Saturday, December 22, 2018

BẢN TIN NGÀY 22/12/2018 (Báo Tiếng Dân)





22/12/2018

Tin Biển Đông

RFA có bài phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long: Quan ngại về cam kết quân sự của Mỹ ở Biển Đông sau khi Bộ trưởng Jim Mattis từ chức. GS Long cảnh báo: Theo thư từ chức của ông Mattis, Bộ trưởng kế nhiệm “sẽ là người theo ý kiến của ông Trump. Người theo ý kiến của ông Trump thì rất sai lạc và sẽ phá vỡ các quan hệ đã có giữa Mỹ với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là giữa Mỹ với các nước ở vùng Đông Nam Á”.

GS Long phân tích thêm về khuynh hướng ngoại giao của Hoa Kỳ: “Trong những tháng qua Mỹ đơn thân độc mã trong khu vực. Vấn đề rất nguy hiểm là nếu Mỹ đơn thân độc mã mà có đụng độ với Trung Quốc mà các nước khác không ủng hộ”.

Báo Đất Việt có bài: 3 năm đạt COC và âm mưu Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, “triển vọng 3 năm đạt được COC mới chỉ là những tuyên bố suông của Trung Quốc, không có gì bảo đảm là COC sẽ được ký kết trong thời hạn này”. Không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ giữ đúng lời hứa và ký kết COC trong thời hạn 3 năm, hoặc Trung Quốc “giữ lời” nhưng thao túng các nước ASEAN để đạt được một COC có lợi cho tham vọng ở Biển Đông.


Việt Nam hủy giao lưu với quốc phòng Mỹ

Trả lời BBC, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nhận định vụ VN hủy giao lưu quốc phòng với Mỹ ‘chỉ mang tính ngắn hạn’. Theo đó, tháng 10/2018, GS Carlyle Thayer đưa tin, Việt Nam “lặng lẽ hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch cho năm 2019, gồm các trao đổi về lục quân, hải quân và không quân”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm sân bay Biên Hòa hồi tháng 10/2018. Nguồn: ĐSQ Mỹ

Ông Phương cho rằng: “Việt Nam muốn tiếp cận nguồn cung vũ khí đa dạng hơn trong khi phía Mỹ trước mắt đang thận trọng”. Tuy nhiên, TS Lê Hồng Hiệp bên Singapore thì không nhận định lạc quan như vậy: “Hà Nội có thể đã chọn trì hoãn hợp tác quốc phòng với Mỹ, ít nhất là tạm thời, để không làm Bắc Kinh phật ý”. Nhiều người cũng lưu ý một loạt hành động quân sự của Trung Quốc diễn ra gần biên giới biển và đất liền Việt Nam sau vụ hủy giao lưu quốc phòng.


“Món quà” ngư lôi của “bạn vàng”

“Bạn vàng” đã chính thức lên tiếng về “món quà” cuối năm: TQ nói ngư lôi Yu-6 chỉ để huấn luyện và ‘bị dòng biển đẩy tới VN’, theo BBC. Ngày 21/12/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận, quả ngư lôi trôi dạt gần bờ biển Việt Nam “đúng là ngư lôi loại Yu-6 của Hải quân Quân Giải phóng”, trước đó “bị thất lạc” trong một cuộc huấn luyện ở Đông Bắc đảo Hải Nam rồi được “dòng hải lưu đẩy tới Việt Nam”.

VOA có bài tổng hợp: Bắc Kinh phản ứng về ngư lôi có chữ Trung Quốc dạt biển Việt Nam. Bài viết lưu ý: Phú Yên “nằm cách quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Trung Quốc đều có tranh chấp, khoảng 300 dặm. Tỉnh miền Trung này cũng cách đảo Hải Nam, nơi đặt căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc, gần 400 dặm”. Nhiều người nghi ngờ rằng có thật chỉ do “dòng hải lưu” mà quả ngư lôi đã vượt qua quãng đường dài như vậy để đến sát bờ biển Việt Nam?


Vũ ‘nhôm’ và các vụ án đất công sản

RFA đưa tin: Vũ Nhôm có thể đối diện một vụ án mới. Theo đó, HĐXX vụ án Ngân hàng Đông Á, nhận định “13.400.000 USD mà ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ mua giúp ông Vũ có dấu hiệu một tội phạm khác, nên kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, nếu có đủ căn cứ thì có thể đưa ra xét xử”.

Sau khi HĐXX tuyên án, vẫn thấy bí ẩn 13,4 triệu USD của Vũ “nhôm”, theo báo Tiền Phong. Để làm rõ nghi vấn xung quanh 13,4 triệu USD, VKSND TP HCM kiến nghị, “cần điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TPHCM, Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học, Công ty TNHH Ernst and Young VN”.

