Sunday, June 30, 2019

THƯ CON GÁI GỬI BỐ TỬ TÙ ĐẶNG VĂN HIẾN (FB Quyền Được Sống)






Nhung là con gái lớn của Đặng Văn Hiến. Ước mơ của cô gái mới lớn đổ vỡ sau ngày bố bị bắt. Nhung không dám nghĩ đến điều gì khác ngoài làm quen với công việc làm vườn của bố và chăm sóc mẹ và em trai 5 tuổi.

Dưới đây là toàn bộ thư của Nhung viết gửi bố Hiến đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Nông.

Hãy chia sẻ với Nhung bằng cách gửi bức thư này đến bạn bè của mình.

——-

Bố yêu của con,

Kể từ ngày bố xa gia đình đến nay đã được 2 năm 8 tháng rồi. Bố à, đã từ rất lâu rồi con không thể gọi tiếng bố hàng ngày cũng không còn được bố nhắc nhở con gái ăn uống đầy đủ nữa.

Bố luôn là cánh tay lớn để che chở cho con. Khi còn nhỏ, con đã rất buồn khi bố mẹ để con lại cho ông bà và chú thím. Khi đó con chỉ mới 7 tuổi. Con cứ nói là bố mẹ đi “Niềm Nam”. Con còn chẳng biết cái “Niềm Nam” ấy là bao xa, trông như thế nào cả. Đã có rất nhiều lần con đi chơi trong xóm, vì mãi chơi không biết về người ta trêu đùa con là “bố mày đi Niềm Nam về rồi kìa. Nhung về nhà đi”. Con đã vui mừng, bỏ chơi để chạy thật nhanh về nhà nhưng không thấy bố đâu cả.

Ở xa, bố mẹ hay điện về cho con nhưng con vẫn tủi thân. Bố biết không cứ mỗi lần bố mẹ về thăm con thì con vui lắm. Con không muốn xa vòng tay yêu thương ấm áp của bố mẹ . Mỗi lần bố mẹ rời đi con chỉ biết ngồi khóc một mình.

Mùa hè năm con 12 tuổi, ông nội đưa con vào chơi với bố mẹ. Con vui lắm vì sắp được gặp bố mẹ. Đó là bước chân đầu tiên của con vào “Niềm Nam” nên con rất háo hức. Đó cũng là quãng đường rất xa, đi cả 2 ngày 2 đêm con mới vào tới nơi. Đến nơi, gặp bố mà con cứ hỏi mẹ đâu, bố nói với con là nhà mình vẫn còn xa lắm, rồi chở con về qua con đường dài, rất vất vả, mưa trơn, lầy lội.

Con đã nghĩ sao bố mẹ có thể đi được con đường khó như vậy. Nhà mình ở nơi hoang vắng, ít người đi lại, nhìn bốn phương trời heo hút đều là cây cối. Cuộc sống lúc đó thật là vất vả nhưng bố luôn là bờ vai vững chắc nhất cho mẹ và con.

Con đã xa bố mẹ suốt 11 năm tuổi thơ. Cuối cùng thì con cũng được sống gần với bố mẹ khi con học lớp 11. Nói là gần nhưng thật ra trường học thì xa nhà nên con phải ở trọ chỉ cuối tuần con mới về với bố mẹ và em.

Dù vậy, con đã đạt được ước mơ là được sống với có bố mẹ, như bao người khác. Nhưng mà niềm vui đó không được bao lâu thì bố lại hy sinh bản thân vì gia đình, vì miếng cơm manh áo, vì mảnh đất mà bố đã đổ biết bao mồ hôi, công sức. Từ khi diễn ra cuộc tranh chấp đất đai giữa Công ty Long sơn và người dân. Công ty cứ lấn chiếm đất, ủi không biết bao nhiêu cây cối của người dân. Bố đã rất búc xúc và kìm nén nhiều lần. Con biết nhiều lần bố bị đánh mà vẫn không từ bỏ mảnh đất này.

Con sững sờ khi nghe tin bố cầm súng bắn chết ba người. Tất cả mọi thứ đều tuyệt vọng. Bố dự định là con sẽ đi Nhật Bản để làm việc như ước mơ của con. Ấy thế mà chỉ trong chốc lát mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Lúc còn đi học, con đã hứa với bố là sẽ đi học để sau này kiếm nhiều tiền để nhà mình không phải ở mảnh đất hoang vu này nữa.

