Saturday, April 25, 2020

NHÂN LOẠI RÚNG ĐỘNG & XÃ HỘI SỤP ĐỔ VÌ MỘT VẬT RẤT NHỎ (Moustapha Dahleb)




Moustapha Dahleb

Đào Trường Phúc dịch

23/04/2020

Lời tòa soạn: Moustapha Dahleb là bút hiệu của Dr. Hassan Mahamat Idriss, một y sĩ kiêm văn sĩ của nước Cộng Hòa Tchad (République du Tchad – Republic of Chad – quốc gia vùng trung bắc Phi Châu, vốn là thuộc địa của Pháp, được trao trả độc lập từ năm 1960).

Moustapha Dahleb

Ngày 23/3/2020, Moustapha Dahleb đăng bài viết (bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ chính của Tchad) trên Facebook. Ngày hôm sau, bài này được nhật báo điện tử Le Nouvel Afrik đăng lại với lời giới thiệu của ban biên tập: “Bài viết tuyệt vời, vang vọng như một lời kêu gọi mỗi cá nhân và cả thế giới hãy nhận thức rõ rệt về những giá trị thực sự trong đời sống của chúng ta”. Sau đó, bài viết (trong nguyên tác và bản dịch Anh ngữ) được đăng trên nhiều trang mạng khác.

Một điểm cần ghi chú: Khi tác giả viết bài này, đại dịch Covid-19 chưa thực sự lan tới Phi Châu. Tạp chí Science (www.sciencemag.org) ghi nhận là ngày 5 tháng 3 mới chỉ có một trường hợp lây nhiễm đầu tiên ở Cộng Hòa Nam Phi. Nhưng chỉ hai tuần sau đó, lần lượt từ Cộng Hòa Nam Phi đến các nước Rwanda, Equatorial Guinea, Namibia v.v… thông báo hàng loạt trường hợp nhiễm bệnh. Ngày 7 tháng 4, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết tất cả 54 quốc gia trên lục địa Phi Châu đều có bệnh nhân Covid-19, tổng cộng trên 10,000 người, và rất có thể sẽ lên tới cả triệu người, vì trang thiết bị và nhân sự điều hành hệ thống y tế tại đây rất hạn chế so với các châu lục khác.

Dưới đây là bản dịch bài viết ngày 23 tháng 3 của Moustapha Dahleb, trình bày cảm nghĩ của tác giả về đại dịch Covid-19.

                                          ***

Một vật nhỏ xíu mang tên coronavirus đang làm đảo lộn cả một hành tinh. Một vật mà mắt thường không nhìn thấy được, đã đến đây để áp đặt luật lệ của nó lên cuộc sống. Nó làm cho mọi chuyện đều bị đặt dấu hỏi và mọi trật tự hiện hữu bị đảo lộn. Tất cả đều phải sắp xếp lại theo những cung cách khác hẳn.

Điều mà các cường quốc Tây Phương không thực hiện được ở Syrie, Lybie, Yemen… (như ngưng bắn, đình chiến…), vật nhỏ xíu kia đã làm được.

Điều mà quân đội Algérie không đạt được, vật nhỏ xíu kia đã làm được – phong trào “Hirak” biểu tình chống đối chính phủ đã chấm dứt.

Điều mà những nhà đối lập chính trị không làm được (như đòi hoãn thời hạn bầu cử), vật nhỏ xíu kia đã làm được.

Điều mà các xí nghiệp không đạt được (như xin giảm thuế, miễn thuế, vay nợ khỏi trả tiền lời, quỹ đầu tư, hạ giá nguyên liệu chiến lược…), vật nhỏ xíu kia đã làm được.

Điều mà phong trào biểu tình “áo vàng” và các nghiệp đoàn ở Pháp không đạt được (như đòi giảm giá xăng nhớt, gia tăng bảo hiểm xã hội…), vật nhỏ xíu kia đã làm được.

Bỗng nhiên, ở các quốc gia Tây Phương người ta thấy giá xăng nhớt rẻ hẳn đi, mức ô nhiễm hạ thấp xuống, mọi người bắt đầu có thì giờ rảnh rỗi, rảnh đến mức không biết làm gì cho hết giờ. Các bậc cha mẹ bắt đầu biết chú ý để hiểu về con cái, những đứa con bắt đầu biết sống trong gia đình nhiều hơn, công ăn việc làm không còn là chuyện ưu tiên, thú du lịch và những trò tiêu khiển không còn là tiêu chuẩn của một cuộc sống thành đạt.

Bỗng nhiên, chúng ta lặng lẽ quay trở về với chính mình và hiểu được giá trị của những chữ “đoàn kết” (solidarité/solidarity) và “dễ bị tấn công” (vulnérabilité/vulnerabilty).

Bỗng nhiên, chúng ta hiểu ra rằng, dù giàu hay nghèo, tất cả chúng ta đều ở chung một xuồng. Chúng ta thấy được là mình đã cùng nhau đi mua sạch hàng hóa trên kệ của những cửa hàng, và chúng ta đều nhận ra rằng các bệnh viện đang đầy ắp bệnh nhân và đồng tiền chẳng còn gì là quan trọng nữa. Rằng tất cả chúng ta đều là những con người giống nhau, đang đương đầu với đại dịch coronavirus.

Chúng ta nhận ra rằng trong các garage, những chiếc xe hơi đắt tiền vào bậc nhất cũng nằm yên vì không ai được ra khỏi nhà.

Chỉ cần vài ngày là đủ để nhân loại thiết lập được sự bình đẳng xã hội mà trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi.

Nỗi sợ hãi đã xâm chiếm tất cả mọi người. Nó đã thay đổi chiến tuyến. Nó đã rời bỏ những người nghèo để qua sống với những người giàu tiền bạc và quyền lực. Nó đã nhắc cho những người ấy nhớ lại bản chất con người của họ và khai phóng chất nhân bản trong con người của họ.

Mong rằng điều này sẽ cho thấy sự yếu đuối và dễ bị tấn công của những con người đang tìm cách bay lên sống trên Hỏa Tinh, những con người vẫn tưởng mình có đủ sức mạnh để cấy tế bào tạo ra bản sao của con người với hy vọng sẽ được trường sinh bất tử.

Mong rằng điều này sẽ cho thấy sự thông minh có giới hạn của con người khi đối đầu với sức mạnh của trời đất.

Chỉ cần vài ngày là đủ để sự nhất định trở thành bất định, để sức mạnh trở thành sự yếu đuối, để quyền lực trở thành sự đoàn kết và hành động chung.

Chỉ cần vài ngày để Phi Châu trở thành một lục địa an toàn. Hãy để cho sự mơ mộng trở thành lời dối trá.

Chỉ cần vài ngày để nhân loại ý thức được rằng mình chỉ là hơi gió và bụi bặm.

Chúng ta là ai? Chúng ta đáng giá bao nhiêu? Chúng ta có khả năng gì để đối phó với loại coronavirus này?

Hãy nhìn vào sự thật ngay trước mắt trong khi chờ nghe ý Trời.

Hãy đặt câu hỏi về “bản chất con người” của chúng ta trong cuộc “toàn cầu hóa” đang bị thử thách bởi coronavirus.

Hãy ở yên trong nhà và suy ngẫm về trận đại dịch này.

Hãy yêu thương nhau, hỡi những người còn sống.

Tác giả: Moustapha Dahleb
Nguồn: www.afrik.com – http://lesoldatdupeuple.over-blog.com
Chuyển ngữ: Đào Trường Phúc – Phố Nhỏ Online








No comments:

Post a Comment