Friday, October 4, 2019

HỒNG KÔNG : SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT LÀ VŨ KHÍ TRANH ĐẤU (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 03-10-2019

Thảm họa qua vụ cháy hãng hóa chất Lubrizol tại Rouen, phong trào dân chủ tại Hồng Kông, Donald Trump chống đỡ nguy cơ truất phế tiếp tục chiếm nhiều trang báo Pháp hôm nay. Libération không quên câu chuyện nông dân Cam Bốt kiện một công ty Pháp đòi lại đất bị cưỡng chiếm với sự đồng lõa của chính quyền địa phương.

Người biểu tình Hồng Kông đối đầu cảnh sát tại trạm metro Thái Cổ (Taikoo) ở Hồng Kông, ngày 03/10/2019. REUTERS/Jorge Silva

Tuổi trẻ Hồng Kông: Hình ảnh là vũ khí, internet là chiến trường

Phong trào phản kháng chống Bắc Kinh trở thành quyết liệt, nhãn hiệu và cơ sở thương mại Trung Quốc bị tấn công, trong khi Bắc Kinh chào mừng 70 năm chế độ Cộng Hoà Nhân Dân, tuổi trẻ Hồng Kông xuống đường thách thức.

Tình hình Hồng Kông được Le Monde dành cho hai bài tường thuật và một bài xã luận.
Với tựa "Quốc khánh Trung Quốc biến thành hỗn loạn", phóng viên tại chỗ của nhật báo độc lập ghi nhận cũng như mọi cuộc biểu tình, đoàn người phản kháng ngày 01/10 bắt đầu tuần hành một cách ôn hoà trước khi xung đột xảy ra khi bị cảnh sát chận đường. Từ lúc đó lá cờ đỏ 5 sao vàng bị đốt, xung đột trên các ngã đường giữa cảnh sát và hàng ngàn người biểu tình, 20 trạm xe điện ngầm bị thiệt hại vật chất, bom xăng chống lựu đạn cay, 66 người biểu tình từ 12 tuổi đến 71 tuổi bị thương, một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn vào ngực nhưng « có cơ may » phục hồi.

Quy mô các cuộc biểu tình trong thành phố được yểm trợ bằng một chiến dịch phản kháng bằng hình ảnh « bùng nổ trên mạng », theo quan sát của Le Monde, trong bài « cuộc nổi dậy ra tay ». Trước thế mạnh áp đảo của chính quyền Bắc Kinh, tuổi trẻ Hồng Kông sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo làm vũ khí. Song song với những cuộc xuống đường như biển người, phong trào phản kháng gia tăng hình thức "nối vòng tay lớn" trước các cơ sở chính quyền, cầu nguyện tập thể, bãi công bãi khóa một ngày, và nhất là chiến dịch tràn ngập hình ảnh, biểu ngữ, biểu tượng trên tường, trên mạng internet. Phong trào qua hình ảnh, màu sắc, đập vào mắt quần chúng.

Chiến thuật Lý Tiểu Long : Hãy là nước

Chiến lược tranh đấu bằng nghệ thuật hình ảnh, theo giới trẻ Hồng Kông, là một khái niệm của Triệt Quyền đạo của Lý Tiểu Long : Hãy là nước, không định hình, không chẻ ra được, lúc tiến lúc thóai, xâm nhập khắp nơi trên không gian mạng. Mỗi ngày, hàng chục ngàn hình ảnh, biểu ngữ, mật mã bằng chữ Hán và tiếng Anh tung lên mạng kết nối người dân với nhau, hướng dẫn cách chống lựu đạn cay, cách bảo vệ những thiếu nữ, thiếu niên trên tuyến đầu lúc bị đàn áp. Khi phong trào muốn làm một bức tượng nữ thần tự do Hồng Kông, thì ngay lập tức, một đạo binh điêu khắc gia ẩn danh xin tham gia, một số tiền lớn 203 ngàn đô la Hồng Kông (25.000 đô la Mỹ) được đóng góp.

Một chi tiết được Le Monde chú ý là các biểu ngữ của phong trào không mang tính tuyên truyền chính trị và ý thức hệ. Trái lại chúng dựa theo khẩu vị, văn hóa của thế hệ trẻ, chẳn hạng như « Nếu chúng tôi bị đốt cháy thì quý vị (lãnh đạo) cũng bị cháy theo ». Giới « fan » trò chơi Hunger Games không lạ gì khẩu hiệu này. Phong trào 2019, theo Le Monde, huy động mọi tầng lớp xã hội khác nhau : Công nhân, Dù vàng, sinh viên học sinh, tôn giáo với những khẩu hiệu biểu tượng nhắc nhau « sáng kiến không bao giờ chết », Hãy thông minh, khiêm tốn, hãy là nước để không bao giờ thất bại.

