Friday, December 28, 2018

BẢN TIN NGÀY 28/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




28/12/2018

Tin Biển Đông

RFA có bài: Bộ Quốc phòng VN nói ngư lôi nước ngoài mà ngư dân vớt được là hết sức đơn giản. Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, người phát ngôn BQP Việt Nam, “ngây ngô” tin rằng, một quả ngư lôi với hình dạng thon, dài, nặng gần 2 tấn có thể “trôi” qua hàng trăm dặm từ đảo Hải Nam để đến sát bờ biển Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, phát ngôn viên BQP Việt Nam. Nguồn: TTVH

Ông Đức cho rằng: “Đây là một quả ngư lôi phục vụ cho nhiệm vụ bắn tập của nước ngoài. Việc nó trôi dạt vào vùng biển của nước ta là hết sức đơn giản”. Chẳng trách nhiều người bình luận rằng “quân đội nhân dân” dưới thời CSVN thật ra là… quân hại nhân dân.

RFI nhìn lại: 2018: Năm Trung Quốc tăng tốc triển khai lực lượng ở Biển Đông. Ông Gregory Poling, giám đốc AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington bình luận: “2018 chính là năm Trung Quốc bước vào một ‘giai đoạn’ mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa”.

Ông Poling lưu ý “vụ máy bay vận tải quân sự lần đầu tiên hạ cánh trên Đá Vành Khăn, thiết bị gây nhiễu tiên tiến được lắp đặt trên Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Đáng ngại hơn cả là việc bố trí các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa hành trình chống hạm trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa”.

Công cuộc đốt lò ở TP mang tên bác

Cập nhật tình hình “đốt lò”, báo Người Tiêu Dùng bắt đầu điểm mặt các “nhân vật chính”: Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”? Các ông Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín và nhiều quan chức CS khác ở Sài Gòn đã bị khởi tố và cho vào “lò” của ông Tổng – Chủ, đều dưới quyền của các ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân.

Bài viết nhận định: “Hai vị đáng ra phải chịu trách nhiệm lớn nhất hiện vẫn bình an vô sự, khiến nhiều cử tri TP.HCM và người dân cả nước hết sức bức xúc! Dư luận đang mong chờ sớm tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Thanh Hải (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) và ông Lê Hoàng Quân (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM)”.

‘Cách chức ông Tất Thành Cang chỉ là bước đầu’, theo Zing. Cựu Phó chủ nhiệm UBKT Trung ương Vũ Quốc Hùng cho biết: “Những vi phạm của ông Tất Thành Cang, xử lý kỷ luật Đảng chỉ là bước đầu. Đối với những sai phạm của ông Cang, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét, phát hiện sai phạm sẽ tiếp tục xử lý”.

Ông Hùng phê phán cả Thành ủy TP HCM: “Có cố gắng trong xử lý cán bộ nhưng phải làm mạnh hơn nữa, làm sâu hơn nữa. Đồng chí Cang có vi phạm nhưng nếu Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM nhắc nhở thường xuyên thì đâu đến nỗi”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng góp giọng: Cách chức vụ Đảng ông Tất Thành Cang là cơ sở xem xét xử lý tiếp theo, theo VTC. Các báo “lề đảng” đang dồn dập “tát nước theo mưa”, nhân lúc ông Tổng – Chủ tăng cường “đốt lò” ở miền Nam, phê phán Tất Thành Cang cùng với Thành ủy và UBND TP HCM.

Ông Nhưỡng nhận định thêm, “về khía cạnh pháp luật, người dân đang theo dõi để đánh giá việc xử lý theo pháp luật có tương xứng với kỷ luật của Đảng không bởi vì việc cách hết chức vụ của Đảng sẽ tạo cơ sở để xem xét xử lý ở các bước tiếp theo”.



Báo Tiền Phong nhắc lại những phi vụ đất công khiến ông Tất Thành Cang mất chức, trong đó có vụ chủ trương cho Công ty TNHH Tân Thuận bán cổ phần tại công ty con Sadeco, gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng. Ông Cang cũng ký duyệt chuyển nhượng hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển cho Công ty CP Quốc Cường Gia La với giá rẻ như bèo.

Ngoài ra, ông Tất Thành Cang còn sai phạm động trời khi ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo báo Thanh Niên. Hợp đồng có dấu mật do ông Cang thực hiện đã khiến bốn tuyến đường này có giá đắt đến vô lý.

RFA đặt câu hỏi: Hy vọng nào cho dân oan Thủ Thiêm khi Tất Thành Cang bị kỷ luật? Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, từng bị cưỡng chế trái phép hồi năm 2016, bình luận: “Sự thật thì chế độ này rất khôn ngoan. Họ có động tác này, xử lý chuyện kia, bắt người nọ…chẳng qua gọi là thanh trừng hay thanh toán nhau hoặc bao che cho vấn đề gì đó chứ tôi không tin mấy với chế độ Cộng Sản-Xã hội Chủ nghĩa”.

