Saturday, February 29, 2020

TANG LỄ CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ, NHỮNG ĐIỀU BÂY GIỜ MỚI KỂ (Tuấn Khanh)




Thứ Sáu, 02/28/2020 - 11:41 — tuankhanh

Hòa thượng Thích Ngộ Chánh, trong tang lễ của Đức Tăng Thống

Trải qua 3 ngày, đám tang của hòa thượng Thích Quảng Độ có vẻ như đã diễn ra rất êm ả. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Những gì được ghi nhận suốt 3 ngày tang lễ tại chùa Từ Hiếu, cho đến tận khi tiễn đưa ngài ở Đài hóa thân tại Đa Phước, Bình Chánh là những điều bất ngờ cần phải được ghi lại. “Mưu hèn kế bẩn” – đó là lời tóm tắt được coi là đầy đủ nhất, từ một Phật tử đã ở bên cạnh kim quan của hòa thượng Thích Quảng Độ, khi chứng kiến tất cả. Nhưng vì mục đích là phải để tang lễ được suôn sẻ, hầu hết mọi người đều nhắc nhau im lặng, hành động im lặng.

Nhưng rồi, những gì cần nói, vẫn phải nói. Đầu tiên là những chuyện liên quan đến ngày di quan của Đức Tăng Thống đến đài hóa thân. Hòa thượng Thích Ngộ Chánh, chứng nhân trực tiếp của những điều xảy ra, kể lại cho biết.

·         Dạ, điều đáng nói nhất là lúc di quan, đưa hòa thượng Thích Quảng Độ về đài hóa thân. Khi bắt đầu đi thì có công an dọn đường cho đoàn xe tang. Đến các ngã ba, ngã tư thì đoàn xe tang luôn được ưu tiên. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi, thì thấy đám tang diễn ra rất thuận lợi. Nhưng trước đó, một số anh em trong gia đình Phật tử xin giấu tên, nói cho biết rằng những chiếc xe hoa và xe tang, chủ yếu là những xe có để băng-rôn tiễn đưa hòa thượng Thích Quảng Độ có ghi chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đều bị thả đinh dưới bánh xe. Do từ đầu mọi người đã tính đến chuyện này, nên các anh em gia đình Phật tử im lặng nhắc nhau kiểm tra và gỡ ra. Đến sáng sớm khi đoàn xe chuẩn bị di chuyển thì anh em vẫn phải kiểm tra một lần nữa, vì nếu không, những xe có băng-rôn đó sẽ bị xẹp bánh dọc đường, không theo đoàn được.

Nhưng chuyện chỉ là khởi đầu. Khi đến đài hóa thân, lúc đang làm lễ tiễn, đột nhiên có ai đó, xưng là người thân của thầy Thích Nguyên Lý, mời thầy ra nói chuyện gấp. Lời yêu cầu này quấy rầy đến mức thầy Thích Nguyên Lý phải bỏ lễ đi ra, để lại cho các thầy khác phụ trách. Nhưng dường như đó là kế nghi binh, tôi nghĩ vậy. Ngay sau đó, khi kim quan được đưa vào nơi thiêu, đã có khoảng 20 người tự xưng là gia đình của hòa thượng Thích Quảng Độ, tự đeo khăn tang trắng, lao vào và đòi sau khi thiêu, sẽ mang tro cốt về Bắc để thờ cúng. Một cuộc giằng co rất dữ dội đã diễn ra. Các quý thầy phụ trách tang lễ đã rất khó khăn để ôn hòa giữ vững lập trường và di nguyện của Đức Tăng Thống là sau khi hỏa táng, sẽ mang về chùa giữ trong 49 ngày, sau đó mang đi thủy táng.

·         Nhưng những người “bà con” đó, có ai biết gì về họ hay không? Và mục đích của họ là gì khi kéo đến vào giờ cuối với ý định cướp tro cốt của Đức Tăng Thống?
·         Dạ, gia đình bà con đó, có khoảng 20 người xưng là bà con có họ và xa, chứ không ai là gần gũi thật sự. Kể cả khi lúc Đức Tăng Thống sinh thời, cũng chẳng thấy họ lai vãng bao giờ. Những người đó vào giờ đợi lấy tro cốt mới xuất hiện, tự đội khăn tang trắng và đòi giành lấy tro cốt mang đi. Sự việc diễn ra rất lâu. Sau khi không tranh luận được với quý thầy phụ trách tang lễ, những người này đột nhiên thay đổi thái độ, yêu cầu phải mang đi thủy táng ngay lập tức trước mắt họ, chứ không được mang về chùa, qua 49 ngày.

