Friday, December 27, 2019

KIỀU HỐI VỀ VIỆT NAM ĐẾN TỪ ĐÂU? (Trần Dzạ Dzũng - VNTB)




Trần Dzạ Dzũng  -  Việt Nam Thời Báo

#VNTB - Sau khi đã thử làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia… cho thấy tổng số kiều hối 16,7 tỉ USD ở năm 2019, vẫn không tìm được nguồn gửi ‘chính danh’ từ đâu là nhiều nhất?

Ngày 26/12/2019 tại Hà Nội, phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Lương Thanh Nghị thông báo hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước, với tổng số vốn góp và vốn đăng ký là 4 tỉ USD tại 52 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các thành phố và trung tâm kinh tế lớn.

Theo ông Nghị, năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỉ USD, trong đó TP.HCM nhận lượng kiều hối đổ về cao nhất cả nước, ước tính đạt 5,6 tỉ USD.

Câu hỏi đặt ra: giả dụ lượng kiều hối đó được tính gộp luôn con số 4 tỉ USD vốn góp và vốn đầu tư làm ăn tại Việt Nam, thì 12,7 tỉ USD còn lại là đến từ nguồn nào?

Kiều hối tăng nhờ người Việt bỏ nước ra đi?

Theo định nghĩa của Báo cáo về “Di trú và kiều hối” được thống kê hàng năm bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB), thì kiều hối là tiền bạc được di chuyển từ những người đang trú ngụ hay là lao động ở nước ngoài đến thân nhân của họ tại quê hương.

Ghi nhận từ con số thống kê của Công ty kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBR) – cho biết trong một số thời điểm kiều hối tại SBR đã tăng mạnh từ 200 – 300% so với ngày thường. Nếu trước kia thị trường kiều hối thường thông qua trợ cấp người thân là chính, thì hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên thị trường kiều hối không chỉ đơn thuần là trợ cấp thân nhân mà còn đến từ nguồn xuất khẩu lao động và đầu tư sản xuất kinh doanh.

Kiều hối hỗ trợ người thân đang giảm dần do thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng lên, nhu cầu hỗ trợ không nhiều như trước. Bên cạnh đó, thế hệ những người Việt Nam tại các thị trường này đã lớn tuổi – ý chỉ các thế hệ người Việt đã bỏ nước ra đi trong các thập niên trước, không còn nhiều người thân tại Việt Nam.

Trong lúc đó mảng kiều hối từ xuất khẩu lao động, lại đang tăng trưởng mạnh do số lượng xuất khẩu lao động theo đường chính thức tăng bình quân hằng năm 10 – 15%. Kiều hối dạng này tập trung ở Đài Loan, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc, UAE…; đặc biệt là còn ở nhiều quốc gia tại châu Âu mà bi kịch 39 ‘thùng nhân’ người Việt đã tử nạn trên đường nhập cư ‘lậu’ vào Anh quốc hồi tháng 10/2019 là ví dụ bi kịch đau lòng liên quan dòng chảy kiều hối về Việt Nam.

Theo đánh giá của WB, ngoài mức chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ giúp thu hút dòng kiều hối, thì chi phí dịch vụ kiều hối tại Việt Nam cũng ở mức khá thấp. Kiều hối chuyển về Việt Nam chịu phí dịch vụ bằng 0,05% giá trị khoản tiền gửi và tối đa không quá 200 USD. Đồng thời, chính sách người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền đồng, ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế đã giúp lượng kiều hối chuyển về gia tăng. Các ngân hàng thương mại cũng chạy đua trong việc phát triển các dịch vụ chuyển tiền kiều hối, chuyển tiền tận nhà đã áp đảo các loại hình chuyển tiền ‘chui’.

Mặt trái của việc kiều hối mỗi năm đều tăng là gì?

Ghi nhận tại TP.HCM cho thấy người dân Sài Gòn vẫn giữ thói quen thích sở hữu ngoại tệ USD, và kiều hối chủ yếu được chuyển đổi sang tiền Việt qua các tiệm vàng tư nhân. Như vậy về mặt vĩ mô, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam là áp lực gia tăng tổng phương tiện thanh toán thông qua gia tăng tài sản có yếu tố nước ngoài ròng (NFA), gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trung ương trong việc kiểm soát tiền tệ.

