Saturday, July 6, 2019

ĐẾN LÚC MỸ CHIA TAY BẮC KINH (Gordon G. Chang - The National Interest)





Carl Trần chuyển ngữ
05/07/2019

Một số lỗi lầm cứ lặp lại qua nhiều thế hệ. Trong hơn bốn thập niên qua, các tổng thống Mỹ đã tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, cố gắng “giao tiếp” với đất nước đó với mục đích “lưới” nó vào hệ thống quốc tế. Richard Nixon, trong bài báo lịch sử trên tạp chí Foreign Affairs năm 1967, đưa ra lý do cho việc giao tiếp, lập luận rằng nhà nước Trung Quốc không thể bị cô lập. Ông viết một câu để đời trong bài: “Với tầm nhìn dài, chúng ta đơn giản là không thể để Trung Quốc đứng mãi bên ngoài gia đình của các quốc gia, ở đó để nuôi dưỡng những cơn hoang tưởng của họ, để nâng niu lòng căm thù của họ và đe dọa các nước láng giềng.”

Kể từ đầu thập niên 1970, các nhà hoạch định chính sách Mỹ tin rằng họ có thể tránh được kiểu hành vi nuôi dưỡng, nâng niu và đe dọa ấy bằng cách đặt thành công của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên thành một mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Với lợi ích được xác định theo cách này, các tổng thống Mỹ đã giúp những người cộng sản Trung Quốc vào nhiều thời điểm then chốt.

Thời điểm như thế đầu tiên đến vào năm 1972, trong giai đoạn sau của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông chủ xướng. Nhiều năm đấu đá nội bộ và hỗn loạn—về cơ bản chính là một cuộc nội chiến—đã làm suy yếu tổ chức đương quyền của Trung Quốc, nhưng chuyến thăm của Nixon năm đó báo hiệu sự ủng hộ dành cho chế độ đang lung lay của Mao. Theo lời kể của nhà hoạt động dân chủ Chin Jin, chủ ngân hàng Wu Yaonan ở Thượng Hải đã nói khi đó, “Chúng ta hết cơ may rồi. Hoa Kỳ đang đến cứu Đảng Cộng sản.”

Một cuộc giải cứu khác được Tổng thống George H.W. Bush bí mật lên kế hoạch ngay sau các cuộc biểu tình tại 371 thành phố Trung Quốc vào mùa xuân năm 1989 và cuộc tàn sát ở Bắc Kinh vào đầu tháng 6. Bush đã cử sứ giả Brent Scowcroft trong một chuyến đi không báo trước tới thủ đô Trung Quốc vào tháng 7 để trấn an lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình rằng Washington sẽ sát cánh với Đảng và giúp họ vượt qua sự chỉ trích kịch liệt từ bên ngoài. Bush sau đó còn bảo đảm rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với vụ Thiên An Môn, mà ông buộc phải chấp nhận, sẽ không hiệu quả và được dỡ bỏ nhanh chóng.

Có lẽ nỗ lực có ảnh hưởng sâu rộng nhất nhằm giải cứu nhà cầm quyền cộng sản đã diễn ra một thập kỷ sau đó khi nền kinh tế Trung Quốc dường như đang co cụm và các doanh nghiệp nước ngoài đang xét lại việc đầu tư của mình tại thị trường Trung Quốc. Khi đó, vào năm 1999, chính quyền Clinton ký một thỏa thuận với Bắc Kinh trong đó chứa đựng nhiều điều khoản sẽ trở thành những điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong một bài diễn văn hồi tháng 3 năm 2000, Tổng thống Bill Clinton nói, “Về mặt kinh tế, thỏa thuận này tương đương với một con đường một chiều.” Ông có ý nói Trung Quốc là nước phải thực hiện mọi nhượng bộ. Phản ánh niềm lạc quan của phương Tây thời bấy giờ, ông cũng dự đoán Trung Quốc tất yếu sẽ phải thay hình đổi dạng nhờ giao thương. Ông nói, “Trung Quốc không chỉ đồng ý nhập khẩu thêm các sản phẩm của chúng tôi; họ còn đồng ý nhập khẩu một trong những giá trị được trân quý nhất của nền dân chủ: tự do kinh tế.” Daniel Patrick Moynihan thì thận trọng hơn một cách phù hợp với tình thế: “Thế giới,” ông thượng nghị sĩ nói, “sẽ là một nơi an toàn hơn—hay đại khái chúng tôi hy vọng thế.”

                                                          * * *

Về nhiều mặt, chính sách đầy hy vọng của Mỹ đã trở thành một canh bạc lớn. Người Mỹ đặt cược rằng những người cộng sản thù địch rốt cuộc sẽ đáp lại bằng thiện chí và ủng hộ những giá trị khai phóng thời hậu thế chiến, vốn được củng cố bởi một kiến trúc gồm những hiệp ước, công ước và quy tắc do Mỹ thiết kế.

