Saturday, August 24, 2019

"DÂN TỘC NÀY KHÔNG XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC CỨU RỖI!" (Nguyễn Thị Bích Ngà)





Tôi đã từng nghe, đọc được câu trên từ khá nhiều người bạn của tôi. Họ buông ra lời chán nản và sau đó bỏ cuộc. Tôi rất đồng cảm với họ bởi tôi đã chứng kiến, đồng hành với họ trong khá nhiều việc và tôi biết họ đã vất vả, cố gắng đến thế nào mà kết quả nhận lại bằng không, đôi khi còn bị sỉ nhục rất ê chề. Họ, những người bạn đấu tranh, hoạt động xã hội dân sự của tôi, rơi rụng dần.

Dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi. Khi phát ngôn câu đó, họ không đứng ở vai trò là chúa trời hay tự xếp mình cao hơn người khác. Họ chỉ đơn giản cảm thấy tuyệt vọng, bất lực trong việc thay đổi nhận thức đám đông. Lời than đắng đót ấy vô hình chung đẩy trách nhiệm về phía đám đông. Cũng đúng. Bởi, tôi biết rõ, những người bạn tôi đã rất cố gắng thực hành trách nhiệm của mình nhưng đám đông không có phản hồi. Khi ta đập mãi một cục đá mà cục đá cứ trơ trơ thì sẽ đến lúc ta nghĩ cục đá này không thể sử dụng.

Đám đông người Việt hiện nay là một đám đông kỳ dị. Bảo vô cảm cũng không đúng, vì rõ ràng họ sẳn sàng phấn khích, xuống đường vì một trận bóng. Cũng bàn luận về chính trị xã hội nơi quán nước, vỉa hè cho đến mạng xã hội, cũng bình luận sự kiện, thậm chí rất ham mê, thì sao lại bảo họ vô cảm được? Có cảm xúc, có quan tâm đó chứ. Nhưng, họ quan tâm theo cách của họ. Và cách của họ khác với cách của chúng ta, thế thôi.

Vấn đề của chúng ta là phải tìm ra phương pháp để họ hiểu cảm xúc của ta, đồng cảm với cảm xúc của ta và quan tâm những vấn đề mà ta quan tâm. Muốn vậy, ta buộc phải là người biết hiểu cảm xúc của họ, đồng cảm với cảm xúc của họ trước. Tại sao ta phải làm điều đó trước? Vì ta có nhận thức vấn đề rõ hơn, thấu đáo hơn. Vì lẽ đó, trách nhiệm của ta là trách nhiệm của người hướng dẫn. Thay vì sỉ nhục, coi thường cảm xúc của họ, hãy đồng cảm hơn, tôn trọng hơn và giải thích, phân tích, hướng dẫn.

Phải chăng lâu nay chúng ta thường làm sai phương pháp? Chúng ta thường chê bai chỉ trích đám đông khi đám đông cuồng nhiệt xuống đường vì một trận bóng đá mà không xuống đường vì dân chủ và quyền con người. Lỗi ở ta, không phải ở đám đông. Ta có lỗi khi áp đặt cảm xúc của mình lên họ và cho rằng cảm xúc của ta mới có ý nghĩa, mới giá trị còn của họ thì không. Họ cũng hoàn toàn có thể nghĩ về ta như ta nghĩ về họ. Kết quả là không bao giờ có sự chia sẻ cảm xúc, không thể đạt được mức có được cảm xúc chung. Các bạn trẻ HK đang làm rất tốt việc chia sẻ cảm xúc của mình và lôi kéo cảm xúc của người khác để tạo ra một đám đông khổng lồ có chung cảm xúc.

Dĩ nhiên ở VN khó hơn nhiều. Trong bài viết dạy con sống thật với cảm xúc của chính mình, tôi có nói qua về việc bố mẹ Việt đã và đang triệt tiêu cảm xúc của con trẻ, làm cho nó trở thành người không biết cách thể hiện cảm xúc hoặc kềm nén cảm xúc, không dám sống thật với cảm xúc khi trưởng thành. Văn hóa, giáo dục của ta nó sai như vậy rồi. Từ rất lâu rồi. Muốn thay đổi, bắt buộc phải đi từ cái gốc văn hóa, giáo dục. Quá lâu. Nhưng không còn cách nào khác.

