Sunday, January 27, 2019

ĐỌC KỊCH BẢN "HUẾ 1986" CỦA MICHAEL MANN (Tương Lai)




Tương Lai
27/01/2019

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 57

Từ ngỡ ngàng đến xúc động lật từng trang kịch bản “Huế 1968” của Michael Mann là trạng thái cảm xúc của tôi khi dõi theo từng dòng, từng dòng viết về thành phố quê hương tôi của nhà làm phim đã bốn lần được đề cử cho giải Oscar.

Lùi lại 40 năm để nhìn lại dòng lịch sử cuồn cuộn chảy, cuốn theo bao sự kiện với những cách nhìn không giống nhau, tùy theo cảm nhận của từng thân phận với những ưu tư cá nhân khi nói về một cố đô, có con sông Hương chảy qua có lúc trong vắt lững lờ trôi trong êm ả phẳng lặng, có lúc lại ầm ào tuôn chảy hung dữ trong cơn gào thét của giông bão thác nguồn. Và đây, cái nhìn của một bậc thầy về phóng sự Mark Bowden, tác giả của “Huế 1968”, đang là một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ cùng với 13 cuốn khác của ông, theo New York Times, cũng là cái nhìn của Michael Mann, đạo diễn cuốn phim cùng tên đã “khơi gợi những ảnh hưởng lịch sử sâu sắc nhất, lịch sử mang dấu ấn cá nhân và hoàn toàn chủ quan”:

Một khi cỗ máy chiến tranh đã khởi động, vì nhiều lý do xấu xa như từ lý thuyết địa chính trị của chiến tranh lạnh (chính sách kìm hãm) do từ một sự thật thuần túy là thiếu hiểu biết và trình độ yếu kém, cho đến những phiêu lưu chính trị, những sự tàn phá hung bạo đã đổ hết lên đầu người dân”. Từ cái nhìn đó cho thấy “một bức tranh sống của cuộc chiến một cách hùng hồn và đáng tin nhất, từ một sự thật lịch sử hiện lên bằng nhiều cách khác nhau và đó là điều mang nặng tính trải nghiệm nhất. Sức mạnh và bi kịch của trải nghiệm đó – Việt Nam và Mỹ – khơi gợi những ảnh hưởng lịch sử sâu sắc nhất” 1 [Michael Mann”s views on Hue 1968].

Mà lịch sử là cái đã diễn ra và lùi vào dĩ vãng, vĩnh viễn thuộc về quá khứ! Dù ai muốn nói ngả nói nghiêng cách gì, thì sự thật bị bao lớp bụi thời gian khỏa lấp vẫn vùi kín trong lòng đất và trong lòng người, của bao thế hệ nối tiếp nhau đã sống và đã chết. Vậy thì hà cớ gì mà đại văn hào Voltaire lại nói một cách chua chát và cay nghiệt rằng “lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh”? Phải chăng vì người tạo ra lịch sử không có thời gian để viết lịch sử. Mà những trang lịch sử của những hào hùng hay những bi thảm lại tùy thuộc vào cách nhìn của người viết sử.

Bìa sách “Huế 1968” của Mark Boden

Cách nhìn đó lại bị chi phối bởi bối cảnh thời đại, hoàn cảnh riêng tư và tâm trạng của sử gia. Rồi cũng không phải chỉ sử gia. Còn quan trọng hơn nữa là của công chúng hôm nay nhìn nhận về những cái đã lùi sâu vào dĩ vãng ấy. Cái nhìn ấy tùy thuộc vào trí tuệ, tâm trạng và bản lĩnh của từng người bị chi phối đến mức nào bởi sức lây nhiễm của đám đông và sức công phá đáng sợ của tệ ngu dân cùng với sự vô trách nhiệm của những cây bút cực đoan, lấy tâm trạng cá nhân làm điểm tựa để bóp méo hoặc phủ định sạch trơn lịch sử.

Ngòi bút bậc thầy về phóng sự đã có một cố gắng tối đa để tránh một cái nhìn lệch lạc, đại loại như những điều vừa thoáng gợi ra ở trên khi viết về “HUẾ 1968. A Turning Point of the American War in Vietnam” [Bước ngoặt của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam]. Mark Bowden đã đọc hàng trăm bút ký, hồi ký của những cây bút khác nhau với những cách nhìn không giống nhau tùy theo những trải nghiệm trong thân phận của họ, chỉ có một điều giống nhau: họ là người trong cuộc của “Huế 1968” mà ông sẽ tìm thấy những dữ liệu để viết.

Mark Bowden thăm Đại Nội ở Huế, tháng 2.2015

Ông cũng đã phỏng vấn hàng trăm tướng lĩnh, quân nhân của cả hai bên trong cuộc chiến đẫm máu này.  Điều đáng nói hơn nữa là ông đã dành nhiều thì giờ gặp gỡ, trao đổi với những người dân thường ở Huế, ghi chép những điều họ kể lại những gì họ đã chứng kiến, những suy nghĩ của họ. Qua đó, ông đã “kể lại câu chuyện lịch sử về một trận chiến lớn và đẫm máu nhất trong chiến tranh Việt Nam. Một trận chiến thay đổi cả cục diện của cuộc chiến tranh đó, tạo ra một bước ngoặt, không phải chỉ cho cuộc chiến, mà thay đổi cả lịch sử nước Mỹ. Sau trận này, chủ đề tranh luận của người Mỹ không còn là tìm cách chiến thắng, mà làm sao để có thể rút khỏi Việt Nam”.

Cái khiến tôi từ “ngỡ ngàng đến xúc động” khi đọc kịch bản của đạo diễn Mỹ Michael Mann “Huế 1968”, tái hiện lại bằng ngôn ngữ điện ảnh tác phẩm cùng tên của Mark Bowden, cũng là một người Mỹ, chính là cái nhìn khách quan và trung thực với những cảm nhận của chính họ về “ hình ảnh những người cha, người mẹ, con cái, anh chị em, bạn bè và kẻ thù – những người cũng có người thân, nghề nghiệp, khát khao và những mối quan hệ riêng tư nào đó liên quan đến văn hóa như bao nhiêu người khác trên hành tinh này”.