Nixon hiểu bản chất của canh bạc và cuối cùng nhận ra nước Mỹ và cộng đồng quốc tế có thể đã thua cuộc. Như ông nói về Trung Quốc ít lâu trước khi qua đời, “Có thể chúng tôi đã tạo ra một quái vật Frankenstein.”

Chẳng may, đó đúng là điều nước Mỹ đã và vẫn đang làm. Ngày nay, các lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng lợi nhuận từ thương mại với Hoa Kỳ để khuếch trương quân lực, cũng như thực hiện nhiều điều khác, trong khi các cấp sĩ quan của họ công khai nói về việc tiêu diệt người Mỹ. Hai lần trong tháng 12, một sĩ quan Trung Quốc cao cấp công khai kêu gọi các cuộc tấn công dù không bị khiêu khích nhắm vào Hải quân Hoa Kỳ trong không gian chung toàn cầu. Trong phát ngôn hằn học lần thứ hai, vào ngày 20 cùng tháng, Đề đốc Luo Yuan đề nghị sử dụng hai loại tên lửa đạn đạo để đánh chìm hai hàng không mẫu hạm và giết 10.000 người Mỹ.

Người Trung Quốc thậm chí đã vượt qua việc hăm dọa. Vào tháng 5 năm 2018, nhật báo Wall Street Journal đưa tin quân đội Trung Quốc, từ căn cứ ở Djibouti, đã bắn tia laser lên một vận tải cơ C-130 của Mỹ, gây thương tích ở mắt của hai phi công. Việc rắp tâm làm mù mắt các phi công, dĩ nhiên, tương đương với nỗ lực bắn hạ máy bay của họ và giết chết họ. Các máy bay Mỹ liên tục bị các lực lượng Trung Quốc bắn tia laser ở Biển Hoa Đông. Ngoài ra, những đợt sóng âm hồi năm ngoái đã gây chấn thương não cho nhiều nhà ngoại giao Mỹ tại tòa lãnh sự ở Quảng Châu. Do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành một nhà nước giám sát, Bắc Kinh hẳn phải là thủ phạm của tội ác này hoặc đồng lõa.

Gây thương tích cho các phi công và nhà ngoại giao Mỹ không phải là tội lỗi duy nhất của Bắc Kinh. Trung Quốc đang cố gắng triệt hạ ba đồng minh có ký hiệp ước với Mỹ trong các vùng biển ngoại vi của mình. Ở Biển Đông, bên trong “đường chín đoạn” mênh mông của họ, đến nay Trung Quốc đã đặt khoảng 275 tàu quanh đảo Thị Tứ, từ lâu nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines. Chiến thuật gây áp lực này, còn gọi là “trận pháp bắp cải,” từng được sử dụng để chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Manila hồi đầu năm 2012 và từ đó được sử dụng tại nhiều địa điểm khác của Philippines ở Biển Đông, chẳng hạn như bãi Cỏ Mây.

Bắc Kinh cũng đang cố gắng tháo rời một đảo quốc khác, Nhật Bản, bằng cách gây sức ép với nhóm đảo mà Tokyo cai quản ở Biển Hoa Đông và gọi là Senkaku. Đồng thời, các định chế nhà nước Trung Quốc, được hỗ trợ bởi truyền thông nhà nước, đang đưa ra tuyên bố gần như phi lý rằng quần đảo Ryukyu, bao gồm Okinawa, là một phần của Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn tranh chấp việc Nam Hàn sở hữu Trạm Nghiên cứu Đại dương Ieodo, được xây dựng trên cái được gọi là Đá Socotra ở Hoàng Hải.

Để hỗ trợ cho những việc này và những yêu sách lãnh thổ kỳ quặc khác, người Trung Quốc liên tục cản trở tàu và máy bay Mỹ trong không gian chung toàn cầu, khiến các thủy thủ và phi hành đoàn gặp nguy hiểm trong những vụ ngăn chặn ở cự ly gần. Chẳng hạn vào tháng 9, một khu trục hạm Trung Quốc, chiếc Lan Châu, cố gắng cắt ngang mũi một khu trục hạm Mỹ, chiếc Decatur, trên Biển Đông, ở khoảng cách chỉ vài thước.

Bắc Kinh say mê với hàng đống hành vi xấu. Họ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người Bắc Hàn tấn công mạng Hoa Kỳ; phổ biến vật liệu, thiết bị và công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân cũng như vật liệu đạn đạo cho những kẻ thù công khai của Hoa Kỳ như Tehran và Bình Nhưỡng; bỏ tù những cư dân hợp pháp người Mỹ, và có thể cả những công dân Hoa Kỳ, trong những trại tập trung ở Tân Cương; tấn công cả khái niệm dân chủ nói chung và dân chủ Mỹ nói riêng trong những chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ; và vi phạm chủ quyền của Mỹ bằng cách khiển dụng những điệp viên và nhà ngoại giao của họ trong những nỗ lực không chính đáng và đôi khi công khai nhằm ảnh hưởng và ép buộc người Mỹ. Đối với Hoa Kỳ, không có thách thức nào toàn diện và mang tính hủy diệt hơn Trung Quốc.

