Saturday, April 25, 2020

LIỆU CORONAVIRUS SẼ KẾT THÚC TOÀN CẦU HÓA HAY KHÔNG? (The Foreign Affairs)




Henry Farrell và Abraham Newman  -  The Foreign Affairs
DCVOnline dịch
Posted on April 25, 2020   

Đại dịch đang phơi bày những lỗ hổng thị trường đã có mà không ai biết

Công nhân lắp ráp dây truyền tại một nhà máy ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa, tháng 2 năm 2020, Liu Xiao Tân Hoa Xã / Eyevine / Redux

Coronavirus mới đang trở thành một thử thách lớn cho toàn cầu hóa. Khi những chuỗi cung ứng quan trọng sụp đổ, và nhiều quốc gia lại tích trữ vật dụng y tế cần thiết và vội vàng hạn chế đi lại, cuộc khủng hoảng này đang buộc thế giới phải làm lại một cuộc đánh giá lớn về nền kinh tế kết nối toàn cầu. Toàn cầu hóa không những chỉ cho phép bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng mà nó còn thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc giữa các công ty và các quốc gia khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc bất ngờ. Đến nay thì các công ty và các quốc gia, như nhau, đang thấy rằng ra họ dễ bị tổn thương như thế nào.

Nhưng bài học về coronavirus mới không phải là toàn cầu hóa thất bại. Bài học là toàn cầu hóa rất mong manh, bất chấp hoặc ngay cả vì lợi ích của nó. Trong nhiều chục năm qua, mỗi công ty không ngừng nỗ lực để loại bỏ sự rườm rà đã tạo ra sự thịnh vượng chưa từng có. Nhưng những nỗ lực này cũng giảm tài nguyên chưa sử dụng, những gì mà chuyên viên kinh tế gọi là “slack” – trong toàn bộ nền kinh tế toàn cầu [Ví dụ những giàn máy không hoạt động 24/7 trong một xưởng sản xuất là một ví dụ về tài nguyên chưa sử dụng tối đa]. Trong giai đoạn bình thường, các công ty thường xem “slack” như một thước đo sự kém sản xuất, hoặc ngay cả là lãng phí năng lực sản xuất. Nhưng càng ít “slack” càng làm cho hệ thống lớn hơn dễ vỡ hơn trong thời kỳ khủng hoảng, vì đã loại bỏ các yếu tố dự phòng an toàn quan trọng.

Thiếu những cách sản xuất thay thế để không thất bại có thể khiến chuỗi cung ứng bị phá vỡ, như đang xảy ra trong một số lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và y tế do coronavirus mới gây ra. Các nhà sản xuất vật dụng y tế quan trọng đã bị choáng ngợp bì mức gia tăng nhu cầu  trên toàn cầu, các quốc gia đọ sức với nhau trong một cuộc cạnh tranh về tài nguyên. Kết quả là một sự thay đổi động lực của sức mạnh giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, với những nước đã chuẩn bị tốt để chống lại virus mới hoặc đang tích trữ tài nguyên cho chính họ hoặc đang hỗ trợ những nước thiếu chuẩn bị – và mở rộng ảnh hưởng của họ trên sân khấu toàn cầu.

HIỆU QUẢ MONG MANH

Hiểu biết bình thường về toàn cầu hóa là nó tạo ra một thị trường quốc tế thịnh vượng, cho phép các xưởng sản xuất xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt bằng cách thay thế một nhà cung cấp hoặc thành phần này bằng một công ty hay thành phần tương đương khác khi cần thiết. Sự giàu có của các quốc gia trở thành sự giàu có của thế giới khi các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của sự phân chia lao động đã toàn cầu hóa. Chuyên môn hóa đưa đến hiệu quả cao hơn, từ đó dẫn đến tăng trưởng.

