Saturday, March 23, 2019

TÔN GIÁO, THUỐC PHIỆN & NHÀ NƯỚC THẾ TỤC (Nguyễn An)





23/03/2019

“Tôn giáo là tiếng thở dài của những sinh linh bị áp bức, là trái tim của một thế giới vô tâm, là linh hồn của những hoàn cảnh không hồn. Tôn giáo là thuốc an thần của nhân dân”.

Đó là câu nói của Karl Marx, với nguyên văn trong tiếng Đức: “Die Religion ist der Seufzer der bedrängten Kreatur, das Gemüth einer herzlosen Welt, wie sie der Geist geistloser Zustände ist. Sie ist das Opium des Volks”. Câu cuối thường được dịch là “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

Vào thời đại của Karl Max, das Opium, thuốc phiện, không mang ý nghĩa tiêu cực như ngày nay. Lúc đó opium trong y học phương Tây được sử dụng tương tự như thuốc an thần trong y học ngày nay. Câu trên được trích dẫn lại một phần với hàm ý tôn giáo tiêu cực bắt đầu từ Lenin.

Tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và đặt ra nhiều vấn đề về chính trị - pháp luật. Ảnh: Chưa rõ nguồn

Trong lịch sử nhân loại, tôn giáo cùng các niềm tin vào thế giới siêu nhiên luôn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Các nền văn minh xa xưa đều dùng đến các câu chuyện thần thoại để lí giải nguồn gốc của loài người. Và qua đó, lí giải nguồn gốc và truyền thống của dân tộc mình.

Người Hy Lạp kể rằng con người được tạo ra từ hình nộm đất sét của người khổng lồ Prometheus. Người Trung Quốc cũng kể về những tượng hình đất sét của Nữ Oa. Và các sử gia phong kiến Việt Nam ghi chép câu chuyện con Rồng cháu Tiên nhằm khẳng định cội nguồn dân tộc Việt ngang hàng cùng dân tộc Hán [1].

Ở một số xã hội khác, tôn giáo đóng vai trò của một ngọn cờ dẫn dắt dân tộc và thể hiện ước muốn độc lập khỏi ngoại bang. Các bộ tộc xa xưa sống ở khu vực Nam Lơ-ven (Southern Levant), trước áp lực xâm lăng và bắt tù binh của Đế chế Babylon hùng mạnh kế bên, đã tôn thờ thần chiến tranh Yahweh (Gia-vê) làm vị thần bảo hộ. Sau nhiều cuộc chiến, Yahweh dần được tôn thờ thành vị thần sáng thế và duy nhất. Đây chính là nền móng cho các tôn giáo độc thần Abraham sau này như Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo [2].

Không chỉ là một phần của chủ nghĩa dân tộc, đức tin còn giúp con người đối mặt với khổ đau trong cuộc sống và hướng họ đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Niềm tin vào một nơi siêu nhiên cho những người đã khuất giúp loài người vượt qua nỗi đau mất mát người thân để sống tiếp. Công giáo truyền cảm hứng cho Mozart viết những bản nhạc bất hủ [3]. Hồi giáo dẫn dắt Ibn al-Haytham (Íp-bin An-hay-tham) trở thành nhà khoa học tiên phong trong toán, thiên văn và vật lí học.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp, tôn giáo cũng gắn liền với nhiều trang sử đen tối của nhân loại. Giordano Bruno bước lên giàn hoả thiêu để bảo vệ khoa học trước Nhà thờ Công giáo. Nhiều làng mạc, đô thị bị cướp bóc và tàn sát bởi quân Thập tự chinh để vơ vét của cải nhân danh Thiên Chúa [4]. Các nhà sư Phật giáo Miến Điện sử dụng bạo lực đàn áp các sắc dân thiểu số. Và mối đe doạ từ Hồi giáo cực đoan đang bao trùm Trung Đông, châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao những con người có đạo đó lại sử dụng bạo lực và lòng tham để chống lại đồng loại? Đọc hết những giáo điều từ các tôn giáo, chúng ta có thể nhận thấy đa số đều khuyên răn con người sống có đạo đức và trách nhiệm. Liệu có phải là đức tin không có lỗi, mà chính là con người chúng ta vẫn còn đầy những khiếm khuyết? Tôn giáo hướng chúng ta đến các giá trị cao đẹp. Nhưng chúng ta, con người, cũng có lòng tham, ghen tuông và đố kỵ bên cạnh trách nhiệm và đạo đức. Liệu có phải những khiếm khuyết đó, bồi đắp bởi niềm tin rằng chúng ta luôn luôn đúng nhờ có tôn giáo, có thể làm chúng ta thêm cực đoan và mù quáng trước lẽ phải?

Một nghi lễ tôn giáo tại nhà thờ giáo Chánh toà giáo phận Phú Cường năm 2017. Ảnh: Giáo phận Phú Cường.

Nhằm xây dựng một xã hội công bằng, tự do và thượng tôn pháp luật, những nhà làm luật phải hiểu được vị trí và vai trò của tôn giáo và các đức tin đối với xã hội. Đức tin là một món quà mà mỗi con người có thể được nhận. Mỗi công dân trong xã hội phải có quyền tự do tín ngưỡng để họ có một đời sống tinh thần đầy đủ và trọn vẹn.

