Sunday, March 1, 2020

DỊCH COVID-19 : HÀN QUỐC ĐỘNG VIÊN TOÀN LỰC CHỐNG DỊCH (RFI)




NỘI DUNG :
Tú Anh  -  RFI
.
Minh Anh  -  RFI
Tú Anh  -  RFI

Anh Vũ  -  RFI  
.
Minh Sơn  -  RFI
.
===================================================
.
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 01/03/2020 - 10:25

Chính phủ Moon Jae In thông báo « động viên toàn lực » chống dịch virus corona (Covid-19). Là nước thứ hai, sau Trung Quốc, bị siêu vi corona hoành hành, số bệnh nhân bị lây nhiễm, được phát hiện trong 10 ngày qua, tăng vọt tại Hàn Quốc.

Seoul huy động mọi sáng kiến khử trùng, phương tiện xét nghiệm hầu không để cho siêu vi một kẻ hở nào để lây lan. Ngày 01/03/2020, nhân lễ tưởng niệm phong trào độc lập 01/03/1919, tổng thống Hàn Quốc cho biết chính phủ huy động tối đa khả năng đối phó.

Tuy nhiên, thông tin chỉ trong vòng 48 giờ đã có thêm hơn 1.300 bệnh nhân mới cộng với tình trạng quá tải của các bệnh viện tại trung tâm dịch Daegu chỉ làm người dân Hàn Quốc bất an :

Từ Seoul, thông tín viên Louis Palligiano tường thuật :

« Virus corona tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh như chớp tại Hàn Quốc. Sáng 01/03/2020, Seoul thông báo có thêm 376 người bị lây nhiễm, nâng tổng số bệnh nhân lên 3.526 và 17 người chết. Trong số các biện pháp phòng chống được tiến hành có thêm chiến dịch phân phát miễn phí 3,5 triệu khẩu trang mỗi ngày ở các nhà thuốc và cơ quan công cộng.

Một biện pháp mới nữa, được gọi là « trung tâm xét nghiệm ở tay lái », cũng bắt đầu hoạt động kể từ hôm nay, cho phép những người đang lái xe, có triệu chứng cảm cúm đáng ngờ, được xét nghiệm tìm siêu vi ngay trên xe của mình.

Tại Daegu, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, tất cả các bệnh viện đều quá tải. Số trường hợp nhiễm siêu vi corona mới tại đây đã vượt ngưỡng 2.600, tức là hơn 70% số bệnh nhân trên toàn quốc. Khoảng 1.300 người phải chấp nhận tư cách ly tại nhà trong lúc chờ đợi có chỗ trong bệnh viện.

Vấn đề nhà thương quá tải gây lo âu sau khi có tin hai bệnh nhân qua đời trong lúc cách ly tại nhà trong khi chờ bệnh viện giường trống ».

Bắc Triều Tiên : Hai phó chủ tịch đảng bị trừng phạt vì lơ là chống dịch
Hãng thông tấn chính thức KCNA, trong bản tin thứ Bảy 29/02, cho biết các quan chức lãnh đạo của đảng Lao Động được lệnh « nghiêm ngặt chống dịch Covid-19 để bảo vệ nhân dân». Hai phó chủ tịch đảng là Ri Man Gon và Pak Thae Dok bị cách chức, một chi bộ của đảng bị giải thể vì « tham ô, lơ là phòng chống dịch ».

-----------------

.
Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 01/03/2020 - 12:16

Số người nhiễm virus corona tại Pháp tiếp tục tăng. Sau phiên họp bất thường của Hội đồng bộ trưởng ngày 29/02/2020, chính phủ Pháp ban hành một loạt biện pháp mới để chặn đà lây lan. Dịch virus corona mới (Covid-19) đang đặt các hiệu thuốc tại Pháp trong tình trạng căng thẳng.

