Tuesday, January 28, 2020

IRAN - HOA KỲ : TÌNH BẰNG HỮU BỊ LÃNG QUÊN (Thùy Dương - RFI)




Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 28/01/2020 - 10:52

Kể từ Cách Mạng Hồi Giáo Iran năm 1979, Teheran được nhắc đến nhiều trên truyền thông. Tuy nhiên, gần đây, vụ Mỹ dùng máy bay không người lái ám sát tướng Iran Ghassem Soleimani ở Iraq và việc Iran đáp trả bằng cách tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Ain Al-Assad và Erbil đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra điều tồi tệ nhất : leo thang căng thẳng bùng lên trong khu vực và gây hậu quả trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ là một cơ hội để nhìn lại quá khứ, tìm hiểu lại về mối quan hệ đặc biệt thân thiết giữa Hoa Kỳ và Iran trong giai đoạn 1830-1953. Trên thực tế, đúng là kể từ năm 1979, sự thù địch sâu đậm là một nét đặc trưng của mối quan hệ Teheran - Washington, nhưng trước đó, mối quan hệ hai nước không phải lúc nào cũng xấu như vậy.

Trên đây là những nhận định của bà Firouzeh Nahavandi, giám đốc Viện Xã hội học thuộc đại học ULB - Université Libre de Bruxelles, trong vài viết « Iran - Hoa Kỳ: Tình bằng hữu bị lãng quên » đăng trên trang mạng The Conversation ngày 22/01/2020.

Thế kỷ XIX: Hoa Kỳ, một người bạn phương xa và nhân từ

Vào thế kỷ XIX, mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu với những dấu hiệu tốt lành. Iran, được gọi là Ba Tư cho đến năm 1935, bị kẹt trong « trò chơi vĩ đại » giữa Anh và Nga. Matxcơva và Luân Đôn cạnh tranh để giành quyền kiểm soát đất nước Ba Tư. Khi đó, Hoa Kỳ xuất hiện như một cường quốc trung lập, không có ý đồ thống trị của đế quốc. Lúc đầu, người đứng đầu đế chế Ba Tư, Amir Kabir, một nhà cải cách vĩ đại, đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ để thiết lập một hạm đội cho Iran (nhưng không thành công). Tuy nhiên, vào năm 1856, một hiệp ước thương mại và hữu nghị giữa hai quốc gia đã được ký kết. Tiếp sau đó, cơ quan ngoại giao đầu tiên của Mỹ ở Tehran được mở vào năm 1883 và Iran có cơ quan đại diện ở Washington vào năm 1888.

Thế nhưng, trong thế kỷ 19, bên cạnh những nỗ lực ngoại giao, đáng lưu ý hơn cả là sự hiện diện của các nhà truyền giáo Mỹ : Họ đóng một vai trò lớn giúp Hoa Kỳ có được thiện cảm của người Iran trong một thời gian dài. Harrison Dwight và Eli Smith được cho là những người Mỹ đầu tiên đến Iran vào năm 1830 để chuẩn bị cho các chuyến đi Iran của các nhà truyền giáo Mỹ trong tương lai. Từ đó trở đi, những nỗ lực cải đạo cho người Iran Hồi giáo hệ phái Shia bắt đầu, tuy rất thành công nhưng lại không được đánh giá cao. Ngày nay, số người theo Kitô giáo ở Iran được ước tính là chưa đến 100.000 người, nhưng con số này là 300.000 vào năm 1979, phần lớn là Chính thống giáo, có một số người Công Giáo La Mã và Tin Lành, đặc biệt là Phúc Âm và Giáo phái Anh.

Trái lại, sự hỗ trợ của người Mỹ (các nhà truyền giáo, bác sĩ, giáo viên, nhà sử học …) để cải thiện các điều kiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục hoặc văn hóa, lại được đánh giá rất cao, nhất là vì là Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran như Anh và Nga. Hoa Kỳ đã tránh xa, không can dự vào cuộc cách mạng Hiến pháp Iran 1905-1911. Trong bối cảnh đó, Howard Baskerville (1885-1909) là một ngoại lệ đáng chú ý. Ông đến Iran vào đầu thế kỷ 20 với tư cách là một nhà truyền giáo và tích cực hỗ trợ các nhà cách mạng, cho đến khi ông thiệt mạng. Vì thế, ông vẫn được coi là một người hùng thực sự. Năm 1909, hàng chục ngàn người Iran đã tham dự lễ tang của ông ở Tabriz.

