:

“Ai từng đi trên đường Việt Nam
Bước âm thầm và tim nát tan
Bao lòng tham chất chứa đầy
Những mưu đồ bạo tàn đang ngăn lối
Nhưng càng mưa giông càng vươn tới
Bước chân hùng còn đi rất hăng
Đi dựng lấy quê hương nhà
Giống da vàng nầy là vua đấu tranh…”

Một nửa thế kỷ đã qua, tên tuổi của các anh khai sinh phong trào du ca đã thổi vào tâm hồn người trẻ tinh thần dấn thân cộng đồng qua những lời ca mà nay vẫn còn nhiều người thuộc.

Những tên tuổi luôn gắn liền với phong trào là Nguyễn Đức Quang, Hoàng Ngọc Tuệ, Bùi Công Thuấn, Trầm Tử Thiêng, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Thiện Cơ, Trần Đình Quân, Giang Châu v.v… Nhiều người đã từ bỏ cuộc chơi, nhưng tinh thần du ca vẫn còn âm vang và sôi sục trong lòng thế hệ mai sau:

“Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng khua nhịp xích kêu loang xoang…

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.”




No comments:

Post a Comment