Sunday, June 30, 2019

KHI TRÍ THỨC CAN ĐẢM LÊN TIẾNG & ĐÓNG VAI TRÒ 'KHAI SÁNG' (Quốc Phương - BBC)




Quốc Phương
Bauxite Việt Nam,  30/06/2019

BÁI BIỆT PHẠM HUYNH

Anh Phạm Toàn yêu quý,

Vô cùng đau đớn khi biết tin Anh ra đi giữa lúc tôi và anh chị em Bauxite Việt Nam không ai có mặt ở Hà Nội để vĩnh biệt Anh. Đó là điều quá ư bất nhẫn mà không biết làm sao. Bauxite Việt Nam đã tồn tại được 10 năm và tình bạn giữa chúng ta cũng đã có chẵn một thập niên gắn bó. Trong 10 năm ấy Anh còn dành tâm huyết cho bộ sách Cánh buồm, lý tưởng cả một đời đối với thế hệ con trẻ mà Anh đau đáu muốn đem hết tài năng, sức lực giúp các em trở thành những lớp người thật sự giỏi giang, đáp ứng yêu cầu sinh tồn của cộng đồng dân tộc Việt, trong điều kiện ngành giáo dục nước ta đang hết sức thiếu những nhà giáo dục học tài ba về lý thuyết cũng như thực hành để tạo nên những đột phá quan trọng, như những việc Anh đã nỗ lực tiến hành.

Nhưng bên cạnh công việc cho nhóm Cánh buồm, Anh vẫn là một sáng lập viên trang Bauxite Việt Nam, diễn đàn tiên phong góp một phần công sức đặt nền móng cho tiếng nói phản biện rộng rãi và tích cực của xã hội dân sự đối với chính quyền Việt Nam, với khát vọng buộc chính quyền dù muốn dù không cũng phải  xem xét lại đường lối chính sách của mình trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, đặc biệt trong quan hệ ngoại giao với chính quyền Trung Quốc, nhằm tỉnh táo xây dựng đất nước theo hướng độc lập, tự chủ, thoát ly những trói buộc về ý thức hệ đưa đến những hậu quả không thể nào lường nổi; mặt khác mở rộng quyền dân chủ của người dân, tránh cho dân tộc chịu thảm cảnh suy thoái do gánh nặng nhiều mặt của thể chế độc tài.

Trong tất cả những gì mà diễn đàn Bauxite Việt Nam đã làm được kể từ ngày nó xuất hiện và góp mặt vào hàng ngũ tiếng nói của xã hội dân sự đến nay, sự đóng góp của Anh có một ý nghĩa to lớn, không thể nào thiếu được. Là người dạn dày kinh nghiệm trong cuộc đời nhiều chìm nổi, Anh tuy đứng ở sau lưng nhưng thực tế vẫn luôn luôn sát cánh cùng chúng tôi, từ việc chung lưng đấu cật vạch đường đi nước bước cho những chặng đầu tiên rất cơ bản của trang mạng chúng ta, đến việc nêu ra những phương hướng kết hợp lý thuyết và hành động về sau, cũng như xây dựng đội ngũ cộng tác viên để trang mạng ngày càng có nhiều mũi đấu tranh, nhiều bình diện thông tin rộng rãi trong đời sống. Và trên các bước tiến lùi gian khổ của nó, sự hiện diện của Anh dầu có lúc chỉ còn là gián tiếp, vẫn là một chỗ dựa quan trọng để anh chị em không mất niềm tin vào chính mình. Có thể nói con đường dài mười năm của Bauxite Việt Nam chưa một lúc nào vắng mặt anh.