Những người Mỹ tham gia hiện đại hóa Ba Tư

Cái nhìn tích cực của người Iran về Hoa Kỳ đã khiến họ đề nghị Morgan Schuster của Mỹ làm cố vấn tài chính cho công cuộc hiện đại hóa tài chính của Iran vào năm 1911. Ông được bổ nhiệm lãnh đạo ngân khố của Ba Tư dưới triều đại Kadjar. Sự tận tâm cống hiến của Schuster trong công việc và lòng trung thành của ông đã giúp ông có được sự tôn kính của người dân Ba Tư và nâng cao sự ngưỡng mộ mà dân chúng nước này dành cho người Mỹ. Mặc dù có thái độ miễn cưỡng đối với Hồi giáo hệ phái Shia, nhưng người Mỹ vẫn thiết lập mối quan hệ bằng hữu với người Iran và mối quan hệ đôi bên khi đó rất thân thiết. Tuy nhiên, Schuster sau này buộc phải rời khỏi Iran dưới áp lực của người Nga và người Anh, vốn muốn bảo vệ ảnh hưởng của họ tại Ba Tư.

Nhiều người Mỹ khác cũng có các hoạt động đóng góp cho sự tiến bộ của Ba Tư, chẳng hạn trường hợp của Samuel Jordan hay Jane Doolittle, những người đóng góp cho sự tiến bộ của giáo dục, hay như bác sĩ Joseph Cochran (1855-1905) - người sinh ra, chết đi và được chôn cất ở Iran - đã đóng góp cho sự tiến bộ của y học hiện đại của Ba Tư. Còn Arthur Upham Pope (1881-1969) là người đã dành cả cuộc đời để tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật và kiến ​​trúc Ba Tư. Arthur Upham Pope cũng được chôn cất tại Iran.

Thế kỷ XX: Chiều hướng xấu đi trong các mối quan hệ

Trong Đệ Nhất Thế Chiến, người Iran vẫn hướng về phía Hoa Kỳ để được Washington hỗ trợ nhằm giữ thái độ trung lập, cho dù không thành công. Câu trả lời đồng ý của Hoa Kỳ, với việc thành lập vào năm 1916 một ủy ban trợ giúp cho người Iran, đã giúp Iran củng cố cách nhìn tích cực của họ và khiến người Iran có nghĩ rằng người Mỹ có thể là đối trọng với các nước đế quốc có ý đồ thống trị Iran, đặc biệt là Anh Quốc. Về phần mình, người Mỹ coi trọng mối quan hệ tốt đẹp với Iran và khuyến khích họ thoát khỏi sự chèn ép của các thế lực đế quốc vào thời đó.

Việc người Anh phát hiện các mỏ dầu lửa ở miền nam Iran đã làm thay đổi cuộc chơi. Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm và đầu tư vào khu vực, và cuối cùng tiến đến cạnh tranh với người Anh. Không những vậy, Washington còn không muốn có đối thủ cạnh tranh ở Vịnh Ba Tư, nơi họ đã thiết lập liên minh với Ả Rập Xê Út.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Iran vẫn bị quân Đồng Minh xâm chiếm mặc dù Teheran tuyên bố trung lập. Bất chấp nỗi oán giận của người Iran trước sự hiện diện của quân Đồng Minh, vai trò của bộ trưởng toàn quyền Hoa Kỳ Louis G. Dreyfus và vợ ông trong công tác hỗ trợ người nghèo, hoạt động trợ giúp của họ tại các khu ổ chuột và cuộc chiến chống lại những căn bệnh phổ biến như bệnh sốt phát ban vẫn giúp người Mỹ được lòng dân Iran ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, thiện cảm này bắt đầu suy yếu dần trong một bộ phận dân chúng Iran. Những bài viết lăng mạ vua Iran Reza Shah đăng trên báo chí Mỹ và vụ bắt giữ đáng tiếc một vụ trưởng Iran ở Mỹ đã làm hỏng quan hệ hai nước.

Vào năm 1941, việc Mỹ can dự vào chính trị Iran, một việc hoàn toàn mới trong quan hệ Iran-Mỹ, và cuối cùng là sự tham gia của Hoa Kỳ vào năm 1953 để gạt bỏ thủ tướng Mossadegh (chiến dịch Ajax), cha đẻ của việc quốc hữu hóa dầu mỏ ở Iran, đã nuôi dưỡng thái độ bài Mỹ, làm tư tưởng chống Mỹ bùng lên trong những bài diễn văn tiền cách mạng sau này là trong cuộc cách mạng năm 1979. Mãi cho đến tận ngày nay, trong cuộc chiến chống lại « quỷ dữ », người Iran vẫn giữ thái độ bài Mỹ.

Nói tóm lại, sự can dự của Washington vào công việc nội bộ của Iran làm xấu đi hình ảnh của Mỹ ở Iran, nhưng việc thiếu kiến ​​thức về văn hóa Iran và sự kiêu ngạo ngày càng tăng của người Mỹ cũng khiến một bộ phận dân chúng Iran không còn đánh giá cao người Mỹ như trước kia ...






No comments:

Post a Comment