Wednesday, June 5, 2019

THIÊN AN MÔN : 'TIN AI CHỨ ĐỪNG TIN ĐẢNG' (Nguyễn Hùng)



06/06/2019

Những ngày đầu tháng Sáu này cả thế giới, trừ Trung Quốc, nhớ về cuộc thảm sát dân thường, chủ yếu là sinh viên, tại trung tâm Bắc Kinh tròn ba thập niên trước.

Nỗi đau lớn nhất thuộc về những người mẹ, người cha, người thân của hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn người đã bị Giải phóng quân Nhân dân cán chết bằng xe tăng, bắn, đánh hay đâm cho tới chết quanh Quảng trường Thiên An Môn.

Cuộc thảm sát những người biểu tình ôn hoà diễn ra đêm 3, sáng 4/6 đã gây sửng sốt ở cả Trung Quốc và trên thế giới hồi giữa năm 1989, chỉ vài tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Vài năm sau biến cố, ở Trung Quốc được gọi là ‘lục tứ’, tức tháng và ngày xảy ra cuộc bắn giết của những người lính Trung Quốc nhắm vào chính đồng bào mình, một nhóm hơn 180 bà mẹ đủ dũng cảm đã lập ra nhóm ‘Những Bà Mẹ Thiên An Môn’.

Cho tới nay, 55 bà mẹ đã ra đi mà chưa đòi được công lý cho các con. Gần 130 người còn lại vấp phải bức tường lặng câm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc dựng lên quanh biến cố Lục Tứ. Họ cũng bị sách nhiễu đủ đường chỉ vì không chịu từ bỏ hành trình tìm sự thật.

Trong một video đăng tải nhân tưởng niệm 30 năm cuộc thảm sát, các bà mẹ nói:
“Các con ơi, đây là [rượu] mời các con. Năm nay kỷ niệm 30 năm Lục Tứ. Hãy để cả thế giới thấy chúng ta, để chúng ta bình an… Các mẹ sẽ cố tìm lời giải thích cho các con. Các con đừng lo nhé.”

Biết trước sẽ bị ngăn cản tưởng niệm công khai ngày con mất, các Bà Mẹ Thiên An Môn đã gửi đi thông điệp từ trước dịp này vài tháng. Trong thư được báo Mirror của Anh dẫn lại, bà Ding Zi Lin, năm nay 82 tuổi, người có con trai 17 tuổi Jiang Jie Lian bị bắn chết 30 năm trước, viết:

“Chính quyền gửi cả đống nhân viên tới đứng gác trước cửa nhà chúng tôi và cấm chúng tôi ra ngoài hay tự do đón khách vào mỗi dịp nhạy cảm chính trị. Ngay cả khi họ để chúng tôi ra khỏi nhà, họ cử công an và các nhân viên mặc thường phục đi xe bám đuôi chúng tôi.”
“Điện thoại của chúng tôi bị nghe lén, máy tính bị thâm nhập. Một số người chúng tôi còn bị gắn camera theo dõi cả trong và ngoài nhà. Một số người từng hơn một lần bị cảnh sát triệu tập tới… và thậm chí bị còng tay đưa tới trung tâm giam giữ.”

Tờ Mirror cũng nói cảnh sát buộc bà Ding phải rời nhà ở Bắc Kinh và đi hơn 1.000km về quê ở tỉnh Giang Tô trong dịp kỷ niệm này. Đảng Cộng sản chấp nhận dối trá chính bản thân, người dân và công luận để bảo vệ uy tín mà thực ra họ không có là bao. Nhiều người dân Trung Quốc khi phải đối mặt với tệ tham nhũng, cửa quyền và bè phái đều hiểu Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho thực trạng hiện nay. Các nhà lãnh đạo cộng sản chỉ không muốn người dân biết họ không phải bây giờ mới tệ như thế.