Số liệu thống kê công bố ngày 29/2 cho biết tại Pháp đã có thêm 43 ca nhiễm mới, nâng tổng cố người nhiễm virus corona (Covid-19) lên thành 100 người. Cụ thể, có 86 người phải nhập viện trong đó 9 ca nguy kịch, 12 người đã lành bệnh và 2 ca tử vong. Với con số này, Pháp trở thành ổ dịch thứ hai tại châu Âu, sau nước Ý.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng, bộ trưởng Y Tế Pháp, ông Olivier Véran thông báo một loạt các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tất cả các sự kiện quy tụ hơn 5.000 người trở lên trong một điểm khép kín đều bị hủy bỏ cho đến khi có lệnh mới. Quy định này cũng áp dụng tương tự tại « những điểm không gian mở có thể dẫn đến việc tập hợp nhiều thành phần dân cư rất có thể đến từ những vùng dịch bệnh », theo thông báo của bộ trưởng Pháp.

Theo tiêu chí này, cuộc chạy đua Marathon ở Paris dự kiến diễn ra ngày 01/3 đã bị hủy. Hội Chợ Nông Nghiệp Paris, lần đầu tiên kể từ năm 1964, buộc phải đóng cửa ngày 29/02, sớm hơn một ngày. Lễ hội hóa trang Annecy dự kiến diễn ra từ ngày 6-8/3 bị hủy và Hội chợ Bất Động Sản Mipim ở Cannes sẽ phải dời đến tháng Sáu.

Khẩu trang, nước rửa tay khử trùng « cháy hàng »

Người dân tại Pháp cũng bắt đầu hoang mang trước tình hình lây lan dịch bệnh. Tại một số khu vực, nhiều gian hàng thực phẩm trống trơn do người dân bắt đầu lo trữ thực phẩm. Lo sợ dịch bệnh, người dân Pháp đổ xô mua các loại thiết bị phòng ngừa dẫn đến một số mặt hàng khẩu trang và thuốc rửa tay khử trùng có cồn bị « cháy hàng ».

Trước áp lực nhu cầu này, một số hiệu thuốc áp dụng biện pháp hạn định mức mua cho mỗi người theo như lời nữ dược sĩ Adeline Olry, với RFI.

« Hiện tại chúng tôi vẫn còn có vài chiếc khẩu trang loại FFP2, nhưng tôi nghĩ trong vài giờ tới là sẽ hết hàng. Còn loại khẩu trang y tế thông thường đã hết hàng từ 10 ngày qua. Đúng là tình hình khá căng thẳng bởi vì chúng tôi khó tích trữ hàng, đương nhiên người dân cần để phòng vệ khi đi lại bằng phương tiện công cộng, hay đi du lịch…
Do vậy, chúng tôi quyết định quy định hạn mức bán, mỗi một người chỉ được mua 4 khẩu trang FFP2 và hai lọ rửa tay có cồn, như vậy chúng tôi có thể cung cấp được cho nhiều người nhất có thể. Trong vài ngày tới, chúng tôi nghĩ là sẽ có được hàng từ kho dự trữ quốc gia. Nguồn hàng này rất có thể chỉ sẽ dành cho dân ».


----------------------------------------------------
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 01/03/2020 - 14:15

Bùng lên tại Hồ Bắc vào tháng 12/2019, dịch Corona chủng mới tiếp tục tràn ra khắp địa cầu : 64 nước và lãnh thổ, theo thống kê mới nhất. Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm gia tăng trở lại, Mỹ và Úc thông báo có nạn nhân tử vong. Hàn Quốc huy động toàn lực, Pháp ban hành biện pháp khẩn cấp.

Số nạn nhân dịch Covid-19 đã tiến gần ngưỡng 3.000 người chết và hơn 86.000 trường hợp nhiễm mà đại đa số là người Trung Quốc và tại Trung Quốc. Theo số liệu của bộ Y Tế Hoa lục, số trường hợp lây nhiễm trong ngày Chủ Nhật 01/03 là 573, giảm đi nhiều so với con số hàng ngàn mỗi ngày trong tháng Hai, nhưng tăng lên so với thống kê hai ngày trước (327 trong ngày thứ Sáu 29/02).

Số nạn nhân từ trần cũng ít lại, 35 so với 47 theo báo cáo thứ Bảy 28/02. Theo AFP, dịch bệnh dường như dần dần giới hạn trong tỉnh Hồ Bắc.

Nếu biện pháp cách ly gần như triệt để hơn 50 triệu dân Hồ Bắc góp phần hạn chế truyền nhiễm ở nội địa Trung Quốc, thì nhiều nước khác biến thành nguồn lây nhiễm siêu vi mà đứng đầu danh sách là Hàn Quốc, Iran và Ý.

