Sunday, December 30, 2018

QUỐC THỂ CHO AI? (FB Nguyễn Tiến Tường)




29/12/2018

1. Thi thoảng nhìn tấm khăn len trên vai người con gái Việt ở miền Nga giá buốt, nghe một điệu hát quê hương bên ánh lửa xứ Lào, lòng tôi rức lên một cảm xúc hỗn mang.

Tôi vui vì đồng bào tôi tìm được một nơi cho họ một cuộc sống khác. Tôi cũng buồn, trong mắt của những người viễn xứ luôn có điều gì đó buồn bã, tiếc nuối.

Bạn tôi ở Úc, lấy vợ Việt. Vợ 17 tuổi làm lễ rồi đợi đủ tuổi làm đăng ký. Đợi thêm vài năm để vượt qua các cuộc sát hạch của xứ bạn. Họ kiểm tra cả những tấm hình trước kết hôn để chắc rằng họ không đính hôn giả.

Anh tôi sang Úc tìm đường cho các con mai này. Anh làm công việc cắt thịt, làm cả hai ca, là một điều cấm. Ngày làm đêm ngủ, bàn tay bấy máu. Anh live stream về cho chị, hai người tươm nước mắt…

Những người quen tôi những tháng đi về để giữ điều kiện nhập tịch. Họ bảo cô đơn và lạnh lẽo, buồn lắm nhưng vì con.

2. Úc, Mỹ Canada… với những chính sách nhập cư hà khắc, không còn là “thiên đường” của người Việt. Nó chỉ còn rộng cửa với người giàu. Mỗi năm tầm 9 tỷ đô ra nước ngoài, theo các chuyên gia. Và trong số những người giàu đó, chắc rằng không ít quan chức.

Thiên đường thứ hai của người Việt hiện tại hầu hết là Đông Âu, để lưu lại được vào Nhật, Hàn cực khó. Mẹ bạn tôi ở Nga bao nhiêu năm, đến khi xế bóng muốn về quê nhưng hai bàn tay trắng. May mắn sao bạn tôi có chút công danh như ý, đón mẹ về.

Nước Lào đang là lựa chọn mới nổi. Người miền Trung sang bên đó làm gỗ, làm ve chai. Mấy lúc nhàn rỗi lại về. Họ dắt díu nhau đi tìm đất sống. Nước Lào hiền dịu cưu mang rất nhiều người con quê tôi.

Ly hương là lựa chọn nghiệt ngã. Càng nghiệt ngã hơn cho những con người “sống chui” nơi đất khách. Nép mình trong phòng sợ hãi. Chờ siêu thị hết giờ để lấy thịt hết hạn, ăn nội tạng mà người ta không ăn…

3. Tôi không cổ suý đồng bào tôi ra đi. Nhưng tôi lấy gì để níu họ ở lại? Tôi nhìn vào thực tế đắng cay: Ai cũng muốn ra đi. Tài năng chất xám ra đi, người giàu có ra đi, tôi chưa bao giờ trách họ.

Tôi trách quốc gia. Một quốc gia để công dân của mình không có đất sống, phải ngậm đắng ra đi lựa chọn cuối cùng. Quốc gia mà đến y tế và giáo dục người ta cũng tìm đường tị nạn. Đến cả việc dồn dân đô thị cũng không còn đất cho người nữa rồi.

Tôi trách quan chức. Họ cũng là những kẻ ra đi. Nhưng là đi trong nhung gấm. Tài sản ở nước ngoài, con cái ở nước ngoài. Tiền đó ở đâu? Chắc chắn là góp lại từ những mảnh đời của nhân dân tôi lam lũ.

Nhân dân đánh bạc với cuộc đời cũng chỉ để mong chắt mót một chút của cải từ viễn xứ mang về quê hương, cho mình và cho người xung quanh mình. Họ có thể sai nhưng có gì đáng tội?

So với quan chức vơ vét quê hương để mang đi vương giả đầm ấm ở thiên đường, ai mới là tội phạm?

Quốc gia rừng vàng biển bạc đã không nuôi nổi những công dân lương thiện. Để họ phải vượt sóng xé trời tìm nơi khác. Quốc gia ấy lấy tư cách gì đòi hỏi nhân dân giữ gìn quốc thể?

Quan chức ăn là mặc lượt đu bám những chuyến xuất ngoại. Quan chức mang cả vợ con bằng tiền của nhân dân đi du lịch shopping có nghĩ đến quốc thể hay không?

