VOA Tiếng Việt
25/10/2019
Ba mươi năm trước, một làn sóng lạc quan quét qua
Châu Âu khi các bức tường ngăn cách và các chế độ cộng sản sụp đổ, và người dân
bị áp bức lâu nay bắt đầu được đón nhận những xã hội mở, thị trường mở và một
Châu Âu đoàn kết hơn.
Ba thập niên sau, dù rất ít người trong Khối Đông Âu
cũ hối tiếc về những thay đổi lớn trong những năm 1989-1991, nhưng họ không
hoàn toàn mãn nguyện với tình hình chính trị hoặc kinh tế hiện thời, theo một
cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vừa công bố.
Cư dân các nước Trung và Đông Âu đã gia nhập Liên hiệp
Châu Âu nhìn chung tin rằng tư cách thành viên có lợi cho nước của họ, và có sự
ủng hộ rộng rãi trong khu vực đối với nhiều giá trị dân chủ, theo Pew. Tuy
nhiên, dù đa số nhìn chung ủng hộ dân chủ, có sự khác biệt ở các nước về việc
theo đuổi những nguyên tắc dân chủ cụ thể tới mức nào.
Khi được hỏi về sự dịch chuyển sang dân chủ đa đảng
và kinh tế thị trường diễn ra sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, người dân ở Khối
Đông Âu cũ, được Pew khảo sát, phần lớn tán thành những thay đổi này. Chẳng hạn,
85% người Ba Lan ủng hộ sự dịch chuyển sang cả nền dân chủ lẫn chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, sự ủng hộ không đồng nhất - hơn một phần ba người Bulgaria và người
Ukraine không tán thành, cùng với khoảng phân nửa ở Nga.
Pew cho biết những câu hỏi về nền dân chủ và nền
kinh tế thị trường lần đầu tiên được hỏi vào năm 1991, và sau đó là vào năm
2009. Ở một số quốc gia - Hungary, Lithuania và Ukraine - sự ủng hộ dành cho cả
hai điều này suy giảm từ năm 1991 đến 2009 trước khi hồi phục đáng kể trong thập
niên qua. Nga là quốc gia duy nhất mà sự ủng hộ dành cho nền dân chủ đa đảng và
chủ nghĩa tư bản sụt giảm đáng kể từ năm 2009.
https://gdb.voanews.com/E1BCC4C1-4960-4756-B757-31AE6200E972_w650_r0_s.png
Người dân ở Khối Đông Âu cũ phần lớn tán thành dân chủ đa đảng và kinh tế thị
trường
Theo đánh giá của Pew, các mức độ nhiệt tình khác
nhau đối với dân chủ và thị trường tự do có thể được thúc đẩy một phần bởi các
quan điểm khác nhau về mức độ tiến bộ mà các xã hội đã đạt được trong ba thập
niên qua. Hầu hết người Ba Lan, Czech và Lithuania, và hơn bốn trên mười người
Hungary và Slovakia, tin rằng tình hình kinh tế đối với hầu hết mọi người ở đất
nước họ ngày nay tốt hơn dưới chế độ cộng sản. Và trong năm quốc gia này, có
nhiều người giữ quan điểm đó hơn so với thời điểm năm 2009, khi Châu Âu đang vật
lộn với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, ở Nga, Ukraine và Bulgaria, hơn một nửa
người được khảo sát nói rằng mọi thứ tệ hơn đối với hầu hết mọi người bây giờ
vào thời điểm này so với thời kì cộng sản.
Khi được hỏi liệu nước của họ có đạt được tiến bộ
trong ba thập niên qua trong một loạt các vấn đề hay không, công chúng ở Trung
và Đông Âu được Pew khảo sát nói họ cảm thấy tích cực nhất về các vấn đề như
giáo dục và mức sống. Nhưng quan điểm chia rẽ nhiều hơn về sự tiến bộ trong
lĩnh vực luật pháp, trật tự, giá trị gia đình, và hầu hết nói rằng những thay đổi
đã có tác động tiêu cực đến y tế.
Có một sự đồng thuận rộng rãi rằng giới thượng lưu
đã hưởng lợi nhiều hơn từ những thay đổi to lớn trong 30 năm qua so với công
dân trung bình. Đa số những người được khảo sát ở tất cả các quốc gia Trung và
Đông Âu nghĩ rằng các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã hưởng lợi, số
người cho rằng người bình thường hưởng lợi xem ra ít hơn.