Trung Quốc: Một quốc gia hai cuộc tưởng niệm

Trong bài xã luận « Trung Quốc : một quốc gia hai cuộc tưởng niệm », Le Monde mô tả hai hình ảnh đối chọi. Bắc Kinh với binh lính rầm rộ, xe tăng tuần hành, người tham gia mặt mày hào hứng. Hồng Kông với những người trẻ mặc y phục đen, cầm dù, xé biểu ngữ mừng quốc khánh, đốt giấy vàng bạc như đưa một đám tang.

Theo tác giả bài xã luận, Hồng Kông đã trở thành sân khấu của một cuộc đối đầu giữa hai hệ thống : chế độ xã hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình và mô hình dân chủ. Với hệ thống luật pháp riêng, xã hội công dân, trình độ giáo dục cao, Hồng Kông chứng tỏ đủ khả năng tự quản. Bắc kinh cũng biết giữ thái độ chừng mực để không bị Tây phương chỉ trích mạnh hơn.

Chính quyền Trung Quốc sử dụng đội quân dư luận viên, thành phần dân Hoa Lục nhập cư và gián điệp, trả đũa kinh tế, để đánh phá phong trào phản kháng và hy vọng làm đảo ngược công luận và làm phong trào phản kháng tự tan rã. Nhưng vô vọng.

Bế tắc toàn diện. Lâm Trinh Nguyệt Nga mất hết uy tín. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng biết công luận Hồng Kông vì sao đốt phá các biểu tượng của chế độ Trung Quốc nhưng sử dụng quân đội là một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc. Theo Le Monde, giải pháp khả thi nhất là bầu một lãnh đạo mới dễ chấp nhận hơn. Liệu Tập Cận Bình có sẵn sàng hay không ?

Phó sản Dioxine

Vụ cháy nhà máy hóa chất tại Rouen đã được dập tắt nhưng « khói mù » vẫn dầy đặc. Les Echos với hệ quả kinh tế, La Croix với tác hại cho nghề nông, Le Figaro và Le Monde chú ý đến yếu tố sức khỏe người dân và áp lực chính trị .

Les Echos lo ngại thảm họa cháy Lubrizol sẽ là một thảm họa kinh tế đe dọa Rouen và các xí nghiệp địa phương ở tỉnh Rouen. Vì lý do an toàn, Lubrizol dời qua một nước khác làm mất hàng trăm việc làm.

La Croix lưu ý đến lệnh của chính quyền tỉnh buộc các nhà chăn nuôi ngưng sản xuất thịt, sữa trong khi chờ đợi kết quả kiểm nghiệm ô nhiễm môi trường. Vấn đề, là một tuần sau hỏa tai, cho dù chính phủ nói thật nhưng không trấn an được dân chúng vì « không nhà khoa học nào » có thể biết là với 5.253 tấn hóa chất đủ loại bị cháy cùng lúc sẽ cho ra những khí độc hại gì ? Dioxine là ám ảnh lớn nhất.

Theo Libération trong bài « địa lý của một rủi ro », qua vụ cháy Lubrizol, nước Pháp là nước kỹ nghệ mà từ hàng trăm năm nay, hãng xưởng nằm trong thành phố. Le Monde cho biết thêm, chính phủ đang bị áp lực rất nặng, đối lập đòi thành lập ủy ban điều tra để biết nhà máy này chứa hóa chất gì. Trong khi đó, dân cư điạ phương đòi hỏi câu trả lời chính xác.

Nông dân Cam Bốt sang Pháp đòi công lý

Cũng trong hồ sơ sinh thái, La Croix đưa độc giả sang Amazone để thương cảm cho các bộ tộc bị xâm chiếm môi trường truyền thống. Trong khi đó, Libération trình bày vụ một tập đoàn của tỷ phú người Pháp Vincent Bolloré bị nông dân xứ Chùa Tháp kiện ra toà án Nanterre tội cưỡng chiếm đất canh tác trồng cây cọ.

Sống tại rừng Amazone là tựa của nhật báo Công Giáo, ba ngày trước khi Giáo Hội Công Giáo mở hội thảo môi trường kéo dài ba tuần. Ngôi làng đầu tiên,Taluen, bị ô nhiễm vì thủy ngân xuất phát từ các mỏ vàng bất hợp pháp. Sông bị ô nhiễm, thực phẩm chính của người dân là cá, họ sống trong phập phòng lo sợ cho tương lai.