Đừng nói về quốc thể. Khi quốc thể của các người là miếng bít tết vào mỗi buổi sáng, còn quốc thể của nhân dân là tô cơm hẩm cuối chiều!


--------------------------------------

XEM THÊM

30/12/2018

152 đồng bào bỏ tổ quốc ly hương, đúng sai ai cũng đều biết cả. Luật pháp đương nhiên phải tuân thủ, nhưng thấy tội, thấy thương hơn là đáng trách. Năm cùng tháng tận, ai chẳng muốn sum vầy!!!

Hàng triệu đồng bào khác bỏ quê hương vượt biển ra đi, âu cũng là con đường họ chọn lựa. Tại sao phải luận đúng sai.

Cũng hàng triệu đồng bào khác từ Bắc, Trung vào Nam kiếm sống, ở một góc nhìn nào đó cũng là ly hương đấy thôi. Cũng quê hương bỏ lại, cũng nhớ nhung, day dứt và khắc khoải, nào có khác gì?

Hèn nhát, nhược tiểu nhưng lại sĩ diện và đồng bóng, nghịch lý ấy luôn có trong tâm thế những con người dẫn dắt, luôn có trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bởi thế, cho nên khi người lớn thốt ra, mới có những câu từ sặc mùi hồng vệ binh: bỏ trốn là làm nhục quốc thể.
Lấy một cái mơ hồ để gán cho một sự việc hiện hữu, lấy một giá trị quá lớn để áp đặt cho những con người bé nhỏ, khổ đau là cách nghĩ của những người không có nhiều kinh nghiệm sống hoặc bột phát nhất thời. Nhất định không phải cách hành xử của người từng trải, học thức và bao dung.

Lấy cái ấm êm bình yên của mình để nhìn thân phân lênh đênh của người khác như những kẻ không phải đồng bào thì lại càng đáng trách. E rằng, tư duy và tầm nhìn có nhiều phần hạn chế.

Hàng tỷ đô kiều hối tăng đều hàng năm, vẫn quay về tổ quốc đấy thôi, sự trở về như thế là vô cùng cảm động, là quê hương vẫn luôn đau đáu ở trong tim. Đấy mới là quê hương, là tổ quốc. Nhất định, tổ quốc không thể là thứ đãi bôi hoặc tuỳ tiện thốt ra theo kiểu đầu môi chót lưỡi đơn thuần.

Chối bỏ quê hương hay quê hương chối bỏ? Với những con người gạt nước mắt xuống tàu, điều ấy, thiết nghĩ chẳng cần phải luận bàn.

Nhục quốc thể chỉ có thể là Thủ Thiêm, Văn Giang, hay những nơi tiêu cực, tham nhũng tràn lan mà tất cả vẫn bế tắc chưa có lối thoát. Là ngân sách bị mất đi hàng tỷ đô la bởi những loại người cơ hội, đạp lên mồ hôi nước mắt đồng bào để vơ vét cho đầy túi tham.

Nhục quốc thể nhất định phải là bà con ngư dân bị đâm chìm tàu, bị đánh đuổi ngay tại ngư trường của mình, có chủ quyền hợp pháp mà không dám một lời, dù chỉ là nhẹ nhàng phản đối.

Nhiều nỗi nhục như thế đã một lần nào được lên tiếng? Cũng chưa một lần được gọi đúng tên. Đấy mới là cái sự đê hèn, bạc nhược. À mà đã đê hèn và bạc nhược thì họ bợ đỡ cường quyền và chỉ trích đồng bào cũng hợp lý thôi nhỉ. Thượng đội hạ đạp luôn có trong tâm thế nhiều người, thôi thì họ chọn cách ấy, ta biết phải làm sao?

Quê hương mà cay nghiệt thế thì quê hương có giá trị gì đâu. Kẻ tiểu nhân, luôn vật vã với nỗi nhục, còn người quân tử thì vẫn cứ bao dung, muôn đời là vậy. Dù bên kia Thái Bình Dương hay bất kể chân trời nào thì vẫn ngóng về quê nhà với tình yêu vô tận trong tim, chưa bao giờ phai nhạt.

Du khách trốn ở Đài Loan bị bắt. Ảnh trên mạng


---------------------------

MỜI ĐỌC :





No comments:

Post a Comment