Saturday, January 5, 2019

BẢN TIN NGÀY 5-1-2019 (Báo Tiếng Dân)




05/01/2019

Tin Biển Đông

Việt Times có bài: Bộ Ngoại giao Trung Quốc: tàu công vụ đâm tàu cá Việt Nam là hành động chấp pháp bình thường (!?). Website Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tin, chiều 3/1/2019, khi trả lời phóng viên “Thời báo Tài chính”, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm tàu của ngư dân Việt Nam ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa “hành động chấp pháp bình thường”!

Tàu cá QNg90440TS của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm va, gây hư hỏng nặng ở vùng biển Hoàng Sa ngày 22.3.2018. Ảnh: báo Thanh Niên

Ông Lục Khảng đã tát vào mặt các lãnh đạo CSVN khi khẳng định, quan hệ về nghề cá giữa hai nước vẫn tốt đẹp, cho dù Trung Quốc có đâm tàu cá Việt Nam: “Trên thực tế, theo tình hình chúng tôi nắm được, các ngành liên quan hai chính phủ Trung Quốc và Việt Nam vẫn giữ liên lạc bình thường trong vấn đề chấp pháp nghề cá. Tôi đề nghị ‘Thời báo Tài chính’ ngoài việc để ý đến những vụ tranh chấp nghề cá cá biệt, có thể quan tâm nhiều hơn đến sự hợp tác tốt đẹp về nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam“.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Vì sao Anh bất chấp TQ, muốn đến tận Đông Nam Á xây căn cứ quân sự? Bài viết nhận định: “Với tư cách là đồng minh số 1 của Mỹ, Anh cảm thấy có lý do để tiếp bước Washington”. Trước đó, khi trả lời phỏng vấn Financial Times, người đứng đầu hải quân Anh, Đô đốc Philip Jones, “coi việc Anh phản ứng với Trung Quốc ở Biển Đông là một cách định nghĩa lại luật pháp hàng hải quốc tế”.


Tình hình “đốt lò” đầu năm mới

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Hai bị can trong vụ này là Từ Thành Nghĩa, cựu TGĐ Vietsovpetro (VSP) và Võ Quang Huy, cựu kế toán trưởng của VSP bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Cáo trạng cho biết, theo chỉ đạo của ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, từ năm 2013- 2014, bà Nguyễn Minh Thu, cựu TGĐ OceanBank “đã 5 lần nhận tiền từ tài khoản của các cá nhân” tại Chi nhánh Vũng Tàu và Chi nhánh TP HCM do Hội Sở OceanBank chuyển vào để chi tiền ngoài hợp đồng cho các bị can Nghĩa và Huy.

Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa: Chân dung nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro vừa bị truy tố.

Bộ Công an bác tin khởi tố cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son, theo báo Giao Thông. Trong cuộc họp báo chiều 4/1/2019 về kết quả công tác công an năm 2018, khi được hỏi về vụ MobiFone mua AVG, rằng, “vừa qua nhiều thông tin trên mạng xã hội đăng tải việc khởi tố cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son”, Thiếu tướng Lương Tam Quang trả lời, “một khi cổng thông tin của Bộ chưa đăng thì tất cả thông tin trên mạng xã hội đưa đều chưa chính xác”.

Có thể tiến trình đưa các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn “vào lò” bị chững lại. Cũng có thể vụ này giống như vụ Bộ Công an đã từng bác bỏ thông tin ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu bị khởi tố tối 9/12/2017, dẫn đến chuyện các báo “lề đảng” phải gỡ bài hoặc đăng tin cải chính. Nhưngthông tin hai ông này bị khởi tố đã có một tuần trước khi có lệnh khởi tố của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, Bộ Công an thừa nhận thông tin mới nhất về vụ khởi tố 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an, theo trang Gia Đình và Xã Hội. Khi được  hỏi về kết luận điều tra liên quan đến sai phạm của 2 cựu thứ trưởng Bộ công an là các ông Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, và mối liên hệ giữa 2 cựu quan chức công an này với Vũ “nhôm”, Thiếu tướng Lương Tam Quang nhận định, “đây là thông tin hơi buồn nhưng cần thiết phải làm”.