RFA cho biết, qua tiếp xúc với nhiều nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam, họ có nhận định chung là phe Tổng – Chủ Trọng sẽ tiếp tục “đốt lò” ở miền Nam, “giải quyết minh bạch vụ việc Thủ Thiêm” để lấy lại niềm tin cho người dân.





“Củi” Trần Bắc Hà

RFA đưa tin: Công an phong tỏa tài sản của ông Trần Bắc Hà ở Quy Nhơn. Theo đó, tất cả tài sản liên quan đến ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch ngân hàng BIDV, đã bị phong tỏa. Lãnh đạo công an Bình Định loan tin trong ngày 26/12. Các doanh nghiệp bị niêm phong, gồm: Công ty cổ phần du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, Tập đoàn An Phú và Công ty Đầu tư chăn nuôi Bình Hà, và resort 4 sao Hoàng Gia.

Ngoài ra, các tài sản ông Hà chuyển cho vợ, con, em gái, tài sản của vợ con ông cũng bị phong tỏa. Đúng như nhận định của nhiều nhà quan sát chính trị “lề dân”, Tổng – Chủ Trọng đang tìm cách lấy lại tài sản từ các thuộc hạ thân tín nhất của “đồng chí X”, trả lại cho ngân khố đang rỗng tuếch.


Vụ metro Bến Thành

Báo Người Đưa Tin có bài: Đằng sau cuộc ‘tháo chạy’ bất thường tại ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Tính đến tháng 12/2018 đã có tới 45 người nghỉ việc, trong số này có 5 lãnh đạo phòng-ban, 37 chuyên viên. Lý giải về nguyên nhân nhiều người nghỉ, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, do dự án kéo dài, trung ương không đưa tiền về, ngân sách hạn hẹp, đội vốn, nên nhiều người không còn nhiệt huyết.

Hiện tượng tháo chạy còn xuất phát từ những bê bối, mà chính những người trong cuộc hiểu rõ nhất. Trong đó, ông Hoàng Như Cương, là người đã trốn ra nước ngoài, được xác định là “nhân vật chính” với rất nhiều sai phạm nghiêm trọng. Về phía chính quyền TPHCM, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết và tiếp tục dự án.

Báo Pháp Luật TPHCM chỉ ra sự bế tắc tại dự án Metro số 1: Dự báo hiệu quả đầu tư thiếu chính xác. Theo đó, “kiểm toán Nhà nước cho rằng tổng mức đầu tư 236.626 triệu Yên cùng với việc dự báo hành khách trong trong tương lai quá cao và thiếu chính xác dẫn đến hiệu quả tài chính và kinh tế của dự án khó khả thi. Nếu chỉ với doanh thu từ vé cùng với việc bước đầu phải có giá vé hợp lý để thu hút người dân thì rủi ro tài chính là khá cao”.


Vũ “nhôm” và chính trường Đà Nẵng

Báo Một Thế Giới dẫn lời Chủ tịch Đà Nẵng: Cả thường vụ đồng ý bán đất cho Vũ ‘nhôm’, chỉ mình tôi là không. Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Thanh Khê sáng 27/12/2018, ông Huỳnh Đức Thơ kể về chủ trương bán lô đất vàng mặt tiền đường Bạch Đằng rộng 3.000m2, là trụ sở Cục Hải quan cũ, cho Vũ “nhôm”: “Ủy ban chúng tôi có đồng ý đâu, bản thân tôi cũng có đồng ý đâu. Cuối cùng đưa ra Thường vụ quyết, tất cả giơ tay hết, chỉ mình tôi không. Tôi không chấp hành. Nhưng mà Thường vụ quyết định rồi”.

Ông Thơ nói thêm: “Mặc dù sau đó nhiều chuyện đã xảy ra với tôi nhưng bây giờ kết quả đã rõ. Tất cả những người làm chuyện đó đều đã vướng vào vòng lao lý. Liên quan đến chuyện đó, tập thể bị kỷ luật nên cá nhân tôi cũng bị kỷ luật”.

Trang Viet Times có bài: Chủ tịch Đà Nẵng trần tình chuyện bị kỷ luật nhưng vẫn tại vị. Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Việc điều đi hay không thì đó là việc của Trung ương. Tôi năm nay 57 tuổi rồi, thời gian cũng không còn nhiều, nên Trung ương quyết định sao mình đồng ý, luôn vui vẻ”.


Tin nhân quyền

VOA đưa tin: LHQ sắp kiểm điểm Việt Nam về quyền dân sự và chính trị. Theo đó, Việt Nam sắp phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về chuyện thực thi Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị. “Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam kiểm điểm trước LHQ trong hơn 15 năm qua sau khi bỏ hai kỳ giải trình trước”.

Để chuẩn bị cho buổi kiểm điểm, dự kiến diễn trong hai ngày 11 và 12/3/2019, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã gửi đến Việt Nam danh sách các vấn đề mà phía LHQ muốn Việt Nam giải thích. “Danh sách này phần lớn dựa trên các bản báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và hải ngoại cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có các câu hỏi về vấn đề tra tấn, bắt giữ người tùy tiện”.