Tôi nhớ mãi cảnh chị dân oan vật vả đòi tự thiêu ở cổng văn phòng tiếp dân số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội. Chị nghĩ là biết đâu cái chết của chị có thể lôi kéo được cảm xúc của quan chức, đám đông, từ đó họ có những hành động cụ thể để giải quyết cho dân oan. Tôi bảo, “Chị muốn chết thì không ai cản được vì không ai có thể ở bên chị 24/7. Nhưng, chị nên biết cái chết của chị sẽ vô nghĩa vì sẽ không có mấy người quan tâm nên sẽ chẳng có thay đổi gì cả.” Người Việt mình đâu có chia sẻ cảm xúc với nhau. Thay vào đó là phán xét. Rất nhiều phán xét, chỉ trích và xúc phạm. Mà phán xét, chỉ trích, xúc phạm luôn gây ra mâu thuẫn, không hề có được sự thấu hiểu, đồng cảm.

Một người chồng mua bó hoa về tặng vợ, cô chẳng xúc động gì, không chia sẻ cảm xúc hạnh phúc với chồng, cô bảo, “Bày đặt, tốn tiền.” Lần sau anh ta có mua nữa không? Không. Và khi cô vợ nói, “Em bị sếp mắng.” Anh chồng sẽ hờ hững, “Vậy ha.” Lần sau cô vợ có chia sẻ gì với chồng nữa không? Không.

Cũng vậy, trong các vấn đề lớn hơn trong xã hội, khi ta không thể đồng cảm, chia sẻ được với người thì người sẽ không thể đồng cảm được với ta.

Anh em tụ tập ở một cái quán để họp. Công an, an ninh ập vào giải tán, bắt bớ, đó là phần anh em. Còn chủ quán, họ cũng bị mời làm việc, gây khó dễ và bị an ninh cài vào đầu những suy nghĩ xấu về anh em, bảo họ cảnh giác với anh em blah blah, buộc họ không tiếp đón anh em vào lần sau nếu không thì sẽ gặp rắc rối. Sau khi bị bắt, anh em có quay lại quán để xin lỗi chủ quán vì sự phiền phức (không phải do mình gây ra nhưng mình là nguyên nhân) và phân tích, giải thích để họ hiểu, đồng thời chia sẻ cảm xúc với họ, của họ? Hoặc, lần sau mình đến người ta không dám tiếp, anh em có chửi mắng họ hèn nhát?

Những chủ nhà trọ khắp đất SG, HN đuổi anh em ra khỏi nhà vì sợ hãi, đa số họ bị chửi mắng là hèn nhát, không giữ đúng hợp đồng.. Về lý họ sai. Nhưng chúng ta cũng sai khi không thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của họ. Những chuyện nhỏ nhặt vậy thôi nhưng thể hiện tư duy của ta và của họ là những đường thẳng song song không bao giờ có thể chạm được vào nhau nếu một bên không rẽ. Như trên tôi đã trình bày, ta phải là người rẽ trước.

Không có một dân tộc nào không xứng đáng được cứu rỗi. Không có một dân tộc nào xứng đáng phải chịu cảnh sống mất các quyền căn bản của con người. Họ chưa nhận ra, chưa dám đấu tranh cho quyền của chính họ bởi họ đã bị cai trị và giáo dục sai cách quá lâu. Cái sai từ thế hệ này qua thế hệ khác, không chỉ mỗi từ khi có cộng sản.

Tôi lặp đi lặp lại mãi, cuộc cách mạng ở VN hiện nay phải là cách mạng về văn hóa. Thay đổi được về văn hóa thì mới thay đổi được ý thức, thái độ. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải học để chính chúng ta có văn hóa và chia sẻ điều đã học được với người khác, chia sẻ cảm xúc với người khác, đồng cảm với cảm xúc của họ. Người ta khóc chó chết mình chửi thì khi mình khóc cá chết họ sẽ dửng dưng. Đừng trách họ thiển cận bởi trách thừa, quả thực họ thiển cận. Nhưng, ta làm gì để thay đổi nó? Hay ta cũng thiển cận như họ, theo cách của ta?

Thay đổi văn hóa là một cuộc lột xác của mỗi người, nó khó khăn, đau đớn vì ta phải liên tục phủ nhận chối bỏ cái lạc hậu, cái sai mà mình đã nhiễm đồng thời tiếp thu cái mới đẹp hơn. Thay đổi văn hóa của một dân tộc là điều khó khăn gấp bội, mất rất nhiều thời gian và cần sự kiên trì, nhưng bắt buộc phải làm.

Nếu dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi thì chính chúng ta cũng không xứng đáng được cứu rỗi. Thay vì oán thán, hãy làm. Có thể chúng ta chết trước khi chúng ta nhìn thấy kết quả, nhưng thà chết khi cố gắng hành động còn hơn là thể hiện thái độ tuyệt vọng.







No comments:

Post a Comment