Hành vi hung hăng, hiếu chiến, nguy hiểm và đôi khi tội phạm này, dĩ nhiên, giống như những hoạt động tương tự nhắm vào những quốc gia khác, và tất cả các hành động xấu như thế là bằng chứng cho sự thất bại của các chính sách giao tiếp của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ nghĩ rằng giải pháp cho sự thất bại trong chính sách giao tiếp là giao tiếp nhiều hơn nữa.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và những nước khác đã thử nhiều phương pháp từ “giao tiếp xây dựng” cho đến “giao tiếp gây hấn” trong khi họ cố gắng lôi kéo, vỗ về, bêu xấu và tạo cảm hứng cho các lãnh đạo Trung Quốc. Robert Zoellick, hồi còn làm thứ trưởng ngoại giao vào năm 2005, đã hối thúc Trung Quốc trở thành “một bên liên quan có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế. Năm sau đó, Ngoại trưởng Condoleezza Rice tuyên bố, Trung Quốc trên thực tế đã trở thành một nước như thế. Chính sách của Mỹ được xây dựng trên sự tự huyễn hoặc. Những hy vọng đã trở thành giả định, còn những giả định thì cứng lại thành ý thức hệ. Tiếp theo, ý thức hệ trở thành tín ngưỡng.

Đã thế, giới chỉ trích hiện chỉ đề nghị những điều chỉnh từng bước đối với chính sách giao tiếp có từ bốn thập kỷ qua. Lấy ví dụ, Kurt Campbell và Ely Ratner, các giới chức Bộ Ngoại giao thời Obama. Họ viết về Trung Quốc trên tờ Foreign Affairs, “Cả việc tìm cách cô lập và làm suy yếu cũng như việc cố gắng chuyển đổi nước này cho tốt hơn đều không nên là ngôi sao chỉ đường trong chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á.” Trọng điểm của cách tiếp cận do họ đề xuất là “đừng làm nhiều.”

Những người mang những quan điểm ít tham vọng, có lẽ bị Tổng thống Donald Trump chê là có “năng lượng thấp,” chủ trương một điều: nên tránh xa những nhà nước có vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi họ có nguy cơ thất bại. George H.W. Bush nắm quyền giữa lúc Liên Xô sụp đổ phần lớn trong hòa bình, nhưng bài diễn văn tai tiếng được gọi là “Kiev Chết Nhát” của ông vào tháng 8 năm 1991 cho thấy rõ vị tổng thống thứ 41 chỉ may mắn chứ chẳng làm được gì hay ho. Điều đến nay đã trở thành hiển nhiên là ông hoàn toàn không hiểu được sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine, địa điểm của bài diễn văn được đọc nhầm thời điểm, hay những động lực trong Liên bang Xô viết rộng lớn hơn, một đất nước đã sụp đổ chỉ vài tháng sau bài diễn văn.

                                                          * * *

Thế thì ta đang bỏ sót điều gì ở Trung Quốc? Các nhà hoạch định chính sách Mỹ ít nhất nên cố gắng tìm hiểu những động lực bên trong Trung Quốc bởi vì các động lực đó đã được viện dẫn bởi những người ủng hộ chính sách giao tiếp như là sự hỗ trợ cho cách tiếp cận quá hào phóng của Washington. Hơn nữa, chính các động lực đó đã dẫn đến những hành vi hiện đang buộc các nhà hoạch định phải đánh giá lại chính sách một thời được xem là vững chắc.

Giới tinh hoa chính sách Mỹ không hiểu các động lực của Trung Quốc vì họ không chỉ bám vào những đánh giá quá lạc quan về quỹ đạo của Trung Quốc, như Campbell và Ratner đã cho ta thấy, mà còn bởi vì họ duy trì những quan điểm được hình thành từ căn bản một cách sai lầm về bản chất của Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc, vì nhiều lý do, nay không thể đáp ứng một kỳ vọng sơ đẳng của các nước khác: họ không thể sống trong hệ thống quốc tế hiện hành, mặc dù khuôn khổ đó đã chứng tỏ rất có tính thích nghi.

Một Trung Quốc đang tìm cách trở thành một kẻ phá bĩnh dài hạn đã đủ tồi tệ, nhưng có bằng chứng cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc có tầm nhìn rộng hơn và những ý định xấu xa hơn. Tập Cận Bình, nhà cai trị hiện thời, rõ ràng tham vọng hơn nhiều so với Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, ba vị tiền nhiệm ngay trước ông. Giống như Mao Trạch Đông, vị tiền nhiệm của Đặng và cũng là nhà sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân, Tập có một tầm nhìn toàn cầu. Trong khi Mao nói một cách cuồng nhiệt về cuộc cách mạng cộng sản quét qua khắp hành tinh trong tương lai xa, Tập ngoái nhìn một cách hoài cổ về quá khứ đế quốc của Trung Quốc, nơi vị hoàng đế luôn cho rằng ông hay bà ta—từng có một phụ nữ ngồi trên ngai vàng—cai trị cả thiên hạ.