Mọi thứ đã giằng co quyết liệt cho đến tận 4g chiều mới kết thúc. Các thầy dứt khoát với quyết tâm thực hiện di nguyện của Đức Tăng Thống như đã bàn tính. Vào lúc đó, các anh em gia đình Phật tử được lệnh tập trung đến, bảo vệ đến cùng tro cốt của Đức Tăng Thống, vì sợ có thể bị cướp đi. Bởi lúc tranh cãi, có những người trong “gia đình” có vẻ như muốn khống chế quý thầy để lấy tro cốt đi. Sự kiện này được ghi nhận trong văn bản của Ban hướng dẫn Gia đình Phật Tử Quảng Đức – Sài Gòn về công đức của các anh em đã tận lực bảo vệ an toàn tro cốt của Đức Tăng Thống về lại Chùa Từ Hiếu.

Những người tự xưng là bà con, muốn giành lấy tro cốt

·         Có một vài anh em bên gia đình Phật tử kể lại rằng, sự kiện đó cho thấy những người gọi là “bà con” của Đức Tăng Thống không có vẻ bình thường, như kiểu được sắp đặt. Về phần Thầy, thì có nhận xét gì?
·         Một người xuất gia thì đã dứt bỏ tất cả, đời sống ngày thường đã vậy, khi viên tịch là chấm dứt, không như một người qua đời bình thường. Tôi cũng nói thêm cho anh được rõ, là đối với một người tu hành khi qua đời, thì khăn tang là màu vàng chứ không là màu trắng. Những người “bà con” này không hiểu biết gì về ý nghĩa này là một điều đáng suy nghĩ - có thể họ được tư vấn để hành động - nhưng lại không hiểu sâu về cách thức nên lạc lõng.

Ngoài ra, về sự kiện giành tro cốt, tôi được biết có sự có mặt của hòa thượng Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, trường ban kinh tế Trung Ương của giáo hội Việt Nam do nhà nước lập ra – tức dân gian hay gọi là Phật giáo quốc doanh – ông ta cũng can thiệp vào chuyện này. Khi thầy Thích Thanh Phong cũng lên tiếng đòi mang tro cốt của Đức Tăng Thống ra, tôi mới thấy làm lạ. Vì ông ta không là gia quyến cũng không liên quan gì đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cả. Và việc ông ta chen vào tận trong đó thì tôi không rõ được. Tôi xin thưa lại như vậy.

·         Nhưng theo sự quan sát của nhiều anh em gia đình Phật Tử, về hòa thượng Thích Thanh Phong, thì có kể lại rằng…
     (mời xem tiếp phần 2)

*
*
Thứ Sáu, 02/28/2020 - 12:47 — tuankhanh

Lễ bái giác linh của Đức Tăng Thống, sau khi đem về từ Đài hóa thân Đa Phước

Ít ai biết rằng, vào ngày đầu của tang lễ tại Chùa Từ Hiếu, khi giăng băng-rôn có dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” trước cửa chùa, chỉ  ít giờ sau, một nhóm người của nhà nước, bao gồm an ninh, ban tôn giáo… đã đến yêu cầu các thầy phụ trách tang lễ phải tháo xuống. Đó cũng là một cuộc giằng co dai dẳng, vì chữ “Phật giáo thống nhất” luôn là cái gai trong mắt của nhà cầm quyền. Cuối cùng, khi các thầy nhất quyết không hạ, và chỉ nói là “sẽ hạ khi hết tang lễ” thì phía phái đoàn của nhà nước đành ra về, nhưng lại mở ra chuyện rãi đinh dưới các xe có hoa tang đề chữ Phật giáo thống nhất như đã nói ở phần 1 của bài.

Riêng về hòa thương Thích Thanh Phong, trụ trì của chùa Vĩnh Nghiêm – mà có lời đồn đãi rằng ông vốn là người của “ngành”, có những đặc quyền riêng khác với một thầy tu bình thường –  thì đã có mặt rất sớm ở chùa Từ Hiếu, ngay khi tang lễ vừa dựng nên. Ông Phong xuất hiện với nhóm người của mình, ghi hình, dò xét mọi thứ và cũng công khai đi đến chỗ các nhân viên mật vụ đang theo dõi ở chùa để bàn bạc. Nguồn tin hàng lang cho biết, ông Phong còn là người đề xuất ý kiến với phía an ninh là phải dè chừng chuyện khi hỏa táng, vẫn còn lại những phần xá lợi (tương tự như với hòa thượng Thích Trí Quang), và điều này là “mối nguy tinh thần” về sau. Sự kiện nhóm người xuất hiện cùng hòa thượng Thích Thanh Phong xông vào hậu điện của Đài hóa thân đòi lấy tro cốt, dường như đã lý giải cho điều này.

Hòa thượng Thích Ngộ Chánh lại nói thêm cho biết về chuyện này.