Michael Mann

Khi được hỏi về “Thảm sát Tết Mậu Thân 1968”, một vấn đề nhức nhối làm day dứt tâm tư của bao người nặng lòng về nhân dân, về đất nước, về số phận con người, một khúc mắc lớn của những người cầm bút trong và ngoài nước muốn hiểu rõ sự thật, Michael Mann đã trả lời: “Thái độ của cá nhân tôi, góc nhìn của bộ phim ‘Huế 1968’ đồng ý với cái nhìn và quan điểm của Mark Bowden. Đó là: Trong cái hoảng loạn và ác liệt của trận chiến, nhất là trong mấy tuần cuối, Huế là nơi rất dễ chết. Chết từ các tòa án kết tội đã lạc hướng. Chết từ cả hai phía. Chết từ đạn lạc bom rơi và đạn đại bác Mỹ…Những cái chết thật tình cờ và vô duyên bao trùm cả bối cảnh của cuộc chiến trong những ngày cuối cùng – từ nó và chính nó – trở thành câu chuyện của bộ phim ‘Huế 1968’…”

Vậy đấy, “bầu không khí loạn lạc điên cuồng phủ khắp” cố đô, vốn là một thành phố yên bình, trầm mặc và con người cũng trầm mặc trong một chiều sâu văn hóa độc đáo hiếm thấy được tích lũy tự bao đời. Thế mà giờ đây, theo lời của tác giả kịch bản “Huế 1968” thì “những khu dân cư đã thành nơi diễn ra các trận đánh và sự hỗn độn do chiến sự gây ra đã biến Huế thành nơi hết sức nguy hiểm cho tính mạng con người. Trước nòng súng của Mỹ, bất cứ ai cũng có thể bị coi là thù. Pháo binh đã được phép bắn tự do vào thành phố, không cần phân biệt phải gây thương vong lớn cho dân chúng. Sức dồn nén và sư hỗn loạn đã làm cho các phiên tòa nhân dân không thể diễn ra. Việc xem xét tội trạng chịu ảnh hưởng bởi những nhầm lẫn và tùy tiện. Vị chỉ huy bí mật của Mặt trận bỏ các phiên xét xử và tái hợp với các đồng chí từng hoạt động bí mật với mình chiến đấu bên cạnh bộ đội Miền Bắc, đang gắng sức giữ Thành Nội.

Khi cuộc chiến trở nên ngày càng ác liệt, mọi trận đánh giữa lực lượng Mỹ và quân đội VNCH với Quân Giải phóng chỉ trong phạm vi 9 khu nhà trong Thành Nội”.

Xin trích ra đây vài đoạn trong kịch bản phim. Trước hết, lời viết mở đầu của Michael Mann về “Tập 6-THÀNH NỘI”:

Khi Quân Giải phóng đã rút sang bờ Bắc sông Hương, các lực lượng của ta và các lực lượng tham gia trong cuộc chiến này lại gặp nhau giữa bối cảnh là trong Thành Nội 200 năm tuổi. Những trận chiến giờ đang diễn ra giữa những đống hoang tàn của những công trình cổ. Khi Quân Giải phòng kiên cường chống chọi, lui từng bước, lá cờ trên kỳ đài vẫn phần phật bay. Câu hỏi bây giờ không phải  là bên nào sẽ thắng, bên nào sẽ thua. Câu hỏi là trong số những nhân vật của ta ai sẽ sống còn, ai sẽ mất, những niềm tin vào tương lai mà họ sẵn sàng vì nó mà xả thân rồi sẽ vỡ tan hay hóa thành hiện thực?”.

Cảnh tại Huế ngày 15/3/1968. Ảnh: GETTY IMAGES

Câu hỏi này đã được tác giả chuẩn bị dữ liệu nhằm đưa ra câu trả lời từ Tập 5, “TRẬN ĐẤU TAY ĐÔI” trước đó. Hãy đọc một đoạn kịch bản viết về nhân vật chính của bộ phim:

Đêm đã buông xuống, Chế và những đồng đội trong Tiểu đội Mười một cô gái sông Hương đang trong một con hào họ đã đào để lập thành một phòng tuyến phòng ngự. Một Việt Cộng người làng cô quen mang cho cô gói đồ cha cô gửi. Cô mở lá thư của ông. Trước giờ cha cô chưa bao giờ gửi thư cho cô. Tuy nhiên, ông hiểu lòng quyết tâm của cô. Khi tham gia đánh giặc Pháp, ông cũng cũng đã mang trong trong lòng ngọn lửa giờ đang hừng hực trong cô. Ông ủng hộ cô. Dù chuyện gì xảy ra cô hãy tin, tin là ông đồng tình với cô và cầu chúc điều tốt nhất cho cô. Gói ghém cẩn thận trong đó là vật có giá trị duy nhất của gia đình: một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ nhỏ của ông từ những ngày đánh Pháp. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng nếu cô bị thương hay cô cần tiền thì cố có thế bán nó.

Chế đọc to lá thư cho mọi người trong tiểu đội cùng nghe. Kể cả Phạm (người bạn và là cấp trên trực tiếp của Chế), tất cả các đội viên trong tiểu đội đều là con của những người cha đang lo lắng ở nhà…Sự đồng cảm từ những cảm xúc dâng trào mãnh liệt trong lòng họ đã gắn bó họ với nhau. Với Chế và Phạm, lời bức thư này đã ngân vang. Phạm luôn mang bên mình bức hình người chị (đã hy sinh) của Chế, cô chưa bao giờ cho Chế xem. Bây giờ cô mở nó ra cùng xem với Chế”.

Trích tiếp một đoạn giữa tập 6:
Cảnh hỗn loạn của những người dân thường Huế…Trong đêm họ bồng bế dắt díu nhau tìm sự sống…lính Mỹ có thể nổ súng vào vào họ vì tưởng họ là bộ đội. Bộ đội cũng có thế bắn vào họ nếu lầm họ với lính VNCH. Trung tá Ernie Chetham, thủy quân lục chiến Mỹ đã từng tuyên bố bất cứ người Việt Nam nào trước mặt ông ta cũng có thể bị coi là người của cộng sản…Trong khi đó, Chế và hai đồng đội trong tiểu đội sông Hương đang tải đạn từ Khu Tam giác sang khu vực Thành Nội. Cô đi qua một dinh thự đổ nát, rẽ ở góc đường.