Vụ “đốt lò” ở thành Hồ, ông Tất Thành Cang xin nghỉ phép để chữa bệnh, theo báo Tiền Phong. Nguồn tin của báo này cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM “chưa phân công nhiệm vụ mới sau khi ông Cang bị Ban Chấp hành Trung ương quyết định thi hành kỷ luật”. Một số người dự đoán rằng, ông Cang đang tìm đường trốn.

Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Ông Tất Thành Cang… “lại” ốm, liệu có “đúng qui trình”?! Bài viết lưu ý hiện tượng: Không chỉ ông Cang mà gần đây, có không ít quan chức “ăn không từ thứ gì của dân”, khi bị phát hiện, “là chẳng hiểu sao lại… lăn đùng ra ốm một cách đầy bí ẩn, bất ngờ”. Cuối bài là lời bình, mong rằng ông… đừng ra nước ngoài như ai đó, để an ninh phải mất công, mất sức đưa ông về.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin: Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Bà Rịa – Vũng Tàu về Tp.HCM thay Tất Thành Cang. Ông Lĩnh sinh 1964 quê Long An, xuất thân là cán bộ Tuyên Huấn.

Chân dung ông Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: FB LNHT/ Internet



Các dự án trăm tỉ, ngàn tỉ

Bộ Chính trị đồng ý tăng thêm hơn 50.000 tỷ đồng cho 2 tuyến metro của TPHCM, theo báo Dân Trí. Bộ Chính trị đồng ý chủ trương “điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) từ 17.388 tỉ tăng lên 47.325 tỉ đồng và tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) từ 26.116 tỉ đồng (phê duyệt năm 2010) tăng lên 47.891 tỉ đồng”, nghĩa là tổng mức đầu tư 2 dự án metro gần 100.000 tỉ đồng.

Khoảng một tuần trước, nhiều báo “lề đảng” còn phê phán vụ lãnh đạo TP HCM đồng ý cho ban quản lý đường sắt TP nâng mức đầu tư dự án vượt quá giới hạn 35.000 tỉ đồng, nghĩa là vượt quyền cả Chính phủ và Quốc hội. Nay Bộ Chính trị làm thế này thì sự vượt quyền còn hơn cả lãnh đạo TP HCM trước đó, đồng thời có dấu hiệu ủng hộ và bắt tay với nhóm lợi ích ở TP HCM.

Nhiều báo “lề đảng” đưa tin này sau đó đã gỡ bài. Bài trên báo Zing: Bộ Chính trị đồng ý điều chỉnh mức đầu tư cho 2 tuyến metro TP.HCM; trên báo Tuổi Trẻ: Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tăng tổng đầu tư metro 1 và 2, bài trên báo Tiền Phong: Bộ Chính trị duyệt mức đầu tư hơn 95000 tỉ 2 tuyến metro Sài Gòn… đều bị gỡ. Bài trên báo Dân Trí là một trong số ít bài chưa bị gỡ tính đến rạng sáng 5/1/2019.

Sáng 4/1, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thông báo, dự án chống ngập 10.000 tỷ tái khởi động sau Tết Nguyên đán, theo Zing. Ông Nhân cho rằng, “do sự phối hợp của các đơn vị chưa đồng bộ, việc giải ngân chậm nên hiện ngừng thi công. Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo để dự án tái khởi động sau Tết Nguyên Đán”.

Bài viết lưu ý: Đơn vị tư vấn giám sát, Công ty Meinhardt từng báo cáo UBND thành phố về chuyện chủ đầu tư, Công ty Trung Nam, “sử dụng các tiêu chuẩn vật liệu khác với tiêu chuẩn đã được duyệt”. Tuy nhiên, Công ty Trung Nam khẳng định “việc dùng thép Trung Quốc là không sai so với hợp đồng, và hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Chuyện ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Dự án đội vốn hàng nghìn tỷ đồng tiếp tục xin gia hạn, theo báo Thanh Tra. Đó là dự án hồ chứa nước, tràn xả lũ hồ Rào Trổ, “được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép ngày 12/8/2009 với tổng mức đầu tư là 1.770 tỉ đồng. Sau hơn 7 năm xây dựng, đến nay, D.A đội vốn lên hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn ì ạch, chậm tiến độ”. UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu dự án phải được hoàn thành trước ngày 31/12/2018 để đưa vào sử dụng, nhưng đến nay gần hết tuần đầu của năm 2019, dự án vẫn chưa xong.

