Friday, December 27, 2019

PHIÊN XỬ THỨ HAI VỤ CỰU PHÓ CHỦ TỊCH THÀNH HỒ GIAO "ĐẤT VÀNG" . . . (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
27/12/2019

Diễn biến bất ngờ trong phiên xử sáng 27/12/2019, bị cáo Nguyễn Hữu Tín nhận trách nhiệm người lãnh đạo cao nhất, báo Dân Trí đưa tin. Trước cáo buộc là chủ mưu trong vụ sai phạm bán rẻ “đất vàng” ở thành Hồ cho Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Hữu Tín phát biểu: “Những lời tôi nói không nhằm biện minh cho hành vi của mình, chỉ muốn nói ra nguồn cơn của sự việc… Tôi không đổ lỗi cho ai. Tôi làm tôi chịu, nhưng mong cơ quan tố tụng xem xét tôi chịu trách nhiệm với vai trò là người lãnh đạo”.

Cần nhắc lại, trong phiên xử trước đó vào ngày 26/12, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín phủ nhận vai trò chủ mưu. Ông Tín đã năn nỉ HĐXX xem xét cáo buộc “vai trò chủ mưu” đối với ông vì cho rằng, mình “không chỉ đạo làm sai; không có động cơ, mục đích tư lợi cá nhân”. Ông Tín còn nói: “Căn cứ vào các đơn đề nghị của Bộ Công an và nhiều cơ quan tham mưu, tôi mới xem xét cho thuê chỉ định”.

Vậy là chỉ sau một ngày, ông Tín đã chấp nhận làm “Lê Lai cứu chúa”, dù việc thừa nhận trách nhiệm “người lãnh đạo cao nhất” có thể khiến ông ta phải nhận hình phạt nặng để “thí mạng” cho các sai phạm đất đai nghiêm trọng của cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải và cựu Phó Bí thư Lê Hoàng Quân. 

Chuyện ông Tín chấp nhận “thí mạng” cho chủ không chỉ thể hiện qua lời phát biểu trên, mà còn qua chuyện bị cáo Nguyễn Hữu Tín từ chối nói về các văn bản mật, tuyệt mật, theo Infonet. Khi LS hỏi về các tài liệu thể hiện sự liên đới trách nhiệm của nhiều cơ quan, bộ ngành với vụ sai phạm này, ông Tín nói: “Tôi biết nhưng xin phép không được công bố”. Đến khi VKS hỏi về các văn bản của Chính phủ, Bộ Công an “có hay không được trái pháp luật về đất đai”, bị cáo Tín nói: “Không thể nói hết”

Bởi vụ sai phạm này có quy mô không lớn bằng vụ Mobifone mua AVG, nên đến buổi chiều 27/12, đại diện VKS đã bước vào phần luận tội và công bố các mức án đề nghị. Cựu Phó Chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín bị đề nghị mức án 7-8 năm tù, theo VOV. Đại diện VKS nhận định, “cần xử lý nghiêm nhằm siết chặt kỷ cương, góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, cơ quan Nhà nước và có tác dụng răn đe” nhưng cũng sẽ lượng hình vì ông Tín và các đồng phạm đã có ý thức “khắc phục hậu quả”. 

VKSND TP HCM đề nghị, hai bị cáo Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt, cựu GĐ Sở TN&MT mức án 7-8 năm tù. Hai bị cáo Trương Văn Út, cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT và Lê Văn Thanh, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM bị đề nghị từ 5-6 năm tù. Còn bị cáo Nguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP HCM, đối diện mức án từ 4-5 năm tù giam.

Phần bào chữa của các luật sư

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về vụ cho thuê đất 15 Thi Sách trái luật: Các luật sư lập luận ra sao? Mặc dù các bị cáo không dám nói nhiều đến “đồng chí” của họ nữa, nhưng các LS vẫn tiếp tục bào chữa và chỉ ra các cơ quan liên quan nhưng chưa thấy chịu trách nhiệm. LS Nguyễn Thành Công lập luận: “Công ty Bắc Nam 79 là công ty bình phong của Bộ Công an. Công ty Phim Giải phóng trực thuộc Bộ VH-TT&DL đã nhượng quyền thuê đất số 15 Thi Sách cho Công ty Bắc Nam 79. Việc nhượng quyền thuê đất là sự thống nhất chỉ đạo từ Bộ Công an và Bộ VH-TT&DL”

LS Trần Minh Hải bào chữa cho Nguyễn Hữu Tín: “Cáo trạng xác định ông Tín có vai trò chủ mưu, nhưng thực tế ông Tín ký các văn bản trên cơ sở các sở ban ngành đề đạt lên và dựa trên văn bản đề nghị của Bộ Công an, nên việc xác định ông Tín chủ mưu là chưa phù hợp… khoản tiền 802 tỉ đồng tiền sử dụng đất chưa thu không phải là thiệt hại của vụ án và vụ án này không có thiệt hại. Bởi Nhà nước chưa chuyển giao chủ quyền sử dụng đất cho Công ty Bắc Nam 79”.