Cảnh tại Huế ngày 13/3/1968. Ảnh: GETTY IMAGES

Cô giật mình. Cô giáp mặt với một người lính thủy đánh bộ Mỹ…Họ tròn mắt nhìn nhau trong khoảng cách chừng hai, ba mét. Cả hai đều là những người mới lớn. Người lính Mỹ không nghĩ rằng mình lại có thể đối mặt với một cô gái trẻ xinh đẹp với khuôn mặt sáng sủa thế. Họ có thể đã là bạn học của nhau. Một thoáng, một phần triệu giây. Chế ra tay trước. Cô bóp cò. Cô hạ anh lính Mỹ. Cô đã tham gia những trận đánh mà đối phương gục xuống ở đằng xa. Bóng những bộ quân phục mờ mờ không rõ nét đã đổ xuống hoặc không. Nhưng đây là thực, rất gần…

Cô vẫn chưa hết run khi gặp lại đồng đội. Cô thổ lộ tâm trạng sốc của mình với Phạm (người cấp trên trực tiếp của cô). Đó không phải là tên lính mang quân phục của kẻ thù. Đó là một con người. Cô hình dung ra cuộc đời người lính ấy, những anh chị em của anh ta, cha mẹ anh ta trong một thị trấn nào đó. Phạm hiểu những suy nghĩ đầy mâu thuẫn đó. Đó là một tên địch. Đó là một con người. Một thanh niên giống cô, người phải có cuộc đời không đáng bị dang dở ở tuổi 17. Hai cái đó đều đúng. Không có sự phân biệt rõ ràng nào cả. Đó là chiến tranh”.

Mà đã là chiến tranh, ở trong chiến tranh, mọi chuẩn mực thông thường của đời sống con người đều bị đảo lộn hết, thậm chí có lúc bị xóa bỏ có ý thức, hoặc trong vô thức, để cuốn hút theo cái quy luật đáng sợ của chiến tranh. Mà cái đáng sợ nhất là sự “thay đổi bên trong con người” như hình tượng người lính quân y O’Konski mà tác giả kịch bản phim đã dựng nên:

O’Konski gia nhập lực lượng Hải quân chỉ để mong được ở trên một con tàu nào đó không phải trực tiếp bắn vào người khác. Giờ này anh ở đây, một người quân y hiền lành giữa một bãi chiến trường ác liệt…Tiểu liên bộ đội ghìm anh xuống. Anh không tới được chỗ người lính thủy đang bê bết máu. Người bộ đội chuyển sang một mục tiêu khác. Bóng anh ta lộ ra trong ánh chớp lóe lên từ họng súng. Chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, chàng lính O’Konski hiền lành trước kia đã xả hết nguyên một băng AR-15 vào ngay đầu người lính đối phương. O’Konski- người lẽ ra đã không phải vào lính bởi lý do tín ngưỡng không sát sinh-đã giết người. Biểu hiện bên ngoài của anh không có gì khác, lặng như tờ. Cái thay đổi là bên trong con người anh”.

Phải chăng vì thế mà trong đề từ ở đầu cuốn sách của mình “Huế 1968”, Mark Bowden đã dẫn ra lời của Gabriel Garcia Maquez “Wisdome comes to us when it can no longer do any good” [tạm hiểu là “sự khôn ngoan đến với chúng ta khi điều đó chẳng còn có ý nghĩa gì nữa”]. Trong kịch bản phim có một đoạn đối thoại thấm đẫm cái hiện thực tàn nhẫn ấy qua tâm trạng của một cô gái 19 tuổi, nhân vật chính của tác phẩm vừa được trích dẫn ở trên, đang bị thương phải nằm trên cáng để đồng đội khiêng đi trên đường rút lui khỏi mặt trận Huế sau 24 ngày đẫm máu:

Cô nhỏm lên và cố ngồi dậy.
Phạm: Nằm yên
Chế nhìn Phạm, người cán bộ đầu đàn…Cô khăng khăng cố ngồi dậy, rên lên đau đớn.
Phạm: Chị bảo em nằm yên cơ mà.
Chế: Ta ở đâu đây?
Phạm: Núi Kim Phụng.
Chế ngồi dậy bất chấp đau đớn, nhìn lại đằng sau họ: Qua màn sương, dòng sông Hương uốn mình quanh thành phố Huế đổ nát. Thấy rõ lá cờ VNCH xa xa. Họ trên đường rút lui.
Chế: Ta thua rồi à?
Phạm: Diệt được nhiều quân địch, ngụy chết rất nhiều. Đó không phải là thua
Chế: Thế ta rút lui là gì?
Phạm: Ta luôn biết là ta sẽ rút.
Chế: Ta luôn có kế hoạch để thua à?
Phạm: Bình tĩnh đi. Ta mất cái nhỏ để được cái lớn hơn.
Chế: Em mất chị của em, em làm cho cha em buồn.
(Nói về Huế, phía sau) Nhìn thành phố của em đi. Bạn em chết hết rồi.
Chế gieo mình xuống cáng, chán ngán: Đáng lẽ chị phải để em ở lại với họ.
Cô thu mình lại, nỗi chán ngán ngập tràn. Phạm không biết nói gì hơn. Chế nhìn lên: Những tán cây rừng trôi trên đầu”.

