Friday, March 27, 2020

HOANG ĐẢO CỦA TỬ THẦN (TuAnh Dam - NYC Lens)




TuAnh Dam  -  NYC Lens
Dịch giả: Ianbui
27/03/2020

Bác sĩ gốc Việt Alyssa Nguyễn Phước làm việc trong Phòng Cấp Cứu – ER (Emergency Response) của một bệnh viện tại New York (bà không muốn nêu tên vì lý do tế nhị). Dưới đây là bài phỏng vấn của phóng viên TuAnh Dam, đăng trên tờ NY City Lens ngày 26/3/2020; ianbui dịch lại từ tiếng Anh.

Q: Bác sĩ thấy sự khác biệt nào trong phòng cấp cứu trước và sau khi dịch COVID bùng phát?

A: Thông thường người ta vô ER vì bất cứ lý do gì. Dập ngón chân, xét nghiệm mang thai, u đầu cách đây hai tuần nay bỗng thấy chóng mặt… Vô gia cư, tâm thần, những thứ mà trong ER chúng tôi thường gặp – tất cả đều biến mất từ ngày có các ca COVID-19 đầu tiên.

Phòng cấp cứu thường không bao giờ yên lặng. Vậy mà bây giờ chỉ nghe tiếng ho húng hắng và tiếng beep của máy móc khắp mọi nơi. Mấy chiếc xe cáng đầy người nằm. Ai cũng đeo khẩu trang – từ bệnh nhân cho đến bác sĩ và y tá. Rất khó để làm những việc bình thường nhất, như uống cà phê.

Việc cứu tỉnh bệnh nhân xưa nay giống như một sinh hoạt cộng đồng. Cần rất nhiều bàn tay, nhiều người phụ trợ; đôi khi tôi có cảm tưởng mình là người nhạc trưởng điều khiển dàn giao hưởng. Anh, làm cái này. Chị, làm cái kia… Và khi mọi thứ diễn ra không vấp váp, kết quả thực sự là một tác phẩm tuyệt đẹp.

Thời COVID không như vậy nữa. Trong phòng ER chỉ còn những người bắt buộc phải có mặt. Mắt kính goggle của ai cũng bị mờ vì hơi thở; họ cố gắng di chuyển vật dụng trong khi làm việc.

Có cảm giác như ta đang ở trên một hoang đảo của tử thần. Những người đồng nghiệp, kể cả những tay nghề dày dạn và từng trải nhất, cũng không cầm được nước mắt. Gần như ngày nào tôi cũng khóc, nhưng rồi phải nuốt ngược vào trong để đi làm.

*
Q: Bác sĩ có thể nào kể về bệnh nhân COVID thứ nhất của mình không?

A: Mới đầu ông ta được đưa vào để điều trị sỏi thận. Tình cờ bức CAT Scan chụp hình bụng để dò tìm sỏi có dính một tí phần phổi của ông ta, trông nó đáng nghi.
Ông ta vào ER hôm thứ Sáu. Đến thứ Ba tuần sau ông ta nhận được tin thông báo nhiễm coronavirus. Được khuyên nên trở lại bệnh viện, ông ta trả lời, “Tôi cảm thấy bình thường, hơi sốt một tí. Tôi muốn ở nhà.” Nhưng đến thứ Năm thì bác sĩ của ông ta gọi cho hay “Tình trạng ông ấy không tốt. Bị khó thở. Sẽ đưa trở lại.”

Tôi nhớ, lúc đó tôi chạy vòng vòng lo đủ thứ vì ông ta là bệnh nhân đầu tiên. Phải đặt ông ta trong phòng nào? Sẽ cần những ai giúp việc cho ca này? … Tôi cố điều phối mọi thứ thật chu toàn để không ai có thể bị lây.

Thế rồi bỗng dưng ông ta xuất hiện. Khi một con thú quá sợ hãi, mắt chúng thường mở tròn, to đến độ ta có thể thấy hết tròng trắng xung quanh tròng đen; đó là hình ảnh ông ta lúc ấy.

Ông ta được đeo khẩu trang; hơi thở dồn dập khoảng 60 nhịp một phút như thể đang chết chìm, không đủ dưỡng khí. Lúc được đẩy vào ông ta đang trong tình trạng hốt hoảng, hít thở mạnh qua mảnh khẩu trang.
Chỉ có tôi và một bác sĩ khác lo cho ông ta; gắn ống thở cùng các thứ. Thật là đáng sợ. Tay tôi run như chiếc lá, mặc dù đây là những việc tôi làm đã rất nhiều lần; run đến độ tôi xém đâm kim vào tay mình.

Chúng tôi tưởng mình đã chuẩn bị thật kỹ, nhưng giờ nhìn lại vẫn thấy chưa ổn. Lúc đó chúng tôi thật sự không biết nhiều thứ — không biết mình sẽ cần những gì; không biết bệnh tình ông ta sẽ ra sao; không có một hệ thống và quy trình làm việc cụ thể nào cả.

*
Q: Hầu hết bệnh viện và y sĩ đã chuẩn bị đón người bệnh COVID từ mấy tuần qua, nhưng nó có giống như những gì bà nghĩ khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện không?

A: Ghê gớm hơn nhiều. Lượng người được đưa vào cũng như số người bị bệnh đông hơn tôi tưởng tượng.