Tại Việt Nam, theo báo chí trong nước, ngoài 81 trường hợp bị nghi lây nhiễm đang được theo dõi, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dự trù thành lập bệnh viện dã chiến gần phi trường Tân Sơn Nhất. Một trong những yếu tố gây lo ngại dịch bệnh lây lan là số nhân công trở về từ Hàn Quốc. Trong tuần lễ từ 23 cho đến 28/02, hơn 7.000 người hồi hương.

Mỹ, Úc có người chết vì Covid-19

Ngày 29/02, Mỹ và Úc thông báo mỗi nước có một bệnh nhân qua đời. Nạn nhân tại Úc, trên 70 tuổi, có lẽ bị lây virus corona trên du thuyền Diamond Princess.

Nạn nhân ở Mỹ là một người đàn ông 55 tuổi, có vấn đề sức khỏe trước khi bị lây nhiễm. Ngoài nạn nhân này, tại Hoa Kỳ còn có 47 người bệnh bị lây nhiễm ở Trung Quốc hay lúc đi du thuyền không kể 21 trường hợp khác. Trong số này có người không đi đâu hết mà vẫn bị dương tính với virus corona chứng tỏ dịch bệnh đang lây lan tại Mỹ.

Tại châu Mỹ la tinh, sau Brazil, đến lượt Mêhicô và Ecuador thông báo có người bệnh.

Tại Iran, bộ Y Tế bác bỏ thông tin có 210 người chết do đài BBC tiếng Ba Tư loan tải. BBC tổng kết các nguồn tin từ các bệnh viện Iran. Cho dù nhìn nhận số trường hợp nhiễm bệnh tăng cao trong những ngày qua, danh sách công bố là 43 người chết.

Tại châu Âu, trung tâm dịch nghiêm trọng nhất là nước Ý với 23 nạn nhân tử vong và hơn 1.000 người bị nhiễm bệnh, đặc biệt là ở các tỉnh gần biên giới Pháp, lá phổi kinh tế của Ý. Nhiều biện pháp chống dịch được ban hành, như đóng cửa trường học, dời ngày thi đấu 5 trận bóng đá, cách ly dân chúng ở 11 thành phố.

-----------------------------------
.
Anh Vũ  -  RFI  
Đăng ngày: 01/03/2020 - 11:05

Thế giới những ngày này đang phải chống chọi với bệnh dịch viêm phổi chết người Covid-19. Trận dịch xuất phát từ Trung Quốc đang tràn vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong đó thể thao cũng không thể tránh được những hệ lụy.

Hàng loạt các trận đấu phải diễn ra khép kín không khán giả, nhiều giải vô địch bị hoãn vô thời hạn, một số giải đấu bị hủy bỏ… Đó là vài nét phác họa các hoạt động thể thao của thế giới trong những ngày qua khi mà dịch virus corona không ngừng lây lan ra khắp các châu lục trên thế giới.

Trong tuần, hôm thứ Năm 27/02, vận động viên chuyên nghiệp đầu tiên trở thành nạn nhân của nạn dịch virus corona. Nữ cầu thủ đội bóng đá trong nhà Futsal của Iran Elham Sheikhi, 23 tuổi, đã bị chết vì virus SARS nCoV-2 tại thành phố Qom, ổ phát dịch của nước này. Tại Ả Rập Xê Út, cuộc đua xe đạp quốc tế lớn trong UAE Tour đã bị hủy bỏ vì phát hiện hai ca dương tính với virus corona mới (SARS nCoV-2) trong một đội đua. Tại châu Âu, một số vận động viên, cầu thủ bóng đá đã bị cách ly vì nghi nhiễm virus sau khi di chuyển từ vùng có dịch về.

Hàng loạt sự kiện thể thao lớn đã bị hoãn khiến lịch trình thi đấu trong thời gian tới đang bị đảo lộn hoàn toàn vì dịch, đầu tiên là châu Á rồi lan sang châu Âu. Tại hai châu lục này, chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới : Olympic Tokyo và Cúp Bóng đá châu Âu UEFA lần đầu diễn trên quy mô rộng khắp châu lục, ở 12 quốc gia.