Trước đó, ở tập 4, Chế cũng đã từng dằn vặt với mình trong đoạn đối thoại ngắn với người chỉ huy bên chiếc cầu họ đang gài mìn để cho nổ tung khi xe địch đi qua:

Chế: Em không sợ chết đâu.
Hà: Phải biết sợ chứ. Người giỏi hy sinh hết thì lấy ai chiến đấu?
Âm thanh ầm ầm của đoàn xe rền vang như một tiếng gầm dữ dội. Chế nhìn những gói  thuốc nổ đã gắn chặt vào khung cầu, nóng lòng muốn đánh ngay.
Hà: Chưa phải lúc này
Chế: Nhưng chúng đang ở đây rồi.
Hà: Em biết chiến thuật của ta. Một chậm, ba nhanh. Chậm rãi, chuẩn bị kỹ càng. Rồi tiến nhanh. Đánh nhanh, mạnh. Rút nhanh. Sao?
Chế: Chúng mang bom đạn tới thành phố ta.
Đoàn xe của Cheatham giờ đã ầm ầm rung chuyển ngay trên đầu họ. Cây cầu võng xuống bởi sức nặng hàng tấn súng đạn và xe cộ.
Hà: Chúng có súng đạn nhưng ta có thời gian. Quân chúng rồi sẽ rút về nước và chừng nào chúng ta còn sống thì còn chiến đấu. Càng lâu dài càng tốt.
Đầu óc Chế loạn lên, cố kìm ý muốn làm nổ tung đoàn xe thành tro bụi. Và rồi…Mọi thứ đột nhiên trở nên yên lặng khi đoàn xe đã qua hết cầu.
Thất vọng, Chế leo lên những thanh dầm cầu xuống mép sông. Hà người chiến sĩ đặc công kia tiếp tục công việc còn dang dở.[Tập 4]

Một mảng hình nối theo cảnh Chế “thu mình lại, nỗi chán ngán ngập tràn” ở tập 8:
Ở đấy, người chỉ huy Quân Giải phóng với hàng quân trên đường rút lui. Khi ông đi qua, thấy cảnh Phạm và Chế. Ông bước gấp qua một hàng dài những người lính của mình, nhập vào với họ. Mệt mỏi về thể xác và tơi tả qua chiến trận, trông họ như có vẻ quỵ xuống bất cứ lúc nào. Nhưng không! Họ vẫn bước tới”…

Trong “Cái nhìn của đạo diễn về bộ phim Huế 1968”, Michael Mann viết: “Ai cũng đã biết những phán đoán tiêu cực về cuộc chiến rút ra từ những phân tích khách quan của lịch sử và bởi truyền thông. Thứ còn khủng khiếp và khó khăn hơn rất nhiều là những kinh nghiệm cá nhân, mặc dù nó chỉ là đơn thuần”. Vì vậy, như ông cho biết: “Tiền đề* mà tôi chọn là ba tù binh Pháp sắp bị Chính phủ Pháp xử tử vì đã đưa ra những lý do giả để biện minh cho thất bại của quân đội Pháp trong tác phẩm “Đường tới vinh quang” của Kubrick, “Chuông nguyện hồn ai” của Hemingway và “Mặt trận phía tây không có gì lạ” của Remark.

Đường tới vinh quang” của người cầm súng như Col Dax, một chỉ huy đơn vị có số hiệu 701 của quân đội Pháp trong thế chiến thứ nhất, nhân vật chính trong tác phẩm, phải đối mặt với nhiều chông gai, thử thách. Không chỉ thế, anh còn phải đối diện với tòa án lương tâm của chính mình. Nhưng tệ hại nhất mà Col Dax phải chịu đựng là sự phản bội. Mà phản bội lớn nhất chính là những cấp trên trực tiếp của anh ta, từ thấp cho đến cao, và cao chót vót.
Trong một lần được giao một nhiệm vụ khó khăn dường như bất khả thi, một nửa số quân lính của anh bị chết trong bão lửa của quân thù. Và rồi sự đưa đẩy trách nhiệm bắt đầu diễn ra. Có những người lính bị tử hình trong sự hả hê của một vài sĩ quan cao cấp. Để rồi qua đó, như Michael Mann viết, ông đã lấy chuyện “ba tù binh Pháp sắp bị Chính phủ Pháp xử tử vì đã đưa ra những lý do giả để biện minh cho thất bại của quân đội Pháp” làm điểm tựa gợi ý quan trọng cho việc xây dựng kịch bản “Huế 1968” của mình.

Còn “Chuông nguyện hồn ai” là đỉnh cao phong cách trữ tình của Hemingway. Ở đây, tác giả đã vẽ nên bức tranh chân thực về chiến tranh. Robert Jordan, nhân vật chính của tác phẩm biết hy sinh cuộc sống riêng tư cho lý tưởng, không chỉ dũng cảm hy sinh vì lý tưởng cao đẹp mà còn qua đó, đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình. Và chiến tranh chính là nơi dồn góp những dằn vặt suy tư về ý nghĩa sự sống, những băn khoăn day dứt về những cái chết oan uổng, những khát vọng được sống, được yêu thương. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Hemingway chủ ý mượn câu thơ của John Donne (1572-1631) trong tác phẩm Meditation XVII: “Không ai là một hòn đảo, tất cả đều là một phần của lục địa rộng lớn… Mỗi người ra đi đều là mất mát của tôi, vì tôi đã hòa vào nhân loại. Vì thế đừng hỏi tiếng chuông nguyện hồn ai, đó chính là tiếng chuông của bạn đấy”. Chính vì thế mới có cái tên của tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai”!

Bìa của tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai” do NXB Văn học ấn hành.

Cách đây cũng đã hơn 30 năm, khi trao tặng tôi “Chuông nguyện hồn ai”, bạn tôi, chị Hồ Thể Tần, một trong hai dịch giả tác phẩm nói trên do NXB Văn Học ấn hành, thân mật nói: “Ông đọc đi. Cái tạng ông, tôi biết, rồi ông sẽ không thể rời sách trước khi ông lật trang cuối cùng. Chúng tôi vất vả lắm mới ra được cuốn sách này đấy. Tôi tin rằng ông sẽ không dừng lại với một “anh hùng ca của cuộc đấu tranh chống phát xít Franco của nhân dân Tây Ban Nha” mà sẽ tìm thấy ở đó những vấn đề triết lý về cuộc sống, về thân phận con người trong chiến tranh. Nó gợi với ông nhiều ý tưởng đấy”. Giờ đây nhớ lại, quả là bà bạn của tôi đã khá tế nhị, thâm thúy khi nói với tôi câu ấy.