Về phần cá nhân tôi, với vai trò một người thường trực trang mạng trong nhiều năm, sự chăm sóc chu đáo của Anh cũng là điều không thể không nói đến. Chúng ta đã bàn bạc rất nhiều điều với nhau. Nhiều đêm cùng thức trắng vì thảo một Kiến nghị gửi lên Nhà nước, phải xóa đi xóa lại nhiều lần vì cứ ngây thơ nghĩ rằng mỗi chữ mình viết ra đều rất hệ trọng. Cho đến khi cùng đồng hành đưa Kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ bị từ chối mời ra khỏi cổng mới biết rằng “đã bạc tóc mà còn dại” (câu nói ngay lúc ấy của anh). Chúng ta cũng đã có những chuyến đi không quên được vì mục tiêu “trực tiếp đến với dân”, như cuộc cứu trợ bão lụt cuối năm 2009, lên đến cả địa điểm Tumeron ở Kon Tum, mà tại đỉnh cao này trên cao nguyên Trung phần, trong một buổi tối đói và rét, tôi đã khóc vì linh cảm một bạn trẻ giúp việc kỹ thuật sẽ bị bắt, còn Anh thì sẽ sàng vỗ vai tôi và đưa ra một mệnh lệnh: Huệ Chi hãy quên hết để nghĩ đến trách nhiệm đang đè lên đầu mình.

Trong những dịp cùng chung gánh vác ấy, bao giờ Anh cũng chủ động chia sẻ gánh nặng với tôi. Đặc biệt, khi tôi bị mời đi thẩm vấn 22 ngày vào đầu năm 2010, chính Anh đã chủ động đến ngay nhà tôi vào hôm đầu tiên tôi vắng mặt, để giữ vững tinh thần cho vợ tôi, và hầu như ngày nào Anh cũng đến trong suốt cả 22 ngày. Anh còn xông ra đảm nhiệm điều hành trang blog thay cho trang mạng bị đánh sập để chuyển tải thông tin đi mọi nơi, mà sâu xa bên trong là cốt lên tiếng cảnh báo với công luận về những gì tôi đã bị xử trí không đúng. Chỉ một ngày tôi về muộn so với giờ giấc đã định, Anh đều đưa tin đầy đủ đến bạn đọc với tất cả tâm trạng lo lắng. Chỉ một cuộc thẩm vấn bị kéo dài cố ý Anh đều phân tích rạch ròi dụng ý của kẻ thẩm vấn ẩn giấu bên trong. Có thể nói Anh đã bền bỉ đấu tranh trên phương tiện truyền thông cho việc tôi được chấm dứt thẩm vấn cho đến tận giờ phút cuối cùng [1]. Cứ nghĩ, nếu không có Anh vào những thời khắc hệ trọng đó, không hiểu số phận tôi đã như thế nào. Trước sau, trong cuộc đời hoạt động có chút ý nghĩa cho dân tộc và đất nước, Anh đã là một người anh lớn đối với tôi.

Anh Phạm Toàn yêu quý, thế là tôi còn nợ Anh một món nợ lớn trên cuộc đời này: đã không có mặt trong giờ phút Anh đi xa mãi mãi. Thôi thì đành khất nợ với hương hồn Anh và xin hẹn với Anh sẽ trả nếu còn có kiếp sau.

Từ nơi xa xôi xin cúi đầu vĩnh biệt Anh.

Nguyễn Huệ Chi

[1] Xin xem

-----------------------------

Nhà giáo Phạm Toàn (phải) và nhà văn Nguyên Ngọc và nhiều trí thức, nhân sỹ khác được biết đến nhiều trong phong trào phản biện về Bauxite ở Việt Nam.  OTHER/VĂNVIỆT

Điểm nổi bật của trang phản biện và blog Bauxite Việt Nam là sự hiện diện của trí thức Việt Nam ở đằng sau trang mạng này, một nhà báo tự do và cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam nói với một hội luận của BBC Tiếng Việt.

Những người sáng lập, vận hành và tham gia trang Bauxite Việt Nam thực sự đã làm công việc ‘khai sáng’, ý kiến khác từ một nhà văn tại Berlin chia sẻ thêm.

Phạm Toàn là một ‘tấm gương’ cho các trí thức ở Việt Nam, vẫn làm chuyên môn ‘cực kỳ xuất sắc’ nhưng ‘không né tránh, quay lưng’ với những vấn đề của đất nước, kể cả chính trị, một dịch giả và nhà thơ từ Texas, Hoa Kỳ, nói thêm với diễn đàn này của BBC.

