Saturday, November 30, 2019

ALEXANDRE DE RHODES & SỰ TƯỞNG TƯỢNG VỀ LỊCH SỬ CẬN ĐẠI CỦA NỀN SỬ HỌC VIỆT NAM (Khôi Nguyên)




Khôi Nguyễn
Posted on November 29, 2019 by editor

Gần đây, thành phố Đà Nẵng muốn lấy tên Alexandre de Rhodes để đặt tên đường phố. Một số trí thức, trong đó có nhiều người giảng dạy lịch sử trong môi trường đại học, viết thư phản đối, cho rằng Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo mang tư tưởng thực dân, là kẻ có tội với Việt Nam. Lá thư của họ khiến cho thành phố Đà Nẵng rút lại ý định. 

Từ điển Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651. Nguồn: https://vietnamesetypography.com /

Tuy vậy, những người phản đối ấy hoàn toàn dựa theo những niềm tin có tính tưởng tượng về Alexandre de Rhodes nói riêng và hình ảnh “Tây phương” nói chung, được kiến tạo từ trước 1975 ở miền Bắc. 

Bài viết này nhắc lại một cách ngắn gọn những tưởng tượng về lịch sử ấy để gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về sử học, giáo dục và chính trị đương đại. 

Tưởng tượng về Alexandre de Rhodes
Năm 1971, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, trong quyển “Lịch sử Việt Nam”, tập 1, trang 304, trích dẫn lời Alexandre de Rhodes thể hiện một âm mưu có tính thực dân của mình: 

“Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú”
“Lịch sử Việt Nam”, tập 1, trang 304

Alexandre de Rhodes. Nguồn: YouTube

Uỷ ban này chú thích rằng câu trích này được trích từ sách “Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient” (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110. 

Tuy vậy, người ta không thể tìm thấy câu nói ấy trong tài liệu nói trên. 

Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam là một định chế nghiên cứu cấp quốc gia. Vị thế của nó bảo đảm cho uy tín học thuật của nó. Thành ra từ đó, người ta cứ trích dẫn và lan truyền niềm tin lệch lạc như vậy về Alexandre de Rhodes mà không cần kiểm tra lại. Từ lâu, những nhà nghiên cứu như Vương Đình Chữ (1996), Nguyễn Đình Đầu (2006) đã chỉ ra lỗi trích dẫn này của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhưng niềm tin ấy vẫn chưa mất. Lá thư phản đối đặt tên đường của nhóm “trí thức” nói trên là một ví dụ. 

Cũng trong sách này, Alexandre de Rhodes nói đến việc xin nước Pháp cung cấp nhiều “soldats” để “chinh phục toàn cõi phương Đông, đem về quy phục Chúa Jesus”. Cao Huy Thuần coi từ “soldats” là “binh lính” quân sự, từ đó kết tội Alexandre de Rhodes mở đường cho thực dân xâm lược Việt Nam, dù nhà truyền giáo ấy chết trước cuộc xâm lược ấy đến hai trăm năm, còn Nguyễn Đắc Xuyên coi “soldats” không phải là “binh lính” theo nghĩa đen mà chỉ “chiến binh Phúc âm”, tức giáo sỹ truyền đạo. Số người hiểu theo cách hiểu của Cao Huy Thuần đông hơn hẳn cách hiểu của Nguyễn Đắc Xuyên, các cuộc tranh luận, đúng hơn là cãi vã, về nghĩa của từ “soldats” hầu như không đặt từ này trong toàn bộ văn bản của “Hành trình và truyền giáo” để xem tinh thần thực sự của khái niệm cũng như của sách này là gì, có liên quan đến việc đánh chiếm thuộc địa hay không. 

Trí tưởng tượng nói trên về Alexandre de Rhodes sở dĩ khó có thể nhạt phai vì nó nằm trong một tưởng tượng khác, lớn hơn, về lịch sử cận đại. Tưởng tượng về lịch sử cận đại này cũng do Uỷ Ban khoa học xã hội Việt Nam, từ tiền thân của nó là Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, xây dựng nên từ giữa thập niên 1950, sau khi Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam) lấy được miền Bắc. 

Tưởng tượng về thế kỷ 19

Tôi có làm những cuộc “phỏng vấn” nhỏ, dành cho những bậc thức giả, bao gồm cả những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, một câu hỏi duy nhất: Trước thế kỷ 20, cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc đối với Việt Nam là cuộc xâm lược nào? Trong sự kiện ấy, ai là tổng chỉ huy của quân đội Trung Quốc? Ai là người đánh bại đội quân xâm lược đó?