Mới rồi, nhân chuẩn bị đến lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn để viếng một người Mỹ mà tôi ngưỡng mộ, Thượng nghị sĩ Jonh McCain, tôi tìm đọc về ông. Và thật ngạc nhiên khi biết rằng, “những tư tưởng lãng mạn về lòng dũng cảm và tình yêu” của J. McCain xuất phát từ chính “Chuông nguyện hồn ai”. Lòng dũng cảm và sự cao quý của Robert Jordan trở thành nguồn cảm hứng của cuộc đời ông. McCain viết: “Đó là người sẵn sàng hi sinh tính mạng, nhưng không bao giờ chấp nhận đánh mất lòng tự trọng. Anh ấy mãi mãi là người hùng của thế kỷ 20, thế kỷ của tôi”! Trong mông lung suy ngẫm, phải chăng hình tượng và cuộc đời của Jonh McCain cũng có thể là một gợi ý về chiều sâu nhân bản cho tác giả kịch bản “Huế 1968” nhằm nối kết giữa lịch sử và hiện tại. Là tôi nghĩ vậy!

Cảnh lính và thương binh Mỹ chồng chất trên xe trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 ở Huế.

Và nếu trong “Chuông nguyện hồn ai”, Jordan chịu đựng một sự thất bại bên ngoài để đổi lấy sự chiến thắng về tinh thần bên trong, thì trong “Phía tây không có gì lạ” Paul Bäumer, nhân vật chính của tác phẩm, ngã xuống trong cuộc chiến vô nghĩa “trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là ở phía Tây, không có gì lạ”.

Ngòi bút của Erich Maria Remarque đã lạnh lùng dựng lên hình ảnh một người lính trẻ bị đẩy vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất: “Trước đây, chúng tôi đang trong cái tuổi mười tám, bắt đầu yêu đời, yêu cuộc sống, thế mà chúng tôi đã phải nổ súng bắn vào cuộc sống. Quả đại bác đầu tiên rơi xuống đã nổ trúng trái tim chúng tôi. Chúng tôi chẳng còn thiết gì đến nỗ lực, hoạt động và tiến bộ nữa. Chúng tôi chỉ còn tin có chiến tranh”. Để rồi, người lính Đức 19 tuổi đời ấy tự dằn vặt mình sau khi đã nổ súng bắn chết đối phương: “Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu… Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình, rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau? Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình….

Và rồi anh ta quằn quại với những ưu tư: “Cuộc sống đã bắt tôi phải qua những năm tháng ấy, vẫn đang còn tồn tại trong hai bàn tay và cặp mắt của tôi. Liệu có làm chủ được cuộc sống ấy không… Tôi không biết… Hiện giờ, chúng tôi chỉ biết rằng mình đã trở nên cục súc một cách kỳ quái và đau đớn, dù rằng nhiều khi chúng tôi không còn đủ sức để cảm thấy buồn phiền nữa… Chúng tôi không còn vô tư lự nữa, chúng tôi lạnh lùng một cách đáng sợ. Chúng tôi bơ vơ như những đứa trẻ và thạo đời như những cụ già; chúng tôi thô lỗ, u sầu và hời hợt.

Phải “nổ súng vào cuộc sống” thì khủng khiếp quá. Nhưng đó là một sự thật tàn nhẫn và quá nghiệt ngã mà đau đớn thay, trong tiến trình lịch sử đi tới lại có nhiều, rất nhiều những nghịch lý oái oăm ấy! Liệu có phải vì để góp phần xóa bỏ đi những nghịch lý đó mà cần có những sáng tạo nghệ thuất bằng hình tượng và ngôn ngữ điện ảnh như “Huế 1968” của Michael Mann?

Dẫn ra hơi dài một vài phiến đoạn miêu tả, đối thoại, bộc lộ nội tâm nhân vật…rồi những bình luận trữ tình ngoại đề trong ba tác phẩm mà tác giả kịch bản “Huế 1968” dẫn ra, vì tôi nghĩ rằng, từ những gợi ý có ý nghĩa xuất phát điểm trong ba tác phẩm lớn ấy, Michael Mann đã viết Kịch bản “Huế 1968” dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà phóng sự bậc thầy Mark Bowden.

Liệu có làm khó cho người đọc với việc nói lên một đòi hỏi quá khắt khe rằng, nếu không biết được trong “Đường tới vinh quang”, “Chuông nguyện hồn ai” và “Phía tây không có gì lạ” đã có những gì khiến cho tác giả kịch bản “Huế 1968” lấy đó làm điểm tựa cho cảm hứng sáng tạo để xây dựng một bộ phim truyện về chiến tranh, thì cũng khó mà có được sự cảm thụ sâu sắc những hình tượng nghệ thuật và triết lý dẫn dắt việc hình thành kết cấu của tác phẩm điện ảnh với một tầm vóc như đã có. Có lẽ cũng có chuyện đó.

Nhưng nghệ thuật không tồn tại chỉ để giải trí mà còn để thách thức trí tuệ của người hưởng thụ nghệ thuật! Vả chăng,“đem ánh sáng vào bóng tối trong trái tim con người, đó là nghĩa vụ của người nghệ sĩ” như lời nhắc nhở của Robert Schumann, nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh thế giới thế kỷ 19. Chính vì thế mà Bernard Shaw, nhà soạn kịch người Anh đoạt giải Nobel văn học năm 1925 đã rất sâu sắc khi nói với chúng ta rằng: “nếu bạn dùng gương để ngắm gương mặt mình; bạn dùng nghệ thuật để ngắm tâm hồn mình”. Quả thật sự cảm thụ nghệ thuật để qua đó mà “ngắm tâm hồn của mình” quả là không dễ chút nào! Để có thể ngắm tâm hồn của mình thì sự nông cạn về hiểu biết và quá dễ dãi trong thụ hưởng nghệ thuật e không thế.

Chẳng những thế, qua “Micheal Mann’views on Hue 1968”: “Thứ còn khủng khiếp và khó khăn hơn rất nhiều là những kinh nghiệm cá nhân, mặc dù nó chỉ là đơn thuần. Một bối cảnh tổng quan cho các bên – đây là việc việc gì đã xảy ra với họ, bao trùm tất cả hoàn cảnh trong đời – chưa được thực hiện. Nhưng việc đó mới vẽ ra được một bức tranh của cuộc chiến …khơi gợi những ảnh hưởng lịch sử sâu sắc nhất – lịch sử mang dấu ấn cá nhân và hoàn toàn chủ quan”. Chính cái dấu ấn cá nhân và hoàn toàn chủ quan của tác giả Kịch bản “Huế 1968”, Michael Mann và của Mark Bowden, tác giả tác phẩm cùng tên, hai ngòi bút Mỹ trung thực đã làm sống động trở lại “Bước ngoặt của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”, một sự kiện lịch đã lùi sâu gần nửa thế kỷ.