Trang VietNamNet có bài tổng hợp các vụ phanh phui chuyển đổi đất vàng: Lộ vụ lớn, lãnh đạo cao cấp bị điểm tên. Một loạt quan chức cấp cao đã “ngã ngựa” trong năm 2018 vừa qua bởi sai phạm liên quan đến đất đai. Nhiều lãnh đạo Đà Nẵng như ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến, đều là cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng và các đồng phạm đã “vào lò” của Tổng – Chủ Trọng vì tiếp tay Vũ “nhôm” thu tóm đất công sản.

Nhiều quan chức cấp cao TP HCM như ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM, ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN&MT TP HCM và các thuộc cấp bị tạm giam và điều tra vì liên quan đến Vũ “nhôm” trong sai phạm ở “50 khu đất, nhà thuộc diện công sản trên địa bàn TP HCM, gây thất thoát, lãng phí”.



Lộ diện và siết nợ

Báo Dân Trí bàn về những nhóm lợi ích và góc khuất lộ diện từ các vụ án ở Ngân hàng. Bài viết cảnh báo, một loạt trọng án ngân hàng vừa qua, từ các vụ nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng, đến các phiên xử những đại gia, lãnh đạo ngân hàng một thời như các ông Trầm Bê, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm… “cho thấy còn gì đó bất ổn trong hệ thống mà tưởng như phải được kiểm soát rất chặt chẽ này”.

Sai phạm của ông Trần Bắc Hà ở BIDV: “Ngân hàng quốc doanh như BIDV, lại bị Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà lũng đoạn lại là chuyện đáng bàn hơn nhiều”. Bởi các ngân hàng do nhà nước kiểm soát “có đầy đủ các ban bệ trong nội bộ BIDV lẫn Ngân hàng Nhà nước kiểm tra cực kỳ chặt chẽ”. Dần dần, các thuộc hạ cũ của “đồng chí X” đều bị điều tra, khởi tố rồi siết nợ “đúng quy trình” để bù đắp thiệt hại cho ngân sách.


Kinh tế u ám

Tạp Chí Tài Chính đưa tin: Năm 2018, nợ công của Việt Nam dự kiến bằng 61,1% GDP. Đó là thông tin 1 chiều do bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và chương trình công tác năm 2019 của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Bộ Tài chính cũng thông tin thêm: “năm 2018, Tổng trị giá chi trả nợ nước ngoài năm 2018 của Chính phủ là 42.850 tỷ đồng”.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết đã “hoàn thành” chỉ tiêu nợ công mà Quốc hội đặt ra, ở mức khoảng 62,1% GDP. Tuy nhiên, vị đại diện này không cho biết cách tính nợ công, cũng như không nói đến các khoản vay của những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ ngàn tỷ, do chính phủ bảo lãnh. Theo dư luận “lề dân”, con số nợ công lớn hơn nhiều lần so với báo cáo của chính quyền và đã chạm ngưỡng hơn 230% GDP.

Việt Nam đã qua thời kỳ dân số vàng, dựa vào nhân công giá rẻ, và bán tài nguyên để phát triển. Đến nay, tài nguyên cạn kiệt chính quyền mới loay hoay tìm cách, trong đó giải pháp quan trọng nhất là tăng năng suất của Việt Nam, nhưng: “Vấn đề là có làm hay không”, theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam. Tại một hội thảo vừa được tổ chức, GSTS Kenichi Ohno cho biết: “Việt Nam đã không áp dụng bất kỳ công cụ năng suất nào của Nhật Bản đầy đủ hoặc thậm chí một phần”.

Học thuyết kinh tế méo mó “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” là nguyên nhân khiến lãnh đạo cộng sản không muốn cải cách kinh tế. Bởi, phát triển kinh tế tư nhân sẽ đe dọa chính sách cai trị. Sâu xa hơn, trí tuệ người dân phát triển, kinh tế phát triển, đời sống cao sẽ nguy hiểm cho chế độ.

Thêm bằng chứng thể hiện tình hình bất ổn của ngân sách: Cả năm trời không được trả lương, hàng loạt nhân viên Thú y nghỉ việc, theo báo Tuổi Trẻ. Hiện tượng không bình thường: “Con số nhân viên Thú y địa bàn thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM xin nghỉ việc chưa có dấu hiệu dừng lại bởi lý do họ không được thanh toán tiền lương từ đầu năm 2018 đến nay. Tính từ cuối năm 2017 đến nay có 10 người nghỉ việc”.