Về vấn đề “khắc phục hậu quả”, báo Pháp Luật TP HCM thống kê: Gia đình ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm đã nộp 3,4 tỉ. Phía tòa án xác nhận, ngày 31/10/2019, gia đình bị cáo Tín đã nộp 1,5 tỉ đồng tại Cục Thi hành án dân sự TP HCM. Gia đình các bị cáo Út, Thanh, Chương đều đã nộp mỗi nhà 500 triệu, tổng cộng 1,5 tỉ. Người nhà Đào Anh Kiệt nộp 400 triệu nhưng ông này lại nói: “Tôi không thể biết được nhưng quan điểm của tôi là không đền bù gì cả”.


Nhận định về phiên xử thứ hai vụ sai phạm “đất vàng” ở thành Hồ

Như đã so sánh trong bài về phiên xử đầu tiên, vụ sai phạm này với vụ Mobifone mua AVG có một số điểm tương đồng về bản chất, khiến hai bị cáo chính bị đặt vào tình thế giống nhau: Cả cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và cựu Phó Chủ tịch UBND thành Hồ Nguyễn Hữu Tín đều chỉ là những người thừa hành, nhưng bị đổ hết trách nhiệm, nên hai ông đều kêu oan.

Qua đó có thể nhận ra những điểm giống nhau về diễn biến của hai phiên tòa: Hai ông “Lê Lai” không muốn “cứu chúa”, thế nhưng sau đó đều quay 180 độ và thừa nhận tội danh. Ông Son và các LS sau khi cố gắng khẳng định ông ta không phải chủ mưu trong các phiên xử ngày 18, 20 và 21/12, thì đến 23/12 lại thừa nhận vai trò này. Tương tự, ngày 26/12 ông Tín một mực cho rằng ông không chỉ đạo gì, thì chỉ một ngày sau lại nhận trách nhiệm ông ta là người chỉ đạo cao nhất. 

Dĩ nhiên, không phải đột nhiên mà các ông Son, Tín muốn “hy sinh” vì chủ. Có lẽ đã có sự thương lượng nào đó về mức án mà các ông này sẽ nhận nếu chấp nhận những cáo buộc từ VKS, để các bị cáo chịu quay 180 độ khi nhận ra rằng, nếu không làm như vậy, thì mức án sẽ cao hơn.

Trường hợp bị cáo Son, khả năng ông này chịu thừa nhận vai trò cầm đầu vì bài học nhãn tiền của Trần Bắc Hà. Còn với bị cáo Tín, có lẽ ông ta đã nhận ra rằng mình đang bị xử trên đất của “lãnh chúa thành Hồ” Hai Nhựt, là mảnh đất nương thân của một quan chức đã 2 lần bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương gọi tên nhưng đến giờ vẫn vô sự: Tất Thành Cang. 

Không cần phải là người thạo tin cũng nhận ra rằng, thành Hồ có luật riêng của nó, để có thể buộc ông Tín không chỉ thừa nhận trách nhiệm lãnh đạo cao nhất, mà còn quyết không trả lời khi được hỏi về các “tài liệu mật”. Nếu ông im lặng, hết thời hạn ăn cơm tù thì ông còn có cơ may được ăn cơm nhà, nếu ông bép xép thì có khi không còn được ăn cơm tù đủ thời hạn. 

Diễn biến này càng củng cố một nhận định của chúng tôi về phiên xử ngày 26/12: Chuyện những người như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt… ra trước vành móng ngựa không cho thấy chiến dịch “đốt lò” thuận lợi, mà dần bế tắc. Cho nên mới có chuyện ông Tín sợ Hai Nhựt hơn cả Tổng – Chủ, chấp nhận “thí mạng” và quyết không trả lời về các “tài liệu mật”. 

Nếu tòa chỉ tuyên án với ông Tín và đồng phạm, không hé lộ khả năng khui ra những người ở cấp cao hơn, thì xem như “lửa lò” ở thành Hồ đã nguội lạnh. Có thể Tất Thành Cang vẫn còn đối mặt với một số nguy cơ, nhưng khả năng “lửa lò” chạm được đến Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân là rất thấp.

Phiên tòa xử vụ sai phạm “đất vàng” ở thành Hồ dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 30/12. Còn phiên tòa xử vụ Mobifone mua AVG sẽ tuyên án vào ngày 28/12. Chỉ còn ít ngày nữa là mọi người sẽ thấy được phe “đốt lò” trong năm 2020 có thể tiến được tới đâu. 
______


-------------------------------------

LIÊN QUAN






No comments:

Post a Comment