Sunday, January 27, 2019

CUỘC SỐNG MỚI TRÊN ĐẤT LIỀN CỦA NGƯỜI VIỆT Ở BIỂN HỒ RA SAO? (Hòa Ái - RFA)




Hòa Ái, phóng viên RFA
2019-01-25

Chính quyền tỉnh Kampong Chhang, Campuchia trong tháng 1 năm 2019 cho biết các gia đình người Việt nuôi các lồng bè sẽ tiếp tục được ở trên Biển Hồ cho đến tháng 7, trong khi hàng ngàn gia đình người Việt khác bị di dời lên đất liền.

Cuộc sống mới của cộng đồng người Việt ở Biển Hồ ra sao trong kế hoạch tái định cư của Chính quyền đất nước Chùa Tháp?

Một góc tại khu vực tái định cư dành cho người Việt ở Kampong Chhnang, Biển Hồ. AFP

Thông báo của chính quyền

Trong những ngày đầu năm 2019, tờ Phnompenh Post dẫn lời của ông Chhour Chandoeun, người đứng đầu tỉnh Kampong Chhnang cho biết chính quyền tỉnh này ra quyết định cho phép 750 gia đình người Việt Nam tiếp tục sinh sống ở Biển Hồ cho đến tháng 7 năm nay, sau khi có hơn 3000 gia đình người Việt Nam khác tự nguyện di dời tới khu vực tái định cư trên đất liền.

Trước đó hồi trung tuần tháng 11 năm 2018, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 và các hội nghị liên quan tại Singapore, Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn khẳng định với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Campuchia sẽ nỗ lực hỗ trợ cuộc sống của bà con gốc Việt ở khu vực Biển Hồ, trong kế hoạch di dời các gia đình sống trên thuyền bè trên dòng Tonle Sap thuộc địa phận tỉnh Kampong Chhnang.

Mới đây, Phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang nói với Phnompenh Post rằng các gia đình đã di dời, bao gồm người Việt và Hồi Giáo Khmer, hiện đang tái định cư ở khu đất mà chính quyền cùng hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận (NGOs) đang xây dựng cơ sở hạ tầng, như các dự án xây đường lộ, trường học, trung tâm y tế, nước sạch và mạng lưới điện.

Đài RFA có cuộc trao đổi với các gia đình trong số hơn 3000 gia đình người Việt đã di dời lên đất liền cho biết họ bị bắt buộc dời đi và không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương. Những hộ gia đình ở Kampong Chhnang chia sẻ cuộc sống mới trên bờ của họ cách mặt nước của dòng Tonle Sap khỏang 70,80 mét nên cuộc sống cũng không có gì thay đổi so với trước khi còn sống trên sông. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường mặc dù không có điện, nước lẫn nhà vệ sinh, xa trường học… Một phụ nữ lên tiếng với RFA:
“Trời ơi khổ thì phải chịu thôi! Nước nôi, nhà cửa…”

Trước thông báo mới của Chính quyền tỉnh Kampong Chhnang về 750 gia đình người Việt nuôi cá lồng bè sẽ được tái định cư trên đất liền vĩnh viễn trong vòng 6 tháng tới nhưng vẫn có thể tiếp tục nghề nuôi cá lồng bè, hai hộ gia đình nuôi cá lồng bè chia sẻ nỗi lo lắng của họ với Đài Á Châu Tự Do:

“Làm nghề cá mà vô trong đất liền thì xuồng ghe ngoài này không ai trông coi.”
“Cuộc sống của tôi hiện tại giờ thì hơi khổ sở, chưa xác định được mình sẽ thu nhập bằng cách nào để sống qua ngày. Gia đình tôi ở đây đã ba đời truyền lại, nên giờ lên bờ thì hơi khổ trong việc đi đứng. Thêm nữa là đi xa quá thì cuộc sống bấp bênh. Còn dời xa hơn nữa vô miệt trong rồi sinh thêm chi phí tiền bạc đè nén lên cuộc sống của người Việt mình.”