Nhưng toàn cầu hóa cũng tạo ra một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau phức tạp. Các công ty nắm lấy chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra một mạng lưới các mạng lưới sản xuất rối rắm, kết nối nền kinh tế thế giới lại với nhau. Các thành phần của một sản phẩm nhất định hiện có thể được sản xuất tại hàng chục quốc gia. Động lực này hướng tới chuyên môn hóa đôi khi làm cho việc thay thế trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với các tay nghề hoặc sản phẩm bất thường. Và khi sản xuất ra toàn cầu, các quốc gia cũng trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn, bởi vì không quốc gia nào có thể kiểm soát tất cả hàng hóa và các thành phần mà nền kinh tế của nó cần có. Các nền kinh tế quốc gia đã được đưa vào một mạng lưới các nhà cung cấp toàn cầu rộng lớn.

Đại dịch đang phơi bày sự mong manh của hệ thống toàn cầu hóa.

Đại dịch của bệnh COVID-19, do coronavirus mới gây ra, đang phơi bày sự mong manh của hệ thống toàn cầu hóa này. Một số lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là những ngành có mức độ dư thừa cao và trong đó sản xuất trải rộng trên nhiều quốc gia, có thể vượt qua khủng hoảng tương đối tốt. Những ngành khác có thể bị đẩy đến mức gần phải sụp đổ nếu đại dịch ngăn cản một nhà cung cấp duy nhất ở một quốc gia sản xuất một thành phần quan trọng và được sử dụng khắp nơi. Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô trên khắp Tây Âu lo lắng về sự thiếu hụt các đồ phụ tùng điện tử nhỏ vì công ty duy nhất sản xuất chúng, MTA Advanced Cars Solutions, đã buộc phải tạm dừng sản xuất tại một trong những nhà máy của hãng ở Ý.

Trong thời đại trước đây, các xưởng sản xuất có thể đã xây dựng các kho dự trữ nguyên liệu để bảo vệ mình trong một thời điểm như thế này. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều doanh nghiệp thực hành theo câu nói nổi tiếng của CEO của Apple, Tim Cook, rằng hàng tồn kho “căn bản là đồ ác ôn”. Thay vì trả tiền để tồn kho những thành phần họ cần để sản xuất một sản phẩm nhất định, các công ty này dựa vào các chuỗi cung ứng “vừa đúng lúc”. Nhưng giữa một đại dịch toàn cầu, “vừa đúng lúc” có thể dễ dàng trở nên quá muộn. Một phần là do các vấn đề của chuỗi cung ứng; sản xuất máy tính xách tay toàn cầu đã giảm tới 50% trong tháng 2 và sản xuất điện thoại thông minh có thể giảm 12% trong quý tới. Cả hai sản phẩm này được lắp ráp bằng các thành phần do các xưởng sản xuất chuyên biệt ở châu Á được làm ra.

THẾU HỤT NGHIÊM TRỌNG

Các nút thắt trong hệ thống sản xuất như những thứ trong sản xuất điện tử cũng đang cản trở cuộc chiến chống lại coronavirus mới. Các vật dụng y tế quan trọng như thuốc thử, thành phần chính của bộ xét nghiệm mà các phòng thí nghiệm sử dụng để tìm ra RNA của virus, đang cạn kiệt ở nhiều quốc gia. Hai công ty đứng dâu thế giới trong việc sản xuất các thuốc thử cần thiết là Qiagen của Hòa Lan (Thermo Fisher Scientific khổng lồ của Hoa Kỳ gần đây dã mua lại công ty này) và phòng thí nghiệm Roche, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Cả hai đã không thể sản xuất kịp với sự gia tăng bất thường của nhu cầu cho các sản phẩm của họ. Sự thiếu hụt này đã làm trì hoãn việc sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm ở Hoa Kỳ, nơi họ mới biết rằng họ phải xếp hàng sau các nước khác để mua các hóa chất cần thiết.

