Friday, March 27, 2020

QUY HOẠCH BÁO CHÍ & TỰ DO BÁO CHÍ (Nguyễn Thông)







Ban Tuyên giáo và Bộ 4T (Thông tin – truyền thông) vừa công bố đã làm xong bước 1 của cái gọi là quy hoạch báo chí. Theo đó, có gần 2 chục tờ báo in hoặc báo điện tử đang hoạt động dưới danh nghĩa “báo” bị chuyển thành tạp chí. Số bị xử lý đợt này đều thuộc các hội đoàn, tức các hội chuyên ngành, đoàn thể, tổ chức dạng tầm tầm, dễ bị “đưa ra xét xử” mà không ai dám đứng ra bảo vệ. Bản thân cơ quan chủ quản cũng chỉ dạng làng nhàng, đố dám cãi lại mấy anh siêu quyền lực.

Trong cuộc “cải cách báo chí” này, Tuyên giáo và 4T thương ai thì kẻ đó được nhờ, chúng cóc cần quy định, càng không thèm đếm xỉa tới quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí như ở những nước văn minh, dân chủ.

Cứ nói nôm na thế này, một tờ báo khi bị chuyển thành tạp chí thì nó phải hoạt động theo cái cùm đang trói buộc nó. Không được thông tin hằng ngày, không được cập nhật thời sự, phải đứng ngoài những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng đang diễn ra… Dù là tạp chí giấy hay điện tử thì cũng cứ phải xuất bản theo thời gian quy định trong giấy phép, có thể 1 tuần, nửa tháng, hoặc 1 tháng, mới ra 1 số. Chỉ được bám vào nội dung liên quan đến ngành, hội đoàn mình, ví dụ tạp chí của hội nuôi ong thì chỉ viết về tổ ong, có bao nhiêu loài ong, con đực thế nào, con cái ra sao, cách làm mật, cách kiếm phấn hoa, cách ong đực ong cái giao phối… Đụng đến thứ khác, lĩnh vực khác, ví dụ truy bắt Tuấn khỉ, nhiễm Covid-19, đồng bằng sông Cửu Long bị hạn, máy bay hết xăng suýt rơi, v.v.. là bị phạt. Trời sập nhưng không phải lĩnh vực mình cũng cứ phải lờ đi.

Như thế, ai cũng rõ, thời đại công nghệ lên ngôi như thế này, mạng xã hội làm bá chủ thế này, sự tồn tại những tờ tạp chí kiểu vậy chắc chỉ có ma đọc. Ai thèm quan tâm, nếu đọc nó, họa có anh nào khùng khùng dở dở ương ương.

Nếu cứ chính thức thực hiện bước 1 của quy hoạch vào đầu tháng 4 tới, tôi dám chắc chả cần lâu lắc gì, nghĩa trang báo chí xứ này sẽ thêm hàng loạt bia mộ mới, trên bia đề tờ này tờ nọ đã bị đẩy vào bước đường cùng và chết lăn ra, tử bất cập… ngáp.

Nhà cai trị thừa hiểu điều ấy nhưng họ vẫn cứ thích chứng tỏ uy quyền, thích quy hoạch nọ kia. Họ căm ghét tự do báo chí, tuy nhiên họ không muốn chịu tiếng ác là đã đẩy báo chí vào cửa tử. Đấy, tao đã cho mày thành tạp chí, còn mày có sống được hay không là tại mày. Giời ạ, nhốt con người ta vào cũi sắt, không cho ăn uống gì, lại còn bảo ráng mà sống nhé. (còn tiếp)



*
*

Chiều 4.3, Bộ 4T và Ban Tuyên giáo tổ chức buổi lễ long trọng trao giấy phép mới cho đại diện của 18 tờ báo bị cưỡng bức thành tạp chí. Tham dự “lễ” có các quan chức của hai cơ quan “đầu não” về thông tin truyền thông, lý luận và tư tưởng này, và tất nhiên không thể thiếu người cầm đầu những hội đoàn chủ quản, các tổng biên tập của những tờ báo vừa bị lột xác đau đớn thành tạp chí.