Cũng trong chủ đề này, les Echos đặt ra một vấn nạn : làm sao nuôi sống 7,7 tỷ dân trên địa cầu mà không phá hủy trái đất ? Các tập đoàn thực phẩm khai thác rừng để nuôi trồng tàn phá đa dạng sinh thái. Tình trạng khí hậu biến đổi là do cánh tác công nghiệp đưa đến. Cứu đói nhưng làm cho CO2 tăng, nhiệt độ khí quyển tăng và dân số tiếp tục tăng. Nếu không có biện pháp mạnh thì nhân loại đi về đâu ?

Đừng tin Putin : sản phẩm Xô-viết

Ở trang quốc tế, những diễn tiến mới trong quan hệ Nga-Châu Âu cũng như những bất cập của tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến thuật đối phó với thủ tục truất phế là hai chủ đề chính.

La Croix hy vọng bế tắc ngăn cản « tiến trình hòa bình ở Ukraina » đã được giải tỏa. Kiev và phe ly khai ở Donbass ký thoả thuận vực dậy hiệp định Minsk, theo đó có sự đồng ý của Putin : Tổ chức bầu cử tự do, quân Nga rút khỏi Donbass, quân đội Ukraina kiểm sóat biên giới, Donbass tự trị nhưng chưa rõ đến mức độ nào ?

Tuy nhiên, trên Le Monde, điện ảnh gia người Ukraina Oleg Sentsov, vừa được Nga trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân cảnh báo: "Putin là sản phẩm của chế độ Sôviết. Không nên tin ông ta. Macron và Zelensky không thuyết phục được chủ nhân điện Kremlin đâu. Putin muốn tái lập chế độ Liên Bang Xô Viết thế hệ 2".

Về phản ứng của tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng một hình ảnh bản đồ phục vụ mục tiêu tuyên truyền đánh lừa công luận, Libération đưa ra một tấm thứ hai. Trên bản đồ của Donald Trump có ghi thêm hàng chữ "Thử truất phế cái này đây". Theo chủ nhân Nhà Trắng, ông đã chiến thắng rực rỡ năm 2016, bản đồ kết quả tô đậm màu đỏ của đảng Cộng Hoà. Thế nhưng bản đồ do chuyên gia Pháp Nicolas Lambert thực hiện, thì màu xanh dương của đảng Dân Chủ áp đảo. Điều này dễ hiểu, bởi vì Hillary Clinton hơn Donald Trump đến 3 triệu phiếu.

Nhật báo thiên tả của Pháp cũng không quên số phận của 80 nông dân Cam Bốt bị cưỡng chiếm đất đai. Vụ cưỡng chiếm xảy ra vào năm 2008, nếu không phải là nhà tỷ phú Vincent Bollorée thì cũng là một công ty con. 10.000 mẫu đất của dân làng thuộc sắc tộc bunong bị biến thành đồn điền trồng cây cọ. Được sự hỗ trợ của một hiệp hội thiện nguyện, 80 dân làng kiện ra toà án Pháp. Phía chủ đồn điền đòi nguyên đơn, từ nhiều đời canh tác đất tổ tiên, trình giấy chủ quyền. Trong khi đó, theo luật xứ Chùa Tháp, các bộ tộc có quyền khai thác tập thể đất tổ tiên. Ai sẽ thắng ai ? Phiên toà còn kéo dài.

Pháp thiết lập bộ tư lệnh chiến tranh mạng

Cuối cùng, về an ninh quốc phòng, sự kiện binh chủng mới của Pháp « phòng thủ không gian mạng » được chính thức thành lập với Bộ Tư Lệnh » đặt tại thành phố Rennes, được La Croix loan tải.
Quân đội Pháp bố trí lực lượng phòng thủ không gian chống tin tặc. La Croix dành một bài dài trình bày nhiệm vụ, vai trò đặc biệt của binh chủng thứ tư của quân đội : phối hợp tình báo, đánh cắp thông tin hữu ích để phản công, để phong tỏa hệ thống truyền tin hay để đánh lừa đối phương để họ không biết đâu là hư đâu là thật.
Lực lượng đầu tiên gồm 1000 chuyên gia điện tử -với ngân sách 1,6 tỷ euro trong 5 năm đầu tiên- và sẽ lên đến 4500 người trong 10 năm tới.
Bộ tư lệnh được khánh thành vào hôm nay với sự chủ tọa của bộ trưởng bộ Quân Lực, Florence Parly.

------------------------------






No comments:

Post a Comment