Người Việt nuôi cá lồng bè ở Biển Hồ nói với RFA không biết sinh sống ra sao sau khi bị di dời vào tháng 7 năm 2019. RFA

Lo lắng của người Việt ở Biển Hồ

Trong một tuyên bố của tỉnh Kampong Chhnang phổ biến hồi đầu tháng 1 năm 2019, Phó tỉnh trưởng Sun Sovannarith cho biết chính quyền tỉnh này thực hiện kế hoạch di dời trong hai giai đoạn. Hiện, chính quyền đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho các gia đình đã di dời. Và, chính quyền cũng đang làm việc kết hợp với các công ty tư nhân để tiêu chuẩn hóa những lồng bè nuôi cá, phục vụ trong lãnh vực du lịch. Ông Sun Sovannarith nói rằng tỉnh Kampong Chhnang có thêm nguồn thu từ việc bán vé tham quan cho du khách.

Trong khi đó, những gia đình người Việt mà Đài RFA tiếp xúc cho biết họ nhận được thông tin sẽ bị di dời đến khu vực cách xa hơn 4 km trong thời gian tới và họ bị buộc phải trả tiền để mua đất chỗ tái định cư mới này. Những gia đình nào không có khả năng trả đủ một lần thì có thể trả góp. Hầu hết các gia đình người Việt nói với RFA rằng họ không có tiền để mua đất cất nhà ở khu tái định cư mới. Các hộ dân bày tỏ nguyện vọng Chính quyền tỉnh Kampong Chhnang có thể mở những con kinh trong khu vực tái định cư để họ có được cuộc sống mới ổn định vì đã bao đời họ gắn liền với con nước thủy triều ở Biển Hồ:
“Dân có yêu cầu mở con kinh vô trong đó để mình mang ghe theo vô được cho mình ở.”

Tổ chức nhân quyền lên tiếng

Ông Soeung Sen Karuna, người phát ngôn của Tổ chức Nhân quyền ADHOC tại Campuchia nói với Phnompenh Post rằng ADHOC mong muốn giới chức chính quyền cần đối xử công bằng với các hộ dân sinh sống ở Biển Hồ trong kế hoạch tái định cư, vì nếu không thì có thể xảy ra tình trạng biểu tình. Ông Soeung Sen Karuna giải thích với RFA:

“Khi chính quyền không đối xử công bằng thì người dân luôn biểu tình phản đối. Bởi vì chúng tôi so sánh với các trường hợp liên quan đất đai đối với công dân Campuchia. Nếu như chính quyền hay công ty không thể giải quyết một cách công bằng cho người dân thì họ sẽ biểu tình để yêu cầu chính quyền đối thoại tìm giải pháp công bằng hơn cho họ. Do đó, hầu hết gia đình nghèo người Việt bị di dời trong khi các gia đình nuôi cá lồng bè khá giả hơn lại được tiếp tục ở trên sông. Như vậy không công bằng cho họ.”

Vào đầu tháng 11 năm 2018, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia, bà Rhona Smith kêu gọi Chính phủ Phnom Penh hãy công bằng và minh bạch trong vấn đề giải quyết cưỡng chế những gia đình Việt Nam ở Biển Hồ, tại tỉnh Kampong Chhnang.

Trả lời câu hỏi của RFA về mong muốn nhận được sự giúp đỡ nào từ phía chính quyền địa phương, những gia đình người Việt ở Biển Hồ đều cùng có câu trả lời rằng cuộc sống mới của họ lay lắt qua ngày với tấm lòng hảo tâm của một vài phái đoàn thiện nguyện và họ cũng không biết mong ước gì hơn vì từ trước đến nay chưa bao giờ nhận được sự trợ giúp của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang.

*
Tin, bài liên quan






No comments:

Post a Comment