Friday, October 4, 2019

ĐÀN HẠCH TRUMP : MỘT TIẾNG BẠC KHÓ ĐOÁN (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
October 2, 2019

Ngạn ngữ Anh có câu, hãy cẩn thận khi nguyện cầu điều gì, bạn có thể nhận được nó.

Sau nhiều tháng thách thức những người Dân Chủ có dám đàn hạch ông không, cuối cùng hôm Thứ Ba tuần rồi, ông Trump cũng kích động được đảng Dân Chủ tại Hạ Viện khởi sự một tiến trình đàn hạch để loại bỏ ông ra khỏi ghế tổng thống.

Chúng ta không biết là có phải ông Trump muốn thách thức số mệnh hay là ông thực sự tin rằng tiến trình đàn hạch sẽ giúp ông thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới. Bây giờ thì chỉ đợi thời gian trả lời.

Tâm trạng bà Nancy Pelosi thì ta có thể thấy rõ hơn. Sau khi bỏ hầu hết năm nay chống lại những áp lực trong đảng lôi ông Trump ra đàn hạch, cuối cùng bà chủ tịch Hạ Viện phải miễn cưỡng nhượng bộ trước áp lực hôm Thứ Ba.

Khi bà Pelosi loan báo việc điều tra để đàn hạch, bà trông không có chút gì vui. Quan điểm của bà từ trước tới nay vẫn là đàn hạch sẽ là cơ hội cho Trump tránh né trách nhiệm cho những thất bại về chính sách, một điều mà khi tập trung vào đã giúp đảng Dân Chủ thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Thế nhưng nếu không làm thì còn tệ hơn, bà phải đối phó với một cuộc nổi loạn chống lại sự lãnh đạo của mình bởi những dân biểu Dân Chủ bất mãn.

Lịch sử không soi sáng cho ta bao nhiêu về những gì sẽ xảy ra. Cho tới nay chỉ có hai vị tổng thống Hoa Kỳ là bị đàn hạch, Bill Clinton năm 1998 và Andrew Johnson năm 1868. Cả hai đều được Thượng Viện phán quyết là vô tội. Người thứ ba, ông Richard Nixon từ chức năm 1974 trước khi ông bị chính thức đàn hạch. Thế nhưng trường hợp ông Nixon có lẽ có nhiều phù hợp với lần này hơn.

Khi mới bắt đầu vụ điều tra Watergate, đại đa số những người Cộng Hòa ủng hộ ông Nixon. Sự ủng hộ của ông kéo dài đến tận lúc mà Tối Cao Pháp Viện phán quyết tổng thống phải giải tỏa các băng ghi âm tại Văn Phòng Bầu Dục. Và đó là lúc mà nước triều chuyển ngược.

Lần này cũng vậy, ông Trump bắt đầu tiến trình với một sự ủng hộ vững như bàn thạch của đảng Cộng Hòa và một quần chúng không mặn mà gì với tiến trình đàn hạch, số người ủng hộ đàn hạch dưới 50%. Thành ra không có gì lạ khi nhiều nhà phân tích đánh giá nhẹ sự chú ý của quần chúng tới tiến trình này. Thế nhưng mọi chuyện có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Phản ứng hung hăng của ông Trump với những diễn biến trong chuyện này chắc hẳn sẽ lôi kéo sự chú ý của mọi người.

Thế nhưng tại sao lại đàn hạch vào lúc này thay vì khi phúc trình Mueller đuợc công bố? Đó là vì hai lý do.

Thứ nhất việc ông Trump đòi một lãnh tụ nước ngoài, Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi, làm chuyện phục vụ cho cá nhân mình, xảy ra khi ông đang làm tổng thống; trong khi phúc trình Mueller tuy rằng có nói đến việc ông Trump “ngăn chặn công lý” kể từ năm 2017, nhưng hầu hết phúc trình là về việc người Nga can thiệp trước khi ông Trump lên nhậm chức. Điều đáng chú ý là ông Trump chặn không giải tỏa $391 triệu viện trợ quân sự cho Ukraine trước khi yêu cầu ông Zelneskyi bới lông tìm vết đối thủ Joe Biden, người có nhiều triển vọng nhất ra tranh cử tổng thống chống ông.

Lý do thứ hai là sự tham nhũng đằng sau cái gọi là “Ukrainegate” thì dễ chứng minh và dễ làm cho dân chúng thấu hiểu hơn nhiều. Nếu ông Trump đe dọa chặn viện trợ cho một chính quyền thân Mỹ trừ phi họ chịu làm bậy để giúp ông được tái cử thì điều đó sẽ làm cho ngay cả những cử tri (cố nhiên là không phải những người Trumpian trung kiên) vốn không để ý đến việc đàn hạch nhất phải có ý kiến. “Không ai có quyền đứng trên pháp luật” đó là lời của bà Pelosi và hầu hết người Mỹ chắc là sẽ đồng ý.

Tuy nhiên còn một vấn đề nữa là liệu những người Dân Chủ có thể thuyết phục đủ số người Mỹ rằng ông Trump giống như ông Nixon là một tên bịp bợm.

Trong vụ Watergate, việc điều trần chuẩn bị đàn hạch được giao cho một tiểu ban độc nhất và được truyền hình trực tiếp từ đó. Lần này, bà Pelosi dự trù sẽ chia việc thảo các điều khoản đàn hạch cho sáu tiểu ban Hạ Viện. Điều này không giúp gì cho việc lôi kéo sự chú ý của người dân.

“Ukrainegate” được kích động từ một tố cáo của “người thổi còi” báo động bên trong cơ quan tình báo vốn biết nội dung câu chuyện giữa ông Trump và ông Zelenskyi. Nếu người thổi còi này ra điều trần công khai, và những lời trình bày của người đó có tình thuyết phục, thì điều đó có thể làm thay đổi tòan bộ bầu không khí chính trị.

Phúc trình Mueller bị chìm xuống vì chính ông Mueller khi ra điều trần. Thành ra số phận trước mắt của nước Cộng Hòa Hoa Kỳ nay tùy thuộc một phần vào câu chuyện mà “người thổi còi” này đưa ra. Nếu câu chuyện này có tính thuyết phục đủ, biết đâu ông Trump có thể trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên mất chức vì bị đàn hạch. (Lê Mạnh Hùng)






No comments:

Post a Comment