Bất chấp những cố gắng thô bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tẩy xoá lịch sử, nhiều người có lương tri đã tìm mọi cách để ghi nhớ tên tuổi những người ngã xuống khi đứng lên đòi những quyền căn bản trong đó có tự do bày tỏ ý kiến, tự do hội họp và tự do tham gia các hoạt động chính trị. Một dự án mới được công bố mang tên Sự thật 30 ghi lại hình ảnh và thông tin về những sinh viên đã bị quân đội Trung Quốc giết theo lệnh của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng và những người khác.

Dự án tổng hợp các tư liệu từ nhiều năm qua trong đó có các phỏng vấn với cha mẹ của những sinh viên bị sát hại.

Trong video thu năm 2014 nhân kỷ niệm 25 năm cuộc thảm sát, bà Qi Guo Xiang, mẹ của sinh viên 18 tuổi Liu Hong Tao, người bị bắn vào cả hai chân và sau đó qua đời hôm 4/6/1989, nhớ lại những gì con trai nói khi được cha mẹ nhắc nhở học hành chăm chỉ và không tham gia chính trị:

“[C]háu nói với tư cách sinh viên đại học và công dân Trung Quốc, cháu phải có trách nhiệm. Cháu nói ‘vì vận mệnh dân tộc, mỗi người đều phải có trách nhiệm’. Nói cách khác là khi đó cháu đang bày tỏ lòng yêu nước.”

Còn người cha của sinh viên Học viện Công nghệ Bắc Kinh, ông Liu Re Nan, nhắc lại những gì con ông viết trả lời khi ông khuyên con đừng vội vàng vì các vấn đề ở Trung Quốc còn cần nhiều thời gian để giải quyết: “Nếu ai cũng đợi người khác làm cách mạng và chỉ [chờ] hưởng thành quả thì liệu sẽ đạt được gì?”. Ông Liu cũng nói cậu con 18 tuổi còn lấy ví dụ những người đấu tranh đến nửa đường thì bỏ cuộc và bình luận rằng nếu ai cũng bỏ cuộc cả thì sẽ không còn ai tuần hành nữa.

Hai ông bà cũng nhắc lại cậu con trai sinh năm 1971 và cao gần 1m8 đã không được chữa trị khi vào tới bệnh viện vì các bác sỹ được lệnh phải làm vậy. Bà Qi nói thêm: “Tôi không dám nhìn ảnh con. Tôi cất tất cả đồ đạc của con tôi đi. Tôi cũng không dám mang tro của con về nhà. Tôi không có chỗ nào để chôn tro. Lúc đầu tôi để ở … Hồ Bắc, nhưng sau vài ngày người ta không cho để ở đấy. Tôi không còn cách nào khác là rải tro con tôi xuống sông Dương Tử để con tôi thấy thế giới tự do.”

“Những kẻ ra quyết định đấy sẽ không có kết cục tốt đâu. Chúng tôi biết kêu ca ở đâu bây giờ? Chẳng ở đâu cả,” bà Qi nói nhưng vẫn tin rằng cuối cùng “sẽ đòi được công lý”.

Còn ông Liu tuyên bố: “Tôi không ghét những người khác. Tôi ghét Đặng Tiểu Bình. Tôi ghét Lý Bằng. Chúng là quân sát nhân.”

Trong video khác, cũng do nhóm Những Bà Mẹ Thiên An Môn hợp tác thực hiện, ông Sun Cheng Kang, cha của sinh viên 19 tuổi Sun Hui bị bắn chết hôm 4/6/1989, nói: “Con chúng tôi chỉ đi xe đạp trên phố thôi mà bị bắn chết. Trong biến cố Thiên An Môn, con chúng tôi chỉ là sinh viên, tay không mang vũ khí mà người ta bắn cháu bằng súng máy được sao? Tôi đã ở tuổi 70 rồi, tôi không sợ. Thích bắt thì bắt, thích giết thì giết.”

“Tôi thúc giục Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập để tâm tới vấn đề chưa được giải quyết từ nhiều thập niên. Đừng để chúng tôi mang điều này xuống mộ. Tôi cũng kêu gọi mọi người có lương tri, các bạn bè quốc tế, những người yêu hoà bình trên thế giới ủng hộ các gia đình nạn nhân chúng tôi.”