Hầu hết người được hỏi đều trả lời: Đó là cuộc xâm lược của Mãn Thanh thời Hoàng đế Càn Long vào năm 1789, chỉ huy đội quân xâm lược là Tôn Sỹ Nghị, người đánh bại đội quân xâm lược đó là Hoàng đế Quang Trung. 

Chỉ có một học giả duy nhất trả lời đúng: Cuộc xâm lược cuối cùng là vào thế kỷ 19, thời Từ Hy thái hậu của Mãn Thanh, chỉ huy đội quân xâm lược là Phùng Tử Tài, còn người đánh bại cuộc xâm lược đó của Trung Quốc là… thực dân Pháp. 

Tại sao hầu hết những người am tường sách vở ở Việt Nam mà tôi có dịp được hỏi lại hoàn toàn không nhớ gì về cuộc xâm lược trong thế kỷ 19 này của Trung Quốc? Vì nó hoàn toàn bị xoá khỏi lịch sử. Nó không được dạy trong chương trình sử ở cả bậc đại học lẫn trung học. 

Câu chuyện bị lãng quên: Nước Đại Nam trước hai “gọng kìm lịch sử” Pháp – Mãn Thanh

Cuối thế kỷ 19, Việt Nam đối diện với hai siêu cường, Pháp và Mãn Thanh, một bên đến từ phương Tây, mang theo nền văn minh của chủ nghĩa tư bản, một bên là thiên triều ngàn năm vẫn đang chìm đắm trong ảo giác mình là trung tâm của thế giới. 

Ngay sau khi Pháp lấy Nam Kỳ, Mãn Thanh cũng lập kế hoạch đánh chiếm miền Bắc. Mãn Thanh quyết tâm đánh chiếm Bắc Kỳ vì Việt Nam đã suy yếu, nhằm bảo vệ mô hình thiên triều – chư hầu ngàn năm, còn Pháp quyết lấy nốt phần còn lại. Hai bên tất yếu bước vào một cuộc đụng đầu lịch sử, dần dần đi đến chỗ đánh nhau ác liệt ngay trên lãnh thổ Việt Nam, qua một loạt trận đánh như Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang năm 1883. 

Mãn Thanh đã quyết tâm đến mức dốc tổng lực đánh bại Pháp trên đất liền, chiếm toàn bộ vùng trung du phía Bắc, áp sát khu vực đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng Pháp phải từ chức. Nhưng quân Pháp lật ngược thế cờ bằng cách mở ra chiến trường trên biển, đánh chiếm đảo Đài Loan và huỷ diệt Bắc Dương hạm đội của Mãn Thanh ở Phúc Châu. 

Pháp – Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân 1885. Nguồn: Laurence Oliphant (1860). Narrative of the Earl of Elgin’s Mission to China and Japan in the Years 1857, ’58, ’59. p. 279.

Mãn Thanh ban đầu thấy chỉ khả thi khi đặt mục tiêu giữ lại vùng Bắc Kỳ, nhưng khi phải ký vào Hiệp ước Thiên Tân 1885, Mãn Thanh buộc chấp nhận mất toàn bộ chư hầu Việt Nam. 

Hiệp ước Thiên Tân 1885 giữa Pháp và Mãn Thanh đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho cả Mãn Thanh và Việt Nam.

Nếu như việc phải nhượng địa Hong Kong cho nước Anh chỉ khiến Mãn Thanh thức tỉnh về khả năng kỹ thuật của phương Tây nhưng vẫn giữ vững niềm tin vào hệ thống thiên triều – chư hầu, thì đến khi mất chư hầu Việt Nam vào tay Pháp, ý thức hệ và cấu trúc thiên triều – chư hầu của họ bị đánh tận gốc rễ. Việc Mãn Thanh không thể giữ Việt Nam trong cấu trúc thiên triều – chư hầu đã khiến Nhật Bản, lúc này đã trở thành một cường quốc, quyết định giành lấy một chư hầu khác của Mãn Thanh là Triều Tiên. Mãn Thanh tiếp tục mất Triều Tiên trong cuộc chiến Nhật Thanh 10 năm sau đó. 

Từ đó, việc cấu trúc và ý thức hệ thiên triều – chư hầu bị sụp đổ toàn diện trong thế kỷ 19 trở thành một trong những nội dung chủ yếu của ý niệm “thế kỷ ô nhục” trong chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa hiện đại.  