Bình luận với Bàn tròn thứ Năm từ London hôm 27/6/2019 về đóng góp và tác động lớn nhất của trang Bauxite Việt Nam, nhân sự kiện cựu đồng sáng lập trang này, nhà giáo, nhà văn hóa Phạm Toàn, qua đời, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói:

“Cái lớn nhất tôi cũng có thể nói ngay, tôi cũng đã suy nghĩ từ khi đó cho đến bây giờ, cái đó là người ta nhìn vào trang đó, người ta thấy trí thức Việt Nam ở đó, đằng sau trang đó. Cái đó rất quan trọng”.

Nhà báo, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói nhìn vào trang Bauxite Việt Nam là thấy sự hiện diện và vai trò của trí thức Việt Nam ở đó. Bản quyền hình ảnh: BÀN TRÒN THỨ NĂM TỪ LONDON

Và người sáng lập trang mạng Ba Sàm, ông Nguyễn Hữu Vinh, nói thêm từ Hà Nội:

“Còn trang Ba Sàm, dù cho ảnh hưởng của nó như thế nào, nhưng mà có thể nói, nó xếp sau trang Bauxite Việt Nam ở cái ý nghĩa đó - đấy là một trang của trí thức Việt Nam.
“Cũng như là báo nhà nước cũng thế, nhà nước [Việt Nam] cũng có thời có một tờ tạp chí mà một giai đoạn nhiều năm người ta coi đấy là một tờ tiêu biểu của những người trí thức đang ở trong lòng của chế độ này.

“Đấy là một thời thôi, còn về trang mạng, một ảnh hưởng của trang Bauxite Việt Nam chính là giá trị của những người trí thức Việt Nam đứng đằng sau đấy”.

‘Làm công việc khai sáng’

Từ Berlin, nhà văn Võ Thị Hảo đưa ra bình luận về trang mạng này và đóng góp của Phạm Toàn:

“Những con người đã dám hy sinh sự an toàn của mình để thực sự đã lập ra trang đó và đấy là sự yêu nước và bảo vệ đất nước. Họ đã đưa ra một thực trạng mà lúc đó nhiều người còn ngỡ ngàng.

“Nhưng càng ngày càng thấy rằng sự ‘thoán đoạt’ của Trung Quốc làm tổn hại đến nền kinh tế rồi an ninh của Việt Nam càng lớn và tôi nghĩ rằng Phạm Toàn và những người sáng lập trang Bauxite Việt Nam là những người có khả năng khai sáng và họ đã làm công việc khai sáng cho người Việt Nam.

“Cũng như là khi nói đến nhà văn Phạm Toàn thì tôi nhớ rằng ông đã từng dịch những cuốn cũng mang tính khai minh, chẳng hạn như là cuốn ‘Nền dân trị Mỹ’.

“Với thế giới có thể không phải là xa lạ, nhưng với Việt Nam thì đấy là lần đầu tiên người Việt Nam hiểu rằng nền dân trị, một thể chế chính trị thực sự vì dân và vì con người là như thế nào và tôi thấy là Phạm Toàn là con người đã làm được công việc khai sáng và điều đó rất là đáng tự hào”.

Trả lời trực tiếp ý kiến của một khán giả gửi cho Bàn tròn thứ Năm trong lúc đang theo dõi chương trình, nhà văn Võ Thị Hảo, người đang cư trú chính trị tại Berlin, nói:

“Lúc nãy có một bạn đọc hỏi rằng có thể học được gì ở nhà báo, nhà văn Phạm Toàn, rằng việc vẫn đấu tranh cho nền dân chủ nhưng vẫn được nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng, tôi nghĩ rằng chẳng học gì cả, mà như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, anh đấu tranh và anh đã vào tù, anh thậm chí là đã sẵn sàng chết, anh tuyệt thực và anh rất can trường, rất đáng kính nể.

