Saturday, January 4, 2020

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT - MỸ CÓ THỂ CÒN XA VỚI VÌ TRUNG QUỐC? (Nguyễn Quang Dy)




Nguyễn Quang Dy
04/01/2019

Sự xâm phạm liên tiếp của Trung Quốc vào Bãi Tư Chính giàu tài nguyên dầu khí và triển vọng ExxonMobil có thể bỏ dự án Cá Voi Xanh đã đẩy tranh chấp tại Biển Đông tới một bước ngoặt. Kế hoạch gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể là cột trụ cho đối tác chiến lược, nhưng chưa có khả năng diễn ra sớm.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vào tháng 11 đã truyền thêm động lực cho Việt Nam và ASEAN trước hành động xâm lấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp cấp cao Trump-Kim tại Hà Nội vào tháng hai năm nay, ông Trump đã mời ông Trọng thăm Washington để có thể thảo luận về Biển Đông, đối tác chiến lược Việt-Mỹ và dự án Cá Voi Xanh. Ông Trọng đã hoãn chuyến thăm dự kiến vào tháng 7 và tháng 10 vì những lo ngại về sức khỏe của ông hoặc phản ứng của Trung Quốc, và sự bất định vẫn tiếp tục khi ông Trump phải đối phó với luận tội tại một Quốc Hội đang chia rẽ.

Ngày càng có nhiều lo ngại là Việt Nam phản ứng yếu trước đe dọa của Trung Quốc và chưa trở thành đối tác chiến lược của Mỹ có thể khuyến khích Trung Quốc hành động cứng rắn hơn tại Biển Đông. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vào tháng 11 đã truyền thêm động lực cho Việt Nam và ASEAN trước hành động xâm lấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Esper đã nói chuyện tại Học viện Ngoại giao Việt Nam : "Mỹ kiên quyết chống lại sự đe dọa của bất cứ nước nào đòi chủ quyền lãnh thổ hay vùng biển, và kêu gọi chấm dứt sự bắt nạt và các hành động phi pháp gây tác động tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển… Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các nước đồng minh và đối tác, nhất là Việt Nam, để đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội phát triển kinh tế khu vực".

Về đối nội, Việt Nam chịu nhiều sức ép phải xem lại "định hướng xã hội chủ nghĩa" đã lỗi thời vốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước yếu kém và tham nhũng, đồng thời ngăn cản nền kinh tế thị trường còn non trẻ hoạt động có hiệu quả. Ông Trọng đã công khai nói vào tháng Năm rằng Việt Nam có thể chấp nhận cải cách chính trị và hoan nghênh khu vực tư nhân, để tránh nguy cơ kép của "bẫy thu nhập trung bình" và đối đầu Trung-Mỹ kéo dài.

Về quốc tế, Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vì các nước khác sử dụng Việt Nam như một trung tâm trung chuyển để tránh thuế quan của Mỹ. Sau khi ông Trump bất ngờ lên án Việt Nam vào tháng 7 là "nước lạm dụng tồi tệ nhất" và "thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc", Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế 400% lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Trung Quốc.

Về thương mại, Việt Nam tham gia 2 hiệp định tự do thương mại trong năm 2018 : Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) sau quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn. Tuy các hiệp định này giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường toàn cầu và cơ hội tăng trưởng, nhưng cũng thúc đẩy Việt Nam phải cải cách thể chế, liên quan đến công đoàn và nhân quyền.

Việt Nam đã thiết lập "đối tác chiến lược" với 16 nước bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, và một số nước ASEAN khác, và "đối tác toàn diện" với 14 nước bao gồm Mỹ, Canada, và Myanmar. Tuy đối tác chiến lược cao hơn đối tác toàn diện về quy chế ngoại giao và thực chất hơn về hợp tác an ninh quốc phòng, nhưng nay đã mang nặng tính hình thức và nhường chỗ cho "đối tác chiến lược toàn diện" gồm Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ.

Nhưng không có đối tác nào dám đương đầu với Trung Quốc khi họ bắt nạt Việt Nam tại Bãi Tư Chính hay trên sông Mekong. Mỹ là cường quốc duy nhất lên tiếng ủng hộ Việt Nam về ngoại giao trong vụ đối đầu, tuy hai nước chưa phải là đối tác chiến lược. Nhưng Việt Nam đã trì hoãn việc nâng cấp quan hệ vì lo ngại Trung Quốc phản ứng.

Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014, khi giàn khoan HD-981 được hàng trăm tàu Trung Quốc hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam, họ đã đẩy Việt Nam về phía Mỹ. Ông Trọng lúc đó là Tổng bí thư Đảng đã đi thăm Mỹ lần đầu năm 2015. Cựu Tổng thống Barack Obama đã đón tiếp ông tại phòng Bầu Dục như một cử chỉ tượng trưng, và ông Obama đã khẳng định là Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ Việt Nam. Khi ông Obama đến thăm Việt Nam năm 2016, ông đã quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương.