Khi virus mới lây lan, một số chính phủ đang để lộ bản năng xấu nhất của họ. Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bắt đầu, các nhà sản xuất Trung Hoa đã đang sản xuất một nửa số mặt nạ y tế trên thế giới. Các xưởng sản xuất này đã đẩy mạnh sản xuất do khủng hoảng, nhưng chính phủ Trung Hoa đã mua lại toàn bộ nguồn cung cấp mặt nạ, đồng thời nhập khẩu số lượng lớn mặt nạ giải phẫu và mặt nạ kín từ nước ngoài. Trung Hoa chắc chắn cần chúng, nhưng kết quả của việc mua hàng của họ gây ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung khiến các quốc gia khác phản ứng chậm trễ với dịch bệnh này.

Khi virus mới lây lan, một số chính phủ để lộ bản năng xấu nhất của họ.

Các nước châu Âu cũng không hành xử tốt hơn nhiều. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cấm xuất cảng mặt nạ giả phẫu và mặt nạn kín. Đức cũng làm như vậy, mặc dù nó là thành viên của Liên minh châu Âu, nơi được cho là có một thị trường duy nhất, có giao dịch tự do không giới hạn giữa các quốc gia thành viên. Chính phủ Pháp đã đi một bước đơn giản hơn là thu giữ tất cả các mặt nạ có sẵn. Các quan chức EU phàn nàn rằng những hành động như vậy làm suy yếu sự đoàn kết và ngăn cản EU áp dụng cách đối phó chung để chống lại virus mới, nhưng những than phiền đó đều bị bỏ ngoài tai theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”.

Động lực của sự “ăn xin-hàng xóm” có nguy cơ leo thang khi cuộc khủng hoảng ngày càng lớn, bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu cho các nguồn cung cấp y tế khẩn cấp. Vấn đề rất nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ, nước đã chậm trễ trong việc áp dụng một phản ứng mạch lạc đối với đại dịch và thiếu nhiều nguồn cung cấp mà nó sẽ cần. Hoa Kỳ có một kho dự trữ mặt nạ quốc gia, nhưng nó đã không được cập nhật từ năm 2009 và chỉ chứa một phần nhỏ số lượng có thể cần phải dùng đến. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Donald Trump, đã dùng điều này và các thiếu sót khác để đe dọa các đồng minh và biện minh cho việc rút ra khỏi thương mại toàn cầu, cho rằng Hoa Kỳ cần phải “mang về Mỹ khả năng sản xuất và chuỗi cung ứng cho các loại thuốc thiết yếu.” Do đó, Đức được cho là lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ cố gắng mua hoàn toàn một loại vaccine mới đang được một công ty Đức phát minh để sử dụng nó tại Hoa Kỳ. Berlin hiện đang xét xem liệu có nên thực hiện biện pháp đấu giá với Hoa Kỳ mua vaccine đó hay ngăn cấm việc bán sản phẩm này cho Hoa Kỳ.

ẢNH HƯỞNG LEO THANG

Trong khi chính quyền Trump đã dùng đại dịch để kéo lùi sư hội nhập toàn cầu, Trung Hoa đang sử dụng cuộc khủng hoảng để thể hiện sự sẵn sàng lãnh đạo. Là quốc gia đầu tiên bị coronavirus mới tấn công, Trung Hoa đã chịu đựng đau đớn trong ba tháng qua. Nhưng bây giờ nó đang bắt đầu hồi phục, trong lúc thế giới đang chống chọi với căn bệnh này. Điều đó đặt ra một vấn đề cho các nhà sản xuất Trung Hoa, nhiều công ty hiện đang hoạt động trở lại nhưng phải đối mặt với nhu cầu sút giảm từ các nước đang gặp khủng hoảng. Nhưng nó cũng mang lại cho Trung Hoa một cơ hội ngắn hạn to lớn để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Bất chấp những sai lầm ban đầu có thể khiến cuộc sống của hàng ngàn người phải trả giá, Bắc Kinh đã học được cách chống lại loại virus mới này và nó có kho dự trữ vật dụng. Đây là những tài sản quý giá, và Bắc Kinh đang khéo léo sử dụng chúng.

