Saturday, March 23, 2019

10 ĐIỀU NÊN LÀM & 10 ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM KHI ĐẾN ĐỒN CÔNG AN (Mẹ Nấm)





10 ĐIỀU NÊN LÀM KHI BỊ CÔNG AN MỜI
September 17, 2015 at 10:32 PM

Có rất nhiều lý do để "được" (bị) mời, phải nói rõ điều này để biết rằng, chúng ta có quyền từ chối lời mời khi không được giải thích rõ ràng về nguyên nhân, lý do mời làm việc, hoặc không rõ người mời mình làm việc là ai.

Sự thật là dù "được" hay bị mời, thì cả hai bên - người mời và người được mời - đều phải có thái độ tôn trọng nhau trong tinh thần đối thoại. Cần nhắc nhớ chính bản thân chúng ta điều này, bởi chúng ta không phải là tội phạm. Nếu cảm thấy bị đe dọa, nạt nộ hay không được tôn trọng, chúng ta có quyền giữ im lặng.

Có những điều cần lưu ý sau:

1. Khi đi làm việc, cần mang theo giấy tờ tùy thân, ở đây có lẽ chứng minh nhân dân là tốt nhất (đề phòng trường hợp các anh công an bảo rằng giấy phép lái xe là một thứ giấy tờ không thể chứng minh được bản thân bạn như tôi đã gặp ở công an phường Tân Thới Nhất - quận 12 - Sài Gòn).

2. Đối thoại trong tinh thần sòng phẳng và tôn trọng nhau, quan điểm của nhà nước và của người mời ta làm việc dù có khác biệt thì họ không thể áp đặt được quan điểm cá nhân của ta. Ở đây tôi muốn nói đến thái độ thẳng thắn khi nhận lời mời, nếu bạn ý thức được hành động và việc làm của mình bạn cứ thẳng thắn trao đổi và đề nghị cơ quan làm việc với bạn nên thể hiện thái độ lịch sự. Phải xác định rằng, ta không nhất thiết né tránh một lời mời có chủ đích và chủ nhân rõ ràng, vì vậy hãy chọn thái độ đúng đắn.

3. Chú ý đến biên bản làm việc, tiêu đề phải là biên bản làm việc hoặc biên bản đối thoại, chứ không phải biên bản ghi lời khai. Bởi chúng ta không phải là tội phạm, nên đây là một đòi hỏi chính đáng. Nếu cảm thấy lời ghi trong biên bản không được khách quan, bạn có thể từ chối ký vào biên bản.

4. Bạn có quyền từ chối việc kê khai lý lịch trên giấy do cơ quan mời bạn làm việc yêu cầu, bởi khi gửi giấy mời bạn, ít nhiều họ cũng đã xác định được nhân thân của bạn. Vì vậy, điều tra lý lịch (nếu có) là nhiệm vụ của họ chứ không phải của bạn.

5. Có thái độ rõ ràng dứt khoát khi làm việc, mời làm việc vì nội dung nào thì chỉ xoay quanh vấn đề đó, bạn có quyền từ chối không cung cấp thông tin cá nhân của mình như số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản tham gia mạng xã hội... hoặc cung cấp thông tin về các mối quan hệ xung quanh mình.

6. Bạn có quyền yêu cầu chấm dứt buổi làm việc, nếu cảm thấy tinh thần và trạng thái sức khỏe không được đảm bảo. Nên xác định rõ thời gian làm việc với họ, và đề nghị phải được thông báo cho gia đình về thời gian làm việc. Bạn có quyền được đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc như nghe điện thoại, tuyệt đối cơ quan an ninh không có quyền yêu cầu bạn tắt máy điện thoại khi làm việc, chỉ có thể yêu cầu bạn để chế độ chuông nhỏ, hoặc tạm ngưng liên lạc những công việc không thực sự cần thiết. Phải nhớ kỹ điều này, nếu không được đảm bảo, bạn nên tỏ thái độ phản kháng bằng việc giữ im lặng.

7. Bạn có quyền đề nghị cung cấp biên bản làm việc cho mình, nếu yêu cầu này không được đáp ứng bạn có thể không ký vào biên bản.

8. Nếu bị buộc phải ký xác nhận vào các tài liệu được in ra từ email hay blog cá nhân của bạn thì bạn có quyền đề nghị cơ quan làm việc với mình xác nhận trước là chính họ đã in ra từ blog bạn, sau đó bạn mới nghĩ đến việc xác nhận hay là không. Tôi chưa bao giờ phủ nhận blog hay tài khoản Facebook của tôi nên đây là quan điểm cá nhân, tuỳ theo lựa chọn của mỗi người.