Dưới thời chính quyền Trunp, Chiến lược Quốc phòng Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ chính trong một trật tự thế giới bất ổn. Tuy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm quan hệ Mỹ-Việt thêm phức tạp, chuyến thăm Mỹ của ông Trọng được thúc đẩy bởi mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc, khi họ điều tàu thăm dò HD-8 và các tàu hải cảnh có vũ trang đến quấy rầy hoạt động khoan dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính. Khu vực này ở phía Tây-Nam của Trường Sa, có trữ lượng khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỉ m3 khí. Bồn Nam Côn Sơn gần Bãi Tư Chính có thể cung cấp 25% nhu cầu năng lượng của Việt Nam.

Khi đối đầu tăng lên, tàu HD-8 của Trung Quốc đã quay lại 4 lần để khảo sát trái phép gần Bãi Tư Chính, và xâm phạm các vùng biển khác của Việt Nam. Ngày 3/9/2019, tàu cẩu khổng lồ Lam Kình đã tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil (lô 118), gần đảo Lý Sơn.

Ngày 18/09/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tuyên bố rằng Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán tại vùng biển giáp Bãi Vạn An (tức Bãi Tư Chính). Cảnh Sảng còn đòi Việt Nam phải dừng khoan đơn phương tại đó từ tháng 5, và lên án Việt Nam đã vi phạm chủ quyền Trung Quốc và các hiệp định song phương, trong khi tàu HD-8 và các tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian hai bên đối đầu.

Tin đồn ExxonMobil có thể bỏ dự án Cá Voi Xanh làm cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Trọng càng thêm cấp thiết. Dù ExxonMobil có bỏ dự án đó với lý do gì đó, do sức ép của Trung Quốc tác động, hay do phía Việt Nam đàm phán dằng dai về giá khí, rõ ràng là Bắc Kinh đang tìm cách gạt Mỹ ra khỏi trò chơi ở khu vực. Nếu ExxonMobil bỏ dự án này, chắc chắn Trung Quốc sẽ có thể tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông.

Cá Voi Xanh khác với Cá Rồng Đỏ được liên doanh với Repsol (Tây Ban Nha), và Lan Tây-Lan Đỏ, có 35% cổ phần của Rosneft (Nga), 45% của ONGC (Ấn Độ), và 20% của PVEP (Việt Nam). Trong khi Cá Rồng Đỏ nằm trên thềm lục địa Việt Nam, trong đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc, cách Vũng Tàu 400 km, thì Cá Voi Xanh nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nằm ngoài đường lưỡi bò, cách Chu Lai chỉ 88 km. ExxonMobil không phải là Repsol, và Trung Quốc không thể bắt nạt Mỹ như đã bắt nạt Tây Ban Nha. Trữ lượng Cá Voi Xanh được đánh giá là khoảng 48,5 tỷ m3 khí và 18,5 triệu thùng dầu thô, có giá trị gấp ba lần Lan Tây-Lan Đỏ được coi là mỏ dầu khí lớn nhất hiện nay.

Về giá trị răn đe chiến lược, một số chuyên gia Việt Nam cho rằng Cá Voi Xanh có thể đóng góp giá trị chiến lược cho Việt Nam còn lớn hơn cả mấy tàu ngầm Kilo mua của Nga. Một số khác lập luận rằng sự có mặt của ExxonMobil có giá trị chiến lược sống còn, và Việt Nam lẽ ra phải tìm cách khuyến khích để họ ở lại. Việt Nam đàm phán dằng dai về giá khí của Cá Voi Xanh và quá trình phê chuẩn dự án chậm chạp đã làm rắc rối vấn đề, có thể góp phần làm cho ExxonMobil ngãng ra, và do đó chỉ làm lợi cho Trung Quốc.

Để tăng cường sức mạnh của mình, Việt Nam cần tập trung ưu tiên hai vấn đề : quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và cải cách thể chế. Việt Nam cũng nên xem xét lại chính sách quốc phòng "Ba không" – không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự, và không liên kết với nước này để chống nước kia. Ngày 25/11/2029, Việt Nam đã công bố Sách Trắng Quốc phòng, nhấn mạnh hòa bình và tự vệ, hợp tác và đấu tranh, đề cập đến căng thẳng tại Biển Đông. Điều đó có nghĩa là chính sách "Ba không" đã được điều chỉnh thành "Bốn không" hay "Ba không, một nếu" – để ngỏ khả năng đối tác chiến lược với Mỹ nếu Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Việt Nam đã gửi cho Trung Quốc tín hiệu "làn ranh đỏ" như một phần của chiến lược phòng ngừa tại Biển Đông.

---------------------------

Nguyễn Quang Dy, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu và là Harvard Nieman Fellow (1993), là nhà nghiên cứu độc lập và nhà báo tự do tại Hà Nội. Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên Yale Global.





No comments:

Post a Comment