“Và mỗi một trí thức hay một con người có nhân cách thì sẽ đấu tranh cho tự do và dân chủ, cho đồng bào của mình bằng những cách khác nhau mà mình thấy là phù hợp và một trong những cách đấu tranh như là của Phạm Toàn thì tôi thấy, Phạm Toàn khi đó đã lớn tuổi lắm rồi mà cách làm của ông là ông cũng đã không khoan nhượng, nhưng ông có được sự tương đối hài hòa”.

Vì sao không bị bắt?

Nhà giáo Phạm Toàn (trái) và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, hai trong ba đồng sáng lập viên, đều từng được cơ quan an ninh Việt Nam mời tới 'làm việc' về các vấn đề nội dung và hoạt động của trang Bauxite Việt Nam. OTHER

Từ nơi đang đi thăm thân nhân là Texas, Hoa Kỳ, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng bình luận với Bàn tròn thứ Năm về trang Bauxite Việt Nam và đóng góp, cũng như nhân cách của Phạm Toàn:

"Về đóng góp của Phạm Toàn cho công cuộc dân chủ hóa, tôi nghĩ rằng thực ra ông không phải là người đi sâu hoặc đầu trò về những vấn đề gọi là dân chủ, nhưng ông là người có tư tưởng dân chủ, tư tưởng tự do, nó nằm rất sâu và có thể nói là trong mạch máu của ông rồi. Cho nên ông là người rất sôi nổi, rất nhiệt huyết tham gia những phong trào vận động cho dân chủ mà thực ra không phải do ông khởi xướng, nhưng ông là người tham gia rất sôi nổi, rất tận tâm ngay từ những phút đầu.

"Và với nhiệt huyết của ông, tất nhiên là với trí tuệ của ông, thì ông đóng góp vào rất là lớn. Tôi lấy ví dụ như là đặc biệt trong việc lên tiếng phản đối những việc làm hay những chính sách sai lầm, nhân đây tôi phải nói, có nhiều người không biết, nhưng cuộc tôi gọi là biểu tình trên mạng, tức là vận động lấy chữ ký trên mạng đầu tiên ở Việt Nam, thì chính là cuộc mà chúng tôi ở Hà Nội phản đối việc tịch thu tập thơ của Trần Dần, chính buổi họp đó của chúng tôi là họp ở nhà của ông Phạm Toàn và ông Phạm Toàn như người khởi thảo ra bản kiến nghị đó.

"Rồi đến Bauxite cũng thế. Bauxite thực ra ông không phải là người khởi xướng, mà thực ra khởi xướng là do một số nhà khoa học như anh Nguyễn Thế Hùng, chứ thực ra những người như Phạm Toàn hay Huệ Chi thì đâu có biết những vấn đề đi sâu vào những khoa học công nghệ, nhưng chính ông cũng là người đầu tiên khởi thảo bản kiến nghị để đòi là dừng dự án Bauxite, ông nhiệt tình lắm.

"Sau này tôi làm ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập cũng thế, cuộc họp trước khi đi đến quyết định cũng là họp ở nhà ông Phạm Toàn ở Hà Nội và ông cũng tham gia một cách rất nhiệt tình. Chứ thực ra ông không phải là người khởi xướng hay đi sâu vào những việc đó. Cho nên là bạn hỏi tại sao nhà nước đối xử với ông như thế, các nhà vận động dân chủ rút kinh nghiệm gì, thì các bạn hiểu không đúng rồi, bởi vì ông Phạm Toàn không là người đầu lĩnh, thủ lĩnh hay là người toàn tâm, toàn ý đấu tranh giống như là anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, hay là giống như các nhà hoạt động trẻ sau này.