9. Chỉ làm việc với người có tên trong giấy mời, còn những người khác (nếu có tham gia làm việc cùng) thì bạn có quyền từ chối trả lời các câu hỏi của họ.
10. Vui vẻ và thư giãn như một buổi đối thoại thực sự. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn lạc quan hơn và đỡ mệt mỏi.

Chúc mọi người bình an!
Mẹ Nấm
——————-

Loạt bài viết về kinh nghiệm “làm việc” với công an Quỳnh viết từ năm 2013 đến 2015. Có nhiều trang lấy bài của Quỳnh ghi tên tác giả là ST. 

Quỳnh nghĩ Quỳnh chưa bao giờ làm vậy với người khác, cho nên ai dẫn bài thì ghi nguồn Mẹ Nấm giùm.
Đa tạ!


----------------------------


1. Điều đầu tiên phải nói đến đó là: không nên tỏ thái độ nôn nóng trong khi làm việc vì muốn kết thúc nhanh, hoặc muốn ra về sớm. Đây là điều nhiều người (trong đó có tôi) dễ vướng phải, và người mời chúng ta làm việc luôn nắm đúng điểm này để khai thác. Đã gọi là giấy mời thì có giờ bắt đầu làm việc rõ ràng, và trước khi làm việc, nên trao đổi thẳng thắn về giờ kết thúc để đôi bên cùng sắp xếp công việc của mình. Một khi thời gian làm việc bị kéo dài quá quy định, chúng ta cứ sẵn sàng yêu cầu cơ quan mời làm việc để mình thông báo với gia đình, người thân, bạn bè công khai về lý do kéo dài, và thời gian làm việc sắp tới. Đó là quyền tối thiểu của những người được mời làm việc.

2. Không nên trả lời những vấn đề mà mình không nắm rõ, hoặc không biết chắc, dựa trên những câu hỏi mở có gợi ý của người hỏi. Bởi làm việc theo giấy mời, thường là một kiểu "đối thoại, trao đổi ý kiến" ở một số vấn đề rõ ràng mà người được mời có liên quan, vì vậy phải xác định rằng, đây là một buổi làm việc chứ không phải hỏi cung, do đó Với những câu hỏi dạng có gợi ý trả lời sẵn, thì tốt nhất là chúng ta hãy trả lời rằng: "TÔI CÓ QUYỀN TỪ CHỐI TRẢ LỜI NÀY".

3. Không nên quanh co và lẩn tránh vấn đề. Với những câu hỏi có tính cách cá nhân, riêng tư, hoặc những vấn đề không liên quan đến nội dung buổi làm việc. Hãy trả lời thẳng thắn với họ: "TÔI CÓ QUYỀN TỪ CHỐI TRẢ LỜI CÂU HỎI NÀY VÌ ĐÓ LÀ VIỆC CÁ NHÂN CỦA TÔI" chứ đừng né tránh vòng vo. Họ có đủ nhân lực, và đủ sức khỏe để theo đuổi bạn trong buổi làm việc.

4. Không nên trả lời hết các câu hỏi của những người có mặt trong phòng làm việc với bạn (nếu có), thường thì sẽ có ít nhất là 2 người thay phiên nhau hỏi, một người ghi biên bản. Chúng ta có quyền chỉ trả lời người trực tiếp đứng tên trên giấy mời làm việc, để tránh tình trạng bị dẫn dắt loanh quanh và vòng vèo. Phải xác định cụ thể người đối thoại với mình về vấn đề cần làm việc là ai, tránh tiếp xúc "đa chiều" gây ra trạng thái mất tập trung của mình.

5. Không nên tỏ ra bực dọc hay nổi nóng khi bị hỏi đi hỏi lại cùng một vấn đề. Nóng giận thì dễ mất bình tĩnh, mà mất bình tĩnh thường sẽ mất luôn sự tỉnh táo. Khi gặp phải câu hỏi "quen thuộc", chỉ cần trả lời nhẹ nhàng "TÔI NGHĨ LÀ MÌNH ĐÃ TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ NÀY RỒI" (Bạn có thể chuẩn bị sẵn sổ tay và bút viết, để ghi chú nhanh lại các câu hỏi, các ý mà mình đã đối thoại, điều này tránh được tình trạng lòng vòng, và bạn luôn có thể kiểm soát được ý mình).