Tại Trung Quốc, tâm dịch của thế giới, cũng là nơi dự kiến đầu năm nay diễn ra nhiều giải đấu quốc tế quan trọng ở nhiều môn thể thao, trong đó có những giải đấu liên quan trực tiếp đến các sự kiện thể thao lớn trong khu vực hay thế giới như Cúp Bóng đá châu Á, vòng loại Cúp Bóng đá Thế giới 2022 tại Qatar và rất nhiều giải đấu tuyển chọn chuẩn bị cho Olympic 2020. Vì dịch virus corona, tất cả đều đã bị hủy, lùi thời hạn hoặc chuyển địa điểm sang châu lục khác.

Những diễn tiến lây lan của dịch virus corona những ngày gần đây tại Hàn Quốc, Iran, Ý và Pháp cho thấy tình hình bệnh dịch có xu hướng ngày thêm trầm trọng và phức tạp không dễ gì ngăn chặn được trong nay mai.

Việt Nam : Tham vọng giành vé dự Olympic 2020 bị đảo lộn
Việt Nam nước láng giềng của Trung Quốc, bị ảnh hưởng từ rất sớm của dịch virus corona. Tuy số lượng ca nhiễm phát hiện theo thông báo chính thức không nhiều, 16 ca và đều đã khỏi bệnh, nhưng Việt Nam vẫn là khu vực có rủi ro cao. Thể thao của Việt Nam không là ngoại lệ cũng đang phải chịu những tác động và tìm cách ứng phó với dịch. Trả lời Tạp chí Thể thao RFI, tiến sĩ Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn Điền kinh, Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết :


Olympic Tokyo 2020 và EURO
Các liên đoàn thể thao quốc gia và quốc tế thực sự lúng túng và bị sức ép rất lớn trước tiến triển lây lan dịch virus corona mỗi ngày thêm xấu. Vào lúc này, các tin đồn khả năng hoãn Thế Vận hội Tokyo 2020, dự kiến khai mạc ngày 24/06, lại rộ lên. Hôm thứ Sáu 28/02, chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) Thomas Bach đã phải có cuộc họp báo qua điện thoại dành riêng cho báo chí Nhật.

Lãnh đạo định chế thể thao số 1 thế giới khẳng định « hoàn toàn quyết tâm » tổ chức Thế Vận hội mùa hè Tokyo 2020 đúng như dự kiến. Trước đó, một thành viên của CIO, đại diện Canada Dick Pound cũng cho biết CIO « không dự tính hoãn hay hủy Olympic Tokyo 2020 chừng nào Tổ Chức Y Tế Thế Giới chưa khuyến nghị làm việc đó » và ưu tiên hiện nay của CIO là làm sao quá trình thi đấu giành vé đi dự Olympic diễn ra và mà vẫn bảo vệ sức khỏe của vận động viên. Tuy nhiên, khi được hỏi về có hạn chót cho quyết định tổ chức Thế vận hội, quan chức của CIO tránh trả lời trực tiếp vào câu hỏi.

Còn tại châu Âu, sau khi virus corona tràn vào Ý lây lan nhanh chóng, các hoạt động thi đấu thể thao từ các giải đấu quốc gia đến quốc tế hoặc bị hủy, hoặc phải diễn ra không khán giả. Các giải đấu lớn bị đe dọa. Lo lắng cho EURO 2020 cũng đang lớn dần cùng quy mô và tốc độ lây lan của dịch Covid-19, nhất là giải đấu sẽ được tổ chức ở 12 quốc gia khác nhau và sự di chuyển một số lượng cổ động viên khổng lồ. Các giới chức cũng như đối tác của làng thể thao thế giới chỉ còn biết theo dõi sát tình hình dịch và chỉ thị của chính quyền mỗi nước cũng như Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

-------------------------------------
.
Minh Sơn  -  RFI
Đăng ngày: 01/03/2020 - 17:49

Người cao tuổi, hoặc từng mắc một trong các chứng bệnh như tiểu đường, hen suyễn hay cao huyết áp... là những đối tượng dễ bị nhiễm virus corona nhất. Tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong vì virus corona ở nam giới cao hơn phụ nữ.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, bệnh nhiễm trùng hô hấp Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người trong tổng số 86.000 bị nhiễm virus corona chủng mới tại ít nhất 64 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Triệu chứng nhiễm bệnh thay đổi theo từng ca, nếu nhẹ chỉ là ho, sốt, mệt mỏi…, nhưng nếu nặng hơn, người bệnh có thể bị khó thở, hay là bị suy chức năng thận, thậm chí nhiều bộ phận chức năng khác, có thể dẫn đến tử vong.