Còn ở Việt Nam, do cuộc chiến Pháp – Thanh ảnh hưởng quá lớn đến số phận Việt Nam, nên dù xoá cuộc chiến này khỏi Sách giáo khoa sử cho học sinh phổ thông, ngày nay, các sử gia ở Hà Nội vẫn phải dạy học sinh về một số điều liên quan đến cuộc chiến ấy: đội quân Cờ Đen của tướng Mãn Thanh là Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Thiên Tân 1885. 
Đó là sự kiện không thể không dạy. Quân đội Lưu Vĩnh Phúc của Mãn Thanh đã lập hai chiến công là giết hai chỉ huy của Pháp trong hai trận ở Cầu Giấy, còn Hiệp ước Pháp – Thanh 1885 thì mở ra trang sử mới của Việt Nam. Nhưng, nói về Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Pháp – Thanh mà lại không nói gì về cuộc chiến tranh quyết định quyền kiểm soát Việt Nam của hai nước Pháp – Thanh này, các sử gia của chúng ta đã cho học sinh phổ thông học một bức tranh lịch sử cận đại theo kiểu… Pháp xâm lược Việt Nam, rồi đột nhiên Mãn Thanh xuất hiện ký một hiệp ước quyết định số phận chúng ta. 

Lưu Vĩnh Phúc vốn là quân Thái Bình Thiên Quốc, bị triều đình Mãn Thanh đánh bại, chạy sang Việt Nam làm thổ phỉ, gây ra vô số tội ác cho dân chúng. Triều đình Huế không thể đánh dẹp, phải nhờ Mãn Thanh đánh giúp. Khi triều đình Mãn Thanh cử quân đội vào Việt Nam để đụng đầu với Pháp, quân đội triều đình Mãn Thanh đã thâu nạp luôn đội quân thổ phỉ Lưu Vĩnh Phúc, ban cho phẩm hàm triều đình, thay vì tiêu diệt nó. 

Sách giáo khoa sử lớp 7 hiện nay ở Việt Nam dùng khái niệm “quân ta” để gọi Lưu Vĩnh Phúc. Lối giáo dục này bắt đầu từ hơn 70 năm trước, khi sử gia Trần Văn Giàu và Trần Huy Liệu ở Hà Nội bắt đầu xây dựng bức tranh “lịch sử cận đại”. Lưu Vĩnh Phúc có tờ Hịch kêu gọi binh lính của mình đánh Pháp, trong đó, đoạn đầu tiên, ông nói rõ mục đích của cuộc chiến: Việt Nam là chư hầu của Mãn Thanh, nay Pháp sang chiếm mất chư hầu của ta, ta và Pháp là kẻ thù không đội trời chung.

Sử gia Trần Văn Giàu làm gì khi trích dẫn bài Hịch này vào bộ sử “Bắc kỳ kháng Pháp”? Ông cắt bỏ đoạn mở đầu thể hiện rõ ý thức hệ và mục đích chiến tranh của họ Lưu. Nhờ thế, sử gia họ Trần dễ dàng gắn huân chương “tình hữu nghị chiến đấu của hai dân tộc Việt Trung” cho Lưu Vĩnh Phúc. 

Lịch sử của sự phân đôi phải / trái

Xoá bỏ cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp Thanh vào thế kỷ 19, các sử gia miền Bắc xây dựng thế kỷ 19 theo mô hình phân đôi: một bên là thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn hèn nhát hàng giặc, một bên là “dân tộc” anh hùng kháng chiến chống ngoại xâm. Trên cái nền bức tranh phân đôi con người làm hai tuyến, bên trái là “xâm lược phương Tây” và bên phải là “nhân dân anh hùng”, người ta lần lượt điêu khắc các nhân vật lịch sử sao cho ăn khớp với bức tranh ấy: Alexandre de Rhodes dĩ nhiên thuộc bên trái bức tranh, phong trào văn thân (vốn không có ý niệm về lòng ái quốc mà chỉ chống người theo đạo Thiên chúa giáo để bảo vệ hệ thống phong kiến nơi họ có thể tìm thấy vị trí xã hội của mình) được xếp vào bên phải.  