·         Theo sự quan sát của nhiều anh em gia đình Phật Tử, về hòa thượng Thích Thanh Phong, thì có kể lại rằng, không giống với những hòa thượng khác cũng từ giới Phật giáo quốc doanh đến viếng, dù khác biệt chỗ đứng nhưng trân trọng với tâm tang rồi về, mà hòa thượng Thích Thanh Phong rất công khai hành động theo mục đích rất riêng?
·         Dạ, chuyện này thì tôi có biết rõ. Và tôi còn biết là thầy Thanh Phong đến, mang theo cả người chụp ảnh, quay hình riêng cho ông. Dĩ nhiên, cho mục đích riêng chứ không liên quan gì đến ban tang lễ của chùa Từ Hiếu.

·         Dẫu sao, vẫn có những điều ghi nhận là về phía an ninh, dường như đã có một sự hòa hoãn nhất định, chứ không căng thẳng như dự đoán, dù số lượng công an, dân phòng và an ninh thường phục trực chung quanh chùa Từ Hiếu vẫn rất đông…
·         Dạ, tôi nhận thấy là an ninh thường phục rất nhiều, đặc biệt là vào ngày đưa kim quan đến Đài hóa thân. Họ quay camera, quay bằng điện thoại hết diễn biến tang lễ, người dự tang lễ… Điều dễ nhận ra họ là tất cả đều đeo khẩu trang với kiểu giấu mặt, và khẩu trang cũng giống nhau. Cách thức của họ cũng rất khác biệt với những người đến viếng.

Tại tang lễ, thì không có ai bị công an, an ninh gây khó dễ. Nhưng tôi biết là có một trường hợp là một thầy ngụ ở Đồng Nai, bị công an đến tận chùa và chận không cho thầy đi dự lễ tang. Nên hòa thượng đó không thể đến dự lễ tiễn, mà đến tận ngày chung thất (cúng thất đầu tiên, 29/2/2020) thì thầy ấy mới lẻn đi đến chùa Từ Hiếu được. Chính hòa thượng Thích Vĩnh Phước là người đưa thầy ấy từ Đồng Nai lên Sài Gòn để viếng.

·         Sự việc muốn cướp đi tro cốt của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã diễn ra rất chi tiết và bài bản tổ chức, nhưng không thành công. Liệu việc giữ ở chùa Từ Hiếu suốt 49 ngày để mang ra biển, có an toàn trong bối cảnh này không, thưa Thầy?
·         Dạ xin thưa với anh, là những điều như vậy, cũng không nằm ngoài suy tính của các thầy trong ban tổ chức tang lễ. Theo tôi được biết, thì từ lúc bảo vệ tro cốt của Đức Tăng Thống mang về chùa Tứ Hiếu, để trong phòng ngài ngự ngày trước để thờ cúng, cho khách đến viếng, thì cũng là lúc mọi thứ đã được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các nhóm Gia đình Phật tử thay phiên nhau.

Ngay từ ngày đầu, sau khi đã làm lễ cúng giác linh, thì chùa cũng đã đón khách đến viếng nhưng từ cửa ngoài đến trong phòng, luôn có những nhóm Gia đình Phật Tử cắt cử trực và bảo vệ ngày đêm. Ngay cả tôi cũng cảm nhận được sự căng thẳng, và cũng có cảm giác rằng việc đánh tráo hay cướp tro cốt của Đức Tăng Thống như là điều có thể.

Văn bản tán dương công đức của Gia đình Phật tử đã bảo vệ tro cốt của Đứng Tăng Thống tại Đài hóa thân.

·         Điều đáng ngạc nhiên, là việc đến viếng Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, cho đến hôm nay cũng có rất nhiều hòa thượng từ các chùa thuộc giáo hội nhà nước. Điều này, có thể nhận định là đáng lo hay đáng mừng, thưa Thầy?
·         Dạ, tôi nhận ra rất nhiều thầy từ các chùa khác đến viếng. Nhưng xin phép không nói tên các thầy trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Vì là để giữ cho các thầy, mà cũng là giữ cho chùa Từ Hiếu trước mọi suy diễn từ mọi hướng, mà vốn không phải ai cũng hiểu tường tận.

Tôi cũng có trao đổi việc này với Thầy Thích Thiện Minh, là thành viên của ban tổ chức tang lễ. Thầy cũng có nói rằng các quý thầy trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến dự tang lễ là một điều đáng mừng. Đó chính là hình ảnh của sự hòa hợp và đoàn kết.

Riêng chuyện ai đến vì mục đích khác, đó là việc trong tâm của họ, mình không biết được. Nhưng hoan hỉ đón nhận là việc mình phải làm. Tôi cũng nhìn thấy người đến để dò xét, nhưng tôi cũng nhìn thấy những người đến bằng lòng thành để tưởng niệm một bậc chân tu. Là một người đi tu, tôi cũng như các thầy khác, cũng đón nhận với sự bao dung ở cửa Phật.
     
      (ghi)







No comments:

Post a Comment