Hiện tượng này đã được nhiều nhà bình luận cảnh báo từ trước: Khi ngân sách ngày càng gặp khó, lãnh đạo buộc phải hy sinh các phần không quan trọng của bộ máy để tập trung cho những phần quan trọng nhất ở trung tâm.


Thảm họa nhiệt điện than

Báo Tiền Phong có bài: Nhà máy nhiệt điện đổ trộm xỉ thải: Tội vạ đổ đầu người dân. Hàng ngàn tấn tro, xỉ thải của nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, được nhà máy thuê đơn vị vận chuyển ngang nhiên đổ ra môi trường, thậm chí đổ thằng vào vườn của dân. Thanh tra, báo chí vào cuộc, người bị xử phạt lại là những hộ dân sống gần khu vực bị đổ thải.

Nhà máy nhiệt điện và đơn vị vận chuyển không bị xử phạt. Phó chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết: “Đơn vị vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt khoảng 250 triệu đồng nhưng vì doanh nghiệp này mang yếu tố nước ngoài nên thôi, phạt thế nặng lắm!”.

Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp có bài: Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than. Nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cung cấp điện của Việt Nam. Tuy nhiên, với công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, hàng ngày người dân Việt Nam đang hứng chịu ô nhiễm không khí. Xử lý tro xỉ từ nhiệt điện than đến nay cũng chưa có lời giải, tất cả đều đổ thẳng ra môi trường đất, hay thải ra biển. Đảng lãnh đạo đã đưa đất nước xuống bờ vực thẳm, người dân hiện phải cúi đầu chấp nhận đánh đổi môi trường, sức khỏe để đổi lấy điện, ít nhất trong vài chục năm nữa.

Các vụ “xẻ thịt” rừng  

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Những công trình “xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn hiện ra sao? Theo đó, nhiều công trình vi phạm tại khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn chưa được tháo dỡ, thách thức dư luận. Điển hình như khu sinh thái Thiên Phú Lâm xin tự tháo dỡ nhưng đến nay hầu như vẫn “án binh bất động”. Khu nhà của ca sĩ Mỹ Linh vẫn trơ trơ tồn tại. Hàng loạt lâu đài, biệt phủ của quan chức và các đại gia vẫn chờ sự việc “chìm xuồng”.

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, sẽ cưỡng chế 18 công trình ‘xẻ thịt’ đất rừng Sóc Sơn trong tháng 12, theo báo Tiền Phong. Chính quyền lý giải việc chậm cưỡng chế các sai phạm tại Sóc Sơn là do “chờ thanh tra”, chứ không phải bao che, mặc dù từ năm 2006, nhiều lần thanh tra đã đưa ra kết luận sai phạm. Lãnh đạo huyện cũng cho biết, theo kế hoạch, tháng cuối năm 2018, sẽ cưỡng chế 18 công trình sai phạm. Nhưng bây giờ sắp bước sang năm 2019, vẫn chưa thấy có tiến triển gì.

Nói về sai phạm của ca sĩ Mỹ Linh (cô ca sĩ ủng hộ xây dựng nhà hát ngàn tỷ trên xương máu dân oan Thủ Thiêm), lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết: “Diện tích đất của gia đình ca sỹ Mỹ Linh có ‘sổ đỏ’, trong đó có 400 m2 đất làm nhà ở, 200 m2 đất trồng cây ăn quả, còn lại 11.600 m2 vẫn là đất rừng”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Gia Lai: Ban Quản lý rừng “thay” lâm tặc triệt hạ hơn 550 ha rừng? Thanh tra tỉnh Gia Lai đang làm rõ việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, từ năm 2015 đến nay đã cấu kết, đốn hạ 550 ha rừng, không thể phục hồi. Đồng thời, lãnh đạo ban quản lý còn chi sai, bỏ túi hơn 1,6 tỉ đồng ngân sách.

Bí thư tỉnh ủy Gia Lai, ông Dương Văn Trang “đã tận mắt nhìn thấy các cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc nằm trong phạm vi quản lý của BQL rừng Ayun Pa”. Người dân địa phương cũng cung cấp bằng chứng cho thấy “tại đây rừng mất hàng trăm ha nhưng hàng năm vẫn được Sở NNPTNT Gia Lai duyệt chi, trả tiền giao khoán bảo vệ rừng”.


Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư bị đánh

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Cựu thư ký tòa đấm phó chủ nhiệm đoàn luật sư ngay tại tòa. Sáng 21/12, đang đứng trước tòa án Khánh Hòa chờ làm việc tại phiên xét xử, LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, bất ngờ bị Huỳnh Công Thoại, cựu thư ký TAND TP Nha Trang, xông đến đấm thằng vào mặt.