Tập nói đến “thiên hạ” trong những tuyên bố của mình, các học giả của Bắc Kinh nghiên cứu cách áp dụng “thiên hạ” cho thế giới, còn các giới chức Trung Quốc thì gợi ý rằng một cuộc cách mạng “thiên hạ” sắp xảy ra với hệ thống quốc tế. Chẳng hạn, hồi tháng 9 năm 2017, Ngoại trưởng Vương Nghị viết trên Học tập Thời báo, tờ báo chính thức đầy ảnh hưởng của Trường Đảng Trung ương, rằng “tư tưởng về ngoại giao” của Tập Cận Bình đã “tạo ra những phát kiến và vượt lên trên những lý thuyết truyền thống của phương Tây về quan hệ quốc tế trong suốt 300 năm qua.”

Vương, qua sự tham chiếu về niên đại của mình, đã nhắc đến hệ thống hiện hành của các quốc gia có chủ quyền, xuất phát từ Hiệp ước Westphalia năm 1648. Việc ông ngoại trưởng sử dụng từ “vượt lên trên,” do đó, là một chỉ dấu rằng Tập không chỉ muốn thế giới để mặc Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Trái lại, ông còn chiêm nghiệm về một thế giới trong đó chỉ riêng Trung Quốc có chủ quyền.

Tập không muốn “xuất khẩu” mô hình cai trị Trung Quốc, như người ta thường nói, mà muốn loại bỏ mọi mô hình cạnh tranh. Khi nhà cai trị Trung Quốc nói với ta, “Người Trung Quốc luôn cho rằng thế giới hợp nhất và cả thiên hạ là một gia đình,” như ông tuyên bố trong Thông điệp Đầu Năm Mới 2017, thì ông đã không phát đi một lời nói vui nhân ngày nghỉ. Ông thực sự đang ra lệnh cho ta chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc. “Trong nước Cộng hòa Nhân dân, giờ đây có một sự hồi sinh rõ rệt và ngày càng mạnh mẽ của các giá trị và lý tưởng chính trị truyền thống, đế quốc,” Fei-Ling Wang, tác giả của sách The China Order: Centralia, World Empire, and the Nature of China Power (tạm dịch: “Trật tự Trung Quốc: Trung Nguyên, Đế chế Thế giới, và bản chất của quyền lực Trung Quốc”), nói với tôi hồi gần đây. Những “giá trị và lý tưởng” này bao gồm một “Trật tự Trung Quốc” toàn trị, một đế chế thế giới bao quát cả thiên hạ.

Charles Horner thuộc Viện Hudson nói rằng, những tham vọng về thiên hạ không có sức thu hút nào bên ngoài Trung Quốc và không có người ủng hộ tại bất cứ nơi nào khác. Nhưng sự thể là Tập cứ tiếp tục nói về chúng là một cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc bất chấp và quyết tâm áp đặt chúng. Các quan điểm của Tập dĩ nhiên là lố bịch, nhưng dù sao chúng cũng khiến Washington lưu ý rằng Trung Quốc không đang cạnh tranh với Hoa Kỳ trong hệ thống Westphalia hiện hữu, điều mà gần như tất cả các nhà quan sát đều mặc định. Trên thực tế, Trung Quốc đang hành động theo những cách thức không thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ và mọi bên liên quan khác trong cái trật tự hiện hành ấy.

Trước tình huống ảnh hưởng và thái độ thù địch của Bắc Kinh ngày càng gia tăng, người ta thắc mắc làm thế nào Washington có thể giao tiếp thành công với một Trung Quốc đáng kinh tởm và thù địch, nhưng một vấn đề cơ bản hơn là liệu Washington có nên gắng gượng giao tiếp hay không. Việc giao tiếp, dưới mọi dạng thức khác nhau của nó, rõ ràng là hết sức nguy hiểm vì nó sẽ giúp cho con quái vật Frankenstein trở nên mạnh mẽ hơn, nếu ta có thể mượn hình ảnh của Nixon. Vậy ta phải làm sao? Arthur Waldron, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc, nói “Chỉ một điều: hoàn toàn bước ra khỏi bất cứ nơi nào đầy dịch bệnh và sự truyền nhiễm.” Laura Ingraham của đài Fox News thì đi một bước xa hơn trong chương trình truyền hình phát vào giờ vàng của bà hồi tháng Tư, khi bà kêu gọi “tẩy chay” Trung Quốc.