Lúc bố gặp chuyện, con đã không hiểu. Con đã trách móc bố là tại sao bố lại bắn chết người. Từ trước giờ, bố không ngại đường xa, không quản khó nhọc để cứu người. Bất cứ ai bị thương hay ốm đau, bố đều tận tình giúp đỡ.

Vậy tại sao bố bắn chết người như thế? Con đã âm thầm trách bố nhiều lắm chỉ đến khi con nghe được đầu đuôi câu chuyện. Bố đã rất ức chế khi họ sàn ủi vườn điều mà bố đã vun trồng bấy lâu nay. Họ ngang nhiên tới phá hoại với lực lượng vũ trang rất đông. Họ đã ủi vườn cây của gia đình mình tới hai lần nên bố mới làm như vậy.

Con đã không còn trách bố nữa mà con thấy thương bố nhiều hơn. Con rất tự hào về bố. Con vẫn tự cho rằng bố là người anh hùng của lòng con bố ạ.

Từ ngày bố gặp chuyện, biết bao là khó khăn đến với gia đình mình, biết bao là cơ cực đến với con. Con chưa một ngày lam lũ làm việc vườn, mẹ thì bị bệnh nên ốm yếu mà em con thì còn rất nhỏ.

Con rất bối rối không biết làm mọi việc sao cho đúng. Cây cối bố đã trồng, con chỉ biết chăm bón rồi thu hoạch. Con chỉ biết làm trong nỗi lo sợ không biết con có đủ sức chăm sóc mẹ và em hay không. Nhưng dần con đã thích nghi được cuộc sống hiện tại.

Hiện giờ, gia đình mình mỗi người một phương rồi. Con chỉ được gặp bố mỗi tháng một lần trong 30 phút ngắn ngủi mà thôi. Thời gian đó trôi qua rất nhanh bố à.

Cứ mỗi lần thăm bố là con lại muốn ngã vào lòng bố, ôm bố. Con sẽ hỏi “bố ơi bố có khoẻ không? Bố ăn uống thế nào có tốt không?”, rồi bố đưa tay xoa đầu con như lúc con còn nhỏ vậy.

Bố đã rất vất vả và chịu nhiều áp lực. Bố đã hai lần bị tuyên án tử hình. Con rất lo sợ sẽ mất bố. Nhưng giờ đây, bố đang được Chủ tịch nước đề nghị xem xét lại án tử của bố. Vậy là con vẫn còn động lực để cố gắng. Bố được rất nhiều người ủng hộ và quan tâm tới bố, không chỉ riêng trong nước mà ngoài nước họ cũng ủng hộ bố.

Bố à, bố là một người rất dũng cảm hi sinh vì mọi thứ. Bố chấp nhận đánh đổi tất cả để gia đình có được cuộc sống tốt hơn. Con cũng đã mạnh mẽ hơn, đôi chân bé nhỏ của con đã vững vàng hơn. Con sẽ làm tròn trách nhiệm của một người con, một người chị mạnh mẽ để vượt qua tất cả khó khăn. Bố đã mang tới cho con biết bao là nỗi nhớ, biết bao là tủi hờn nhưng chính vì điều đó đã giúp con khôn lớn, nghị lực và kiên cường hơn trong cuộc sống.

Tất cả mọi người luôn mong chờ phép màu sẽ đến với bố. Con luôn hy vọng bố có cơ hội được trở về mảnh đất của gia đình mình. Bố sớm trở về quê nhà ở Lạng Sơn. Ở nhà con sẽ luôn luôn cầu nguyện cho bố mạnh khoẻ và bình an. Bố yên tâm và phấn chấn không được nghĩ tiêu cực để cho con còn có hi vọng bố vẫn luôn che chở cho con bố nhé. Con yêu bố thương bố nhiều lắm giống như bố không ngừng yêu thương con. Bố luôn luôn là một tấm gương cho con và em. Mong bố sớm về đoàn tụ với nhà mình.

Tâm thư con Nhung gửi bố Hiến.

------
Nếu bạn quan tâm xin hãy ủng hộ các gia đình tử tù tại đây https://bit.ly/2QFwiAt



Chúng tôi xin đăng thư viết tay của Nhung ở đường link này với sự đồng ý của em: https://drive.google.com/.../1e9F7Q96...
drive.google.com

*

Kính thưa quý Anh/Chị,
Án tử hình là bản án có tính răn đe nhất nhưng cũng gây nhiều đau khổ nhất.






No comments:

Post a Comment