Cứ như vài tờ báo quốc doanh phản ánh lại thì đám lãnh đạo rất hỉ hả vui mừng. Chả vui sao được khi ra một đòn “quy hoạch” mà diệt một lúc được những 18 tờ. Ông Hoàng Vĩnh Bảo phó của bộ 4T còn nói liều rằng xu thế phát triển của báo chí thế giới bây giờ là tạp chí, chúng ta quy hoạch để đi theo xu thế ấy. Nhưng ông ta cũng không thể giấu được cái mục đích mang tính tiêu diệt của sự quy hoạch, rằng đã là tạp chí thì phải tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, chỉ được thông tin những điều nằm trong lĩnh vực hoạt động của hội chủ quản. Còn tay Lê Mạnh Hùng, phó ban tuyên giáo, vốn cán bộ đoàn “tư tưởng Mác Lê đầy mình” thì thè lưỡi tuyên giáo khẳng định một cách rất liều mạng rằng việc chuyển đổi những tờ báo thành tạp chí là dấu mốc để nền báo chí nước nhà đa dạng hơn, phát triển hơn, xây dựng một diện mạo báo chí hiện đại, v.v.. Ối giời, nói như người mộng du, không cần biết thực tế là cái gì, đang diễn ra như thế nào. Đám này còn quản, còn lãnh đạo, nền báo chí xứ ta còn chết, không có đường ra.

Để biết tuyên giáo lẫn 4T có đúng không, cứ hỏi 18 vị tổng biên tập những tờ báo bị ép thành tạp chí, hỏi thêm 18 ông bà cầm đầu cơ quan chủ quản hội đoàn là rõ ngay. Ngày vui nhận giấy phép mà mặt mũi như đưa đám, thiếu điều nước mắt ngắn dài, sụt sịt thở than. Chả khác gì đứa con gái bị ép buộc về nhà chồng khi lòng không một chút tình yêu. Một cuộc hôn nhân đầy uất ức, căm giận, hiềm một nỗi chưa vạch được trời để hét lên cho thỏa oán hờn.

Làm sao lại chả buồn. Họa có là gỗ đá mới không buồn không sốc không oán hờn. Tờ báo đang hoạt động bình thường, tôn trọng pháp luật, tuân thủ luật báo chí, gánh vác nhiệm vụ thông tin đa dạng, đa chiều, thời sự… đem tới mọi người, đang nuôi cả một đội ngũ không dính dáng gì tới ngân sách, vậy mà đùng một cái, bị trói ném vào rọ như con lợn, “đánh đùng một cái/kêu eng éc ngay/bịt mồm bịt miệng/trói chân trói tay/từ đây đến con dao/chẳng còn xa là bao” (Phan Khôi), nó chọc tiết làm lễ tế hiến sinh tới nơi rồi, sao lại chẳng tâm tư, lại chẳng buồn. Nhắc lại, họa có là gỗ đá, là đảng viên mới không buồn. Chứ có đâu như lão Bảo, lão Hùng í ới rằng đó là bước tiến, là niềm vui. Cứ đặt các lão vào hoàn cảnh của tổng biên tập tờ tạp chí bị đeo vòng kim cô đi, xem các lão có còn mở mồm mà nói lấy được như thế không.

Xứ ta có những chuyện ăn xổi ở thì. Khi sản phẩm bị “dội chợ” bởi lý do này khác, chẳng hạn dưa hấu, thanh long, vải, cà chua, hoa tươi, thậm chí cả tôm hùm chuyên dành cho mồm giới nhà giàu thượng lưu, bị ế, xuống giá thì nhà nước lẫn báo chí hô hào giải cứu. Vâng, cứ cứu đi, người trong một nước phải thương nhau cùng, một miếng khi đói bằng gói khi no, trong hoạn nạn mới tỏ lòng nhau, v.v.. Vậy cả một nền báo chí đang bị trấn áp, đe dọa, cùm trói, tiêu diệt; cả một đội ngũ người lao động đang làm báo bị đẩy ra ngoài đường, mất phương sinh kế, không được kiếm sống tử tế, ai sẽ là người giải cứu cho họ đây? Ai? Ai? Ai?