Thật ra thì cũng đã có khá nhiều những tranh luận qua những bài viết, những cuộc bút chiến, những tọa đàm, những câu chuyện ngẫu hứng xoay quanh sự kiện này theo những cách nhìn riêng khá phiến diện, thậm chí đôi lúc tôi xót xa cảm nhận rằng, qua sự phiến diện đó, lịch sử bị bóp méo thật thảm hại. Đấy là chưa nói đến sư xuyên tạc đầy ác ý tùy thuộc vào những định kiến cá nhân. Thế rồi hôm nay, cũng là “dấu ấn cá nhân và hoàn toàn chủ quan” của Mark Bowden lần đầu tiên tiếp cận được tài liệu từ cả hai phía, trực tiếp phỏng vấn nhiều nhân vật, nhân chứng Mỹ và Việt, để có cái nhìn toàn diện về trận chiến Huế 1968 từ nhiều khía cạnh và quan điểm khác nhau mà kể lại câu chuyện lịch sử về một trận chiến lớn và đẫm máu nhất trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Một trận chiến làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh đó.

Từ cuốn sách của một cây bút dày dạn kinh nghiệm với 20 năm làm phóng viên của tờ Philadelphia Inquirer và hiện nay đang cộng tác cho các tờ Atlantic, Vatiny Fair cùng nhiều tạp chí khác, Micheal Mann xây dựng cho mình một Kịch bản phim 10 tập mang cùng tên với tác phẩm đang là “bestseller”, “Huế 1968”, một bộ phim lớn nhất viết về Việt Nam và muốn được quay tại Huế!

Tác giả cho biết, trong nội dung kịch bản phim “Huế 1968”, những câu chuyện của bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng được đưa vào phim đúng tầm và được chú trọng ngang bằng với những nhân vật người Mỹ. Trong ngành điện ảnh và truyền hình điều này chưa bao giờ có và người xem dù đã mong đợi từ lâu vẫn chưa được thấy. Một nửa số nhân vật trong phim là bộ đội Miền Bắc và Quân Giải phóng, nửa kia là những người Mỹ và thường dân địa phương, để qua đó kịch bản phim có thể làm nổi bật được tính chân thực từ các câu chuyện riêng của họ.

Những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn ấy được hiện ra qua cái nhìn của những thân phận người mang trong họ những giá trị mà họ trân trọng, những khát vọng dân tộc cháy bỏng cùng những nỗi niềm trong chiến thắng cũng như trong mất mát. Và đây không phải là một phim tư liệu. Đây là một phim truyện dựng lại những nhân vật đã sống, đã chết, đã chiến đấu và đổ máu. Một số nhân vật trong phim được xây dựng từ những con người thật. Một số khác chuyển tải hình ảnh tổng hợp những tính cách của nhiều người…Ngòi bút viết kịch bản không soi xét con người trong bộ quân phục họ khoác trên người mà mô tả cá tính của họ với niềm tin và mong ước, niềm hân hoan chiến thắng, những dằn vặt yếu mềm trong mất mát và sợ hãi …Điều được đưa lên hàng đầu là tính chân thực, nhân văn, và trên tất cả là làm nổi bật con người thật, những người có thật.

Là một bộ phim truyện với những nhân vật suy nghĩ và hành động, yêu thương và phẫn nộ, niềm vui và nỗi buồn, nhà biên kịch phải đẩy nhân vật của mình vào một tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách mà nhà biên kịch muốn mô tả. Không chỉ có vậy, còn cần nhiều yếu tố khác nữa để hình thành một kịch bản phim với một tầm vóc như nó cần có.

Cho nên, hư cấu là một tất yếu! Nói như Michel Chion trong Ecrire un Scénario, “Trong một tiểu thuyết, các nhân vật suy nghĩ; trong một bộ phim, bạn không thể làm cho họ suy nghĩ nếu không phải qua trung gian của tiếng nói bên ngoài để cho thấy họ đang suy nghĩ…” [Cahiers du Cinéma/I.N.A 1985, p.81]. Đấy là chưa nói đến điều mà Michael Mann băn khoăn: “trước Huế 1968, người Việt chưa hề xuất hiện nhiều trên truyền thông thế giới (ngoại trừ một số trường hợp riêng lẻ). Quân Bắc Việt và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam hay người Việt nói chung và cuộc sống riêng tư của họ chưa được sân khấu hóa dựa trên con người thật của họ như những nhân vật khác. Họ chỉ mới được phác họa như là “kẻ bên kia chiến tuyến”, và chỉ gói gọn trong những hình ảnh quân nhân mặc quân phục trên các bộ phim và truyền hình phương tây…”!

Hiểu như vậy để thấy rõ rằng, cái “dấu ấn cá nhân và hoàn toàn chủ quan” của hai ngòi bút Mỹ trung thực kia đã đạt được tính khách quan trong cái nhìn cụ thể-lịch sử như thế nào, khi mô tả và phẩm bình về một hiện thực đã lùi vào trong quá khứ hơn 40 năm của một cuộc chiến đẫm máu trên một cố đô cổ kính và trầm mặc. Trong cảm nhận của riêng tôi, đây là điều tôi trân trọng nhất. Cũng là điều đẩy tới những xúc động trào dâng trong tôi khi lật từng trang kịch bản, dõi theo số phận những nhân vật trong nhiều chiều kích khác nhau, với những bột phát trong hành động và thẳm sâu trong những day dứt nội tâm, ngón tay bóp cò súng khạc đạn hạ gục đối phương và những quằn quại giằng xé trong phút giây tự vấn thầm kín đầy tính nhân bản.

Tôi muốn dừng lại giây lát với những phóng viên chiến trường người Mỹ như Le Roy, như Jack Laurence, và Walter Cronkite, một trong những tiếng nói được người Mỹ tin tưởng nhất vì đã truyền về những hình ảnh về sự thực dã man của cuộc chiến trên các đường phố Huế tới từng gia đình Mỹ, làm chấn động công chúng Mỹ.