6. Không nên tỏ ra quá căng thẳng hay nghiêm trọng hóa vấn đề. Nên nghĩ nhẹ nhàng rằng đây là buổi đối thoại, và những người đối diện với bạn đang làm công việc của họ, đó là nghề nghiệp, là cuộc sống của họ. và tất cả chúng ta đều là con người. (Dù biết là điều này đôi khi hơi khó, nhưng nếu giữ mình nhẹ nhàng được trong tình huống này, bạn sẽ đỡ "mệt" rất nhiều).

7. Không nên nhận lời mời làm việc khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Chủ động kiểm soát trạng thái của chính bạn. Chuẩn bị tốt về sức khỏe nếu cảm thấy bất ổn về trang thái, có thể từ chối cuộc gặp vì lý do sức khỏe. Điều này, pháp luật công nhận.

8. Không nên tỏ ra mình là người biết những thủ thuật, mánh khóe nghiệp vụ của họ. Điều này dẫn tới sự gài bẫy mà chính bạn là người tham gia gài cho chính mình. Ví dụ, họ có nghiệp vụ về "tâm lý tội phạm", họ có mánh bức, mớm cung...nếu sa đà vào đối thoại tức chúng ta vô tình gài bẫy cho chính mình.

9. Không nên hứa hẹn cũng như ký vào giấy cam kết với nội dung được gài sẵn. Xưa nay, nhà cầm quyền và những kẻ có quyền lực thường "đổi trắng thay đen" một cách vô liêm. Hiểu như thế để thấy rằng bạn biết mình phải nên cư xử như thế nào rồi.

10. Điều cuối cùng là KHÔNG NÊN gay gắt với gia đình và người thân khi nhận được giấy mời, hãy giải toả căng thẳng và vận động những người xung quanh mình trước. Không nên giấu diếm tình trạng và việc của mình với người thân. Họ là một kênh thông tin quan trọng khi có sự cố đấy bạn ạ!

Những điều tôi viết ra trên đây, chính là những trải nghiệm của bản thân. Có thể trường hợp của bạn sẽ không giống tôi. Nhưng qua đó, tôi hy vọng rằng các bạn có thể tìm ra cách bảo vệ hữu hiệu nhất cho chính mình để tiếp tục vững bước trong tiến trình tìm kiếm nền dân chủ thực sự.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn rằng, trong cuộc đời của một con người bình thường, cái không đáng sợ nhất là SỰ SỢ HÃI. Bởi chúng ta bị nhốt quá lâu trong trăm ngàn nỗi lo sợ vô hình, nên khi đối diện với vấn đề, thái độ đầu tiên ta chọn đó là sợ hãi.

Bạn có khi nào nghĩ rằng, khi chúng ta nhận được giấy mời làm việc, tức là ở đâu đó có người - nhóm người - thế lực đang sợ hãi điều bạn nói, cách bạn làm không?

Các bạn hãy vững tin vào chính mình, bước qua được sự sợ hãi này, bạn sẽ thấy mình nhìn nhận cuộc đời ở một góc nhìn khác!

Chúc các bạn vui nha!
------

P/s: Đã có nhiều trường hợp công an gửi giấy mời, sau đó là giấy triệu tập khiến nhiều bạn hoang mang. Tôi xin trích lại luật dưới đây để mọi người rõ giấy triệu tập được sử dụng khi nào.

* Theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003 thì giấy triệu tập được áp dụng cho các đối tượng sau: bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (xem điều 49 đến điều 53 Bộ luật TTHS 2003)

Vì vậy nếu bạn không thuộc nhóm đối tượng trên, bạn có quyền từ chối giấy triệu tập. Luật cũng đã quy định:

"Người được triệu tập có quyền yêu cầu Điều tra viên cho xem Quyết định khởi tố vụ án Hình sự, thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình là gì, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng riêng theo từng loại tư cách tham gia, và ghi rõ vào biên bản làm việc. Nếu Điều tra viên không chứng minh được những điểm đó với người được triệu tập làm việc thì người được triệu tập có quyền từ chối làm việc."

Vì vậy, nếu công an sử dụng giấy mời hay giấy triệu tập không đúng quy định của pháp luật, chúng ta từ chối nhận lời bạn nhé!

Mẹ Nấm






No comments:

Post a Comment