Đề án Văn hóa Công vụ

Về đề án Văn hóa Công vụ vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê chuẩn hôm 27/12/2018, có những câu chữ hết sức ngô nghê, chẳng hạn như: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều  hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng“.

“Nịnh bợ” ám chỉ hành động của kẻ xấu, là những kẻ luồn cúi, cốt chỉ để làm lợi cho cá nhân mình. Những tên gian thần thường nịnh bợ hôn quân, nên người quân tử rất ghét những kẻ nịnh bợ, cho nên “nịnh bợ” không thể đi kèm với động cơ “trong sáng”.

Đề án này còn nhiều chỗ ngô nghê như: “Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ ‘tham nhũng vặt’, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao“. Chỉ ngăn tệ nạn tham nhũng “vặt”, còn tham nhũng lớn thì bỏ qua?

Mà tham nhũng đã có luật “Phòng chống Tham nhũng” rồi, chưa kể Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định về tội tham những, sao không xài luật, lại đưa ra đề án “Văn hóa Công vụ”? Có luật lệ hẳn hoi mà còn chưa xử lý được, chính phủ nghĩ rằng, những quy tắc như “văn hóa công vụ” có thể xử lý được tham nhũng? Mời đọc toàn bộ đề án Văn hóa Công vụ.


Công an “nhân dân”?

Trong cuộc họp báo chiều 4/1/2019, Bộ Công an thông tin vụ Trưởng Công an TP. Thanh Hóa nhận tiền ‘chạy án’, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, “dấu hiệu vi phạm của Trưởng Công an TP. Thanh Hóa nhận tiền chạy án đã rõ, khi nào có kết quả điều tra, kết quả xử lý Bộ Công an sẽ thông tin”.

Trước đó, đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP. Thanh Hóa đính vào vụ bê bối nhận 260 triệu đồng, chạy án của một cựu công an TP. Thanh Hóa khỏi tội “trộm cắp tài sản”. Dù đã đưa tiền chạy án, viên công an nói trên “vẫn bị tước quân tịch, khởi tố điều tra” và bị “tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ”, nên đã làm đơn tố cáo đại tá Phương.

Bên cạnh đó, Công an Thanh Hóa còn đình chỉ công tác Đại tá Nguyễn Chi Phương để điều tra, theo báo Thanh Tra. Một bằng chứng quan trọng là đoạn ghi âm được công bố trên mạng xã hội “có nhiều cuộc hội thoại được ghi lại ở nhiều thời điểm khác nhau, trong đó có cả giọng nói của cả nam và nữ”, bao gồm giọng của đại tá Phương và viên công an đưa tiền “chạy án” nói trên.


Tin nhân quyền

Ngày 4/1/2019, lực lượng chức năng quận Tân Bình, TP HCM đã đến cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, theo RFA. Bài báo cho biết: “Khi vụ cưỡng chế xảy ra có 10 người dân quay phim cuộc cưỡng chế được cho biết bị bắt đi. Trong khi đó có một số nhà hoạt động bị ngăn chặn khi đến tại khu vực cưỡng chế”.

Một nhân chứng cho biết: “Hiện nay, chính quyền đang sử dụng tất cả các cơ quan ban ngành, trong đó có cơ động, công an tất cả ban ngành đến khủng bố và cưỡng chế đất của chúng tôi. Hiện nay họ đã đập đi nhiều căn nhà, khoảng 10 căn nhà rồi và bắt đi trên 10 người rồi, trong đó có người đứng đầu bà con chúng tôi là anh Cao Hà Chánh bị nhốt tại quận Tân Bình”.


RFA đưa tin: Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy nhận quyết định thi hành án. Theo đó, “trong vòng 7 ngày bà Huỳnh Thục Vy phải có mặt ở trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã Buôn Hồ để chấp hành án, nếu quá thời hạn mà không có mặt, bà Vy sẽ bị áp giải thi hành án”. Được biết, bà Vy đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, thuộc diện được hoãn thi hành án.