Vẽ bức tranh thế kỷ 19 theo cách ấy, các sử gia của Viện Sử học ở Hà Nội từ thập niên 1950 dễ dàng tiếp tục vẽ bức tranh của giai đoạn tiếp theo như cách chúng ta thấy trong các giáo trình “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” ngày nay: “nhân dân” tuy anh hùng nhưng không có đường lối đấu tranh đúng đắn, liên tục thất bại cho đến khi Đảng Cộng sản ra đời, mang về Việt Nam vũ khí tối tân là con đường cách mạng vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân vật trung tâm của bức tranh. Lịch sử quốc gia thế kỷ 20 được đồng nhất với lịch sử Đảng. 

Cách học ấy bắt đầu từ giữa thập niên 1950, đến nay đã kéo dài khoảng 4 thế hệ. 

Phục hồi ký ức?

Cuộc chiến Pháp – Thanh và sự thất bại của Việt Nam khi bị kẹt giữa hai siêu cường ấy đã được sử gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, Trần Trọng Kim, phân tích kỹ lưỡng trong “Việt Nam sử lược”, bộ sách giáo khoa lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam, xuất bản vào 1919-1920. Cuốn sách đã bị cấm ở miền Bắc sau 1954 và toàn quốc sau 1975. Nếu chấp nhận phục hồi ký ức về cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp Thanh thế kỷ 19, chúng ta sẽ phải chấp nhận bức tranh thế kỷ ấy như người cha của nền sử học Việt Nam đã khắc họa một cách khách quan: Đó là thế kỷ mà Việt Nam bị mắc kẹt vào hai gọng kìm Pháp – Thanh, bị giằng xé giữa hai mô hình “chư hầu của thiên triều phương Bắc” và “thuộc địa của thực dân phương Tây”, bị buộc phải lựa chọn giữa hai con đường “Tây phương hoá” hay “tiếp tục nằm trong vòng ảnh hưởng của vùng văn hoá chữ Hán”. 

Điều đó có nghĩa là bức tranh lịch sử từ đầu thế kỷ 20 cũng cần được vẽ lại toàn bộ. Trong bức tranh này, vị trí của các lực lựợng chính trị, các phong trào xã hội, các vấn đề thuộc phạm vi tinh thần như lịch sử tư tưởng, văn hoá, văn học nghệ thuật… cũng sẽ được tái định vị một cách căn bản.

Trần Trọng Kim, người cha của sử học hiện đại Việt Nam, 1883-1953

Năm 1987, sử gia Nhật Bản  Tsuboi Yoshiharu xuất bản “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, phân tích thế kỷ 19, trọng tâm là thời Tự Đức, như là thời đại Việt Nam mắc kẹt giữa hai siêu cường. Cuốn sách được các học giả Nguyễn Đình Đầu, Bùi Trân Phượng Tăng Văn Hỷ, Vũ Văn Kính dịch ra tiếng Việt và Trần Văn Giàu là người viết lời giới thiệu. Trần Văn Giàu đã đánh giá cách tiếp cận của Tsuboi là “mới mẻ” mà “quên” mất rằng, cách hiểu ấy về thế kỷ 19 đã ra đời ngay từ đầu thế kỷ 20, trước sử gia Nhật Bản ấy đến bảy thập niên, trong “Việt Nam sử lược”, cuốn sách mà chính các sử gia kiêm chính trị gia ở Hà Nội đã cấm đoán từ thập niên 1950 để độc quyền một cách kể chuyện lịch sử duy nhất. 

Nhận thức về lịch sử (trả lời câu hỏi “chúng ta đến đây từ đâu và như thế nào?”) và lựa chọn chính trị (trả lời câu hỏi “chúng ta làm gì bây giờ?”) chỉ là hai mặt của một tờ giấy. Hiểu theo cách đó, như ta thấy qua câu chuyện phản đối đặt tên đường cho Alexandre de Rhodes nói trên, những lựa chọn của người Việt Nam hôm nay vẫn chìm đắm trong một màn sương mù của tư duy được đình hình từ giữa thế kỷ trước bởi Ban nghiên cứu Văn Sử Địa.

Lãng quên bài học thất bại khi đối diện yêu cầu lịch sử phải lựa chọn giữa Pháp – Thanh với tư cách là hai mô hình, hai thế giới, Việt Nam ngày nay tiếp tục đối diện câu hỏi ấy một lần nữa.  

Đại học Oregon

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
*
Nguồn: Alexandre de Rhodes và sự tưởng tượng về lịch sử cận đại của nền sử học Việt Nam. BY KHOIN · THÁNG MƯỜI MỘT 27, 2019. DCVOnline minh họa bổ túc.






No comments:

Post a Comment