Quyền tự do tín ngưỡng không chỉ bao gồm các tôn giáo có tổ chức hoàn chỉnh như Ki-tô, Hồi hay Phật giáo. Nó còn bao gồm cả những đức tin về thế giới bên kia, về tổ tiên ông bà hay là về nhân quả, luân hồi. Quyền này cũng dành cho những con người từ chối tin vào những điều siêu nhiên (vô thần), hay người không phủ nhận nhưng cũng không công nhận thế giới siêu nhiên (bất khả tri).

Khi mọi công dân có được sự vẹn tròn của cả đời sống vật chất và tinh thần thì xã hội mới có thể được ổn định và công bằng dài lâu. Đó là vai trò thiết yếu của quyền tự do tín ngưỡng trong việc xây dựng nhà nước và điều hành xã hội.

Để hỗ trợ phát triển đời sống tâm linh của công dân, nhà nước nên miễn trừ nhiều loại thuế cho các cơ sở và chức sắc tôn giáo. Tại Việt Nam hiện nay, đất cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thuộc nhóm đất phi nông nghiệp (điểm g, khoản 4, Điều 10, Luật Đất đai 2013) và do đó, cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp không phải đóng tiền sử dụng đất (khoản 5, Điều 54, Luật Đất đai 2013).

Các khoản đóng góp xây dựng các cơ sở tôn giáo cũng được miễn thuế giá trị gia tăng (khoản 12, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính). Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo cũng cần được nhà nước bảo vệ trước các nguy cơ bị thu hồi đất phục vụ tín ngưỡng.

Mặt khác, các giáo hội có tổ chức hoàn chỉnh, cũng như mọi tổ chức dân sự của con người, đều sẽ có ý nguyện mở rộng, phát triển thành viên và tác động chính trị – xã hội để làm lợi cho các mối quan tâm của họ. Nếu một giáo hội có thể tác động vào chính trị thì xã hội sẽ mất công bằng. Bởi vì giáo hội nào có nguồn lực tài chính và con người dồi dào hơn sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn các nhóm tín ngưỡng khác.

Vì thế, các chế tài điều hành, quản lí các hoạt động tôn giáo bằng pháp luật là cần thiết. Như đã đề cập ở trên, đức tin có thể không có khiếm khuyết nhưng người thực hành đức tin thì có. Việc nhà nước quản lí các hoạt động tôn giáo không có nghĩa là quản lí hay hạn chế một đức tin nào cụ thể. Thay vào đó, phạm vi quản lí của nhà nước là nhằm vào các hoạt động tín ngưỡng được tiến hành giữa công dân với công dân.

Tuy nhiên, quyền lợi luôn đi kèm với trách nhiệm. Để nhận được những sự hỗ trợ về thuế, an ninh từ chính quyền dân sự, các tổ chức và chức sắc tôn giáo cần tránh can thiệp hoặc tổ chức giáo dân can thiệp vào các vấn đề chính trị. Chính trị là phạm trù của một xã hội thế tục, được cấu thành từ các hoạt động của công dân. Việc cơ sở hay chức sắc tôn giáo can thiệp vào chính trị, tuy vẫn là quyền tự do ngôn luận, đã vượt qua khỏi phạm trù của tín ngưỡng và đức tin. Khi đó nhà nước hoàn toàn có thể huỷ bỏ các đặc quyền về thuế, quyền sử dụng đất của cơ sở tôn giáo cụ thể đó.

Nhà nước không đóng vai trò điều hành các vấn đề thuộc về thế giới siêu nhiên. Nhà nước và pháp luật đứng trong vai trò trọng tài của các vấn đề xã hội, xảy ra giữa con người với con người.

Nhiệm vụ của nhà nước và pháp luật đối với đức tin là đảm bảo quyền thực hành tín ngưỡng cho mọi công dân. Và trong đó, cũng bao gồm nhiệm vụ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của người này không vi phạm quyền của người khác.

Để thực hiện vai trò cán cân cho công bằng xã hội, các quyết định của nhà nước không thể được dựa vào đức tin hay quan điểm duy tâm. Chúng chỉ có thể đến từ lí luận và bằng chứng khoa học. Một nhà nước công bằng phải tối thiểu là một nhà nước thế tục (secular state).

Chú thích:
[1] “Đại Việt sử kí toàn thư”, Sử quán triều Hậu Lê – Quyển 1, Kỷ Hồng Bàng Thị
[2] Thần chiến tranh Yaweh: “The Oxford History of the Biblical World”, Michael D. Coogan – Chương 4
“Eerdmans Dictionary of the Bible”, David Noel Freedman, Allen C. Myers – Trang 917
[3] “W.A. Mozart”, Hermann Abert – Trang 743
[4] “Jerusalem: the Biography”, Simon Sebag Montefiore – Chương 21 – “Medieval Concepts of the Past: Ritual, Memory, Historiography” – Gerd Althoff, Johannes Fried, Patrick J. Geary






No comments:

Post a Comment