Ông Thoại từng bị nhiều người dân tố cáo khi được phân công làm thư ký các phiên xét xử, đã đòi tiền chạy án và chiếm dụng tài sản của đương sự. Khi bị tố cáo, ông thoại xin nghỉ việc và được chấp nhận. Hành vi côn đồ, ngang ngược không còn là cá biệt, mà đã trở thành bản chất của cán bộ cộng sản.

Báo Người Việt đưa tin, Khánh Hòa: Thư ký tòa đấm vào mặt luật sư để ‘trả thù’. Bài viết lưu ý: “Vụ hành hung Luật Sư Hà xảy ra trong bối cảnh nghề luật ở Việt Nam chịu nhiều thử thách, nhất là với một số luật sư thường nhận bào chữa cho người nghèo hoặc người biểu tình và nhà hoạt động nhân quyền”.


Người dân phản đối BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài

Đêm qua, nhiều người dân tập trung phản đối thu phí tại trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Vài ngày trước, hàng chục tài xế tập trung tại trạm BOT này, phản đối việc thu phí, dẫn đến việc chủ đầu tư phải xả trạm. Facebooker Cường Hoàng Công có clip:

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Tài xế lại phản đối trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Cũng như hầu hết các trạm BOT trên cả nước, đầu tư xây dựng tuyến tránh nhưng đặt trạm trên tuyến chính để tận thu cả những người không đi qua tuyến tránh. BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài bị người dân phản đối từ ngày 18/12 đến nay, với các nội dung phản đối: “Yêu cầu Vietracimex dỡ trạm BOT và chuyển về tuyến tránh”, “Không đi đường tránh sao lại phải trả tiền”.

Trạm BOT này là hợp đồng ký kết giữa bộ GTVT và công ty Vietracimex, để hoàn vốn cho công trình ở vị trí khác. Khi bị lộ, bộ GTVT đề nghị chính phủ cho dời trạm về đúng vị trí, nhưng chính phủ không đồng ý. TP Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu dừng thu phí nhưng không được.

Nguyên nhân không dời trạm thu phí cho thấy sự thật buồn việc khó di dời BOT Bắc Thăng Long, theo báo Đất Việt. Nguyên nhân là do Vietracimex đã ký hợp đồng thu phí tại trạm BOT, rồi sử dụng hợp đồng này vay tiền ngân hàng để đầu tư dự án khác của chính phủ. Vì thế, dời trạm sẽ giảm “doanh thu”, kéo theo hệ lụy nhiều dự án khác. Nên chính phủ cương quyết “móc túi dân”, chứ không chịu lãnh hậu quả do sai lầm của họ gây ra.

Hợp đồng của BOT Bắc Thăng Long còn cho thấy, sự thật đằng sau những kế hoạch xây dựng hạ tầng giao thông. Đó là khi ngân khố trống rỗng, chính phủ làm liều, giao doanh nghiệp trực tiếp móc túi dân, xây đường. Trong khi người dân hàng ngày đã chịu hàng trăm thứ thuế, phí, mà không có một đồng nào được chính phủ sử dụng đúng. Nếu BOT Thăng Long đổ vỡ, hàng loạt công trình tiếp sau trên cả nước sẽ khó thực hiện.


Giáo dục nát bét

Báo Đất Việt có bài: Nghi thầy giáo hại đời nữ sinh: ‘Chưa đầy 1 tiếng thì…’. Một đồng nghiệp của “thầy giáo”, nghi can hãm hiếp nữ sinh lớp 8, cho biết: “Chỉ chưa đầy 1 tiếng sau khi họp đánh giá cuối năm thì tôi nhận được thông tin này mà bất ngờ quá. Đây là việc khiến nhà trường và cả xã hội rất buồn. Từ khi tôi về trường, chưa thấy thầy Đăng có biểu hiện gì khác thường hay ai phản ánh có biểu hiện gì lạ với nữ sinh”.

Bộ GD-ĐT: Hành vi hiếp dâm học sinh lớp 8 của thầy giáo là không thể chấp nhận, theo báo Người Lao Động. Bộ yêu cầu sở GD-ĐT Gia Lai “kiểm tra, xác minh, phối hợp với các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm minh vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo nói trên (nếu có)”, rồi báo cáo kết quả xác minh và tình hình sự việc về Bộ trong ngày 23/12.

Tuy nhiên, sau quá nhiều bê bối liên quan đến tội phạm tình dục với trẻ em, nhiều người không còn hy vọng Bộ GD&ĐT có thể giải quyết, xử lý thích đáng các vấn đề như vậy. Bộ Giáo dục nên đổi tên thành… Bộ Dục như đề nghị của một số cư dân mạng.


***





No comments:

Post a Comment