Buồn nhất là lúc này không có câu trả lời, bởi kẻ có thể trả lời được thì lại chính là thủ phạm, còn những người lên tiếng chính xác lại chẳng có quyền hành gì. (còn tiếp)

Nguyễn Thông



*
*

Cái gọi là quy hoạch báo chí mà nhà nước (cụ thể là Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin – Truyền thông, còn gọi là bộ 4T) đang thực hiện thực ra không phải mới mẻ gì. Nó đã được thai nghén, chuẩn bị từ những năm 2010 – 2012 và bản đề án cứ lằng nhằng thò thụt mãi trên bàn thủ tướng lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng. Những tai to mặt lớn có “công” khai sinh đề án tới thời điểm này hầu hết thân tàn ma dại, cụ thể nhất là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Ngay cả Nguyễn Tấn Dũng, dù không phê duyệt đề án trong nhiệm kỳ của mình, có thể vì lý do nào đó mà sau này những bí mật hậu trường cần được bạch hóa, cũng là kẻ chịu trách nhiệm chính trong việc để cho tình hình báo chí nước nhà lộn xộn, lụn bại, ngột ngạt, mất tự do. Còn nhớ, vào khoảng năm 2012, khi trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, Ba Dũng đã xưng xưng tuyên bố “Việt Nam không bao giờ chấp nhận báo chí tư nhân”, có thể hiểu là không chấp nhận quyền tự do báo chí kiểu ở nhiều nước trên thế giới, báo chí truyền thông đều phải do nhà nước nắm, điều khiển, chi phối, quyết định. Một tờ, một bài, một chữ cũng phải thông qua nhà nước. Đó là tự do báo chí ở Việt Nam.

Cũng dễ hiểu, lúc Nguyễn Tấn Dũng mạnh mồm như vậy, ông ta đang đắc chí, coi mình như trời, thậm chí lấn át cả trời. Lại được đám Giave an ninh phò tá, làm quân sư tham mưu, đương sự cứ tưởng mình vững như bàn thạch, “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”, nên trói báo chí, chứ trói cả trời cũng dám làm. Chợt liên tưởng tới một “anh hùng làng” khác là Đinh Thế Huynh. Năm 2011, khi mới chỉ ủy viên trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, tức là cũng dạng làng nhàng, nhưng có lẽ biết mình đã được cơ cấu vào Bộ Chính trị nên Huynh rất mạnh mồm. Cũng giả nhời báo chí, Huynh tuyên bố (cái điều mà nhẽ ra phải chí ít là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng mới được phát ngôn), rằng “Việt Nam chúng tôi không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng”. Nghe rất khiếp, nhất lại từ miệng một anh hơi quèn quèn, chỉ đóng chức tổng biên tập một tờ báo. Nhưng có nhẽ ai đó đã mớm cho Huynh, rồi Huynh gặp thời phất lên như diều, và thất thế… lặn một hơi mất tăm. Xin hãy nhớ cho, tới thời điểm này (tháng 3.2020) đương sự Huynh vẫn còn là ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu quốc hội, chưa hề có bất cứ quyết định phế truất, kỷ luật, sa thải nào. Hú ba hồn bảy vía Đinh Thế Huynh lang thang vất vưởng ở đâu thì về cho bàn dân thiên hạ biết là còn sống nhá. Cả Dũng và Huynh, không biết giờ này có muốn đính chính những điều mình đã hùng hổ nói văng mạng không. Biết đâu lại tiếc, giá “hồi xưa” mình đừng cấm báo chí tư nhân, đừng cấm đa nguyên đa đảng thì bây giờ có cái mà dùng…

Lại nhớ khi người ta rập rình quy hoạch báo chí, năm 2013, khi ấy tôi còn đang tòng sự báo Thanh Niên, một trong 2 tờ báo “lớn” nhất nước (cùng với tờ Tuổi Trẻ), thấy các vị lãnh đạo họp hành căng lắm. Chả biết số phận tờ báo rồi thế nào. Nếu báo chí do bạn đọc quyết thì đã đi một nhẽ (phát hành hơn 300 nghìn bản/kỳ, quảng cáo đăng đầy), đằng này do cái tư tưởng thống soái quyết, chết đến nơi rồi. Hình như đã có những cuộc lobby, vận động hành lang, chạy này chạy nọ. Lọ mọ một thời gian, một hôm họp, sếp thở phào thông báo xong rồi, ngon rồi, cứ yên tâm mà thẳng tiến. Tôi chợt hiểu, quy hoạch thì quy hoạch nhưng vẫn có những ngóc ngách, con đường, lối thoát nằm ngoài mà chỉ người trong cuộc mới biết.