Khi Cronkite ổn định tư thế trước máy quay, vẻ mặt ông thay đổi hẳn… Cronkite muốn thu những gì đằng sau ông vào ống kính, cảnh nền cho khuôn mặt ông, những gì nước Mỹ và cả thế giới sẽ thấy. Đằng sau Cronkite, thành phố Huế là một bình địa tan hoang. Nó giống như Dresden hay Berlin của những ngày cuối chiến tranh thế giới thứ 2. Nó đấy.

Và đó là những gì Cronkite muốn cả thế giới thấy”.

Qua lời tự sự của người chỉ huy đội thủy quân lục chiến Mỹ ở gần cuối tập 8, sẽ hiểu hơn về cái nhìn của Cronkite: Cheatham thổ lộ giờ đây ông đã biết vì sao người chỉ huy của đối phương cố bám trụ giữ thành phố, vì sao họ không biến mất như những bóng ma giống như lệ thường trước đây trước những đòn phản công với sức mạnh áp đảo. Đó chính là lời đáp cho câu hỏi ông đặt ra trong sở chỉ huy được đặt tại trường học. Ông đã thấy câu trả lời bằng ánh mắt của Cronkite.

Trận đánh Huế là minh chứng được trưng ra. Nó đây ư? Đó là tất cả những gì cuộc chiến lấy đi ư? Sinh mạng của 500 lính Mỹ, 2500 bị thương? Và bao nhiêu nhỉ, hàng chục ngàn người Việt thương vong? Nhân lên với bao nhiêu thành phố, thị trấn? Người Mỹ muốn thế ư? Một cuộc chiến không hồi kết tại một đất nước xa lạ? Thật thế sao…?

Cùng với người dẫn huyền thoại của chương trình thời sự trên màn hình TV trong bộ áo giáp và chiếc mũ sắt nổi tiếng của mình, còn có Cathy Le Roy, Jack Laurence mà dưới đây là thoáng gợi vài hình ảnh của họ:

Các anh thì biết cái quái gì? Mọi người sững ra. Trận đánh của những mộng tưởng tan vỡ. Hay là những lời hứa phù du. Nhuốm bẩn. Là thiên đường biến mất. Thiên đường ư? Laurence nghe thấy một tiếng thét. Leroy đang phấn khích tách khỏi một toán lính của đại đội Alpha lao tới anh. Cô ôm choàng lấy cổ Laurence. Cô kể lại chuyện bị bắt, được thả và chuyện chụp hình bộ đội miền Bắc, giờ cô đang trên đường mang phim của minh đi xử lý ở Đà Nẵng…Sợ muốn chết, gặp lại những chàng lính thủy đánh bộ Mỹ, cô chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc hơn. Cô cười như trẻ con…”. [tập 6]

Nhưng rồi ở phần kết thúc của bộ phim:
“Le Roy đang dằn vặt bởi những người lính thủy đánh bộ “của cô” đã quay lưng lại với cô. Khi cô hào hứng đưa cho họ Tạp Chí Life mà cô vừa nhận được, một thành quả tuyệt vời của cô khi tác nghiệp dưới mưa bom bão đạn tại Huế “nơi dễ chết nhất”, nhưng rồi họ đã giận dữ ném trả cuốn Tạp chí vào cô.
Laurence chẳng quan tâm đến chuyện ấy.Theo Laurence, cô còn mong muốn gì nữa? Thì chẳng phải những kẻ quyết bắn vào họ lại là những người được Le Roy đưa trên trang bìa Tạp chí Life đó sao? Những đột phá trong nghề báo chẳng có ý nghĩa gì với họ. Nhưng với Le Roy, tình cảm khăng khít với nhau bắt nguồn từ sự thật là họ đã cùng nhau sống chết trong lửa đạn. Trên chiến trường, tỷ lệ thương vong của phóng viên và của những người lính là ngang nhau.. Sự khác biệt lớn nhất, theo lời Laurence nói với cô là: Chúng ta tự tìm nơi đây để đến. Những người lính thì không có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể về. Họ phải ở lại”!

Tiếp theo cảnh đó
Ở bờ nam sông Hương, trong trại MACV, cảnh lính nhận thư từ được phân phát, Woody nhận một gói bưu kiện.
Trung úy Canly nhìn sang Woody, đang ngồi khoanh chân trên nền đất, trước mặt là một chiếc bánh sinh nhật.
Woody: Mẹ tôi gửi cho nhân sinh nhật tôi.
Canley: Chúc mừng sinh nhật.
Woody: Sinh nhật tôi hôm qua rồi.
Canley: Chúc mừng sinh nhật hôm qua. Ăn đi, ta sẽ lên đường trong vòng hai mươi phút nữa.
Rushing nhảy từ trên xe xuống, ngồi cạnh Woody
Rushing: Cắt cho tôi một miếng.
Woody (chỉ tay): Lấy con dao Ka-bar trong ba lô tôi.
Kệ mẹ nó. Rushing lấy tay bốc một nắm to. Hai người lính trẻ gầm gừ ngấu nghiến bốc bánh ăn. Họ quên phức những chồng xác lính trong những cái bao chất xung quanh họ.
ĐỂ Ý THẤY dòng chữ bằng kem trên mặt chiếc bánh: MƯỜI CHÍN. [Tập 8]

Nhắm mắt lại, tôi cố hình dung những khung hình sống động chầm chậm diễn ra đập thẳng vào mắt, khuấy động tâm tư với biết bao những dằn vặt trong cảm nhận về những gì mà những ngòi bút Mỹ đã viết nên, những ống kính Mỹ đã ghi lại hình ảnh quê hương tôi.

Chẳng phải chỉ lúc này, đã từ lâu trong cái nhạy cảm nghiệt ngã của nghề nghiệp, để có cái nhìn đúng đắn và sự nghiêm cẩn trong thẩm bình, đánh giá những sự kiện mà công việc nghiên cứu đòi hỏi, cùng với những chi li, tỉ mỉ gắn với sự tổng hợp khái quát trong truy tìm tư liệu từ nhiều nguồn, tôi hay đắm mình trong vang vọng liên tưởng:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                   Những buổi ngày xưa vọng nói về   [“Đất nước”. Nguyễn Đình Thi]            

Những rì rầm của ngày xưa vọng nói về ấy giội lại trong âm vang của cái hiện tạirọi những tia sáng chân lý vào cái tù mù của những nhiễu nhương hỗn loạn với những giá trị bị đảo lộn, những gương mặt lì lợm đạo đức giả ngày ngày đưa ra những ngôn từ lừa bịp làm ô nhiễm cuộc sống tinh thần của xã hội khiến cho nhân tâm, nhân phẩm bị vỡ vụn. Những tiếng rì rầm ấy tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để nuôi dưỡng cho mình một khát vọng sống, khát vọng cầm bút.