Bất kể ta cổ xúy cho một cuộc tẩy chay toàn diện hay chỉ đoạn giao dần dần, thì con đường an toàn duy nhất cho nước Mỹ là không cung cấp thêm nguồn lực cho Bắc Kinh bằng cách thôi hỗ trợ nền kinh tế của họ, và đó là một trong nhiều biện pháp. Do không đủ nguồn lực, đối thủ nhiều thập kỷ Liên Xô đã gục ngã, và do không đủ nguồn lực, đối thủ Trung Quốc cũng sẽ chung số phận.

                                                       * * *

Một cuộc đoạn giao không đau đớn là bất khả. Như Waldron đã chỉ ra, “chúng ta đã không do dự xây một mạng lưới rộng lớn của sự phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc.” Tháo dỡ dần nhiều thập kỷ chính sách sai lạc—và mối tương thuộc này—chắc chắn sẽ mang đến những tổn thất. Chẳng hạn, sẽ có những gánh nặng lên nền kinh tế Mỹ, ít nhất là lúc đầu. Việc di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, một thành tố chính của chiến lược đoạn giao, sẽ gây xáo trộn lớn lao.

Một số công ty, như Apple phụ thuộc vào nhà sản xuất hợp đồng Foxconn, sẽ đứng trước rủi ro trong nhiều năm. Có thể có những gián đoạn trong dòng chảy dược phẩm, vì riêng ngành công nghiệp đó đã tập trung phần lớn sản xuất tại Trung Quốc. Hơn nữa, cuộc đoạn giao sẽ tạo rủi ro cho đầu tư của người Mỹ vào quốc gia đó, ước lượng trị giá tới 256 tỷ đô la. Trong hoàn cảnh bình thường Bắc Kinh đã giữ các công ty Mỹ làm con tin, nên chắc chắn họ sẽ làm như vậy khi nhận rõ Washington đang tìm cách ly dị hoàn toàn.

Thế nhưng có những yếu tố giảm thiểu then chốt. Thứ nhất, hầu hết công ty có thể điều chỉnh nhanh chóng, chuyển sản xuất trong một số trường hợp chỉ trong vài tháng. Khi tôi hành nghề luật sư ở Hồng Kông, tôi đã giúp nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Họ đã tiến hành không ngừng nghỉ, và tôi đã chứng kiến họ quay lại Trung Quốc một cách suôn sẻ vài tháng sau đó, khi thấy rõ biến động chính trị không ảnh hưởng mấy đến lĩnh vực sản xuất của nước này.

Ngay cả Apple đang phụ thuộc vào Trung Quốc cũng có thể thích nghi. Foxconn, công ty đã có cơ sở tại những quốc gia khác, đang toan tính mở một nhà máy tại Wisconsin, và chính công ty có đại bản doanh tại Cupertino cũng đang xây nhiều cơ sở quan trọng tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu ở đó. Thủ tướng Narendra Modi sẽ rất vui khi đất nước của mình trở thành “sàn máy” mới của thế giới vì điều đó sẽ đẩy mạnh thêm nữa chương trình “Make in India” dấu ấn của ông.

Thứ hai, các công ty, vì lý do kinh doanh, đã giảm bớt nguy cơ tổn hại đối với Trung Quốc—phần lớn vì nền kinh tế tại đó đang xấu đi, những hành động thiên vị của Bắc Kinh nhằm vào họ, chi phí sản xuất thấp tại những nơi khác và nhận thức ngày càng tăng về rủi ro địa chính trị của Trung Quốc. Chẳng hạn như GoPro tuyên bố hồi tháng 12 sẽ chuyển một số nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Cùng lúc, ngành sản xuất ở Mỹ đang phát triển mạnh do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm sự phổ biến đang tăng của việc đặt cơ sở sản xuất gần với điểm tiêu thụ. Stanley Black & Decker's thông báo hồi tháng 5 là sẽ xây một nhà máy trị giá 90 triệu đô la ở Texas để sản xuất dụng cụ nhãn hiệu Craftsman—hiện đang được sản xuất tại những địa điểm như Trung Quốc và Mexico; đây là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ có thể sản xuất một cách cạnh tranh cả những món hàng không có lãi nhiều. Việc đoạn giao với Trung Quốc đang trở thành thời thượng khi phong trào “trở về đất mẹ” có đà tiến.

Thứ ba, việc giao tiếp trong suốt nhiều thập kỷ đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc chiếm đoạt tài sản trí tuệ của Mỹ và việc đoạn giao sẽ làm giảm những tổn thất nặng nề. Mỗi năm, Bắc Kinh đánh cắp hàng trăm tỷ đô la tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, có lẽ lên tới 600 tỷ đô la, như bản cập nhật tháng 2 về những phát hiện của Ủy ban về Trộm cắp Tài sản Trí tuệ Mỹ và báo cáo của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong cùng tháng cho thấy. Trung Quốc chiếm 87% số hàng lậu bị thu giữ ở biên giới Mỹ, vì vậy không có gì lạ khi nhiều người gọi việc trộm cắp của Trung Quốc là “vụ trộm lớn nhất thế giới.”

