Monday, December 24, 2018

2018, QUAN HỆ ĐỒNG MINH PHÁP - MỸ BỊ THỬ THÁCH (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 24-12-2018

Mối bang giao "đặc biệt" giữa hai "đồng minh truyền thống" Pháp và Mỹ đã xấu đi trong một năm qua và càng trở nên tồi tệ hơn từ mùa thu năm nay. Và điều tệ hại là tổng thống Mỹ Donald Trump không bỏ lỡ cơ hội nào để công kích đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron.

Dường như “tức nước vỡ bờ”, vừa qua, tổng thống Pháp phải lên tiếng nhắc nhở rằng, là đồng minh thì phải "sát cánh bên nhau", là những đối tác "đáng tin cậy của lẫn nhau và phải phối hợp với nhau".

Đang công du Tchad, ông Macron đả kích việc Mỹ rút quân ra khỏi Syria, đồng thời ca ngợi tướng James Mattis, là một “đối tác đáng tin cậy”. Để phản đối quyết định của tổng thống Mỹ, tướng Mattis đã từ chức bộ trưởng Quốc Phòng. Vị lão tướng này luôn chủ trương nước Mỹ cần "tôn trọng các đồng minh".

Trong những tháng đầu mới nhậm chức, tổng thống Pháp Emmanel Macron đã có nhiều cử chỉ thân thiện với nguyên thủ Mỹ. Ông là nguyên thủ đầu tiên công du Hoa Kỳ ở cấp Nhà nước kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Tổng thống Macron và phu nhân hồi tháng 4/2018 đã được nguyên thủ Mỹ và phu nhân tiếp đón long trọng. Đôi bên đã đặc biệt đối xử với nhau một cách thân tình như những người bạn lâu năm.

Chủ nhân điện Elysée đã tưởng chừng tìm ra được một ngôn ngữ chung để nói chuyện với lãnh đạo Nhà Trắng, phần nào san bằng được những bất đồng sâu rộng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu nói chung, giữa Washington và Paris, nói riêng.

Những bất đồng đó chủ yếu xoay quanh ba hồ sơ là hạt nhân Iran, thương mại và môi trường. Thế nhưng, các nỗ lực của Emmanuel Macron không làm Donald Trump lay chuyển: Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, từ bỏ hiệp định hạt nhân Iran. Riêng về thương mại, Washington chỉ tạm ngưng đánh thuế nhập khẩu vào hàng hóa châu Âu.

Trong bối cảnh đó, tháng 9/2018, Emmanuel Macron và Donald Trump gián tiếp tuyên chiến với nhau qua hai bài diễn văn đọc cách nhau vào phút tại Đại Hội Liên Hiệp Quốc. Lập trường của Washington và Paris như hai thái cực trên địa cầu. Nguyên thủ Hoa Kỳ nói đến một thế giới mà ở đó "Nước Mỹ là trên hết". Còn tổng thống Pháp đưa ra một tầm nhìn về một thế giới đa cực và mở rộng … Các nhà bình luận quốc tế, mà đứng đầu là nhiều cây bút uy tín của Hoa Kỳ, đã trông thấy ở Emmanuel Macron "con đê ngăn chận làn sóng mang tên Trump".

Bước vào đầu mùa thu năm nay, Donald Trump dồn dập công kích "ông bạn" Macron qua hàng loạt những tin nhắn Twitter.

Vừa đặt chân đến Paris dự lễ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế Chiến Thứ Nhất, tổng thống Hoa Kỳ, bất chấp các lịch sự ngoại giao tối thiểu đối với nước chủ nhà, đã thẳng thừng chỉ trích kế hoạch thành lập “quân đội châu Âu” do ông Macron chủ xướng và coi đó là một điều "sỉ nhục" đối với nước Mỹ. Cuộc gặp sau đó tại điện Elysée giữa hai ông Trump và Macron được mô tả là "băng giá".

Tổng thống Pháp cố gắng cứu vãn tình thế, chiều lòng nguyên thủ Mỹ qua tuyên bố "NATO cần tăng ngân sách quốc phòng" chia sẻ gánh nặng với Hoa Kỳ. Thế nhưng, chủ nhân Nhà Trắng vẫn chưa hả dạ. Về đến Washington, ông Trump, vẫn qua Twitter, châm chọc "điểm tín nhiệm rất thấp (26 %)" của Macron, mỉa mai quan hệ mật thiết của trục Paris - Berlin hiện nay, khi nhắc lại là có thời kỳ Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng và may mà có những người lính Mỹ đổ bộ lên Lục Địa Già để tham gia giải phóng.

Từ giữa tháng 11/2018 vào lúc tổng thống Macron bối rối vì phong trào xã hội Áo Vàng, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Donald Trump tiếp tục bình luận : khủng hoảng Áo Vàng cho thấy là Pháp "nên rút lại thỏa thuận chống biến đổi khí hậu là hơn", hay "ngay cả tại Paris cũng không ai muốn văn bản này". Ngày 08/12 vào lúc Emmanuel Macron chạy đua với thời gian tìm giải pháp chữa cháy, Donald Trump vẫn không “buông tha”, gợi ý Emmanuel Macron là "có lẽ đã đến lúc khai tử thỏa thuận khí hậu Paris, lố bịch và vô cùng tốn kém, và hãy hoàn lại tiền cho người dân, giảm thuế cho họ". Đến mức mà ngoại trưởng Jean -Yves Le Drian phải lên tiếng, kêu gọi tổng thống Hoa Kỳ "tránh xen vào công việc nội bộ của Pháp".

2018 là một năm đầy thử thách đối với quan hệ giữa Mỹ và đối tác châu Âu, đặc biệt là giữa Washington và Paris. Hai năm cầm quyền của Donald Trump vừa qua chắc chắn là đủ cho các đồng minh của Mỹ nhận thức được rằng quan hệ với Hoa Kỳ vẫn là yếu tố chiến lược, nhưng châu Âu cũng phải tự quyết định về vận mệnh của mình.





No comments:

Post a Comment