Sunday, July 21, 2019

BỨC TRANH KÉM KHẢ QUAN VỀ UNG THƯ TẠI VIỆT NAM 2018 (Nguyễn Trang Nhung)




Chủ Nhật, 07/21/2019 - 08:31 — NguyenTrangNhung

Năm 2018, số người chết do ung thư và số ca ung thư mới tại Việt Nam lần lượt là 114.871 và 164.671.[1] 

Đó là các con số trong kết quả nghiên cứu năm 2018 về ung thư tại 185 nước, được thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (International Agency for Research on Cancer, IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO).[2]

Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam có gần 315 người chết do ung thư, đồng thời, có 451 ca ung thư mới.

Để so sánh các con số về ung thư giữa Việt Nam và thế giới, chúng ta có thể dùng các con số đã được chuẩn hóa tuổi (age-standardized) bởi IARC.

Bảng: Tỷ lệ ca tử và tỷ lệ ca mới trên mỗi 100 ngàn người dân (Nguồn: IARC, WHO)

Theo cách này, trên mỗi 100 ngàn người dân, Việt Nam có số ca tử là 104,4 – đứng thứ 56/185, số ca mới là 151,4 – đứng thứ 100/185 (số ca càng cao thì thứ hạng càng cao).[3]

So với trung bình của thế giới, Việt Nam có tỷ lệ ca tử cao hơn và tỷ lệ ca mới thấp hơn. Tương tự khi so với trung bình của châu Á.[4]

So với trung bình của các nước trong nhóm thu nhập trung bình thấp (low middle income), Việt Nam có cả tỷ lệ ca tử và tỷ lệ ca mới cao hơn. Tương tự khi so với trung bình của các nước có Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index, HDI) trung bình.[5]

Tuy tỷ lệ ca mới của Việt Nam thấp hơn trung bình của thế giới và châu Á, song con số và tương quan này không phản ánh đúng thực tế bởi có đến 70% bệnh nhân khám và phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, theo phản ánh của PGS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương.[6]

Ngoài tỷ lệ ca tử và tỷ lệ ca mới, một chỉ số khác đáng chú ý là tỷ lệ ca sống trong vòng 1, 3 hoặc 5 năm sau chẩn đoán ung thư. Trong vòng 5 năm tính đến năm 2018, số ca sống của Việt Nam là 300.033, tương ứng với tỷ lệ 279 ca sống trên mỗi 100 ngàn người dân (đã được chuẩn hóa tuổi), đứng thứ 108/185.[7]

Cũng theo nghiên cứu trên, tại Việt Nam, 5 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam, theo thứ tự là (1) ung thư gan, (2) ung thư phổi, (3) ung thư dạ dạy, (4) ung thư đại trực tràng và (5) ung thư vòm họng, trong khi đó, 5 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ, theo thứ tự, là (1’) ung thư vú, (2’) ung thư đại trực tràng, (3’) ung thư phổi, (4’) ung thư dạ dạy và (5’) ung thư gan.

Nghiên cứu còn đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư trước tuổi 75, mà tại Việt Nam là 15,6% và 11,1% tương ứng ở nam và nữ.

Bức tranh vừa nêu phần nào cho thấy tình trạng kém khả quan của việc phòng, chống ung thư tại Việt Nam. 

Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này, và một số trong đó nằm ở sự khác biệt giữa nhóm nước có HDI thấp và trung bình và nhóm nước có HDI cao.

Đối với nhiều bệnh ung thư, tỷ lệ ca mới tại các nước có HDI cao thông thường gấp 2 đến 3 lần so với tại các nước có HDI thấp hoặc trung bình. Tuy nhiên, tỷ lệ ca tử giữa hai nhóm nước này có sự khác biệt nhỏ hơn.[8] 

Điều trên có thể được giải thích một phần là vì ở các nước có HDI càng thấp, với điều kiện sống càng nghèo nàn, một số bệnh ung thư càng phổ biến, và phần khác là vì người dân ở các nước này ít có khả năng được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả hơn.[9]

Trong trường hợp Việt Nam – với HDI trung bình và thu nhập trung bình thấp, giải thích trên đúng do đa số bệnh nhân khám và phát hiện ung thư muộn (như trên đã nêu) và do một tỷ lệ không nhỏ có điều kiện tài chính hạn hẹp cho việc khám chữa bệnh. 

Vì vậy, để phòng chống ung thư, một số điều cần làm là nâng cao hiểu biết của người dân về ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư thường gặp, khuyến khích họ khám bệnh định kỳ nhằm chẩn đoán và điều trị sớm, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh cho họ, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp. 

-----------------
Chú thích:


[2][3][4][5] Dữ liệu về ung thư của 185 quốc gia được khảo sát
https://gco.iarc.fr/today/fact-sheets-populations 

[6] Ung thư do ăn uống tăng mạnh ở Việt Nam
https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/ung-thu-do-an-uong-tang-manh-o-v...

[7] Như [1]

[8][9] Latest global cancer data (Press Release No. 263)
https://www.iarc.fr/wp-content/uploads/2018/09/pr263_E.pdf







No comments:

Post a Comment