Mặt khác, khi kiều hối bán ra chợ đen sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế; và là cơ hội tiền mặt cho các quan hệ hiếu hỉ, ‘lợi quả’… ở những cú áp phe làm ăn lẫn hậu trường chức tước. Ngoài ra, kiều hối đổ vào Việt Nam phần lớn là các hộ gia đình hưởng, đem tiêu dùng cũng làm tăng tổng cầu, có thể đã góp phần làm mất cung – cầu hàng hóa, khiến lạm phát dễ xảy ra.

Một phúc trình của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, cho biết 11 tháng đầu năm năm 2019 có 132.802 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 1,32% so với 11 tháng đầu năm 2018. Riêng trong tháng 11/2019, các doanh nghiệp đã cung ứng được 14.772 lao động, tăng 2.58% so với cùng kỳ năm trước. (http://vamas.com.vn/tong-quan-tinh-hinh-cung-ung-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-trong-11-thang-nam-2019_t221c657n44768).

“Bình quân thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 500 USD/người/tháng ở thị trường Trung Đông; 800-1.000 USD/người/tháng ở thị trường Đài Loan; 1.300 – 1.400 USD/người/tháng ở thị trường Nhật Bản; 1.700 USD/người/tháng ở Hàn Quốc. Một số thị trường châu Âu mức thu nhập của người lao động cũng đạt 700 – 1.000 USD/người/tháng. Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm lượng tiền người lao động gửi về nước 2 – 2,5 tỉ USD, với mức tăng trung bình mỗi năm là 6 – 7%”.

Một tài liệu tại Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động, tháng 10/2019 tại tỉnh Quảng Ninh, cho biết về những con số thống kê ở trên liên quan chuyện kiều hối.

Như vậy sau khi đã thử làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia… cho thấy tổng số kiều hối 16,7 tỉ USD ở năm 2019, vẫn không tìm được nguồn gửi ‘chính danh’ từ đâu là nhiều nhất?

Va ly 3 triệu Mỹ kim ‘tiền tươi’ biếu ngài Nguyễn Bắc Son

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu dùng phép tính loại trừ dần từ kiều hối của lao động Việt ở xứ người gửi về là 2,5 tỉ USD (mức cao nhất), và 4 tỉ USD gọi là “vốn góp và vốn đầu tư làm ăn tại Việt Nam”, thì có tới 10,2 tỉ USD đến từ Việt kiều, vị chi trung bình mỗi Việt kiều trên toàn thế giới phải “gánh” trên vai gần 2.000 USD kiều hối mỗi năm. Con số này có tin được không khi mà một gia đình người Việt tầng lớp trung lưu ở Mỹ, mỗi năm dành dụm được 10.000 USD là điều hoàn toàn chẳng mấy dễ dàng.

Lúc chưa vướng vòng lao lý, nhà báo Phạm Chí Dũng từng đặt nghi vấn sau khi ông đối chiếu các số liệu liên quan đến kiều hối từ nhiều nguồn trong lẫn ngoài nước, đã cho rằng có điều gì còn khuất tất trong các số liệu cũng như nguồn gốc kiều hối được công bố. Và ông không loại trừ hoạt động rửa tiền có thể núp bóng kiều hối.

Nhà báo Phạm Chí Dũng đặt vấn đề là khi có những phi vụ làm ăn bất chính, cách đơn giản để các công ty nước ngoài liên quan đến đầu tư trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu tạo thế đứng và lợi nhuận, là tăng chi phí phải trả cho phía nước sở tại, một phần chi phí này được “lại quả” cho quan chức liên quan qua việc thiết lập tài khoản cho họ ở nước ngoài. Những quan chức ấy tất nhiên muốn chuyển tiền về nước và cách đơn giản nhất là dùng hình thức kiều hối…

Va ly 3 triệu Mỹ kim ‘tiền tươi’ mà ông Phạm Nhật Vũ đã mang hiếu hỉ ngài bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, và sau đó ông Son mang về nhà cho vợ, con số ngoại tệ này, có lẽ cũng là số bạc nằm trong thống kê hàng năm về kiều hối.





No comments:

Post a Comment