Ngoài trộm cắp trắng trợn ra, còn có những vụ mất tài sản trí tuệ do bị luật pháp cưỡng hành hoặc do cách làm ăn—một số vụ này rõ ràng vi phạm những nghĩa vụ của Bắc Kinh trong WTO. Chiến dịch chộp công nghệ này đã tiếp diễn suốt nhiều thập kỷ và do đó rõ ràng đã được chỉ huy từ chóp bu trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Thật đáng kinh ngạc, nạn trộm cắp, tồn tại trong bốn thập kỷ, đã khiến thế kỷ này trở nên càng gắn bó hơn nữa với nền kinh tế Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào, vị tiền nhiệm trực tiếp của Tập Cận Bình, đã bảo trợ cho những luật lệ về “công nhận sản phẩm sáng chế bản địa” không tuân thủ WTO. Tập đưa trò chộp công nghệ của Hồ tiến thêm một bước với sáng kiến táo bạo “Made in China 2025,” mường tượng ra cảnh Trung Quốc thống trị 11 lĩnh vực công nghệ vào giữa thập kỷ tới. Nay đã rõ Trung Quốc không thể đáp ứng thời gian biểu đầy tham vọng do Tập đề ra qua CM2025, như tên gọi của kế hoạch này ở Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh tiếp tục chiếm đoạt tài sản trí tuệ nước ngoài. Thật vậy, các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nhằm mục đích thương mại dường như có liên quan đến sáng kiến lớn của Tập.

Gộp tất cả các điều này lại với nhau, ta thấy rõ tại sao bản báo cáo Blair-Huntsman mới nhất—tên gọi thông thường của bản báo cáo của Ủy ban về Trộm cắp Tài sản Trí tuệ Mỹ—gọi Trung Quốc là “kẻ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chính của thế giới.” Việc đoạn giao có nghĩa là rốt cuộc sẽ có ít cơ hội hơn để Trung Quốc trộm cắp và gần như không còn cơ hội nào cho nạn chiếm đoạt theo luật định.

Thứ tư, chính sách công nghiệp của Trung Quốc đang gây tổn hại cho các công ty Mỹ và việc đoạn giao sẽ giảm tác hại bằng cách di chuyển họ càng xa càng tốt khỏi tầm với của Bắc Kinh. Tập Cận Bình đã tung ra nhiều nỗ lực kiểu Cách mạng Văn hóa chống lại các doanh nghiệp nước ngoài ăn nên làm ra, theo đuổi những hành động pháp lý mang tính kỳ thị cao nhằm vào họ, và bảo trợ cho những luật lệ về an ninh quốc gia tạo gánh nặng không cần thiết cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Tóm lại là việc đoạn giao sẽ cứu các công ty khỏi những điều kiện đang ngày một xấu đi ở Trung Quốc.
   
                                                         * * *

Trung Quốc ngay lúc này là một “mớ bòng bong nóng hổi” và đang hết sức cần một cuộc giải cứu khác của Mỹ.

Tập Cận Bình nhận về kết quả từ các chương trình gây trì trệ của chính mình: nền kinh tế đang chậm lại. Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của nhà nước thường xuyên báo cáo tăng trưởng kinh tế nằm ở khoảng cao của sáu phần trăm, nhưng những báo cáo đó đã được phóng đại, đặc biệt là kể từ giữa thập niên này. Lấy năm 2016 làm ví dụ. NBS báo cáo rằng tổng sản lượng quốc nội của Trung Quốc tăng 6,7% trong năm đó. Tuy nhiên, vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới ban hành một biểu đồ cho thấy GDP của Trung Quốc chỉ tăng 1,1%, và con số thấp đến kinh ngạc này phù hợp với chỉ số duy nhất đáng tin cậy về hoạt động kinh tế Trung Quốc: tổng tiêu thụ năng lượng chính. Thống kê chính thức báo cáo rằng năm 2016, số đo này tăng 1,4%.

Tình hình đã không khá hơn bao nhiêu kể từ đó. Hồi tháng 12, Xiang Songzuo của Đại học Nhân dân gây chấn động khắp Trung Quốc khi ông nói rằng tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt khoảng 1,67% và rằng nền kinh tế thậm chí có thể co cụm. Các chỉ số cho tháng đó cho thấy có sự co cụm, cũng như các con số cho tháng 1 và tháng 2.

Trong tháng 3, có một cú dội lên nhẹ do Bắc Kinh thực hiện những gì họ đã hứa trong năm nay sẽ không làm: đó là làm tràn ngập nền kinh tế bằng cách tạo thêm nhiều nợ nữa. Ấy vậy mà nền kinh tế giờ đây vẫn đi xuống trở lại khi đợt kích thích bớt tác dụng—thêm bằng chứng cho thấy chỉ nợ mà thôi không thể tạo ra một cuộc phục hồi bền vững. Ngay cả khi ta tin vào những con số tăng trưởng được phóng đại của Bắc Kinh, quốc gia này vẫn đang tạo ra nợ ít nhất năm lần rưỡi nhiều hơn so với GDP danh nghĩa.