Vụ du khách VN bỏ trốn ở Đài Loan

Cơ quan Di trú Đài Loan đã tìm ra 12 người trong nhóm 152 người Việt bỏ trốn tại Đài Loan, theo báo Một Thế Giới. Trong 12 người này “có 6 người bị bắt tại nhiều huyện thị khác nhau, 6 người ra trình diện. 3 người khác đã tự xuất cảnh, nên đến nay còn 137 du khách (94 nam và 43 nữ) chưa rõ tung tích. Lực lượng mà NIA huy động vẫn đang tổ chức truy tìm”.

Bài báo cho biết: Các “du khách” này sang Đài Loan “theo Dự án thí điểm Quan Hùng, chương trình thị thực điện tử cơ quan ngoại giao hòn đảo tự trị áp dụng từ năm 2015 cho phép công dân của 6 quốc gia (Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào) xin thị thực du lịch mà không cần phải chứng minh tài chính”.


BOT móc túi dân

Tại BOT Bắc Thăng Long, dân tố bị côn đồ dọa, theo báo Đất Việt. Đến 26/12, người dân vẫn kiên trì đợi chủ đầu tư đối thoại việc dời trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài về đúng vị trí, nhưng chủ đầu tư không có thiện chí. Ngược lại, người dân còn tố cáo chủ đầu tư đứng sau việc côn đồ đến gây rối, chửi bới, thậm chí đe dọa “giết cả nhà”.

Việc đe dọa diễn ra liên tục: “Chiều nay cũng có một nhóm ngồi trên xe ô tô đi đến, họ mở cửa kính văng ra những lời tục tĩu, thách thức rồi đe dọa về phía chúng tôi. Họ chỉ dám nói với những người phụ nữ đang tập trung tại trạm rồi đóng cửa xe phóng đi luôn”, một người dân cho biết.

Báo Kiến Thức vạch mặt: BOT Bắc Thăng Long đặt nhầm chỗ 10 năm: Không loại trừ có “lợi ích nhóm”. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, “gần như toàn bộ dự án BOT giao thông đều được chỉ định thầu với nhà đầu tư, dẫn tới không cạnh tranh, thiếu minh bạch và không loại trừ lợi ích nhóm”. Cùng với BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài cố tình đặt sai trạm để móc túi dân 10 năm nay là hàng loạt dự án khác trên cả nước. 

Ở một nơi khác, Zing đưa tin: Tài xế phản đối trạm thu phí cầu Phả Lại, quốc lộ 18 ùn tắc kéo dài. Sáng 27/12, nhiều tài xế và người dân dừng xe phản đối BOT Phả Lại trên quốc lộ 18, đoạn giáp ranh giữa Bắc Ninh và Hải Dương. Lý do người dân phản đối là mức phí càng ngày càng tăng cao. Một tài xế có mặt tại hiện trường cho biết, “việc trạm BOT Phả Lại thu tiền càng ngày càng tăng là bất hợp lý”.

Hàng trăm phương tiện ùn ứ trước trạm thu phí BOT Phả Lại do có nhiều tài xế phản đối với mức phí thu tại đây – Ảnh: NGUYỄN QUẾ/ TT


Quan thời cộng sản

Báo Tuổi Trẻ có bài: Chánh thanh tra sở vừa hút thuốc vừa từ chối đơn khiếu nại. Ông Trần Vinh Quang, chánh thanh tra Sở Lao động – thương binh và xã hội TP Cần Thơ, vừa hút thuốc lá trong phòng tiếp công dân vừa từ chối tiếp nhận đơn khiếu nại của nhiều người lao động nghèo bị một doanh nghiệp lừa đảo. Ông Quang yêu cầu người khiếu nại phải cung cấp thêm chứng cứ, chứng minh doanh nghiệp lừa đảo! Những người này cho biết, đây là lần thứ 2 họ mang đơn tới cầu cứu.

Vừa hút thuốc lá trong phòng tiếp công dân, vừa từ chối tiếp nhận đơn khiếu nại, ông Trần Vinh Quang yêu cầu người khiếu nại phải về viết lại đơn – Ảnh: CHÍ HẠNH/ báo TT


Vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Sóc Sơn đang kiểm điểm cán bộ liên quan vụ ‘xẻ thịt rừng’. Lãnh đạo huyện này cho biết: “Các vi phạm sẽ được xử lý nghiêm. Hiện các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại xã Minh Trí đã làm kiểm điểm và đang trong quy trình xem xét, xử lý. Sai mức độ nào sẽ kỷ luật ở mức độ đó”.
Những phát biểu như thế này nghe rất quen, được nói đi nói lại nhiều lần trước đó, nhưng chưa ai bị truy trách nhiệm, có chăng là những “con tốt” quan xã bị kỷ luật nhẹ.


***







No comments:

Post a Comment