Đầu tháng 3, Ý kêu gọi các nước EU khác cung cấp vật dụng y tế khẩn cấp vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng buộc các bác sĩ phải đi đến quyết định đau lòng về việc bệnh nhân nào sẽ được cố gắng cứu và bệnh nhân nào sẽ chết. Không nước nào ở EU trả lời. Nhưng Trung Hoa đã làm, đề nghị bán máy thở, mặt nạ, áo choảng an toàn và que bông xét nghiệm. Như các chuyên gia Trung Hoa Rush Doshi và Julian Gewirtz đã lập luận, Bắc Kinh tìm cách cho thấy họ là quốc gia lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại coronavirus mới nhằm thúc đẩy thiện chí và mở rộng ảnh hưởng.

Bắc Kinh tìm cách cho thấy họ là quốc gia lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại coronavirus mới.

Điều này thật khó xử cho chính quyền Trump, họ đã chậm phản ứng với loại virus mới (và cho rằng việc cấm du khách đến từ châu Âu là cách phòng vệ tốt nhất chống lại căn bệnh đang lây lan nhanh chóng trên đất của họ). Không thể giữ vai trò là nước cung cấp hàng hóa công cộng toàn cầu, Hoa Kỳ cũng có rất ít tài nguyên mà nó có thể cung cấp cho các tiểu bang khác. Như bị xát muối vào vết thương thương, Hoa Kỳ có thể sớm nhận được hàng viện trợ từ Trung Hoa: Người đồng sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma, đã đề nghị tặng 500.000 bộ dụng cụ xét nghiệm và một triệu mặt nạ.

ĐỊA CHÍNH TRỊ MỚI CỦA TOÀN CẦU HÓA

Khi các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đấu tranh để đối phó với coronavirus mới và hậu quả của nó, họ sẽ phải đối diện với thực tế là nền kinh tế toàn cầu không hoạt động như họ nghĩ. Toàn cầu hóa đòi hỏi sự chuyên môn hóa ngày càng tăng của công nhân giữa các quốc gia, một mô hình tạo ra hiệu quả phi thường nhưng cũng có những lỗ hổng phi thường. Các cú sốc như đại dịch COVID-19 cho thấy những lỗ hổng này. Các nhà cung cấp nguồn đơn, hoặc các khu vực trên thế giới chuyên về một sản phẩm cụ thể, có thể tạo ra sự mong manh bất ngờ trong những thời điểm khủng hoảng, khiến chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Trong những tháng tới, nhiều lỗ hổng trong số này sẽ lộ diện.

Kết quả có thể là một sự thay đổi trong chính trị toàn cầu. Với sức khỏe và sự an toàn của công dân đang bị đe dọa, các quốc gia có thể quyết định chặn xuất khẩu hoặc chiếm giữ các nguồn cung cấp quan trọng, ngay cả khi làm như vậy sẽ gây tổn thương các đồng minh và hàng xóm của họ. Sự rút lui khỏi toàn cầu hóa như vậy sẽ làm cho sự hào phóng trở thành một công cụ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa đối với các quốc gia có thể chi trả được. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã không phải là một nước lãnh đạo trong phản ứng toàn cầu đối với coronavirus mới và nó đã nhường lại ít nhất một số vai trò đó cho Trung Hoa. Đại dịch này đang định hình lại địa chính trị của toàn cầu hóa, nhưng Hoa Kỳ không đang thích nghi. Thay vào đó, nó bị bệnh và đang trốn trong chăn.

------------------
Tác Giả | Henry Farrell là Giáo sư Khoa học Chính trị và Quốc tế tại Đại học George Washington. Abraham Newman là giáo sư tại Trường Ngoại Vụ và Chính phủ Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown.

© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

-----------------------
Nguồn: Will the Coronavirus End Globalization as We Know It? | Henry Farrell and Abraham Newman | The Foreign Affairs | April 16, 2020.





No comments:

Post a Comment