Sunday, April 28, 2019

QUYỀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI MỸ (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
April 28, 2019

Hôm Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2019, đứng bên ngoài Bạch Cung, Tổng Thống Trump tuyên bố với một nhóm phóng viên là ông sẽ chống lại việc mà ông gọi là “trò hề” subpoenas (trát đòi). Một trong những trát đòi đó ra lệnh cho một cựu cố vấn của tổng thống đến trụ sở Hạ Viện để thuyết trình và trả lời những câu chất vấn của các dân biểu.

Ông Donald F. McGahn II (phải) khi còn là cố vấn Tổng thống Trump, Tháng 10, 2018. (Hình: Getty Images)

Vị cố vấn đó là ông Donald F. McGahn II, dưới đây là cái trát của hạ viện đòi ông đến để thuyết trình về kinh nghiệm của ông trong thời gian làm cố vấn cho tổng thống.

Trát đòi ông McGahn II phải đến vào lúc 10 giờ sáng ngày mùng 7 Tháng Năm, 2019.

Tổng thống nói, “Chúng tôi sẽ chống lại toàn bộ những trát đòi đó. Bọn họ không phải là những người vô tư, không đảng phái, mà là bọn dân chủ đang tìm cách thắng cử năm 2020.”

Tường thuật lại những lời tuyên bố của ông, báo chí Mỹ cho là “tự tay tổng thống bắn vào chân mình” -ý nói, câu ông tuyên bố tạo ảnh hưởng bất lợi cho chính ông.

Bất lợi vì việc gửi trát đòi ông McGahn, hoặc đòi bất cứ viên chức nào phục vụ trong chính phủ, là quyền hiến định của hạ viện, để kiểm soát hành động của chính phủ. Chống lại trát đòi không chỉ phạm pháp thôi, mà còn vi hiến nữa.

Một trong nhiều vai trò quan trọng của hạ viện là kiểm soát hành pháp; quyền kiểm soát đó giữ thăng bằng trong mọi sinh hoạt của liên bang Hoa Kỳ qua 3 nhánh của chính phủ: hành pháp, lập pháp và tư pháp; người Mỹ gọi vai trò giám sát của hạ viện là congressional oversight.

Do trách nhiệm kiểm soát hành pháp nên hạ viện có nhiều tiểu ban, như tiểu ban ngoại giao, tiểu ban tư pháp, tiểu ban tình báo,… hành pháp có hoạt động nào, hạ viện có tiểu ban đó để theo dõi, kiểm soát, hầu ngăn ngừa mọi lộng hành, sai lệch, hoặc khiếm khuyết.
Quyền giám sát của Quốc Hội bao hàm và hiển hiện trong hiến pháp, trong luật pháp, và trong sinh hoạt của thượng, hạ viện. Quyền này là yếu tố không thể thiếu trong hệ thống “kiểm soát và giữ thăng bằng – check and balance – của Hoa Kỳ.”

Vai trò giám sát hành pháp còn thể hiện qua nhiều hoạt động và bối cảnh khác của Quốc Hội như ủy quyền, chiếm đoạt, điều tra và điều trần lập pháp của các ủy ban thường trực Hạ Viện; điều tra chuyên ngành của các ủy ban chọn lọc; đánh giá và nghiên cứu của các cơ quan và nhân viên hỗ trợ quốc hội.

Từ ngày công bố bản tường trình của công tố viên đặc trách Robert S. Mueller III, thái độ của chính phủ đã tỏ ra kình chống quốc hội, việc tổng thống quyết liệt chống loạt trát đòi nhân viên hành pháp điều trần trước quốc hội cho thấy ông lo ngại cho ngôi vị tổng thống của ông có thể bị đe dọa.

Ông ra mặt bảo mật những việc ông làm, trong lúc hạ viện gia tăng nỗ lực để khám phá mọi mờ ám mà họ nghi là bất chính.

Mục đích của tổng thống không chỉ giới hạn vào việc ngăn chặn cuộc kiểm soát của hạ viện; ông còn nhắm vào khả năng đắc cử năm 2020.

Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cũng nhắm vào cuộc bầu cử sắp tới, vì bà không tin là thượng viện sẽ truất phế tổng thống dù hạ viện thành công trong việc đó. Lập trường của bà Pelosi – dù có thể khôn ngoan – nhưng vẫn làm yếu phong trào truất phế đang sôi sục trong khối đa số dân biểu.

Ông Trump có dấu hiệu lo ngại cuộc vận động truất phế ông; hôm 24 Tháng Tư ông nói ông sẽ yêu cầu Tối Cao Pháp Viện can thiệp nếu việc truất phế trở thành một đe dọa quan trọng.
Ông viết Twitter, “I DID NOTHING WRONG, tôi có làm gì sai đâu, nếu bọn Dems (democrates) muốn truất phế tôi, thì ngay lập tức tôi gọi TỐI CAO PHÁP VIỆN, tôi không phạm trọng tội, tôi cũng không phạm khinh tội, tôi vô tội, hoàn toàn không làm gì nên tội cả.

Donald J. Trump
@realDonaldTrump
Tội phạm là mụ Crooked Hillary, là bọn Dems, bọn DNC (Democratic National Committee – Tổ Chức Dân Chủ Toàn Quốc), bọn cảnh sát bẩn thỉu (Dirty Cops).

Phản ứng quờ quạng và ngôn ngữ ngớ ngẩn tố giác tâm trạng lo âu của tổng thống; nếu tỉnh táo hơn, ông đã nghĩ đến và đã khai thác yếu tố Pelosi -người lãnh đạo khối chính khách dân chủ đang gạt bỏ giải pháp truất phế Trump.

Giáo Sư Laurence Tribe, dạy luật tại Harvard, dùng chữ “idiocy” để đánh giá tổng thống; Tribe nói, “Có lẽ Trump tưởng là vị chánh thẩm ông ta nhét được vào Tối Cao Pháp Viện sẽ phát cho ổng một tấm thẻ “get out of jail free.”

Luật Sư Joshua Matz – chuyên về luật hiến pháp- than thở, “Tổng thống chẳng hiểu gì về Hiến Pháp cả; Tối Cao Pháp Viện không giúp ông ta được trong giả thuyết ổng bị truất phế.” Ông Matz nói thêm, “dù tổng thống có xin, Tối Cao Pháp Viện cũng không can thiệp vì chuyện ông bị truất phế là chuyện chính trị.”

Trả lời phỏng vấn hôm 23 Tháng Tư, 2019, bà Pelosi khẳng định, “Truất phế là việc khó thành công, nhưng nếu diễn biến đưa chúng ta tới đó, thì cũng phải làm thôi.”

Cũng như nhiều chính khách dân chủ khác quan tâm đến vấn đề ‘truất phế hay không truất phế’ tổng thống Donald Trump, bà Pelosi không muốn cung cấp cho đảng viên cộng hòa một động lực để đoàn kết lại với nhau; động lực đó chỉ có thể là cứu một tổng thống cộng hòa tránh tiếng xấu: Bị Truất Phế.

Tuy nhiên, câu bà tuyên bố, “nếu diễn biến đưa chúng ta tới đó, thì cũng phải làm thôi,” cho thấy chuyện truất phế là chuyện khó tránh; và lý do tạo ra tình thế khó tránh là IDEOCY – tổng thống không ý thức được sức mạnh hiến pháp của các tiểu ban nho nhỏ trong hạ viện. (Nguyễn Đạt Thịnh)






No comments:

Post a Comment