Cha mẹ sinh viên 20 tuổi Wu Guo Feng từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc, người bị bắn vào sau đầu và đâm vào bụng hôm 3/6/1989, nói rằng con của ông bà đã muốn rời Bắc Kinh để đạp xe về quê ở Tứ Xuyên để chứng kiến cảnh biểu tình ở các nơi khác ngoài thủ đô Trung Quốc.

Sinh viên Wu gửi điện về cho cha mẹ từ cuối tháng 5/1989 xin 200 nhân dân tệ để đi đường nhưng khi hai ông bà lên Bắc Kinh nhận xác con, tiền vẫn chưa đến nơi. Ông Wu Ding Fu nói trước khi bị bắn chết, con trai ông đã tham gia tuyệt thực năm ngày năm đêm dù ông đã khuyên can rằng Đảng Cộng sản sẽ ra tay tàn độc và thậm chí giết những ai trái lời.

Ông Wu cũng nói người ta từ chối cho phép ông mang xác con về quê để người thân được nhìn mặt lần cuối. Ông được thông báo rằng chính quyền lệnh phải hỏa táng ở Bắc Kinh. Với kinh nghiệm trải qua Cách mạng Văn hóa, các cuộc đấu tranh chống Hữu khuynh và Bè lũ bốn tên cộng thêm với thảm sát Thiên An Môn, ông Wu nói: “Chốt lại một câu thôi: ‘Tin ai thì tin chứ đừng tin đảng vì bất cứ lý do gì’".

----------------------------------

XEM THÊM
Phùng Anh Khương  -  Luật Khoa
04/06/2019

Chính quyền Trung Quốc có thể lập nên một hệ thống kiểm duyệt tinh vi và khắc nghiệt, nhưng giới văn nghệ sĩ thì luôn có cách riêng của mình để lưu giữ sự kiện Thiên An Môn vào ký ức tập thể của đất nước này.

Hậu quả nặng nề của cuộc thảm sát Thiên An Môn chính là những nỗ lực đàn áp dã man tự do chính trị và kiểm duyệt tinh vi thông tin về sự kiện này của chính quyền cộng sản Trung Quốc trong suốt 30 năm qua.

Như tờ The Economist tổng kết, ít nhất hàng chục nghìn người Trung Quốc (cả thường dân, nhà báo, và công chức) đã và đang bị bắt giữ hoặc chịu tù đày cải tạo. Bởi vì họ đã tham gia vào cuộc biểu tình Thiên An Môn hoặc các cuộc biểu tình sau đó yêu cầu chính quyền Trung Quốc công khai sự thật về cuộc biểu tình này.

Tờ New York Times ghi nhận trong một phóng sự điều tra đăng đầu năm 2019: chính phủ Trung Quốc vẫn đang ép các doanh nghiệp Trung Quốc phải kiểm duyệt chặt chẽ thông tin về sự kiện Thiên An Môn. Chính sách này buộc các doanh nghiệp phải thuê hàng nghìn nhân viên chuyên trách rà soát nội dung trên Internet để chặn, ẩn, không cho ai trong số 800 triệu người dùng internet tại Trung Quốc tiếp cận các thông tin cấm.

Các nhân viên “kiểm duyệt thuê” đó phần lớn chưa ra đời khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Họ phải được công ty mình “giáo dục tại chỗ”, dĩ nhiên theo đúng định hướng nhà nước, rằng sự kiên Thiên An Môn chỉ là một cuộc bạo loạn phản cách mạng, bị các phần tử “phản động” lợi dụng “phá rối đất nước”.
Mỗi ngày các nhân viên kiểm duyệt đó nhận chỉ đạo mới và thông tin cụ thể từ “khách hàng” (các cơ quan nhà nước Trung Quốc). Họ làm việc dựa vào một hệ thống dữ liệu phức tạp được công ty cập nhật thường xuyên.
Trợ giúp thêm cho các nhân viên đó là những phần mềm được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ kiểm duyệt internet và cả các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) đang được tối tân hóa từng ngày.