Trong đầu tôi chỉ nghĩ, bệnh viện sẽ bị tràn ngập bởi rất nhiều người bị bệnh nặng. Nhưng tôi không lường trước nó sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn xã hội như vậy. Đến khi nó xảy ra, và ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình, ta mới nhận thấy: “Ồ, có quá nhiều thứ để lo. Mình làm không xuể.”

Nếu hệ thống y tế của Trung Quốc và Ý đã bị quá tải, chúng ta cũng sẽ bị quá tải không thua gì họ.

*
Q: Thống đốc Cuomo nói mức tệ hại nhất vẫn chưa đến; theo bà tương lai sẽ ra sao?

A: Lúc nào tôi cũng mường tượng về chuyện đó, rất khó tránh bị chi phối bởi nó. Mỗi ngày tình hình mỗi căng thẳng hơn một chút. Tôi có cảm giác ruột mình bị quặn thắt: “Một tuần lễ nữa sẽ ra sao? Hai tuần lễ nữa? Nội nay mai?”

Về mặt cụ thể, hầu hết các bệnh viện trong vùng New York hoặc sắp hết hoặc đã hết dụng cụ trợ thở cũng như phòng ICU [intensive care unit – điều trị cấp nặng]. Nhà thương nơi tôi làm việc đã biến phòng ICU các loại thành ICU cho COVID, và đã hết chỗ rồi. Chúng tôi đang mở thêm nhiều khu ICU mới và mướn bác sĩ ICU từ nơi khác đến. Ngoài ra chúng tôi còn dựng thêm lều để đặt giường bệnh ICU – chúng cũng đầy luôn rồi.

Không còn giường trống trong khi bệnh nhân vẫn tiếp tục được đưa vào, làm thế nào để quyết định ai sẽ được chữa trị? Thật khó mà tưởng tượng; tôi chưa hề bị đặt trong tình thế phải chọn lựa như thế bao giờ. Rồi đây bệnh viện sẽ phải thành lập một uỷ ban đặc nhiệm, với cái nhìn tổng thể, để quyết định phải rút máy trợ thở của bệnh nhân nào để dùng cho người khác.

Tương lai thật là khó đoán. Luật lệ thay đổi liền liền; các quy định của bệnh viện cũng vậy.

*
Q: Bác sĩ nghĩ sao về đề nghị của Tổng thống Trump và một số chính trị gia khác rằng nên để nền kinh tế tái hoạt động?

A: Tôi nghĩ không nên tí nào. Những người đó chỉ cần bỏ ra 5 phút trong phòng cấp cứu ER là họ sẽ đổi ý ngay lập tức.

Dân New York ai cũng linh cảm đây là một sự kiện cực kỳ xấu. Và tôi nghĩ rằng New York sẽ tiếp tục cấm cửa mọi sinh hoạt cho dù những nơi khác trên nước Mỹ ra sao chăng nữa.

COVID sẽ ảnh hưởng mạnh đến các cộng đồng vùng quê, những nơi không có đủ điều kiện để đối phó dịch bệnh.

Ví dụ như cậu sinh viên nọ đi chơi Spring Break ở Miami xong về lại ngôi làng nhỏ nào đó ở Kansas và truyền bệnh cho bố mẹ, ông bà anh ta. Rồi vì không biết mình đã nhiễm dịch, họ lây sang hàng xóm, bạn bè. Bỗng dưng bệnh viện làng ấy không kham nổi vì họ chỉ có một vị bác sĩ trực về đêm. Mà một người thì không thể nào chống cự với các đợt bệnh nhân ào ạt. Thế là cả làng vỡ trận.

*
Q: Bác sĩ có nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ quan tâm đến dịch bệnh này từ hai tháng trước thì tình hình hôm nay có khác hơn không?

A: Vì lý do nào đó mà trong suốt tháng Hai chúng ta rơi vào trạng thái yên tâm hão. Chúng ta đã đánh mất cơ hội ngăn chặn dịch bệnh. Nếu chỉ cách đây hai tuần thôi chúng ta xem đây là tình huống nghiêm trọng thì tôi nghĩ số ca bệnh sẽ ít hơn bây giờ rất nhiều.

Ca đầu tiên xảy ra tại New York ngày 1 tháng Ba — một người trở về từ Iran. Giả sử lúc đó thành phố tuyên bố: “OK, mọi người nghe đây. Dịch bệnh đã đến. Chúng ta phải bắt đầu giữ khoảng cách an toàn. Hãy nhìn những gì đã và đang xảy ra ở Seattle, ở Ý… ở khắp nơi.” Tôi nghĩ nhiêu đó thôi cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho chúng tôi nhiều lắm.

Thay vì vậy thì phản ứng của thành phố là chờ, rồi thì nhiều ca khác xuất hiện. Ngay trong tuần lễ sau cuối tuần vừa qua, số người tràn ra đường để giúp dịch khuẩn lây lan nhiều không thể tưởng. Nếu ta có thể quay ngược dòng thời gian chỉ 10 ngày thôi, tôi nghĩ số ca bệnh sẽ chậm lại rất nhiều.

Ta từng nghe bao nhiêu câu chuyện từ Ý. Mới đầu thiên hạ chỉ biết đến những ca bệnh qua tin tức. Nhưng sau đó là người quen. Kế đến là người thân trong gia đình. Tôi mong rằng chúng ta sẽ đồng tâm hiệp lực kiểm soát sự lây lan của cơn dịch này để nó không nhiễm đến thân nhân của mình.

--------------------------

NGUỒN :

By TuAnh Dam 
March 26, 2020






No comments:

Post a Comment