Sunday, March 24, 2019

'CẢI CÁCH' : MÓN QUÀ PHÒNG HỜ CỦA TRỌNG KHI GẶP TRUMP (Thường Sơn - VNTB)




3-24-2019

(VNTB) - Tuy chưa rõ sẽ diễn ra vào thời điểm nào trong năm, chuyến công du Mỹ của Nguyễn Phú Trọng đã chính thức được khẳng định sau thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Với Nguyễn Phú Trọng, hẳn đây là một chuyến công du rất quan trọng - đầu tiên là vị thế của ‘nguyên thủ quốc gia’ sau khi ông ta trở thành ‘tổng chủ’, và tiếp đến là những món hời mà chính thể Việt Nam có thể khai thác từ Mỹ.

Có vẻ để chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ trong năm 2019 này, Trọng đang thu xếp một hành trang - như một món quà - để phòng hờ trong cuộc gặp với Trump nếu bị Mỹ gây áp lực về chính trị, kinh tế và ngoại thương.

Trump & Trọng

Món quà đó là gì?

Hãy nhớ lại vào cuối tháng Sáu năm 2018, một cấp dưới được xem là ‘gà’ của Nguyễn Phú Trọng là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một chuyến đi tiền trạm tới Mỹ. Đã khá rõ là khi đó, Vương Đình Huệ muốn chuyển thông điệp của Nguyễn Phú Trọng có thể mang đến cho Donald Trump món quà là ‘cải cách’.

Cùng lúc và như một sự cố ý, báo đảng Việt Nam đã đánh tiếng ‘Việt Nam cải cách sẽ có lợi cho Mỹ’…

Vì sao phải ‘cải cách’?

Vay ngoại tệ!

Những năm gần đây và đặc biệt trong năm 2018, 2019 và cả những năm sau đó, một thách thức rất lớn dành cho giới chóp bu đảng CSVN là làm sao vay được tín dụng của các tổ chức tài chính quốc tế và các chính phủ

Nhu cầu vay tín dụng quốc tế lại chưa bao giờ khẩn thiết và cần nhiều như lúc này. Sau năm 2015 là thời điểm Việt Nam phải trả nợ quốc tế đến 20 tỷ USD, những năm sau đó chính thể này phải đều đặn trả nợ quốc tế từ 10 - 12 tỷ USD mỗi năm.

Có đến khoảng 50 - 60% số tiền Việt Nam vay mượn tín dụng quốc tế hàng năm là nhằm “đảo nợ”, tức được dùng để thanh toán luôn cho những món lãi và nợ gốc đã đến hạn phải trả.

Trước đây, cơ chế “đảo nợ” được chính phủ giấu kín. Nhưng về sau này và khi tình hình đã đến mức “sụp đổ tài khóa quốc gia” - như một cảnh báo của chính Thủ tướng Phúc vào đầu năm 2017, cả giới quan chức của chính phủ và quốc hội đều phải dần công khai nói về “đảo nợ”.

Nhưng giờ đây, cơ chế vay tín dụng quốc tế không còn dễ dàng như những năm trước.

Từ tháng Bảy năm 2017, các tổ chức tín dụng lớn nhất như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã thống nhất Việt Nam sẽ phải vay tín dụng với những điều kiện không còn ưu đãi như trước, nghĩa là với mặt bằng lãi suất sẽ tăng gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa. Còn muốn có được một phần vay ưu đãi thì Việt Nam phải dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.

“Đúng nghĩa” có nghĩa là phải minh bạch tài chính và tài khóa, công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng có thể chứng minh được, có những bằng chứng bảo đảm Việt Nam tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ… như những tiêu chí của kinh tế thị trường mà quốc tế quy định. Nhưng về tất cả những mặt này, Việt Nam vẫn luôn là “điển hình tiên tiến” trên thế giới khi nằm trong nhóm hàng đầu về tham nhũng và chót bảng về độ minh bạch.

Dù không phải là vị tổng thống có mối quan tâm đặc biệt đến nhân quyền, nhưng Trump lại là một nhà kinh doanh rất thực dụng và một chính khách rất nguyên tắc trong những đòi hỏi ‘công bằng và đối ứng’ về quan hệ thương mại song phương lẫn cơ chế kinh tế thị trường tự do - điều mà chế độ độc đảng ở Việt Nam thiếu hụt đến mức khủng hoảng.

Từ năm 2013 đến nay, hàng loạt chuyến đi vận động ‘Mỹ linh hoạt cho Việt Nam có kinh tế thị trường’ của Trương Tấn Sang - chủ tịch nước thời trước, Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng thời trước, Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng hiện thời… đều vô vọng bởi hàng rào tiêu chí mà Chính phủ Mỹ cùng Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế mặc định.

Nhưng sự thể tréo ngoe là không những không quan tâm đến “kinh tế thị trường”, tại Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền diễn ra vào đầu tháng Năm năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng còn chỉ đạo tung ra “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” - một văn bản bao gồm nhiều khái niệm bị giới chuyên gia và dư luận xem là hổ lốn, thực sự tréo ngoe với mọi tiêu chí về kinh tế thị trường tự do của cộng đồng quốc tế.

Hậu quả của cơ chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là trong những năm 2017 và 2018, Việt Nam vay mượn được rất ít tín dụng quốc tế so với những năm trước.






No comments:

Post a Comment