Cũng như có nhiều quan điểm khác nhau về mức độ tiến
bộ của các quốc gia trong những năm gần đây, quan điểm cũng khác biệt về tương
lai. Ở khắp các quốc gia từng là cộng sản được Pew khảo sát, người dân tương đối
lạc quan về tương lai của mối quan hệ của đất nước họ với các quốc gia Châu Âu
khác, nhưng đa phần bi quan về sự vận hành của hệ thống chính trị và các vấn đề
kinh tế cụ thể như công ăn việc làm và sự bất bình đẳng.
Khắp Châu Âu, thái độ về một số chủ đề phản ánh sự
phân chia Đông-Tây rõ nét. Về các vấn đề xã hội như đồng tính luyến ái và vai
trò của phụ nữ trong xã hội, quan điểm khác nhau rõ rệt giữa Tây và Đông, với
người Tây Âu thể hiện thái độ cấp tiến hơn nhiều.
Người Tây Âu có thái độ cấp tiến hơn trên vấn đề đồng
tính luyến ái và vai trò của phụ nữ trong xã hội
Nhiều người ở Khối Soviet cũ bày tỏ hi vọng về triển
vọng kinh tế cho thế hệ tiếp theo. Khoảng sáu trên mười người Ukraine, Ba Lan
và Lithuania tin rằng khi trẻ em ở nước họ lớn lên, tài chính của họ sẽ dư dả
hơn cha mẹ của họ. Ngược lại, khoảng một phần tư hoặc ít hơn giữ quan điểm này ở
Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Anh và Pháp.
Nhìn nhận về thực trạng của nền kinh tế hiện tại, sự
phân rẽ chính thường là giữa Bắc Âu tương đối hài lòng và Nam Âu hầu như bất
mãn, nơi nhiều người vẫn chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế của một thập
niên trước.
Các quốc gia thành viên EU chủ yếu đồng lòng bày tỏ
sự ủng hộ đối với một cơ đồ Châu Âu rộng lớn. EU được nhìn nhận tích cực, với hầu
hết thành viên nói rằng tư cách thành viên có lợi cho đất nước của họ và hầu hết
tin rằng đất nước của họ đã hưởng lợi về mặt kinh tế vì là thành viên của EU,
dù không phải ai cũng đánh giá tích cực về định chế này. Quan điểm tích cực nhất
về EU là ở hai quốc gia từng theo cộng sản: Ba Lan và Lithuania. Cả hai đều trở
thành thành viên EU vào năm 2004.
Các nghiên cứu trước đây của Trung tâm Pew đã chỉ ra
rằng người châu Âu có xu hướng tin vào những lí tưởng của EU, nhưng họ than phiền
về cách thức vận hành của nó. Hầu hết nói EU đại diện cho hòa bình, dân chủ và
thịnh vượng, nhưng phần đông cũng tin rằng nó can thiệp vào công việc nội bộ và
kém hữu hiệu và rằng EU không hiểu được nhu cầu của người dân bình thường.
Hai quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ chưa gia nhập EU
- Nga và Ukraine - có quan điểm rất khác với các quốc gia EU được khảo sát về một
số mặt. Họ ít tán thành những dịch chuyển sang nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản,
ít ủng hộ các nguyên tắc dân chủ cụ thể và ít hài lòng với cuộc sống của họ.
Đây là một số trong những phát hiện chính từ cuộc khảo
sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew tại 17 quốc gia, bao gồm 14 quốc gia EU,
Nga, Ukraine và Mỹ.
Cuộc khảo sát bao gồm nhiều chủ đề, từ quan điểm về
quá trình chuyển tiếp sang chính trị đa đảng và thị trường tự do, cho tới các
giá trị dân chủ, EU, Đức, các nhà lãnh đạo chính trị, sự hài lòng về cuộc sống,
điều kiện kinh tế, bình đẳng giới tính, các nhóm thiểu số và các đảng chính trị.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 18.979 người từ
ngày 13 tháng 5 đến ngày 12 tháng 8 năm 2019.
Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên hai cuộc khảo
sát trước đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew và cơ quan tiền thân. Cuộc khảo sát
đầu tiên được thực hiện bởi Trung tâm Nhân dân & Báo chí Times Mirror (tiền
thân của Trung tâm Nghiên cứu Pew) từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 31 tháng 5 năm
1991. Cuộc khảo sát thứ hai do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện từ ngày 27
tháng 8 đến ngày 24 tháng 9 năm 2009, ngay trước dịp kỉ niệm 20 năm Bức tường
Berlin sụp đổ.
No comments:
Post a Comment