Điều sẽ giải cứu một Trung Quốc dễ vỡ tại thời điểm này là Hoa Kỳ tiếp tục mối quan hệ thương mại với nhà nước Trung Quốc. Xét cho cùng, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đối với Mỹ hồi năm ngoái (419,53 tỷ USD) chiếm tới 119,3% thặng dư hàng hóa nói chung (351,76 tỷ USD) trong cùng giai đoạn. Vì vậy, việc đạt thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ là tối quan trọng đối với Tập Cận Bình. Như nhiều giới ở Trung Quốc đang rỉ tai nhau trong những ngày này, “chỉ có Trump mới cứu được Trung Quốc.”

Tuy nhiên, ngay cả khi Trump muốn cứu Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn không thể được cứu. Nhà nước Trung Quốc, vì nhiều lý do, không thể duy trì mối quan hệ thương mại với Mỹ.
Những người ủng hộ một hiệp định thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc cho rằng một thỏa thuận sẽ chấm dứt những hành vi tội phạm và tai hại của Bắc Kinh. Hơn nữa, họ cho rằng, một thỏa thuận sẽ mở cửa nền kinh tế Trung Quốc thêm nữa bằng cách giảm thuế, giành được sự tiếp cận cho các doanh nghiệp Mỹ trong những lĩnh vực hiện cấm người nước ngoài, bãi bỏ trợ cấp cho các đối thủ cạnh tranh thuộc khu vực quốc doanh, và loại bỏ những yêu cầu mang tính kỳ thị và khó chịu đối với các thực thể nước ngoài.

Tuy nhiên, vấn đề với một cách tiếp cận như vậy là Washington đã ký kết nhiều thập kỷ thỏa thuận với Bắc Kinh, và Bắc Kinh đã vi phạm tất cả. Hãy xét hoàn cảnh các công ty xử lý thanh toán điện tử của Mỹ. Như một điều kiện để gia nhập WTO, Trung Quốc hứa sẽ cho phép các doanh nghiệp này vào thị trường Trung Quốc vào năm 2006, năm năm sau khi gia nhập. Ngày hôm nay, sau khi Bắc Kinh thua một vụ kiện tại WTO về vấn đề này vào năm 2012, vẫn chưa có công ty Mỹ nào vào được thị trường Trung Quốc. American Express hồi cuối năm ngoái nhận được sự chấp thuận chuẩn bị từ ngân hàng trung ương Trung Quốc để phát hành thẻ tín dụng, nhưng lạc quan nhất thì họ sẽ mất thêm một năm nữa để làm được điều đó, và họ đã phải có một đối tác liên doanh để đi xa tới chừng này.

Sự chấp thuận cuối cùng, khi nào và nếu nó xảy ra, sẽ không còn bao nhiêu giá trị. Đến thời điểm này, UnionPay của Trung Quốc đã có đủ thời gian để giành được thế gần như độc quyền ở Trung Quốc về thẻ tín dụng. Ngoài ra, Alipay, chi nhánh của Alibaba Group, cùng với WeChat Wallet của Tencent đã đi tới vị thế thống trị ngành thanh toán điện tử tại nước này. Các chính sách của Bắc Kinh trong lĩnh vực này là gian manh và cực kỳ vị kỷ, và chúng đã thành công.

Điều sẽ không thành công chính là một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bất lợi này cho các công ty Hoa Kỳ. Trung Quốc ngày nay có ít năng lực hơn để tôn trọng các cam kết mà họ đưa ra với Washington so với thời trước Tập. Tập, kể từ khi trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản vào cuối năm 2012, đã đưa Trung Quốc rời xa một nền kinh tế hỗn hợp để đi về phía một hệ thống do nhà nước thống trị. Tập, giống như Mao, đã tìm kiếm sự tự túc. Kết quả là, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đưa rất nước trở lại thập kỷ 1950, tái kết hợp các công ty quốc doanh lớn thành những thực thể độc quyền chính thức; gia tăng sở hữu nhà nước tại các công ty quốc doanh, đảo ngược tiến trình tư nhân hóa một phần của những năm trước; sắp xếp cho các công ty quốc doanh nhận cổ phần trong các công ty tư nhân; và cấp phát thêm nhiều khoản trợ cấp nhà nước cho những người tham gia thị trường được ưa thích, hầu hết là các công ty quốc doanh. Đồng thời, ông đã thực thi nhiều biện pháp kiểm soát—phần nhiều hà khắc—lên các thị trường tài chính và tiền tệ của đất nước nhằm giữ giá cổ phiếu và tiền tệ trong phạm vi do chính phủ ấn định và cắt giảm dòng tiền chảy ra bên ngoài.