Và rồi hôm nay đây, những người Mỹ, tác giả của cuốn sách miêu tả lại một mảng sống dữ dội của “Huế 1968” và tác giả kịch bản bộ phim truyện cùng tên, đã làm sống động lại những rì rầm tiếng vọng của quê hương với những bi hùng của những nhân vật sống động từ cả hai phía trong những nghịch lý buộc phải chấp nhận. Khác với tất cả các bộ phim khác ở nước ngoài và Việt Nam về đề tài chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, “Huế 1968” là bộ phim đầu tiên có sự hiện diện đầy đủ của cả hai phía, làm nổi bật hình ảnh sinh động và chân thực về những con người trong cuộc chiến với lòng tin, nỗi niềm, vui buồn, đau thương mất mát của từng cá nhân.

Bàng bạc trong tất cả những phiến đoạn trực tả, những mẩu đối thoại, những bộc bạch tâm tư, những khung hình khi nhìn cận cảnh cũng như phóng chiếu về phía mờ xa là những suy tư triết lý thấm đẫm tính nhân văn ngay cả khi lạnh lùng dựng lên những nghịch lý làm buốt nhói con tim.

Xin hãy nhìn cận cảnh khung hình kết thúc bộ phim “Huế 1968” và cùng suy ngẫm:
Hai bên cách nhau một khoảng cách bằng chiều dài một sân bóng đá.
Ai cũng lăm lăm vũ khí. Họ đều là những lính kỳ cựu, đã được trui rèn qua chiến trận. Nhưng không một ai nổ súng. Không ai di chuyển.
Hai bên chỉ nhìn nhau.
Trong khoảnh khắc đó,những người lính chôn chân chống lại những dòng chảy của lịch sử.
Chết chóc đã quá nhiều ở Huế.
Sương mù lại bao phủ lại khắp khu rừng. Tầm nhìn hai bên với nhau lại bị che mờ.
Cao vẫy cho anh em rẽ sang bên phải, đi lên núi.
Canley ra hiệu cho những người lính thủy đánh bộ Mỹ rẽ sang bên trái, càn tiếp qua đồi. O’Konski, Woody, Rushing và những người khác tuân lệnh anh, cẩn trọng ngoái lại đằng sau.
Chờ một tiếng súng nổ không bao giờ tới.
Woody (khẽ khàng nói một mình). Thế đấy.
Không ai còn muốn chết ở đây nữa. Trận Huế đã kết thúc.

Có lẽ không nên dài dòng thêm những luận bàn, những triết luận khô cứng về một tác phẩm điện ảnh tầm cỡ như những gì đã cuốn hút mãnh liệt tôi qua từng trang từng trang kịch bản “Huế 1968”. Sự cảm thụ nghệ thuật đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp với nó bằng đôi mắt và trái tim của chính mình. Tác phẩm điện ảnh, trước hết phải là một tác phẩm nghệ thuật. Mà nghệ thuật, thì như nhà văn Nam Cao da diết khẳng định: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối…Nó làm cho người gần người hơn”. Đọc “Huế 1968” của Michael Mann bắt gặp nhiều, rất nhiều ánh trăng. Nhưng đến đoạn kết thúc thì chỉ có “những bóng hình mờ ảo trong màn sương trắng đục”. Liệu có phải đây là một dụng ý nhằm chuyển tải một thông điệp đậm chất triết lý?

Tôi bỗng nhớ đến một ý của Các Mác: “chỉ có âm nhạc thức tỉnh cảm giác âm nhạc của con người, đối với lỗ tai không thính âm nhạc thì âm nhạc hay nhất cũng không có ý nghĩa gì cả”! Ông giải thích rõ: “có thông qua sự phong phú, đã được phát triển về mặt vật chất, của bản chất con người, thì sự phong phú của tính cảm giác chủ quan của con người mới phát triển và một phần, thậm chí lần đầu tiên mới được sản sinh ra: lỗ tai thính âm nhạc, con mắt cảm thấy cái đẹp của hình thức – nói tóm lại là những cảm giác có khả năng hưởng thụ có tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người”[Bản thảo kinh tế-triết học năm1844, NXBST. Hà Nội.1962, tr.137].

Tôi hiểu cái khả năng hưởng thụ nghệ thuật “có tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người” thật không dễ chút nào như đã gợi lên đôi nét ở trên. Càng khó hơn nữa khi đọc một tác phẩm nghệ thuật “làm cho người gần người hơn” của một tài năng sáng tạo từng bốn lần nằm trong danh sách được đề cử cho giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Đành phải cố vậy thôi chứ làm sao giờ?

Tái hiện lại bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật thật sống động một sự kiện lịch sử đã bị lớp bụi thời gian phũ phàng khỏa lấp, nhằm đưa ra một thông điệp giàu sức cảnh báo thấm đẫm tính nhân văn, những người Mỹ trung thực và hết mình trong sứ mệnh cao cả của họ đã thể hiện rõ nét bản lĩnh của người cầm bút. Thông điệp đó cần phải được hiểu đúng và phải đến được với tất cả mọi người. Đơn giản chỉ vì “Lời báo trước hay nhất là lịch sử”. Đó là lời nhắn gửi của Byron, nhà thơ người Anh nổi tiếng nhất Châu Âu thế kỷ 19. Thì ra, đôi lúc một nhà thơ lại có sự đúc kết mang tầm vóc một nguyên lý giàu tính triết luận hơn bất cứ một triết gia, một sử gia nào. Vâng, lịch sử là lời báo trước hay nhất.

Và đó cũng chính là thông điệp cháy bỏng tính thời sự.
____









No comments:

Post a Comment