Vừa rồi hồi tháng 2, theo bước 1 (giai đoạn 1) tính tới năm 2020, người ta xoa tay thông báo đã làm xong chặng này, đã gộp hoặc chuyển thành tạp chí 19 tờ báo. Chẳng hạn gộp tờ Thời Trang Trẻ vào báo Thanh Niên, nhập tờ Hoa Học Trò vào báo Tiền Phong, chuyển những tờ báo điện tử của đoàn thể, tổ chức hội này nọ như Năng Lượng Mới, Đời Sống Pháp Luật, Một Thế Giới… thành tạp chí. Thực ra, phần lớn sự đổi thay ấy họ (nhà nước) chỉ làm cho có, đánh bùn sang ao, rốt cục cũng chỉ như cuộc cách mạng ở làng Mùi bên Tàu. Tôi cam đoan, cứ kiểu cách rình rang này, rồi vẫn thế thôi. Nếu đã muốn thực sự làm cuộc cách mạng với báo chí nước nhà, đâu cần phải ra rả “cuộc kháng chiến của ta có 3 giai đoạn, giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn tổng phản công”. Cái quyết định 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký đã vẽ ra bức tranh rất rườm rà, cải lương, chẳng hạn “Riêng Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 3 cơ quan báo; đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo”. Rồi các vị chống mắt lên mà xem, có nhập tờ Tiền Phong và Thanh Niên làm một được, tôi cứ đi bằng đầu. Dẹp được tờ Tuổi Trẻ (do cấp địa phương quản lý), có mà tới mục thất…

Vì sao? Nói thẳng ra, nếu họ quy hoạch để nhằm mục đích triệt bớt những tờ báo ăn bám, tiêu tốn ngân sách, những báo lá cải, vô bổ làm băng hoại xã hội, những báo địa phương (cơ quan của đảng bộ…) chỉ vài trăm người đọc, những báo chống lại đất nước, dân tộc, nhân dân… thì việc dẹp, quy hoạch thắt chặt là phải. Chả cần tồn tại những thứ ấy, lại càng không cần chi tiền thuế của dân nuôi những thứ ấy. Quy hoạch vậy rất đáng hoan nghênh, ủng hộ. Nhưng không, căn vào bản quy hoạch và từng bước thực hiện quy hoạch thì chỉ thấy họ làm cải lương, nửa vời, làm để chứng tỏ quyền lực, ra vẻ ta đây. Mà quy hoạch làm gì, khi gần 900 tờ báo, tạp chí, cơ quan báo đài, truyền thông chỉ răm rắp làm theo cái gậy đe nẹt của trung ương tập quyền. Đã buộc và chấp nhận định hướng, đã tuân chỉ thì đừng nói tới tự do. Có quy hoạch giời cũng vẫn thừa. Chỉ cần 1 tờ đã là nhiều. Còn đối với nhu cầu, khao khát thông tin đa chiều của dân chúng thì vạn tờ vẫn thiếu. Một khi còn độc quyền thông tin, cấm cản tự do báo chí, có tổ chức quy hoạch trăm lần cũng chả giải quyết được gì. Thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu.

Không cần quy hoạch. Chỉ cần quản lý báo chí bằng pháp luật. Ai muốn ra báo cứ ra, báo in hoặc báo điện tử đều được. Muốn báo cho báo, muốn tạp chí cho tạp chí, tùy vào khả năng và ý nguyện. Thông tin không hạn chế. Báo của hội nuôi ong nhưng muốn phản ánh tình hình chiến sự Syria hoặc chuyện cách ly ngăn dịch Cô Vít, cứ tha hồ, miễn là tôn trọng sự thật khách quan. Lấy pháp luật mà điều chỉnh mọi hoạt động của báo chí. Vi phạm thì phạt, đình bản, tước giấy phép. Xây dựng một nền báo chí đa dạng, sinh động, tự do khoe sắc, không có vòng kim cô, chỉ thượng tôn pháp luật. Lẽ dĩ nhiên phải là thứ pháp luật đàng hoàng, tử tế, văn minh, chứ không phải kiểu “mày nói xấu đảng thì tao phạt mày”.

Và điều quan trong là mỗi cơ quan báo chí truyền thông phải tự nuôi sống mình, kể cả báo lẫn đài phát thanh, đài truyền hình. Tuyệt đối không dùng ngân sách nuôi những tờ giấy gói xôi.

Thế thì cần chi quy hoạch. Rởm.

Nguyễn Thông

Ảnh: Nguồn báo Thanh Niên






No comments:

Post a Comment