Sunday, December 30, 2018

NHÀ BÁO CSVN PHẢI LÀM CÁNH TAY NỐI DÀI CHO CÔNG AN (Người Việt Online)




Người Việt Online
December 30, 2018

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo lệnh của cấp trên, Hội Nhà Báo Việt Nam vừa ra lệnh buộc tất cả các ông bà đang làm cho báo các loại tại Việt Nam phải chỉ điểm, làm cánh tay nối dài cho công an.

Trong lệnh gọi là “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” gọi tắt là “Quy tắc” thấy phổ biến trên trang mạng của Hội Nhà Báo CSVN hồi giữa tuần qua, các người được cấp thẻ báo chí, tức những người đang là ký giả của mấy trăm tờ báo mạng, báo giấy những điều cho phép và không cho phép của người đứng đầu Hội Nhà Báo ra lệnh phải thi hành.

Chúng tròng tréo với luật lệ và lệnh lạt đã có, chỉ nhằm siết chặt hơn vòng kim cô trên đầu những người vì miếng cơm manh áo mà phải làm nhiệm vụ tuyên truyền cho chế độ.

Bản “Quy tắc” gồm 3 chương và 7 điều là lệnh từ “Ban Thường Vụ Hội Nhà Náo Việt Nam” do Thuận Hữu, phó ban tuyên giáo trung ương kiêm tổng biên tập tờ Nhân Dân tức cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng CSVN, truyền lệnh.

Tại điều 3, mục 3 của cái “Quy tắc,” nhà báo bị buộc phải “Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân.”

Nói trắng ra, các nhà báo ăn cơm của chế độ, khi “tham gia mạng xã hội” bị buộc phải điềm chỉ “cơ quan có thẩm quyền” những thông tin “ngoài luồng” bị coi là “độc hại” cho sự tồn vong của chế độ độc tài đảng trị, bên cạnh việc phải viết bài, đưa tin hay những công việc khác của làm báo theo “định hướng.”

Lệnh vừa đưa ra thì hai ngày sau, TTXVN đưa tin nói có 5 nhà báo gồm 4 người của tờ Tuổi Trẻ và một người của báo tỉnh Quảng Ninh bị “khai trừ và thu hồi thẻ hội viên nhà báo” vì “vi phạm đạo đức nghề nghiệp.” Không thấy nêu chi tiết nên người ta cũng không biết những vi phạm đó là gì mà đụng tới “đạo đức nghề nghiệp.”

Ở những xứ “tư bản giãy chết,” chính phủ không dính đến các hội đoàn, không chen vào hoạt động của các hội đoàn, kể cả hội nhà báo. Các hội đoàn tuy có luật lệ chế tài nhưng tự do hoạt động, độc lập với nhà nước. Tại cái xứ “dân chủ đến thế là cùng” của ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Hội nhà báo Việt Nam là một tổ chức do nhà nước lập ra, các đảng viên được tin cậy cầm đầu, làm gì cũng phải theo lệnh đảng. Viết lách gì cũng phải theo lệnh đảng, đi ra ngoài khuôn khổ là bị trừng phạt.

Đã có đủ thứ luật lệ kềm chế người làm báo, nếu chưa đến nỗi bị chế tài hình sự, nhà báo tại Việt Nam bị Bộ Thông Tin và Truyền Thông phạt hành chính từ phạt tiền đến rút thẻ hành nghề. Những ông cầm đầu Hội nhà báo lại cũng có quyền ra lệnh cho hội viên như cầm một thứ roi nội bộ, gác cửa canh chừng đồng đảng, phụ lực với Bộ 4T và Công an.

Bản “Quy tắc” cấm các nhà báo, dù là chưa được cấp thẻ hội viên, không được “ Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.”

Cũng bị cấm “Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm…”

Các nhà báo trong chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam, theo lệnh trên, trở thành một thứ chó săn, như cách miêu tả của ông nhà báo Nguyễn Như Phong khi chưa mất chức tổng biên tập tờ Petro Times, chỉ được đánh hơi, sủa, cắn theo lệnh chủ.

Chính ông Nguyễn Như Phong dạy người ta như thế nhưng lại đi phỏng vấn Người Buôn Gió về vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức, không theo lệnh đảng, nên bị lột thẻ nhà báo, về nhà ăn cơm vợ.

Với thứ quyền hành gác cửa cho đảng, các ông đứng đầu Hội nhà báo ra lệnh cho “Người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm” đối với các nhà báo thuộc cấp.

Và “Trên cơ sở Quy tắc, căn cứ đặc thù, các cơ quan báo chí xây dựng quy tắc riêng để điều chỉnh hành vi người làm báo thuộc cơ quan mình khi sử dụng mạng xã hội (bao gồm cả những người chưa được cấp Thẻ nhà báo; chưa phải là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam).”

Tin tức, hình ảnh, video clips “ngoài luồng” tràn lan trên mạng xã hội từ Youtube tới Facebook, blogs, phơi bày mặt trái của chế độ. Những gì vừa xảy ra hoặc được đưa trực tiếp đến mắt và tai thiên hạ khi sự việc đang xảy ra mà đảng và nhà nước không kịp ngăn cấm là nỗi ám ảnh thường xuyên của chế độ. Ông trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng hôm 29 Tháng Mười Hai, 2018 “đe nẹt” đảng viên CSVN là phải “đấu tranh phản bác hiệu quả đối với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch” và “cần phải đấu tranh hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên, nhất là tình trạng viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.”

Với cái “Quy tắc” mới đưa ra buộc các nhà báo tại Việt Nam phải thi hành, giới làm báo tại Việt Nam càng ngày càng bị siết chặt hơn nữa.

Theo thông tin trên từ điển mở toàn cầu Wikipedia căn cứ trên thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông CSVN, tính đến năm 2015, “Cả nước Việt Nam có 858 cơ quan báo chí in. Trong đó có: 199 cơ quan báo in chiếm 24% (86 báo trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể; 113 báo địa phương) và 659 tạp chí chiếm 76% (522 tạp chí trung ương, các bộ, ngành, trường đại học và viện nghiên cứu; 137 tạp chí địa phương); 105 cơ quan báo điện tử (Trong đó có: 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập), 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; với gần 18,000 nhà báo được cấp thẻ.” (TN)








No comments:

Post a Comment