*
*

Phạm Minh Trung  -  Luật Khoa
03/06/2019

Những ngày này, cả thế giới một lần nữa lại hướng ánh nhìn về Trung Nam Hải – trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Đây là nơi mà 30 năm trước, ngày 4/6/1989, các nhà lãnh đạo đất nước lớn nhất châu Á đã ra lệnh đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn.

30 năm đã trôi qua, song Đảng Cộng sản vẫn giữ im lặng về những gì đã xảy ra. Mặc cho những bằng chứng của báo chí thế giới, những lời kể của những sinh viên may mắn sống sót năm ấy, và cả những lời ân hận của các quân nhân Trung Quốc, Trung Nam Hải chưa từng lên tiếng thừa nhận sự kiện đàn áp và cũng chưa bao giờ công khai số người bị giết ngày hôm đó.

Trước thềm kỷ niệm sự kiện gây chấn động báo chí thế giới năm 1989, New York Times đã có cuộc phỏng vấn với bà Giang Linh (Jiang Lin), năm nay 66 tuổi – một cựu nhà báo, trung úy Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).  

Bà Giang là người đã trực tiếp có mặt tại quảng trường Thiên An Môn vào đêm mà các đoàn tăng thiết giáp tiến vào đàn áp sinh viên Trung Quốc. Trong suốt ba thập kỷ, bà giữ im lặng về cuộc thảm sát đẫm máu mà tận mắt bà chứng kiến, song những ký ức vẫn luôn đeo theo dày vò tâm trí bà.

Bà Giang nói rằng mỗi khi nhắm mắt lại, hình ảnh những người lính xả súng vào đám đông trong bóng tối, những vũng máu, những sinh viên ngã xuống, và cảm giác khi quân đội đẩy bà ngã xuống quảng trường, lại hiện về rõ nét.

Chia sẻ với NYT, bà tiết lộ đây là lần đầu tiên bà quyết định kể câu chuyện của mình. Báo chí và truyền thông quốc nội dưới sự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc không được phép đưa tin về sự kiện này, vì đây là điều cấm kỵ trong nước. Tuy vậy, bà Giang ray rứt rằng lương tâm thôi thúc bà phải nói lên những gì mình đã thấy, khi mà nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Tập Cận Bình, đến giờ vẫn không bày tỏ chút hối hận nào về ngày kinh hoàng đó.


*
*
Phạm Minh Trung  -  Luật Khoa
03/06/2019
Ngày 4/6 này đánh dấu tròn 30 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp dã man cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn đòi tự do hóa chính trị và kinh tế.

Vào những giờ phút đầu tiên của ngày 4/6/1989, các đoàn xe tăng và lực lượng vũ trang nhận lệnh tiến vào trung tâm Bắc Kinh. Đảng Cộng sản cho phép quân đội “sử dụng mọi biện pháp” để tiêu diệt hàng ngàn người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường trong vài tuần trước đó.

Cuộc thảm sát kết thúc sau một đêm đẫm máu, lấy đi sinh mạng của hàng trăm người và làm hàng trăm người nữa bị thương (con số bán chính thức có thể tới hàng ngàn người). Kể từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn phớt lờ những bằng chứng do giới báo chí và những người trong cuộc đưa ra. Bắc Kinh muốn xóa sự kiện Thiên An Môn ra khỏi sử sách Trung Hoa bằng việc cấm hoàn toàn các bài đăng trên mạng trong nước và mọi từ khóa trên các trang tìm kiếm liên quan đến vụ việc.

Tờ Business Insider hôm 30/5 đã đăng tải 30 bức ảnh ghi nhận sự kiện Thiên An Môn mà chính quyền Trung Quốc chắc chắn không muốn bạn nhìn thấy.

Phóng viên Harrison Jacobs, Mark Abadi, Adam Taylor và Erin Fuchs là những người đóng góp để có series ảnh này.















No comments:

Post a Comment