"Chứ còn nếu ông đi vào lĩnh vực đó, mà với tất cả những nhiệt huyết như ông dành cho giáo dục, cũng đi vào như thế, thì ông bị bắt là cái chắc, bởi vì ngay khi làm trang Bauxite Việt Nam một thời gian, ông cũng biết rằng với thiên bẩm, với kinh nghiệm của ông và nhất là tuổi lớn rồi, không lan man được, thì nên tập trung vào việc giáo dục. Cho nên thực ra chỉ trong thời gian đầu cùng khởi xướng với ông Huệ Chi, ông Thế Hùng chuyện trang Bauxite Việt Nam và tích cực tham gia, nhưng sau ông cũng rút dần ra để tập trung vào vấn đề sách Cánh Buồm. Đó là lý do chủ yếu mà ông không bị bắt, chứ không phải là ông đấu tranh một cách chiến thuật, khôn khéo gì hay là ôn hòa gì mà nhà nước tha."

'Tấm gương' cho trí thức

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng cho rằng Phạm Toàn là một tấm gương cho trí thức Việt Nam - xuất sắc chuyên môn, nhưng không quay lưng, né tránh chính trị và các vấn đề của đất nước. Bản quyền hình ảnh: BÀN TRÒN THỨ NĂM TỪ LONDON


Chốt lại về đóng góp chính và nhân cách nổi bật của Phạm Toàn, nhà thơ Hoàng Hưng bình luận:

“Tóm lại, sự nghiệp, cuộc đời của ông Phạm Toàn, phải nói đóng góp lớn nhất vẫn là về giáo dục, ông là người gắn bó và đau đáu với việc học tập của học trò, không phải chỉ có mười năm nay với Cánh Buồm đâu, mà mấy chục năm rồi.

“Ông ở trong Bộ Giáo dục, ông là người tình nguyện đi lên miền núi mấy chục năm để chỉ đi dạy cho các em nhỏ ở miền núi làm thế nào học được tiếng Việt và ông đã được nhận giải thưởng của UNESCO về công trình đó.

“Và sau đó, chính ông là người đi xây dựng chương trình dạy văn tiếng Việt cho ông Hồ Ngọc Đại ở Trường Thực nghiệm, tức là cả đời ông gắn bó với giáo dục và nhất là cho chuyện giáo dục tiểu học.

“Đó là đóng góp lớn nhất của ông Phạm Toàn, chứ không phải là vấn đề đấu tranh dân chủ và ông là người nhiệt huyết tham gia rất nhiệt tâm, thẳng thắn và không có sợ cái gì cả.

“Thì đó là cái dũng cảm, cái khẳng khái của một người trí thức mà đó theo tôi cũng là một tấm gương cho các trí thức. Rất nhiều trí thức bảo rằng “thôi, tôi cứ tập trung chuyên môn thôi, tôi không tham gia chuyện chính trị!”; thì không, ông Phạm Toàn chính là một tấm gương trong chuyện đó.

“Chuyên môn cực kỳ xuất sắc, nhưng không né tránh, không quay lưng lại với những vấn đề của đất nước, của chính trị.

“Đó chính là tấm gương của một người trí thức rất chính trực và toàn tâm, toàn ý!” nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nói với BBC Tiếng Việt.

Q.P.
_____

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC về những đóng góp của nhà giáo, nhà văn hóa Phạm Toàn.


[1] Về việc sáng kiến viết Kiến nghị về bauxite thì thoạt đầu là do anh Phạm Toàn và tôi bàn nhau ở một quán vịt cỏ bên hồ Tây khoảng ngày 7-4-2009, sau đó cùng thức với nhau để khởi thảo nên Kiến nghị số 1, lại cùng nhau chỉnh sửa thật kỹ để định hình được văn bản. Xong xuôi đâu đấy anh Toàn và tôi mới bàn tiếp tìm một nhà khoa học kỹ thuật để cùng đứng tên. Tôi có quen anh Nguyễn Thế Hùng trong Hội thảo nhân 100 năm sinh Einstein tại Hội An nên anh Toàn ủy cho tôi gọi điện, và được anh Nguyễn Thế Hùng nhiệt tình hưởng ứng. Trước đó chúng tôi không biết anh Hùng cũng quan tâm đến vấn đề bauxite – Chú thích của Nguyễn Huệ Chi.







No comments:

Post a Comment