Tỷ lệ tử vong cũng tương đối thấp - giới khoa học hiện vẫn chưa thẩm định được con số chính xác - nhưng được ước tính nằm trong khoảng từ 1% đến hơn 3%. Tỷ lệ này rõ ràng cao hơn dịch cúm thường (trong khoảng 0,1%), nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các trận dịch trước đây có liên quan đến virus corona: 34,5% trong dịch MERS (triệu chứng hô hấp cấp Trung Đông) và 9,6% của dịch SARS (triệu chứng hô hấp cấp nặng), những chủng virus gần giống với chủng virus corona mới lần này đến 80%.

Theo những khảo sát và các số liệu đưa ra, một số đối tượng dân số có nhiều rủi ro mắc bệnh cao. Phân tích đầy đủ nhất cho đến ngày 29/02, do chính quyền Trung Quốc công bố ngày 17/02 được đăng trên Jama, một tạp chí y khoa của Mỹ, cho thấy nguy cơ tử vong tăng theo độ tuổi.

Trong số gần 45.000 ca được xác nhận, tỷ lệ tử vong trung bình là 2,3%, nhưng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 10 tuổi là 0%, từ 10-39 là 0,2%, từ 40-49 là 0,4%, trong độ tuổi 50-59 là 1,3%, ở những người từ 60-69 tuổi là 3,6% và tỷ lệ này tăng vọt lên 8% ở những người cao tuổi, từ 70-79 tuổi. Và nguy cơ tử vong ở những người trên 80% gần như tăng gấp đôi với tỷ lệ 14,8%.

Quan sát này cũng được ghi nhận tại những nước khác như Ý chẳng hạn, ổ dịch lớn nhất của châu Âu hiện nay. Ít nhất có 6 nạn nhân trong số 14 ca tử vong đầu tiên là những người già trên 80 tuổi.

Trẻ nhỏ được miễn trừ?
Điều làm cho giới chuyên gia khó hiểu nhất là chưa có một nạn nhân trẻ em nào. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thông thường cũng nằm trong số những đối tượng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Nhà dịch tễ học Cecile Viboud, thuộc National Institutes of Health ở Mỹ, cho biết khi khảo sát “tất cả các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác - do vi khuẩn hay virus - hầu như tất cả các ca nghiêm trọng đều là những người cao tuổi, hay ở những trẻ rất nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi”.

Một đặc tính khác của Covid-19 cũng được các nhà nghiên cứu ghi nhận nam giới có nhiều rủi ro nhiễm virus hơn phụ nữ. Bởi vì, nam giới chiếm đến 51,4% ca nhiễm được xác định và gần 2/3 số ca tử vong (63,8%).

Thuốc lá: Tác nhân gây trầm trọng?
Về điểm này, nhà dịch tễ học, bà Cécile Viboud gần như tin chắc rằng thuốc là ít nhất cũng có một phần trách nhiệm do tỷ lệ những bệnh nhân nhiễm bệnh có hút thuốc là khá cao. Đây cũng là một trong số các tác nhân làm tăng rủi ro tử vong.

Tuy nhiên, các nghiên cứu thống kê của Trung Quốc cũng cho thấy có nhiều yếu tố rủi ro khác, chẳng hạn như việc mắc một chứng bệnh kinh niên. Tỷ lệ tử vong có thể leo lên đến 6,3% ở những người mắc các bệnh đường hô hấp (suy hô hấp, hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản mãn tính…).

Nguy cơ tử vong có thể lên đến 10,5% ở những người bị các chứng về tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim…) và tỷ lệ này 7,3% ở những bệnh nhân bị tiểu đường. Còn những người mắc các chứng bệnh như cao huyết áp hay ung thư, tỷ lệ tử vong lần lượt ở mức 6% và 5,6%, trong khi ở những người mạnh khỏe, con số này chỉ ở mức 0,9%.

-----------------------------------------
.
XEM THÊM
.
.





No comments:

Post a Comment