Tất cả điều này được hỗ trợ bởi những chiến dịch ý thức hệ và bài ngoại diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Sáng kiến trung tâm của Tập, được gói gọn trong cụm từ “Giấc Mơ Trung Hoa,” mường tượng ra một quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên, một Trung Quốc thống trị bởi nhà nước không đi chung được với khái niệm về một hệ thống định hướng bởi thị trường. Ngoài ra, hơn các vị tiền nhiệm, Tập đã bác bỏ khái niệm về lợi thế so sánh, tức chính khái niệm làm nền tảng cho hệ thống thương mại quốc tế. Tại sao nước Mỹ nên ký một thỏa thuận thương mại với một quốc gia không tin vào thương mại?

Để làm phức tạp thêm những vấn đề, gọng kềm chính trị của Tập yếu ớt hơn thoạt nhìn. Nhà cai trị táo bạo đã đặt cược vị trí bấp bênh của mình ở chóp bu Đảng Cộng sản vào nơi thành công của những nỗ lực lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Mao, vì vậy có ít khả năng ông có thể chấp nhận những yêu cầu mở cửa thị trường mà vẫn giữ được vị trí cao của mình. Bằng cách tập trung quyền lực, ông cũng đã tập trung trách nhiệm, và đối với ông, điều đó có nghĩa là ông không còn có thể đổ lỗi cho một ai khác. Tầm nhìn kiểu chủ nghĩa Mao của Tập hoặc sẽ thành công hoặc ông sẽ phải chịu thua những kẻ thù chính trị mà ông đã tạo ra bằng những đợt thanh trừng chính trị. Hơn nữa, giá của thất bại trong đất nước Trung Quốc của Tập đã tăng lên. Ông đã phi định chế hóa Đảng Cộng sản bằng cách loại bỏ các quy tắc và hiểu biết thời hậu Mao, vốn hạn chế việc đấu đá nội bộ và giảm cái giá mà cá nhân phải trả khi thua những cuộc đấu tranh chính trị. Như thế, ông đang đặt cược hết vốn trên những chính sách kinh tế và chính trị quốc nội kiểu Mao.

                                                                * * *

Trong hoàn cảnh này, những gì gây rắc rối cho mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể được khắc phục bằng một thứ đơn giản như một thỏa thuận. Vậy tại sao các nhà hoạch định chính sách của Washington lại nghĩ rằng giải pháp cho nhiều thập kỷ thỏa thuận thương mại thất bại với quốc gia đó là ký kết một thỏa thuận mới trong một môi trường thậm chí ít thuận lợi hơn?

“Tôi hy vọng quý vị có thể tạo nỗ lực bền bỉ để thúc đẩy một thỏa thuận hầu mang lại lợi ích cho cả hai bên,” Tập Cận Bình nói hồi tháng 2, khi đề cập đến thỏa thuận thương mại sắp tới với Hoa Kỳ. “Chúng ta đều nghĩ rằng khi nói về duy trì thịnh vượng và ổn định của thế giới, cũng như thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và phát triển toàn cầu, hai nước chúng ta chia sẻ lợi ích chung về đại lược.”

Không may, Trung Quốc và Hoa Kỳ, tại những giai đoạn phát triển kinh tế cách xa nhau và với những hệ thống chính trị khác biệt nhau lớn lao, không chia sẻ những lợi ích chung. Hành vi của các lãnh đạo chóp bu Trung Quốc phơi bày một niềm tin rằng họ tính toán lợi ích của mình theo những cách khác xa các đối tác Mỹ.

Điều đó có nghĩa là đoạn giao, chính sách duy nhất chưa từng thất bại trong bốn thập kỷ qua, là chính sách có thể mang lại những kết quả chấp nhận được đối với Mỹ. Dĩ nhiên việc đoạn giao không dễ đi đôi với tính hào phóng và lạc quan của người Mỹ, nhưng Trung Quốc, với tâm lý cạn tàu ráo máng, được ăn cả ngã về không, không để lại cho người Mỹ một lựa chọn nào khác. Nhiều người nói rằng mối ràng buộc giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc là “quá lớn nên không thể để cho thất bại.” Tuy nhiên, vẫn nên chỉ ra rằng Trung Quốc đã trở nên quá hướng nội khiến các mối quan hệ khó thành công.

Jonathan Bass, tổng giám đốc PTM Images và là một người ủng hộ việc đoạn giao, nói rằng Hoa Kỳ nên giao thương với những quốc gia với “một cam kết về dân chủ và pháp trị và một cam kết về niềm tin vào tầm quan trọng của của cá nhân vượt lên trên nhà nước.” Và ông nói tiếp: “nói rằng không thể tháo dỡ mối quan hệ Mỹ-Trung là sai về căn bản.”

Trên thực tế, việc tháo dỡ mối quan hệ đó giờ đây xem ra đúng về căn bản.

------------------

Gordon G. Chang viết cho tạp chí National Interest. Gordon G. Chang là tác giả của cuốn sách Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc.

Nguồn :
June 19, 2019 






No comments:

Post a Comment