40 năm sau cuộc chiến Campuchia

VTV có bài: Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thể hiện tinh thần quốc tế cao cả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chiến tranh Việt Nam – Campuchia “thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ láng giềng, anh em truyền thống gắn bó thủy chung lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình”.

Bản chất của cuộc chiến đã bị các lãnh đạo và bộ máy tuyên truyền CSVN phớt lờ: Đây là cuộc chiến giữa quân đội CSVN với CS Campuchia, tức lực lượng Khmer Đỏ. Đây là cuộc chiến giữa hai chế độ cộng sản. Khi phát biểu về tình “anh em truyền thống”, ông Phúc quên rằng, chính cộng sản Campuchia đã giúp cộng sản Bắc Việt đưa nhân lực, vũ khí vào miền Nam để tiến hành khủng bố dân thường.


Vụ bê bối ở VietABank

Báo VnExpress có bài: Tranh cãi khoản gửi tiết kiệm 170 tỷ đồng tại VietABank. Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường cho biết: “Thông qua cán bộ VietABank có tên là Nguyễn Thanh Tùng, tôi được biết số tiền của tôi đã bị giả mạo chữ ký để chiếm đoạt”. Hai khách hàng này còn đưa ra hình ảnh 6 hợp đồng tiền gửi, có chữ ký của Giám đốc VietABank chi nhánh Đông Đô.

Tuy nhiên, phía VietABank cho rằng có “dấu hiệu bất thường về giao dịch của nhóm khách hàng, trong đó có ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh”. Theo VietABank, nhóm khách hàng này “chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản và có giao dịch với Nguyễn Thị Hà Thành – một đối tượng vừa bị khởi tố liên quan đến tội danh lừa đảo”.

Báo Giao Thông đưa tin: Khách hàng tố sổ tiết kiệm 20 tỷ tại VietABank bỗng dưng “bốc hơi”. Bài báo cho biết: Ngày 12/12/2018, ông Đặng Nghĩa Toàn tới trụ sở VietABank tại 34A-34B Hàn Thuyên, Hà Nội để hỏi về số tiền 20 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm thì được đại diện ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm đã bị phong tỏa do ông Toàn “đã ký một hợp đồng vay tiền và mang sổ tiết kiệm trên cầm cố ngày 5/11/2018”.

Tuy nhiên, trong đơn gửi cơ quan chức năng, “ông Toàn cam đoan chưa từng ký bất kỳ giấy tờ vay tiền nào tại Viet A Bank. Ông Toàn cũng khẳng định các chữ ký trong hợp đồng vay tiền đều là giả mạo”. Vợ ông Toàn cho biết, chiều 28/12/2018, ông và mẹ là bà Nguyễn Thị Ngân “đến ngân hàng để đăng ký làm việc nhưng có hơn 20 bảo vệ được trang bị vũ khí và dùi cui ra xua đuổi”.

Báo Dân Trí đưa tin: Nhóm đối tượng gây rối đòi VietABank hoàn trả số tiền gần 200 tỷ đồng. Theo đó, hồi tháng 12/2018, “một khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Việt Á là ông Đặng Nghĩa Toàn”, là người đứng tên chung sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á với Nguyễn Thị Hà Thành, “đã lôi kéo một số đối tượng tới chi nhánh Ngân hàng Việt Á công khai gây rối, căng băng rôn, biểu ngữ” phản đối ngân hàng này.



Chuyện “trồng người” ở VN

Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vừa khởi tố bị can cô giáo bắt cả lớp tát bạn 231 cái, theo báo Người Đưa Tin. Bà Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh, xã Duy Ninh bị khởi tố về tội “Hành hạ người khác”. Bà Thủy “cũng bị cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày 28/12/2018 – 26/1/2019; giao cho chính quyền xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) quản lý, theo dõi”.

Được biết, sự việc tại trường THCS xã Duy Ninh chiều 19/11/2018. Em Hoàng Long N, học sinh lớp 6.2 “có nói tục ngoài sân trường thì bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977), giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 đã đưa ra hình thức bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào má N. 230 cái”.


***





No comments:

Post a Comment